NSƯT Thành Lộc: "Chỉ cần khán giả không đuổi tôi khỏi sân khấu thì tôi vẫn sẽ tiếp tục diễn!"

LỆ (GHI) - MARUKO/ẢNH: KIM ĐIỀN/THIẾT KẾ: MINH/CLIP: KINGPRO, Theo Trí Thức Trẻ 11:30 30/09/2018

Tạm gác lại những câu chuyện về thương hiệu "Ngày Xửa Ngày Xưa", NSƯT Thành Lộc trở lại với Chuyện Xưa Chưa Kể cùng những chia sẻ sâu sắc hơn về câu chuyện làm nghề.

Tròn 1 tuần sau ngày lên sóng kỳ 1, Chuyện Xưa Chưa Kể, giao lưu với NSƯT Thành Lộc kỳ 2 chính thức lên sóng với chủ đề Chuyện Làm Nghề. Không còn là "anh Thành Lộc" vui vẻ, hoạt bát của các cháu thiếu nhi mê kịch Ngày Xửa Ngày Xưa, Thành Lộc trở lại với một tâm thế hoàn toàn mới, tâm thế của một người nghệ sĩ chân chính với những phút trải lòng về nghề nghiệp, sân khấu và những người trẻ làm nghệ thuật.

NSƯT Thành Lộc: Chỉ cần khán giả không đuổi tôi khỏi sân khấu thì tôi vẫn sẽ tiếp tục diễn! - Ảnh 1.

Suy nghĩ về sân khấu, điện ảnh và những người trẻ làm nghệ thuật

Tôi từng xem Don Nguyễn tái hiện lại một vai diễn của mình và cũng chính tôi đã chủ động làm quen với Don vì cậu ấy còn trẻ nhưng lại quá tài năng và nhiệt huyết với nghề. Sau Don, tiếc là tôi không có thời gian để xem những bạn trẻ khác tái hiện lại hình ảnh của mình nữa. Như Đức Phúc chẳng hạn, tôi thấy thương cho cậu ấy nhiều hơn vì Phúc gần như không hiểu biết nhiều về Ngày Xửa Ngày Xưa, khoảng cách thế hệ giữa tôi và cậu ấy là quá lớn. Gần đây thì có Duy Khánh, người giành được ngôi vị quán quân của một chương trình lớn vì đã làm lại vai diễn huyền thoại của tôi. Dù chưa có thời gian xem nhưng tôi phải khẳng định Khánh chiến thắng vì cậu ấy có tài chứ không phải nhờ vào cái tên Thành Lộc. Tiện đây, tôi cũng gửi lời chúc mừng đến Khánh, chúc mừng vì Khánh đã giành được ngôi vị quán quân nhờ vào năng lực của mình.

NSƯT Thành Lộc nói về những người trẻ đã từng tái hiện lại vai diễn của mình

Tôi ngưỡng mộ rất nhiều đàn em của mình và thấy ở họ có nhiều thứ mà thời tôi chưa có được như: sắc vóc, chiều cao, giọng nói và diễn xuất. Một trong những người đó là Huỳnh Đông và Quý Bình, đều cả hai đều hát hay, sắc vóc nổi trội hơn mình quá nhiều. Ở sân khấu của tôi cũng có những người bạn trẻ, rất duyên dáng và "đa-zi-năng" như Đinh Toàn, Đại Nghĩa,...

NSƯT Thành Lộc: Chỉ cần khán giả không đuổi tôi khỏi sân khấu thì tôi vẫn sẽ tiếp tục diễn! - Ảnh 3.

