Những sai lầm "dễ gặp" của tân cử nhân khi phỏng vấn xin việc

hangcham, Theo Trí Thức Trẻ 00:04 23/05/2017

Nếu như ở môi trường học đường, các mối quan hệ bạn bè... việc cao su giờ chưa gây ảnh hưởng đến bạn, hoặc chỉ đang nằm ở dạng "tiềm năng" thì việc đến muộn trong buổi phỏng vấn thậm chí có thể mất đi cơ hội được làm việc trong một môi trường tốt với công việc yêu thích.

Thiếu kỹ năng giao tiếp

Kỹ năng giao tiếp là một trong những yếu tố cần thiết mà mỗi sinh viên cần có trên hành trình xin việc của mình. Đây cũng là một lợi thế để thể hiện bản thân cũng như nắm bắt cơ hội trong cuộc sống. Tuy nhiên, nhiều sinh viên mới ra trường lại mắc phải điểm yếu này, ngại nói nơi đông người hay không tự tin phát biểu ý kiến trước ai đó. Vậy làm sao có thể thuyết phục nhà tuyển dụng rằng bạn là một người năng động, thích nghi được với môi trường làm việc tốt... nếu cứ ấp a ấp úng giới thiệu về bản thân một cách thiếu chuyên nghiệp?

Những sai lầm dễ gặp của tân cử nhân khi phỏng vấn xin việc - Ảnh 1.

Vốn quen với những trang phục thoải mái nơi đời sống học đường, nhiều tân cử nhân chưa thật sự chú trọng đến cách ăn mặc trong buổi phỏng vấn

Nguyên nhân của việc này do các bạn không thường xuyên và chủ động tham gia các hoạt động đoàn thể và chưa hiểu rõ tầm quan trọng, cần thiết của kỹ năng giao tiếp. Chính điều này đã hạn chế khả năng giao tiếp và phản xạ. Thế nên, trong quá trình học tập cũng như cuộc sống hàng ngày, sinh viên cần không ngừng cố gắng để trau dồi và hoàn thiện kỹ năng quan trọng này. 

Bạn chưa chọn trang phục phù hợp

Năng lực làm việc là yếu tố quan trọng nhất để nhà tuyển dụng đánh giá một ứng viên nhưng bạn cũng có thể bị loại vì không biết cách ăn mặc sao cho phù hợp trong buổi phỏng vấn. Vốn quen với những trang phục thoải mái trên giảng đường, nhiều tân cử nhân chưa thật sự chú trọng đến cách ăn mặc. Trang phục không chỉn chu thể hiện bạn chưa thật sự nghiêm túc trong buổi phỏng vấn và cũng gây mất thiện cảm với người phỏng vấn. Vậy nên hãy chuẩn bị cho mình một hay hai bộ trang phục phù hợp cho hành trình xin việc. Và đừng áp dụng thời trang học đường vào thời trang công sở bạn nhé!

Bạn quá quan tâm đến vấn đề lương lậu

Có được một công việc với mức thu nhập hấp dẫn là điều ai cũng muốn. Nhưng khi mới bước chân ra khỏi giảng đường, có nhiều điều bạn cần quan tâm hơn là chuyện lương lậu. Không ít sinh viên sau khi ra trường đều vội vàng tìm kiếm cho mình công việc đầu tiên chỉ với mục đích có thu nhập, hoặc không nghiêm túc suy nghĩ xem công việc đó liệu có phù hợp? Và sẽ thật mất điểm nếu trước mặt các nhà tuyển dụng, bạn chỉ quan tâm đến vấn đề lương lậu, còn công việc đó như thế nào, bạn sẽ phát triển nó ra sao thì lại là vấn đề... ngoài lề.

Đến muộn trong buổi phỏng vấn

Những ngày tháng trên giảng đường, khái niệm "giờ cao su" có lẽ không còn xa lạ gì với các sinh viên. Đi học muộn - chuyện không hiếm, họp nhóm đến đúng giờ mới là chuyện lạ, gặp gỡ bạn bè cao su là chuyện đương nhiên... Có lẽ chính vì vậy, mà đến muộn trong buổi phỏng vấn là điều hoàn toàn có thể xảy ra ở thực tế.

Những sai lầm dễ gặp của tân cử nhân khi phỏng vấn xin việc - Ảnh 2.

Kỹ năng giao tiếp là một trong những yếu tố cần thiết mà mỗi sinh viên cần có trên hành trình xin việc của mình

Nếu như ở môi trường học đường, các mối quan hệ bạn bè... việc cao su giờ chưa gây ảnh hưởng đến bạn, hoặc chỉ đang nằm ở dạng "tiềm năng" thì việc đến muộn trong buổi phỏng vấn thậm chí có thể mất đi cơ hội được làm việc trong một môi trường tốt với công việc yêu thích. Vì khi chưa rõ năng lực của bạn ra sao, điều đầu tiên nhà tuyển dụng đã có ấn tượng xấu với bạn, bởi đến sai giờ hẹn nghĩa là bạn đang không tôn trọng công việc đó và người phỏng vấn. Do đó, các tân cử nhân lưu ý, tuyệt đối không đến muộn trong cuộc gặp gỡ với các nhà tuyển dụng nhé!

Sinh viên mới ra trường thì lấy đâu ra kinh nghiệm?

Đây là thắc mắc của rất nhiều sinh viên mới "chân ướt chân ráo" trên bước đường tìm việc. Và khi nhà tuyển dụng hỏi về điều này các bạn đều nghĩ rằng mình không có kinh nghiệm gì. Nhưng thật ra bạn cần hiểu rõ rằng, kinh nghiệm không nhất thiết phải là bạn đã từng làm ngành nghề này ở một nơi nào khác, trong một khoảng thời gian nào đó... Kinh nghiệm còn có thể là những gì bạn đã trải qua và đúc rút được từ thực tiễn cuộc sống, trên giảng đường hay các hoạt động xã hội...

Bạn từng nằm trong thành phần BTC hội trường, từng tham gia tình nguyện, kêu gọi một chương trình từ thiện... Hãy cứ tự tin giới thiệu bản thân và những hoạt động bạn đã trải nghiệm. Bởi các nhà tuyển dụng sẽ rất quan tâm và đánh giá cao những điều này, vì nó cho thấy sự năng động, tìm tòi, khám phá và phát triển bản thân của chính bạn.

Những sai lầm dễ gặp của tân cử nhân khi phỏng vấn xin việc - Ảnh 3.