Nữ du học sinh Việt ở tâm dịch châu Âu: Ngưng tranh cãi đúng sai, du học sinh về nước nên đề nghị tự trả tiền cách ly 1tr4 cho 14 ngày

Diệu Thu, Theo Trí Thức Trẻ 19:06 29/03/2020

Đó là những tâm sự từ góc nhìn của một du học sinh Việt quyết định ở lại Châu Âu trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến khó lường, số ca nhiễm mới tăng lên từng ngày.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ngày càng phức tạp, không ít người Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc tại nước ngoài quyết định lựa chọn về nước để tránh dịch. Từ tâm dịch châu Âu, châu Mỹ nhiều người Việt, đa số là du học sinh đã đáp chuyến bay hồi hương đồng thời thực hiện cách ly tập trung 14 ngày. Tuy nhiên một số du học sinh khác vẫn chọn ở lại sau rất nhiều đắn đo, suy tính. 

Mới đây, trên trang cá nhân của mình, cô bạn Nguyễn Tâm Như, một du học sinh Việt tại Pháp đã chia sẻ những tâm sự từ góc nhìn du học sinh đối với quyết định về nước hay ở lại cũng như một vài vấn đề gây nên tranh cãi trong cộng đồng du học sinh thời gian qua.

"TỪ GÓC NHÌN DU HỌC SINH

Có trách nhiệm với hành động của mình; ngưng chỉ trích; đóng góp cho cộng đồng; bình tĩnh và tin tưởng; đồng lòng; bảo vệ bản thân và cộng đồng.

Mình cũng xin nói luôn, mình đang ở nước ngoài. Toàn bộ ý kiến này là chủ quan, từ những gì mình được thấy, được nghe, được đọc trên mạng và từ bạn bè mình. Mình viết sự thật, nhưng là sự thật từ góc nhìn của mình. Xin đừng tranh luận để tìm người đúng kẻ sai.

DU HỌC SINH: VỀ HAY Ở?

Mình viết bài này khá muộn. Vì người chọn trở về thì đã về rồi. Người chọn ở lại cũng đã chuẩn bị tinh thần. Gần như đến bây giờ mọi chuyện đã ngã ngũ xong xuôi.

Thế nhưng một tuần trước mọi thứ không được như vậy. Một tuần trước là khoảng thời gian mọi thứ gần như bị đảo lộn. Số ca ở Châu Âu tăng theo cấp số nhân. Macron ban hành các quy định nghiêm ngặt. Mẹ mình gọi cho mẹ bạn mình, bạn mình gọi cho mình. Khóc lóc. Năn nỉ. Cãi vã. Tất cả các cuộc gọi đến đều chỉ để hỏi cùng một chuyện: Bây giờ đi đâu? Bây giờ du học sinh phải đi đâu?

Nữ du học sinh Việt ở tâm dịch châu Âu: Ngưng tranh cãi đúng sai, du học sinh về nước nên đề nghị tự trả tiền cách ly 1tr4 cho 14 ngày - Ảnh 1.

CHÂU Á TẠI CHÂU ÂU

Mình chỉ xin viết về vấn đề ở châu Âu, đặc biệt là Pháp, bởi vì đó là những vấn đề sát với những gì mình mắt thấy tai nghe nhất. Xin hãy hiểu cho du học sinh, rằng là ở thời điểm này, làm người châu Á ở châu Âu là một thiệt thòi.

Một đoàn học sinh của trường mình đi thực tập tại Ý về, ngay ngày mai đã đi học mà không hề có khẩu trang hay nước rửa tay bên người. Khi Pháp ra lệnh giới nghiêm, tất cả những gì mình nghe bạn mình bảo, đó là sợ chán, sợ bị nhốt, chứ không hề có một câu về sợ bị bệnh. Đó là những gì mình chứng kiến tận mắt. 

Rất nhiều người phản ánh đường dây nóng bị quá tải, bệnh viện không tiếp nhận người bệnh nhẹ, phải tự cách ly và uống thuốc tại nhà và theo dõi qua điện thoại. Khi số ca bệnh tăng lên, thậm chí không còn đủ nhân viên y tế để theo dõi nữa.