Nghệ sĩ rất ngưỡng mộ thế hệ diễn viên trẻ hiện nay khi họ có những thứ mà thế hệ của Thành Lộc không có

Thời nay, có nhiều bạn trẻ quay lưng với sân khấu kịch sau khi tìm thấy bến đỗ điện ảnh, đó là sự lựa chọn của các họ, tôi không thể can thiệp. Ở Pháp lại có những người cả đời thành công ở lĩnh vực điện ảnh, đến cuối đời lại muốn một lần đặt chân lên sân khấu. Bởi ở quốc gia này, chỉ có diễn viên sân khấu mới được kính trọng gọi với cái tên là Artist/Actor (nghệ sĩ/diễn viên). Ở Việt Nam lại khác, nhiều diễn viên coi điện ảnh mới là đỉnh cao danh vọng, có lẽ bởi điện ảnh là môi trường giúp họ được nhiều người biết đến hơn.

Nhiều bạn trẻ coi sân khấu chỉ là phương tiện, là một chốn dừng chân, một nhà thủy tạ, một lầu nghinh phong, một cái phao cấp cứu để chờ thời. Khi gặp thời họ vỗ cánh bay xa. Tôi cũng chẳng thể trách họ được vì lương sân khấu thấp lắm mà thời nay người ta lại thích đánh giá các diễn viên qua căn hộ họ ở, chiếc xe họ đi.

NSƯT Thành Lộc: Chỉ cần khán giả không đuổi tôi khỏi sân khấu thì tôi vẫn sẽ tiếp tục diễn! - Ảnh 4.

Tôi nghĩ, sân khấu là điểm xuất phát của rất nhiều người, đôi khi họ cũng là nơi trở về, không sao hết, chỉ cần chúng ta sống toàn tâm toàn ý ở bất kì môi trường nào là được rồi. Người diễn viên giỏi là người biết tự điều chỉnh chính mình trên sân khấu và trước ống kính. Trước ống kính, tất cả mọi thứ cần được tiết chế lại, trên sân khấu thì mình lại cần những thủ thuật để ngay cả khán giả ngồi ở hàng ghế cuối cùng vẫn có thể thấy được mình đang diễn thứ gì. Mà thực ra, vấn đề là ở chỗ đạo diễn chọn ngôn ngữ nào để họ mở ra tác phẩm của họ. Bạn đứng trước ống kính hay trên sàn diễn bạn vẫn có thể điều tiết để mình thành công.

NSƯT Thành Lộc: Chỉ cần khán giả không đuổi tôi khỏi sân khấu thì tôi vẫn sẽ tiếp tục diễn! - Ảnh 5.

Trách nhiệm của người nghệ sĩ chân chính và cái tâm với nghề

Nhiều người nói, kịch đang ngày càng mai một, còn với tôi, kịch có mai một hay không thì sân khấu phải là người tự giải quyết bài toán đó chứ không phải là khán giả. Đổ thừa thị hiếu của khán giả là bậy bởi chính nghệ sĩ chúng tôi là người làm cho thị hiếu đó bị mai một. Chính chúng tôi đã cho khán giả "ăn mì gói" nhiều đến nỗi khi ăn một tô mì được kéo sợi thủ công họ không thể quen nữa.

NSƯT Thành Lộc: Chỉ cần khán giả không đuổi tôi khỏi sân khấu thì tôi vẫn sẽ tiếp tục diễn! - Ảnh 6.

Tôi có may mắn khi từng được sang New York dự một liên hoan sân khấu và ở đó, tôi thấy có một trục đường mà người ta chỉ diễn nhạc kịch. Ngoài con đường đó ra lại có những trục đường khác là nơi mà dân kịch nói làm việc. Ở đó có những đoàn chỉ bán 70 ghế cho 1 suất chiếu và họ làm những vở kịch đi sâu vào sự thể nghiệm, là nghệ thuật 100%. Còn ở Việt Nam sân khấu kịch đang chỉ có một màu. Bản thân chúng tôi là những người làm nghề, chúng tôi đang thiếu sự nhục cảm bởi áp lực về việc bán vé. Dần dần, các tác phẩm cứ có gam màu giống nhau và người xem thì không có sự lựa chọn. Suy cho cùng, thay vì đổ thừa cho khán giả thì chúng tôi phải vận động bản thân mình nhiều hơn.

