Nỗi khổ của con cái có mẹ là giáo viên dạy online: Muốn phát điên vì cứ đều đặn 30s/lần mẹ nhờ chỉnh chỗ này, sửa chỗ kia

Diệu Thu, Theo Tổ Quốc 12:43 15/04/2020

Chắc chỉ ai có bố mẹ là giáo viên mới hiểu cái cảm giác rơi vào tình huống khó xử rồi những câu chuyện éo le cười ra nước mắt khi dạy học online giữa mùa dịch Covid-19 như thế nào?

Học online với sự hỗ trợ của Microsoft Teams, Google Classroom, Zoom Meeting,... được đánh giá là biện pháp phù hợp nhất cho đến thời điểm hiện tại, giúp bù đắp lượng kiến thức bị thiếu hụt trong năm học cho học sinh, sinh viên đồng thời đảm bảo sức khoẻ, sự an toàn và phòng tránh lây lan dịch bệnh Covid-19 cho cộng đồng. Tuy nhiên phương pháp này vẫn còn khá mới mẻ, khác biệt so với các lớp học truyền thống trước đó. Điều này lý giải vì sao thời gian gần đây, cộng đồng mạng thường xuyên truyền tay nhau những tình huống khó xử, dở khóc dở cười xoay quanh chủ đề dạy và học online.

Kéo theo việc dạy học online là 1001 câu chuyện mang tên nỗi niềm của con cái các nhà giáo. Nào là trung bình cứ 30s/lần mẹ sẽ gọi hỗ trợ, giúp mẹ làm Microsoft PowerPoint, chỉnh chỗ này, sửa chỗ kia, rồi thì ngồi nghe mẹ giảng cả ngày với tone giọng sang sảng... và còn muôn vàn cảm giác "phiền toái" không tên khác. Nhưng mỗi ngành nghề đều mang đặc thù riêng nên sau tất cả những đứa trẻ vẫn luôn tự hào, kính trọng nghề nghiệp của bố mẹ chúng. Như mới đây, trên trang cá nhân, bạn Vương Đan Linh có đăng tải câu chuyện "Nỗi khổ khi có mẹ là giáo viên trong thời kỳ giảng dạy Online". Bài viết ngay sau đó đã khiến nhiều người đồng cảm, thậm chí cư dân mạng còn được phen cười ra nước mắt khi nghe cô bạn chia sẻ.

Nỗi khổ của con cái khi mẹ giảng bài online: Mình muốn phát điên vì cứ đều đặn 30s/lần mẹ nhờ chỉnh chỗ này, sửa chỗ kia - Ảnh 1.

Mẹ của Vương Đan Linh là một giáo viên Ngữ văn, cô dạy chủ yếu từ lớp 9 đến lớp 12.

Nguyên văn bài đăng của Vương Đan Linh trên trang cá nhân như sau:

"Thật sự bài viết này mình dự định lâu lắm rồi vì quả thực là có 1001 câu chuyện hài hước xoay quanh sự việc mẹ yêu dấu Hải Liên của mình dạy học Online nhưng mà con cái ai lại đi nói xấu mẹ mình bao giờ phải không? Tuy nhiên hôm nay, vào giây phút này, tranh thủ lúc mẹ đang họp phụ huynh online thì mình xin phép được tâm sự về người mẹ đã khiến cho mình rất nhiều lần mất kiên nhẫn trong suốt mấy tháng vừa qua. Ngày hôm nay là tức nước vỡ bờ, giọt nước tràn ly nên mình không thể yên lặng được nữa.

Đầu tiên là câu chuyện diễn ra mỗi ngày, trong khi con gái thân yêu của mẹ còng cả lưng để làm PowerPoint cho mẹ thì cứ trung bình 30s/lần mẹ sẽ gọi í ới bên cạnh: "Móm ơi, cứu mẹ quả này con ơi! Ôi Móm ơi loa của nó ở đâu con ơi! Ôi Móm ơi mẹ copy đoạn này không được. Ôi Móm ơi cái này tự dưng nó bị bé lại! Ôi Móm ơi sao mẹ không đổi được màu hả con ơi!" và 7749 những câu gọi tương tự như vậy nữa,...

Nỗi khổ của con cái khi mẹ giảng bài online: Mình muốn phát điên vì cứ đều đặn 30s/lần mẹ nhờ chỉnh chỗ này, sửa chỗ kia - Ảnh 2.