Đương nhiên rằng không phải ai cũng gặp những trường hợp này. Đương nhiên cũng sẽ có những bạn may mắn hơn, không gặp phải những vấn đề mình vừa nêu. Thế nhưng xin hãy hiểu rằng đó là bức tranh toàn cảnh ở nơi mình sống. Một bức tranh không phải không có mảng sáng, nhưng toàn cảnh lại mang đến cảm giác bất an.

Căn bệnh này nguy hiểm chứ. Cho dù đã khỏi bệnh, cũng để lại di chứng cho phổi. Người trẻ sức đề kháng tốt có thể không nói, nhưng có những người trẻ sức đề kháng không tốt lắm, thì chính căn bệnh này sẽ để lại bệnh lí nền. Nhỡ đâu sau này lại có thêm một loại virus khác, vậy những người này phải làm sao? Ngày nay tỉ lệ người trẻ mắc bệnh tim mạch, bệnh dạ dày, tiêu hoá ngày càng cao. Thế thì họ phải làm sao? Du học sinh đã như vậy, thì người lớn tuổi phải làm sao?

Đọc những điều này, không thấy đáng sợ sao?

Có những người cảm thấy bình thường. Thì cũng có những người cảm thấy sợ hãi. Chuyện này cũng giống như có những người vào nhà ma bao nhiêu lần cũng không sợ, thì cũng có những người thậm chí không dám xem phim kinh dị. Tâm lí con người không ai giống ai. Vậy nên, nếu mọi người nhìn thấy một du học sinh đang sợ hãi, đang lo lắng, đang bất an, xin hãy thông cảm cho họ. Đừng so sánh họ với những người bình tĩnh.

Nữ du học sinh Việt ở tâm dịch châu Âu: Ngưng tranh cãi đúng sai, du học sinh về nước nên đề nghị tự trả tiền cách ly 1tr4 cho 14 ngày - Ảnh 2.

TẠI SAO MÌNH Ở LẠI?

Mình ở lại vì nhiều lí do. Ở trên mình đã giải thích vì sao rất nhiều du học sinh chọn về nước. Còn đây là lí do mình ở lại.

Thứ nhất là, mình ở tỉnh. Nếu chọn bay về, mình bắt buộc phải quá cảnh 1 lần là ít nhất. Quá cảnh càng nhiều, nguy cơ lây nhiễm càng cao. Thứ hai, đó là công việc không cho phép. Ngành mình học yêu cầu các mô hình ngay cả khi học online, nếu phải trải qua 2 tuần trong cách ly, mình không tài nào đuổi kịp bài. Thứ ba, mình không sống tại tâm dịch. Vùng của mình số liệu gần nhất mình nhớ là tầm 250 ca, thành phố của mình tầm khoảng 50 ca, chưa quá nghiêm trọng, thế nên mình cũng yên tâm. Thứ tư, mình đã xác định ngay từ đầu rằng hè mình sẽ về, thế nên việc về hiện tại có thể làm xáo trộn kế hoạch của mình, bởi vì mình còn rất nhiều kế hoạch phải hoàn thành trong hè, bao gồm cả đi thực tập. Thứ năm, mình thuộc dạng cả ngày ở nhà, ít tiếp xúc người lạ, chưa đi làm. Năm lí do, cộng thêm việc tâm lí của mình và ba mẹ mình đều khá vững, nên mình ở lại.

Nhưng khi bạn bè mình hỏi có nên về hay không, thì mình luôn trả lời rằng có điều kiện thì nên về. Bởi vì điều kiện sống không giống nhau. Bạn mình sống ngay vùng dịch, lại đi làm, nhắn tin bảo mình có khi nó mắc bệnh rồi lại không biết. Đa số bạn bè mình học các ngành có thể học qua mạng, lại chưa phải đi thực tập, nên đợt này về hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến quá trình học.

Mình cho rằng ở lại hay về đều là lựa chọn của mỗi cá nhân dựa trên tâm lí, hoàn cảnh, điều kiện sống. Đối với cá nhân mình, chỉ cần lựa chọn của họ không ảnh hưởng đến cộng đồng, không công kích cá nhân, thì mỗi một lựa chọn đều xứng đáng được tôn trọng. Huống hồ gì, chính quyền Việt Nam cũng tạo điều kiện để cho người Việt được về nhà, phải không?