Có người hỏi tôi, đã từng nghĩ đến chuyện "gác kiếm" chưa, tôi chỉ nghĩ, nếu giã từ nghệ thuật thì tôi không biết phải sống bằng thứ gì. Hơn nữa hiện tại tôi vẫn thấy mình chưa chậm. Nếu không làm diễn viên nữa, tôi sẽ làm đạo diễn bởi đạo diễn, trừ khi không còn sự minh mẫn nữa, đến lúc đó hẵng tính. Chỉ cần khán giả không đuổi tôi khỏi sân khấu thì tôi vẫn sẽ tiếp tục.

NSƯT Thành Lộc: Chỉ cần khán giả không đuổi tôi khỏi sân khấu thì tôi vẫn sẽ tiếp tục diễn! - Ảnh 7.

Có một điều tôi luôn tâm niệm, nghệ sĩ là của công chúng nhưng nghệ sĩ không phải con cháu của tất cả mọi người, cho nên họ cũng có những góc khuất để họ tự bảo vệ mình. Nghệ sĩ không có quyền phải trả lời tất cả các câu hỏi, không có quyền phơi bày tất cả cuộc đời của mình ra cho khán giả biết. Tất cả chúng ta bình đẳng và nên xử sự với nhau thật công bằng. như vậy mối tương quan giữa nghệ sĩ và khán giả sẽ đẹp hơn biết bao nhiêu!

NSƯT Thành Lộc: Chỉ cần khán giả không đuổi tôi khỏi sân khấu thì tôi vẫn sẽ tiếp tục diễn! - Ảnh 8.

Người làm nghệ thuật là phải biết hi sinh

Người làm nghệ thuật thì phải biết hi sinh. Thay vì làm hoài những vở như Tấm Cám thì cũng có những lúc chúng tôi làm những vở có đô giải trí giảm lại để đưa khán giả đến với những trải nghiệm về cái đẹp một cách đúng nghĩa. Đó mới chính là sự đầu tư tâm huyết của những người làm nghệ thuật chuyên nghiệp và đó chính là "chữ kí" của sân khấu kịch IDECAF. Chúng tôi đã từng phát khóc lên vì sung sướng khi thấy Tiên Nga được ủng hộ. Các cháu học sinh còn nói với tôi: "Tụi con chán học môn văn trong trường mà nhờ coi Tiên Nga tụi con mới nhận ra, sao văn chương Việt Nam hay quá vậy." Với chúng tôi, còn bài học, phần thưởng nào quý giá hơn điều đó. Cho nên, thay vì được ủng hộ 100% thì tôi chỉ cần bán 70% vé và nhận lại sự tôn trọng của khán giả.

NSƯT Thành Lộc: Chỉ cần khán giả không đuổi tôi khỏi sân khấu thì tôi vẫn sẽ tiếp tục diễn! - Ảnh 9.

Gần đây tôi có đọc báo, thấy một bạn người mẫu lên báo kể lể rằng cô ấy phải hi sinh đi chân đất trên đồng để hoàn thành vai diễn của mình. Như vậy đâu có đáng để gọi là hi sinh, mình phải làm đúng theo kịch bản thôi, còn nếu sợ đau thì xả vai, đừng có đóng nữa.

NSƯT Thành Lộc nói về định nghĩa hy sinh của những người trẻ làm nghệ thuật

Đã là một người diễn viên chuyên nghiệp thì phải biết hi sinh tất cả những chuyện đó. Cho nên tôi thấy rằng, thôi mình bớt bớt đi, đừng có nói quá về công việc của mình bởi vì đã chấp nhận nó là cái nghề thì bắt buộc phải chuyên nghiệp, hay nói cách khác, diễn viên được trả tiền để làm những việc đó cơ mà. Tóm lại, hi sinh là việc bắt buộc và thật nực cười khi nhiều diễn viên thích kể khổ với khán giả.