Nỗi ô nhục nghìn thu của triều đại Joseon qua lăng kính điện ảnh trong “Nam Hán Sơn Thành”

Nguyên Khánh, Theo Trí Thức Trẻ 18:29 22/07/2018

Với những đại cảnh cháy nổ mãn nhãn cùng dàn sao thực lực, "Nam Hán Sơn Thành" (The Fortress) đã tái hiện trọn vẹn 47 ngày lánh nạn đầy tủi nhục của vua tôi Triều Tiên trong cuộc binh biến Bính Tý Hồ loạn năm 1636.

Sau thành công vang dội của hai đứa con tinh thần Silenced (2011) và Miss Granny (2014), đạo diễn kiêm biên kịch Hwang Dong Hyuk lại thử sức với thể loại cổ trang qua tác phẩm The Fortress (Nam Hán Sơn Thành). Dựa trên một biến động lịch sử có thật lẫn cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Kim Hoon, bộ phim xoay quanh cuộc binh biến Bính Tý Hồ loạn đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến cục diện kinh tế, chính trị của triều đại Joseon vào thế kỉ 17.

Nỗi ô nhục nghìn thu của triều đại Joseon qua lăng kính điện ảnh trong “Nam Hán Sơn Thành” - Ảnh 1.

Uất hận nghìn thu chưa thể rửa

Những năm 1630, nhà Thanh ở vùng Mãn Châu trỗi dậy cực kì mạnh mẽ, bắt đầu uy hiếp cả Trung Nguyên. Dưới sự trị vì của Đại Hãn Hoàng Thái Cực, Thanh Triều luôn nhem nhóm ý định xâm lược Triều Tiên, ép buộc quốc gia này phải cắt đứt liên minh với nhà Minh đang trên đà suy vong. Đỉnh điểm là cuối năm 1636, lấy cớ vua Nhân Tổ (Park Hae Il) đã phản bội minh ước, Hoàng Thái Cực đích thân xuất chinh, đem 12 vạn quân tinh nhuệ vượt sông Áp Lục rồi bao vây toàn bộ phía tây bắc bán đảo Triều Tiên.

Trước tình hình nguy cấp, vua Nhân Tổ và các cận thần đành rời bỏ hoàng cung, dắt díu nhau lánh nạn tại Namhansanseong (Nam Hán Sơn Thành), một pháo đài nhỏ nằm án ngự trên núi Nam Hán. Sau 47 ngày đêm nỗ lực chống trả quân thù trong điều kiện ngặt nghèo, ông quyết định quy hàng Hoàng Thái Cực, chấp nhận làm chư hầu cho nhà Thanh cùng hàng loạt thỏa thuận bất bình đẳng. Đây được xem là nỗi ô nhục của triều đại Joseon, khi vua Nhân Tổ buộc phải cởi bỏ long bào, khoác thường phục, đi bộ từ Nam Hán Sơn Thành tới tận doanh trại quân Thanh để lạy 3 lạy, gập đầu 9 lần trước hoàng đế Thanh Triều.

Nỗi ô nhục nghìn thu của triều đại Joseon qua lăng kính điện ảnh trong “Nam Hán Sơn Thành” - Ảnh 2.

Máu nhuộm nền tuyết trắng

Có kinh phí đầu tư lên tới 15,5 tỉ won (khoảng 317 tỷ VNĐ), Nam Hán Sơn Thành mang đến nhiều cảnh quay choáng ngợp về mặt thị giác. Bức tranh mùa đông ở miền cao Nam Hán Sơn Thành quả thực rất đẹp đẽ và nên thơ, từ những bông tuyết trắng xóa phủ khắp mọi cành cây, nẻo đường, cho đến các dãy núi uy nghi sừng sững bao bọc xung quanh tòa thành. Tuy nhiên, nó lại hoàn toàn tương phản với hình ảnh đám dân đen mặt mày nhợt nhạt, người lúc nào cũng run bần bật bởi cái lạnh thấu xương; hay bầy chiến mã cứ dần dần lả đi từng con một vì cơn đói cồn cào. Sự khắc nghiệt của thời binh biến dẫu được tác phẩm lột tả không quá trần trụi, nhưng vẫn đủ sức làm khán giả chạnh lòng xót xa.

Nỗi ô nhục nghìn thu của triều đại Joseon qua lăng kính điện ảnh trong “Nam Hán Sơn Thành” - Ảnh 3.

Bên cạnh đó, các trường đoạn chiến đấu khốc liệt là một điểm sáng khác chẳng thể bỏ qua của bộ phim. Mặc dù mỗi trận đánh có quy mô không lớn, nhưng đạo diễn Hwang Dong Hyuk luôn biết cách để khiến chúng trở nên ấn tượng hơn. Nhờ sử dụng khéo léo những cú máy rộng, ông đã khơi gợi thành công bầu không khí hừng hực khói lửa tại chốn sa trường. Ngoài ra, ai thường xuyên tìm hiểu lịch sử Triều Tiên vào giai đoạn này chắc chắn sẽ rất thích thú do yếu tố phục trang, đạo cụ cũng được chăm chút vô cùng kỹ lưỡng.

Nỗi ô nhục nghìn thu của triều đại Joseon qua lăng kính điện ảnh trong “Nam Hán Sơn Thành” - Ảnh 4.
Nỗi ô nhục nghìn thu của triều đại Joseon qua lăng kính điện ảnh trong “Nam Hán Sơn Thành” - Ảnh 5.