"Cuộc chiến này không ai bị bỏ lại". Mình nghe câu này mà chảy nước mắt. Bởi vì mình đã từng đọc đi đọc lại rất nhiều những thông tin về Ý, về Anh, về Mĩ, về cách mà họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc từ bỏ một thế hệ, mình mới thấm thía được một câu đơn giản như vậy lại có bao nhiêu khó khăn để thực hiện.

Nữ du học sinh Việt ở tâm dịch châu Âu: Ngưng tranh cãi đúng sai, du học sinh về nước nên đề nghị tự trả tiền cách ly 1tr4 cho 14 ngày - Ảnh 3.

CHO NGƯỜI VỀ

Đối với các bạn đã về, xin các bạn hãy trung thực và hợp tác. Đó là cách tốt nhất để giúp đỡ cho Tổ quốc của bạn. Khai báo đầy đủ rõ ràng, giữ gìn vệ sinh cá nhân, hợp tác và chấp hành quy định. Bạn bè mình có người may mắn thì được ở nơi sạch sẽ thoáng mát, có người không may lắm thì ở nơi không tốt bằng, không sạch bằng. Nhưng đối với một số lượng lớn người nhập cảnh trong giai đoạn này, thì đây đã là điều tốt nhất nhà nước có thể làm. Xin hãy hiểu rằng bạn ở đây không phải để hưởng điều tốt nhất, mà là bạn ở đây để bảo vệ những người ở bên ngoài. Cũng giống như hàng loạt các cảnh sát, tài xế, bộ đội, tiếp viên, nhân viên y tế cũng đang làm việc để bạn ở yên trong này. Mỗi một người đều phải chấp nhận hi sinh một chút, bởi vì người khác và vì chính bản thân mình.

Với ý kiến của cá nhân mình, các bạn du học sinh có thể đề nghị tự trả tiền cách ly. Đó cũng là một cách giúp đỡ cho Nhà nước vì đã để bạn trở về. Mình giả sử mỗi một bữa ăn của các bạn là 30.000 đồng (một ngày 90.000), tiền điện + tiền nước + tiền nhà mỗi ngày 10.000 đồng (tổng 100.000 đồng). Vậy tổng cộng 14 ngày cách li, nhà nước trả cho các bạn 1.400.000 đồng. 1.400.000 đồng lớn thì không lớn, nhỏ thì không nhỏ. Đối với mỗi một du học sinh, những người có thể mua vé máy bay trong thời điểm này, 1.400.000 đồng không quá nhỏ, nhưng cũng không lớn. Đối với Nhà nước, những người đón cả ngàn du học sinh về, những người chăm lo cho người trong những khu cách ly, trả tiền cho các cảnh sát, bộ đội, sĩ quan, tài xế, nhân viên y tế, 1.400.000 đồng mỗi người có lớn không?

Không nhất thiết mọi người phải trả đúng số tiền mỗi ngày. Mọi người có thể chọn trả tiền xét nghiệm, trả tiền cách ly. Cũng có thể sau khi hết cách ly mọi người quyên góp một số tiền nhất định cho quỹ Nhà nước. 1 triệu đồng cũng được mà 100.000 cũng không sao. Thế là đã giúp đỡ cho Nhà nước chăm sóc một ai đó khác, một ai đó thiếu thốn hơn các bạn. Chỉ cần 1/50 những người đang được cách ly chọn cách quyên góp ngược lại, thì đó đã là giúp đỡ rất nhiều rồi.

Đây chỉ là ý kiến cá nhân. Nếu bạn không muốn quyên góp, hoặc không có khả năng quyên góp cũng chẳng sao cả. Chỉ cần chấp hành tốt nội quy, thì chẳng một ai có quyền đánh giá bạn. Đóng góp lớn hay đóng góp nhỏ không phải vấn đề. Vấn đề là đóng góp.

Nữ du học sinh Việt ở tâm dịch châu Âu: Ngưng tranh cãi đúng sai, du học sinh về nước nên đề nghị tự trả tiền cách ly 1tr4 cho 14 ngày - Ảnh 4.

