Nỗi khổ khi được lên làm sếp: Làm 14 tiếng/ngày, không có thời gian rảnh nhưng lương còn thấp hơn nhân viên

Vân Anh - Design: Thành Đạt, Theo Phụ nữ số 00:01 06/04/2024

Tại sao những bạn trẻ này chấp nhận làm việc ở vị trí “thăng chức nhưng không tăng lương”?

Thăng chức là một tin đáng chúc mừng với nhiều người. Nhiều nhân sự trong suốt những năm tháng đi làm, họ đều làm việc một cách nghiêm túc để hướng đến mục tiêu thăng tiến, với hy vọng mở rộng cơ hội phát triển đi kèm với mức lương hấp dẫn.

Thế nhưng, sẽ thế nào nếu việc thăng chức của bạn đánh đổi với mức lương "đứng im", thậm chí còn thấp hơn so với vị trí cũ? Đây chính là tình trạng mà nhiều dân văn phòng gặp phải hiện nay, trong bối cảnh các doanh nghiệp làm ăn khó khăn và làn sóng sa thải vẫn lan rộng.

Lên chức quản lý nhưng làm việc 14 tiếng/ngày, lương còn thấp hơn nhân viên

Thanh Nhàn (29 tuổi, Hà Nội) chia sẻ cô được bổ nhiệm vào vị trí quản lý đội ngũ Content, thay thế cho người sếp trước đã nghỉ việc. Ban đầu, Thanh Nhàn kỳ vọng lần thăng chức này sẽ thay đổi mức lương và con đường phát triển sắp tới. Tuy nhiên, mọi chuyện không như cô kỳ vọng.

Thanh Nhàn lên chức mới vào thời điểm công ty gặp khó khăn kinh tế. Với quỹ lương eo hẹp, cấp trên không có ý định tuyển mới nhân sự. Điều này đồng nghĩa Thanh Nhàn vừa làm công việc quản lý, vừa kiêm thêm đầu việc chuyên môn mà vị trí cũ của cô trước đây đảm nhiệm. Tuy nhiên, đánh đổi là mức lương vẫn giữ nguyên như cũ, tức 20 - 22 triệu đồng/tháng.

Nỗi khổ khi được lên làm sếp: Làm 14 tiếng/ngày, không có thời gian rảnh nhưng lương còn thấp hơn nhân viên - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

"Với vị trí này của mình, nhân sự cũ thường tận dụng 'danh tiếng' để tìm công việc bên ngoài - đây mới là nguồn thu chính. Bởi thực tế tại bộ phận này, vị trí quản lý và nhân viên có mức lương gần như ngang nhau.

Tuy nhiên, do thiếu nhân sự, nên mình vừa phải đảm nhiệm công việc quản trị con người, vừa phải ôm đồm thêm công việc chuyên môn như viết bài, trao đổi đối tác… Do đó, mình không có thời gian nghỉ ngơi, cũng như nâng cao trình độ chuyên môn và tự tìm thêm các job bên ngoài như ở thời điểm còn làm nhân viên thông thường.

Nói cách khác, mức lương của mình còn giảm hơn so với trước kia. Bởi mức lương từ công việc văn phòng là tương đương nhau, trong khi ngày trước, mình còn có thời gian làm job ngoài, kiếm thêm 3-5 triệu đồng/tháng", Thanh Nhàn so sánh về mức lương khi còn làm nhân viên bình thường và khi làm quản lý.

Mức lương thấp hơn so với hồi chưa lên chức, nhưng "đánh đổi" của Thanh Nhàn lại là nhiều áp lực và trách nhiệm hơn. Cô nàng chia sẻ: "Mình đánh giá làm quản lý vất vả hơn nhân viên. Vì khi đó, mình vừa báo cáo tình hình làm việc, lên kế hoạch cho thời gian sắp tới, song song là quản trị con người. Trước kia, khi còn làm nhân viên, nếu KPI của phòng không hoàn thành thì mình cũng không quá quan tâm. Còn khi đã lên cấp độ quản lý, mọi chuyện hoàn toàn khác.