Vấn đề sẽ không to tát gì nếu như mình không phải một người béo và mỗi lần mẹ gọi mình lại ì ạch đứng dậy sang bàn mẹ chỉnh chỉnh rồi lại về lại vị trí vốn có để sửa bài cho mẹ tiếp. Quả là hồng nhan bạc phận, chắc nhờ mẹ mà con sắp mình hạc xương mai vòng eo con kiến. Rồi câu chuyện sẽ không dừng lại ở đây khi mà cả ngày mẹ gọi dạy online, và ai đã học qua mẹ mình rồi thì biết được tone giọng của mẹ Liên thật sự là hiếm có, cứ sang sảng sang sảng, khẩu hình mở to, lực thì ít, sức công phá thì nhiều, vang hết cỡ mà ai nghe? Ai nghe? Đương nhiên là các em học sinh nghe nhưng bên cạnh đấy vẫn có mình nghe nữa.

Lạy chúa trên cao từng câu từng chữ văn học cứ đập bôm bốp vô tai mình đến nỗi mà mình có thể trả lời ngay lập tức tất cả những câu hỏi mà mẹ hỏi các em. Cố lên các em ơi đừng để mẹ chị bực mình mẹ chị quát cho thì các em khổ 1 chị khổ 20. Tương lai đôi tai xinh xắn này là ở các em.

Câu chuyện thứ 3, đã khiến mình tức nước vỡ bờ ngày hôm nay, chính là câu chuyện mẹ làm mình phát điên. Mẹ kêu mình gõ cho mẹ cái đề vào Word, mình hoàn thành nhanh chóng. Xong mẹ bảo: "Con ơi con up cho mẹ cái đề lên Teams", mình cũng làm ngay lập tức. Cứ tưởng chỉ up cái file lên thôi nhưng không, sự thật là phải nhập từng câu hỏi vào như làm Google Form. Mình vẫn kiên nhẫn, nhập từng câu, từng chữ, từng đáp án một. "Vậy chỉ vài phút trước đó, mẹ kêu con gõ ra Word, có tác dụng gì mẹ Liên ơi?"

Một số hình ảnh đời thường cute hột me của bạn Vương Đan Linh và mẹ

Ôi nhưng các bạn nghĩ chỉ thế thôi? Không đâu, cuộc đời này đâu có dễ dàng như vậy? Sau khi nhập gần đủ 20 câu hỏi, mỗi câu 4 đáp án lên cái công cụ kia theo hướng dẫn của mẹ, thì mẹ gọi đồng nghiệp nhờ trợ giúp cài đặt đáp án đúng. Bất ngờ cũng từ đây, hóa ra là không phải up thẳng lên Teams, mà phải điền qua Google Form trên Office 365, sau đó mới up qua Teams.

Tóm tắt lại là gì? Là mình phải nhập lại 20 câu hỏi cộng 4 đáp án, mỗi câu vào một cái Form khác, gõ 3 lần. Tuyệt quá mẹ Liên, mẹ tuyệt lắm! Mẹ mình còn cười hề hề, giải thích rằng các cô dạy mẹ rồi mà mẹ quên con ạ. Chắc mẹ mình nghĩ mình đang rảnh lắm nhưng không mẹ à, con còn Khoá luận tốt nghiệp, con còn phải tập thể dục, con còn phải ngủ, phải nhịn ăn, rửa bát quét nhà mỗi ngày, và quan trọng nhất con còn phải đỡ trên vai gánh nặng nhan sắc của gia đình mình và toàn xã hội nữa mẹ ạ.

Vậy nên rất hy vọng, Việt Nam cố gắng vượt qua giai đoạn này, để mẹ mình có thể xúng xính váy quần đi dạy, đi ươm những mầm non tương lai của đất nước ở ngôi trường thân yêu, chứ không phải ở nhà như vậy nữa. Các em học sinh cũng tập trung vào học hành, đừng để mẹ chị phải lớn tiếng nữa nhé. Cuối cùng, con yêu mẹ Liên nhiều lắm mẹ Liên ơi!"

Nỗi khổ của con cái khi mẹ giảng bài online: Mình muốn phát điên vì cứ đều đặn 30s/lần mẹ nhờ chỉnh chỗ này, sửa chỗ kia - Ảnh 5.