NGƯỜI Ở LẠI THÌ LÀM GÌ

Vấn đề này thì nhiều người đã viết, mình cũng không muốn nói lại. Chủ yếu vẫn là những thứ mình đã viết ở trên dành cho những bạn trong khu cách ly. Giữ gìn vệ sinh, rửa tay thường xuyên, hạn chế đông người, tích trữ đồ ăn (một cách vừa phải), rèn luyện sức khoẻ.

Có vài việc cần nhắc kỹ là thường xuyên liên lạc với người thân để tránh buồn chán, giữ gìn tinh thần ổn định bằng cách tập yoga hoặc thiền. Cần phải nhớ kĩ các dấu hiệu bệnh và số điện thoại liên lạc khẩn cấp của chỗ mọi người ở. Thủ sẵn paracetamol và nhiệt kế trong trường hợp cần thiết. Và cho dù bạn ở đâu, ở tâm vùng dịch hay ở ngoại tỉnh, mình cũng hi vọng mọi người bình an.

CHÚNG TA ĐANG LÀM GÌ VẬY

Rất nhiều tranh cãi.

Không một tiến bộ nào mà không bắt nguồn từ tranh cãi. Thế nhưng tiến bộ hay thụt lùi chỉ cách nhau có một sợi chỉ mong manh. Đó là chân chúng ta tiến về trước hay về sau. Tranh cãi để dẫn đến hành động đúng đắn hay tranh cãi để tranh cãi. Tranh cãi để tìm được sự thật hay tranh cãi để tranh cãi.

Tranh cãi để hành động, hay tranh cãi để tranh cãi.

Ý kiến cá nhân của bản thân mình đó là mình hạn chế tranh cãi, bởi vì bản thân mình không đóng góp nhiều, không hành động nhiều. Nên mình không tranh cãi. Nhưng đây chỉ là ý kiến cá nhân. Nếu mọi người có ý kiến, và muốn bảo vệ ý kiến của mình, thì hãy tranh luận như mọi người muốn.

Xin mọi người hiểu rằng, có một giới hạn cho việc tranh luận, đó là không công kích cá nhân và không làm tổn hại cộng đồng.

Và xin mọi người, sau khi tranh luận, hãy hành động.

Tranh cãi để tranh cãi, hay tranh cãi để hành động.

Ngôn từ mạnh ở chỗ nó tuy vô hình, nhưng lại dẫn đến hành động hữu hình.

LỜI CUỐI

Mình đã cố thể hiện quan điểm rõ ràng của mình trong bài viết này. Trong một giai đoạn như thế này, không có lựa chọn nào là hoàn hảo. Không có lựa chọn nào để không ai thiệt thòi.

Chỉ có lựa chọn để mỗi người tổn hại ít nhất về sức khoẻ và tính mạng mà thôi.

Mỗi một lựa chọn đều xuất phát từ cá nhân, và luôn luôn có ảnh hưởng đến cộng đồng.

Đối với mình, điều tốt nhất trong giai đoạn này là lựa chọn bảo vệ sức khoẻ bản thân, sao cho ảnh hưởng ít nhất có thể đến cộng đồng.

Mỗi người đều có cách hành động của riêng mình, con đường của riêng mình. Nhưng nếu mọi người đều có một mục đích chung, thì sớm hay muộn chúng ta cũng đến đích.

Mọi con đường đều dẫn về đỉnh núi, bởi vì chúng ta đều đang nhắm về nó mà đi, cho dù từ bất cứ đâu và bất cứ con đường nào.

Điều mình muốn truyền tải thật ra rất đơn giản, đó là hãy lựa chọn sức khoẻ, nhưng cũng hãy có trách nhiệm với lựa chọn của mình.

Và nếu có thể, hãy khoan dung cho lựa chọn của người khác.

Mỗi một người đều có thể giúp đỡ, góp gió thành bão, thì sớm hay muộn chúng ta cũng sẽ thành công. Bây giờ là lúc biến sự biết ơn thành hành động.

Lời cuối cùng mình muốn nói, đó là dù cho lựa chọn của mọi người là gì, dù cho mọi người đang ở đâu, mình hi vọng mọi người đang bình an và vui vẻ với lựa chọn của mình."

Nữ du học sinh Việt ở tâm dịch châu Âu: Ngưng tranh cãi đúng sai, du học sinh về nước nên đề nghị tự trả tiền cách ly 1tr4 cho 14 ngày - Ảnh 5.