Từ khi lên làm quản lý, mình phải làm việc nhiều hơn, trung bình một ngày làm việc kéo dài từ 9h sáng đến 9h tối, ngày thứ bảy và chủ nhật cũng hiếm hoi được nghỉ việc. Cân nặng đi lên, trong khi sức khoẻ và độ tin tưởng bản thân đi xuống. Mình đánh giá cao ở đợt thăng chức này chỉ là bản thân có cơ hội học hỏi được nhiều hơn, được trải nghiệm lĩnh vực mới và làm dày CV nếu có… ý định nhảy sang công việc khác".

Nỗi khổ khi được lên làm sếp: Làm 14 tiếng/ngày, không có thời gian rảnh nhưng lương còn thấp hơn nhân viên - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Từ quan điểm cá nhân, Thanh Nhàn cho rằng có một lý do khiến cô nàng được tăng lương nhưng không thăng chức, ngoài yếu tố công ty làm ăn khó khăn do kinh tế. Đó là "hiệu ứng cánh bướm" trong cách sắp xếp lương hiện tại giữa các phòng ban.

"Nhân viên của mình, thậm chí kể cả mình khi ở vị trí của các bạn, cũng nghĩ thăng chức đồng nghĩa tăng lương. Nhưng khi lên mới giật mình vì mức lương được trả ngang nhau.

Ban đầu, mình đã đề nghị công ty phê duyệt tăng lương vì giờ đầu việc bản thân cần làm tăng lên gấp đôi. Tuy nhiên, cấp trên liên tục lấy lý do là làm ăn khó khăn, nên mức lương chưa thể gia tăng nhanh chóng được. Nếu giờ mình được tăng lương, các bạn quản lý khác cũng đòi hỏi mức lương như vậy sẽ tạo thành 'hiệu ứng cánh bướm'. Quỹ lương của công ty sẽ không còn đủ để trả cho cấp bậc quản lý nữa".

Cùng hoàn cảnh với Thanh Nhàn là câu chuyện của Nguyễn Văn (32 tuổi, TP. HCM) cách đây 2 năm trước. Ngay sau khi vừa ra trường, anh chàng gắn bó với một công ty trong 5 năm ở vị trí Kỹ sư thiết kế. Trong thời gian này, Nguyễn Văn được tăng lương từ vị trí thực tập sinh lên nhân viên chính thức là 4 triệu - 20 triệu đồng. Sau đó, anh được bổ nhiệm vào vị trí trưởng phòng là 25 triệu đồng.

Nỗi khổ khi được lên làm sếp: Làm 14 tiếng/ngày, không có thời gian rảnh nhưng lương còn thấp hơn nhân viên - Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ

Với Nguyễn Văn, sự thay đổi tiền lương 20 triệu đồng lên 25 triệu đồng là không đáng kể. Bởi dưới vai trò trưởng phòng, anh cần đảm nhiệm nhiều công việc và trách nhiệm hơn. Trong khi đó, từ khi còn làm nhân viên anh chàng đã kiếm được mức lương tương đương vị trí trưởng phòng, nếu chịu nhận thêm công việc bên ngoài.

"Đợt đó, mình được thăng chức, cứ ngỡ mức lương sẽ trên 30 triệu đồng. Sau đó, mình có đề nghị được nhận thù lao cao hơn thì công ty kêu vừa hết dịch bệnh, năm nay không ai duyệt tăng lương đâu. Sang năm thì nói công ty vẫn làm ăn khó khăn, nên mình không còn được tăng lương theo thâm niên nữa, mà bù lại là được giảm 30 phút giờ làm, đi kèm với chế độ bảo hiểm được cải thiện.

Mình làm được một thời gian, thì thời gian làm việc bắt buộc của toàn nhân viên kéo dài đến 6h tối. Mình còn phải trực thêm cả ngày thứ bảy vì là trưởng phòng. Mình chịu đựng khoảng 4 tháng là nộp đơn xin nghỉ việc", Nguyễn Văn chia sẻ.

