Chính sách bán hàng ở Mỹ giúp bạn không bao giờ lo bị mua hớ, nhưng bạn sẽ không thích nó

Oct, Theo Helino 18:36 12/03/2018

Các hệ thống hàng bán lẻ tại Mỹ có một chính sách cực hay, giúp bạn chẳng bao giờ sợ mua hớ. Tuy nhiên, thứ gì cũng có 2 mặt mà thôi.

Khi đi mua hàng, có lẽ ai cũng sợ bị mua hớ - tức là rơi vào cảnh chi trả nhiều tiền cho một sản phẩm mà đáng ra có thể tốn ít tiền hơn. Điều này không chỉ đúng khi đi chợ mà còn tại siêu thị, trung tâm thương mại nữa.

Và nếu bạn cũng nằm trong số ấy thì có lẽ bạn sẽ rất thích các cửa hàng tại Mỹ. Bởi vì, nhiều hệ thống bán hàng tại đây áp một chính sách giúp bạn chẳng bao giờ lo bị mua hớ, mang tên "price matching policy" - hay chính sách giá cạnh tranh.

Chính sách bán hàng ở Mỹ giúp bạn không bao giờ lo bị mua hớ, nhưng bạn sẽ không thích nó - Ảnh 1.

Chính sách giá cạnh tranh - khi khách hàng chẳng lo bị mua hớ

Chính sách như thế nào mà lại không lo mua hớ?

Price match có thể hiểu là một chính sách "khớp giá". Đây vốn là một trong những con bài chiến lược dành cho những doanh nghiệp mạnh về khả năng cạnh tranh giá cả.

Về cơ bản, nếu như bạn chứng minh được một sản phẩm tại cửa hàng đang được đối thủ cạnh tranh bán với giá thấp hơn, cửa hàng sẽ "khớp giá", và bạn có thể mua sản phẩm với mức giá tìm thấy. Có khá nhiều hệ thống bán lẻ nổi tiếng của Mỹ áp dụng chính sách này, như Best Buy, Walmart, hay Target... 

Chính sách bán hàng ở Mỹ giúp bạn không bao giờ lo bị mua hớ, nhưng bạn sẽ không thích nó - Ảnh 2.

Hệ thống bán lẻ Walmart là một trong những địa điểm tiên phong về chính sách price match

Bạn cũng không phải mất quá nhiều công sức như mang hóa đơn có sản phẩm giá thấp đến. Chỉ cần chỉ ra được giá sản phẩm được in trên các phương tiện quảng cáo, hoặc nhờ chính nhân viên của cửa hàng kiểm tra cũng được, vì các hệ thống bán hàng của Mỹ thường có liên kết với nhau.

Bạn không phải lo sợ chuyện mua hớ, đồng thời chính sách còn tạo nên sự tiện lợi cho chính người tiêu dùng. Ví dụ bạn tìm thấy bơ ở một cửa hàng cách xa 20km chỉ bằng nửa giá so với những gì hàng gần nhà đang bán, chỉ cần đưa ra được bằng chứng và áp dụng chính sách "khớp giá" là xong.

Chính sách bán hàng ở Mỹ giúp bạn không bao giờ lo bị mua hớ, nhưng bạn sẽ không thích nó - Ảnh 3.

Chỉ cần có sản phẩm giống được bán với giá thấp hơn, lập tức giá sẽ được khớp

Tất nhiên, không phải mặt hàng nào cũng được áp dụng chính sách này. Bạn phải chứng minh rằng sản phẩm của hai bên là giống nhau, và là hàng nguyên giá. 

Sự thật cũng không phải toàn màu hồng

Thoạt nghe, chính sách này có vẻ như quá có lợi cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, nó không hoàn toàn là như vậy. Theo Maria Arbatskaya - một nhà kinh tế học, chính sác này sẽ đem lại một số tác động tiêu cực cho cả người dùng lẫn nền kinh tế.

Đầu tiên, nó sẽ giảm sự cạnh tranh. Các cửa hàng sẽ bắt đầu ít khi bán giá thấp, đơn giản vì họ biết là nếu có giảm, đối thủ cũng sẽ giảm theo. Lúc này, chính sách giá sẽ chẳng có ý nghĩa gì nữa, vì cửa hàng nào cũng giống nhau cả rồi. 

Chính sách bán hàng ở Mỹ giúp bạn không bao giờ lo bị mua hớ, nhưng bạn sẽ không thích nó - Ảnh 4.

Tiếp theo, người tiêu dùng sẽ bị dẫn đến cảm giác an tâm, rằng những cửa hàng áp dụng chính sách "price match" sẽ luôn đưa ra giá thấp nhất. Nhưng trên thực tế thì không phải như vậy! 

Nghiên cứu của Arbatskaya đăng trên tạp chí Industrial Organization đã chỉ ra rằng 86% cửa hàng áp dụng chính sách giá cạnh tranh tại Mỹ không hề bán với giá tốt nhất.

Chính sách bán hàng ở Mỹ giúp bạn không bao giờ lo bị mua hớ, nhưng bạn sẽ không thích nó - Ảnh 5.

Các cửa hàng sẵn sàng cam kết "khớp giá" chưa chắc đã có giá tốt nhất

Và cũng chính bởi vậy mà người tiêu dùng bị "trừng phạt". Sự thực là chính sách này rất có lợi nếu như người tiêu dùng ráo riết đi tìm và so sánh giá trước khi mua. Còn với những người đặt trọn niềm tin vào cửa hàng, họ gần như chắc chắn phải trả nhiều tiền hơn.

Lý do là vì xu hướng hiện nay đang sử dụng công nghệ để mua sắm trực tuyến quá nhiều, và các store trực tuyến thì không mất quá nhiều chi phí vận hành như một cửa hàng thực tế. Vậy phải làm thế nào nếu như lợi nhuận biên phải liên tục khớp với giá hàng hóa online? Khả năng cao là họ sẽ tăng giá lên, và về lâu dài, phần lớn người tiêu dùng sẽ bị thiệt.

Chính sách bán hàng ở Mỹ giúp bạn không bao giờ lo bị mua hớ, nhưng bạn sẽ không thích nó - Ảnh 6.

Mua sắm quá tự tin mà không biết rằng bạn đang phải trả một mức giá cao hơn?

Bên cạnh đó, chính sách này cũng gặp phải nhiều chỉ trích vì các cửa hàng có quá nhiều cách lách luật. Ví dụ, một số thương hiệu lớn có thể làm việc trực tiếp với nhà sản xuất để tạo ra những sản phẩm với mẫu mã độc nhất. Có nghĩa, các sản phẩm từ cửa hàng đối thủ sẽ không thể là cùng loại được dù có giống nhau đến thế nào, và sẽ không được áp dụng chính sách giảm giá.

Một số hệ thống cũng không chấp nhận price match nếu như đó là phiên bản giới hạn của cửa hàng đối thủ, hoặc cửa hàng đó không nằm cùng địa phương. Thậm chí ngay cả khi các yêu cầu được đáp ứng đầy đủ, nhân viên cũng không thể tùy tiện quyết định, nên đôi lúc rất mất thời gian.

Tóm lại, mọi thứ đều có hai mặt, dù bề nổi của nó có tốt đẹp đến thế nào đi chăng nữa. Vấn đề là chúng ta sẽ tận dụng được mặt tốt của nó, hay rơi vào những cạm bẫy ẩn phía sau mà thôi.

Nguồn tham khảo: CNN, Stock Filling, Upstream, Investopedia...