Nên hòa hay nên chiến?

Không chỉ diễn ra ở chiến tuyến, câu chuyện còn kịch tích ngay trong chính nội cung, nơi nhà vua và các bộ hạ đang tất bật tìm cách giữ gìn bờ cõi. Sở hữu hỏa lực vượt trội hơn hẳn kẻ thù cùng địa thế phòng thủ vững chắc, tiếc thay, binh lính Joseon lại gặp phải bất lợi trước quân số ít ỏi lẫn quân lương ngày càng cạn kiệt. Từng vấn đề tưởng chừng rất nhỏ nhặt, đơn cử như kiếm cỏ cứu ngựa đói hoặc phân phát chăn ấm cho quân sĩ đều được bàn luận cực kì căng thẳng. Giữa tình thế tiến thoái lưỡng nan, vua Nhân Tổ đã gánh chịu áp lực to lớn từ hai phái chủ hòa và chủ chiến.

Nếu như đại thần Choi Myung Gil (Lee Byung Hun) nhất mực can gián nhà vua nhanh chóng gửi thư cầu hòa tới Hoàng Thái Cực, thì Kim Sang Heon (Kim Yoon Suk), người đứng đầu phái chủ chiến, lại khuyên ông kháng cự đến cùng, tuyệt đối không được phép đầu hàng dù có phải mất nước. Tuy đứng trên lập trường đối nghịch, nhưng cả hai đều mong muốn thực hiện những điều tốt nhất cho dân tộc mình. Đáng buồn là, thiên mệnh chỉ đứng về một phía mà thôi: "Gặp thời thế, thế thời phải thế".

Nỗi ô nhục nghìn thu của triều đại Joseon qua lăng kính điện ảnh trong “Nam Hán Sơn Thành” - Ảnh 6.

Dàn cast thực lực và đồng đều

Không có gì để bàn cãi nhiều về khả năng hóa thân lão luyện của cặp kép chính Lee Byung Hun và Kim Yoon Suk. Trong khi Lee thể hiện rất thành công tính cách điềm đạm, nhiều cảm xúc ở nhân vật Choi Myung Gil, thì Kim cũng hoàn toàn thuyết phục người xem qua một vị lão thần Kim Sang Heon cương nghị, nhiệt huyết nhưng bảo thủ và cứng đầu. Đại diện hai thái cực trái chiều nhau, họ liên tục gây sức ép lên nhà vua bằng các lí lẽ tranh biện hùng hồn, giúp bộ phim duy trì ổn định sự gay cấn xuyên suốt gần 140 phút thời lượng.

Nỗi ô nhục nghìn thu của triều đại Joseon qua lăng kính điện ảnh trong “Nam Hán Sơn Thành” - Ảnh 7.
Nỗi ô nhục nghìn thu của triều đại Joseon qua lăng kính điện ảnh trong “Nam Hán Sơn Thành” - Ảnh 8.

Dẫu không xuất hiện nhiều như bộ đôi trên, dàn diễn viên phụ vẫn tìm được chỗ đứng xứng đáng cho mình. Sắm vai Nhân Tổ Hoàng Đế, Park Hae Il lột tả trọn vẹn vẻ băn khoăn, mỏi mệt ở một vị vua trẻ còn non nớt kinh nghiệm việc triều chính. Đứng trước ngã rẽ đầy trái ngang, ông hoang mang không biết nên lựa chọn đại cục vì nhân dân, hay quyết tâm tử thủ nhằm bảo vệ phẩm giá đế vương cao quý. Ngược lại, tay thợ rèn Seol Nal Soi của Go Soo là góc nhìn độc lập từ đám dân đen, người trực tiếp chứng kiến cảnh binh đao loạn lạc và hậu quả tang thương mà nó gây ra.

Nỗi ô nhục nghìn thu của triều đại Joseon qua lăng kính điện ảnh trong “Nam Hán Sơn Thành” - Ảnh 9.
Nỗi ô nhục nghìn thu của triều đại Joseon qua lăng kính điện ảnh trong “Nam Hán Sơn Thành” - Ảnh 10.

Màu sắc chính kịch nặng nề

Tương tự nhiều tác phẩm sử thi cổ trang khác do Hàn Quốc sản xuất, Nam Hán Sơn Thành sở hữu nhịp điệu khá chậm và đều. Vì vậy, nó không thích hợp với những ai đang thiếu ngủ trầm trọng hay dễ bị buồn ngủ. Chú trọng xây dựng yếu tố kịch tính thông qua lời thoại, bộ phim thực sự chỉ dành cho những khán giả yêu thích đề tài lịch sử hay thể loại chính kịch (drama) đặc trưng của xứ sở kimchi.

Là đứa con tinh thần tâm huyết của đạo diễn Hwang Dong Hyuk, Nam Hán Sơn Thành đã dũng cảm lật lại những trang sử gây tranh cãi của dân tộc mình, và tái hiện chúng lên màn ảnh rộng bằng ngôn ngữ điện ảnh. Quyết định quy hàng của vua tôi Joseon năm đó tuy khiến đất nước Triều Tiên rơi vào giai đoạn khủng hoảng kinh tế trầm trọng, nhưng nó giúp người dân nơi đây vẫn bảo toàn được nền tự do độc lập, thay vì phải chấp nhận kiếp đời nô lệ kéo dài suốt mấy trăm năm dưới ách Thanh Triều.