Nữ sinh có hành động hung hăng trong thư viện, phản ứng của nhà trường gây tranh cãi: Đây có thật là môi trường sư phạm?

Hiểu Đan, Theo Phụ nữ mới 12:36 23/11/2023

Đoạn video được tung lên mạng, nhanh chóng làm dấy lên cuộc bàn luận sôi nổi.

Mới đây, một nữ sinh viên đại học họ Trương ở Hà Bắc (Trung Quốc) khiến dân tình tranh cãi vì hành xử khác lạ trong thư viện. Được biết, khi mọi người đang im lặng học bài thì Trương bỗng hét lên với nam sinh đứng bên cạnh: "Anh muốn chạm vào tôi, anh là ai? Anh thích tôi hay sao? Đừng làm chuyện mất hết phẩm giá đàn ông như vậy".

Ban đầu, những người có mặt nghĩ cô gái này bị sàm sỡ. Thế nhưng khi tìm hiểu sự việc, nhiều người mới ngã ngửa. Thì ra trước đó, Trương đã một mình chiếm tới 16 ghế trong thư viện. Cô bày sách khắp nơi, không hề có ý thức nhường cho người khác. Nhiều người không có chỗ nên chỉ có thể đứng trong góc đọc sách.

Nữ sinh có hành động hung hăng trong thư viện, phản ứng của nhà trường gây tranh cãi: Đây có thật là môi trường sư phạm? - Ảnh 1.

Được biết trước đó một số người đã tới nói chuyện với cô gái này, nhưng sau đó đều xảy ra tranh chấp, thậm chí đụng tay đụng chân khiến họ dần ngán ngẩm.

Chẳng hạn nhiều ngày trước, một nam sinh ngồi vào những vị trí được cô Trương "đánh dấu" liền bị cô chửi mắng và giận dữ đuổi đi. Nghĩ rằng trong thư viện có nhiều bạn đang học bài và việc tranh cãi sẽ làm phiền người khác nên cuối cùng chàng trai chọn cách im lặng rời đi.

Vài ngày sau, một bạn nữ cùng lớp khác đến ngồi gần cô Trương. Qua đoạn video được ghi lại, có thể thấy cô Trương cũng bất ngờ đẩy ghế ra xa và mắng mỏ bạn nữ: "Tôi đã nói mấy lần, ở đây có người, tại sao bạn lại lì lợm như vậy?".

Trước sự hung hăng của cô Trương, bạn nữ khá bất lực, chỉ biết ôm trán thở dài. Thấy bạn không trả lời, cô Trương tức giận cầm cốc nước đập vào đầu bạn. Hành vi bạo lực như vậy đã gây sốc cho tất cả học sinh.

Được biết, cô Trương từng xảy ra mâu thuẫn với nhiều bạn cùng lớp vì vấn đề chiếm chỗ ngồi. Ngoài ra, cô thường xuyên cãi vã vì những chuyện nhỏ nhặt, thậm chí còn đánh họ. Có lẽ chính sự bao dung của người khác đã khiến cô Trương ảo tưởng rằng mình "bất khả chiến bại".

Nữ sinh có hành động hung hăng trong thư viện, phản ứng của nhà trường gây tranh cãi: Đây có thật là môi trường sư phạm? - Ảnh 2.

Trương tiến đến đánh bạn học

Câu trả lời khó hiểu từ phía nhà trường

Sau khi đoạn video "đánh người" được tung lên mạng, câu chuyện của cô gái họ Trương nhanh chóng làm dấy lên cuộc bàn luận sôi nổi. Tuy nhiên, so với việc lên án nữ sinh này, cư dân mạng lại quan tâm hơn đến thái độ của nhà trường.

Trước áp lực nặng nề của dư luận, nhân viên thư viện trường lên tiếng: Không được phép chiếm chỗ ngồi. Họ đã liên lạc với cô Trương nhưng trong quá trình làm việc, cô không những không nhận ra sai lầm của mình mà còn liên tục tranh cãi.

Câu trả lời của nhà trường thậm chí còn đơn giản hơn: "Chúng tôi đã nói chuyện, nhưng bây giờ tâm trạng của nữ sinh không tốt". Nhiều người thất vọng nhận định: Phải chăng chỉ vì "khó xoay xở" mà trường tiếp tục buông xuôi để học viên của mình có hành vi thô lỗ? Cuộc sống của các sinh viên khác liệu có được bảo vệ hay không?

Trong cơn tức giận, một số cư dân mạng còn đề nghị cảnh sát vào cuộc. Rõ ràng không phải nhà trường không khống chế được mà là không sẵn sàng áp dụng biện pháp cứng rắn.

Cô gái ngồi ghế chiếm 16 ghế, đồng nghĩa với việc sẽ có 15 "kẻ thù" tiềm tàng. Mỗi người trong số họ có thể mềm mỏng hoặc cứng rắn. Với người không muốn phiền phức, họ có thể sẵn sàng lùi lại một bước. Nhưng nếu gặp một người có tính khí mạnh mẽ thì sao? Khi đó, liệu cô gái kia có bị "dạy một bài học" và hậu quả lớn hơn có thể xảy ra? Đây không còn là tranh chấp đơn giản trong nội bộ trường học mà là vấn đề gây mất trật tự, mất an toàn.

Cô Trương có nên bị đuổi học hay không lại là chuyện khác, nhưng ít nhất hãy cho cô gái này biết rằng chỗ ngồi trong thư viện là của tất cả mọi người và không có thứ gọi là "độc quyền".

Thầy cô và các bạn trong lớp có thể sẵn sàng bao dung cho sự cố chấp của cô. Nhưng nếu ra ngoài xã hội, không có gì đảm bảo rằng nữ sinh này không gây nguy hiểm cho an toàn công cộng. Khi đó, không chỉ là vấn đề tiêu cực của cá nhân mà còn là nỗi bất hạnh của nhà trường và xã hội!