Anh chàng cho biết thêm, từ khi thăng chức, anh không còn nhiều thời gian cho bản thân nữa, chẳng hạn như đi du lịch, ăn uống tụ họp cùng bạn bè… "Về tài chính thì mình còn tiết kiệm được hơn rất nhiều so với thời làm nhân viên bình thường. Bởi mức thu nhập vẫn vậy, chỉ có phát sinh chi phí gặp gỡ đối tác và quản lý nhân viên. Còn lại, nhu cầu dành cho thư giãn thì không còn như trước, vì thời gian rảnh của mình hầu hết dành cho công việc. Do đó, mình tiết kiệm được tiền cafe, mua sắm trang phục dành cho cá nhân hay đi du lịch,...", anh chàng bộc bạch.

Nên làm gì tiếp theo?

Có ý kiến cho rằng, nhân sự chấp nhận làm việc ở vị trí "thăng chức nhưng không tăng lương" để tích lũy kinh nghiệm chuyên môn dành cho những lần nhảy việc sang vị trí và công ty có mức đãi ngộ tốt hơn. Cả Nguyễn Văn và Thanh Nhàn đều đồng tình với nhận định này.

Thanh Nhàn nhận định: "Những nhân sự như mình đang ở thế khó khăn. Bởi mình chưa đủ kinh nghiệm ở vị trí quản lý để có thể làm đẹp hồ sơ, hoặc chuyển sang công ty khác có lương tốt hơn. Tuy nhiên, mình cũng không có tiếng nói trong công ty để có thể đưa ra đề nghị nhận được mức thù lao xứng đáng.

Do đó, dự định trước mắt của mình vẫn là tiếp tục làm việc ở công ty cũ, tích lũy thêm kinh nghiệm, khả năng chuyên môn và các mối quan hệ, nhằm chuẩn bị cho những lần nhảy việc sắp tới. Bên cạnh đó, mình cũng chờ đợi công ty có thể mở rộng tuyển mới nhân viên, như thế vị trí hiện tại sẽ nhẹ nhàng hơn và bản thân có thời gian tìm thêm job ngoài".

Nỗi khổ khi được lên làm sếp: Làm 14 tiếng/ngày, không có thời gian rảnh nhưng lương còn thấp hơn nhân viên - Ảnh 4.

Ảnh minh hoạ

Thanh Nhàn cũng cho biết, một lý do khiến nhân sự như cô ngại chuyển việc vì đây là thời điểm kinh tế khó khăn và làn sóng sa thải vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. "Do đó, chỉ khi tìm được công việc mới phù hợp hơn, mình mới chính thức nghỉ ở công ty hiện tại", cô nàng cho biết.

Trong khi đó, Nguyễn Văn chia sẻ anh chàng đã chính thức nghỉ việc ở công ty cũ, sau đó chuyển sang làm vị trí tương tự cho một công ty khác, với mức lương 35 triệu đồng/tháng, tức tăng gấp rưỡi so với công việc cũ. Trong khi đó, áp lực đã được giảm đi khá nhiều.

Nguyễn Văn nhớ lại: "Mình rời công ty cũ vì stress do ôm đồm quá nhiều việc cùng lúc, nhưng cấp trên không hỗ trợ. Trước đó, mình đề nghị mức lương cao hơn nhưng không được phê duyệt, mình đã chính thức rời đi và tìm thấy công việc hiện tại.

Một điều đặc biệt là trước đó, mình đề nghị tăng lương nhưng không được bộ phận phê duyệt. Tuy nhiên, khi mình vừa rời đi, bộ phận đó cần thuê 3 bạn nhân viên mới với mức lương cần trả là 10 triệu đồng/tháng để đảm nhiệm công việc mình bỏ lại. Sau một thời gian mình rời đi, sếp cũ gọi quay lại nhưng mình xác định một khi đã bước đi thì không quay lại chỗ cũ, trừ khi cùng đường".

Từ trải nghiệm cá nhân, Nguyễn Văn cho rằng nếu bạn thấy vị trí hiện tại không được trả lương xứng đáng thì hãy cố gắng tích lũy đủ kinh nghiệm, sau đó chuyển sang một môi trường phù hợp khác.

"Khi các bạn đủ năng lực và kinh nghiệm thì hãy mạnh dạn nghỉ việc, tìm nơi trả lương xứng đáng. Vì mỗi lần nhảy việc là một cơ hội tăng lương", Nguyễn Văn cho hay.