“Offside”: Chuyện “cười ra nước mắt” của những cô gái bị… cấm xem World Cup

Dodieuha, Theo Trí Thức Trẻ 07:00 21/06/2018

Bộ phim hài của Iran "Offside" kể về chuyện 6 cô gái tìm mọi cách để mua vé vào sân vận động xem bóng đá, vì luật của nước này không cho phép phụ nữ bước vào sân vận động.

Thế là một mùa World Cup nữa lại về, mang sự hiện diện của bóng đá đến từng hơi thở. Dường như bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu, ta cũng nghe thấy một cuộc bàn luận gì đó liên quan đến bóng đá. Và cùng với câu chuyện bóng đá là câu chuyện giới tính. Ở đây, chúng ta không bàn đến sự khác biệt trên sân cỏ hay những vấn đề về đối xử giữa cầu thủ nữ và cầu thủ nam, mà hãy hướng lên khán đài. Nơi có những con người bình thường nhất, tụ tập với nhau để cùng chia sẻ niềm vui theo dõi một trận cầu.

Sân vận động không có một khuôn mặt phụ nữ - Đó là cách "đặt vấn đề" mà tôi "chế" theo cái tên của một cuốn sách nổi tiếng bàn về phụ nữ và chiến tranh. Có thể bạn sẽ thắc mắc: "Tôi thấy trên khán đài nhiều bạn nữ xinh lắm mà, không có là không có thế nào?" Vấn đề chính là chỗ đó. Khi nhìn thấy một cô gái trong sân vận động, chúng ta thường chỉ nhìn cô ta với tư cách là một cô gái xinh đẹp; hoặc vợ/bạn gái của các cầu thủ; hoặc một "fan phong trào" đến chỉ vì "mê trai". Những thành phần này có thể chiếm đa số; song vẫn có những người mà ta hay gọi là "fan chân chính" - đi xem bóng đá chỉ vì họ yêu bóng đá; mà sự tồn tại của họ dường như là vô hình.

“Offside”: Chuyện “cười ra nước mắt” của những cô gái bị… cấm xem World Cup - Ảnh 1.

Lần đầu tiên, người hâm mộ nữ "tồn tại" trên phim ảnh

Trước đây, đề tài thể thao trong phim ảnh chỉ xoay quanh nhân vật chính là đàn ông. Đó có thể là một người vận động viên, hoặc một hay một nhóm fan hâm mộ. Sau đó, cùng với sự phát triển của chủ nghĩa nữ quyền, chúng ta bắt đầu có những bộ phim về các nữ vận động viên. Tuy nhiên, một điều kỳ lạ là, chưa hề có một bộ phim nào về người hâm mộ nữ (trên toàn thế giới); cho đến khi có sự xuất hiện của Offside (Việt Vị) năm 2006.

Bộ phim hài mang màu sắc Tân hiện thực của đạo diễn Jafar Panahi là bộ phim đầu tiên trên thế giới nói về những nữ khán giả và tình yêu của họ đối với thể thao. Panahi mượn một trận đấu vòng loại tranh vé vào World Cup (trong phim nói là trận Iran - Bahrain năm 2006) để làm hoàn cảnh xảy ra câu chuyện, nhưng thay vì hướng máy quay của mình vào trường đấu, ông lại hướng nó ra những khu vực "bên lề". Ông nhẹ nhàng đặt vào đó những nhân vật của mình; trong đó dàn nhân vật chính gồm 6 cô gái trẻ giả trai vào xem bóng đá và bị bắt giữ; cùng 3 người lính trẻ bất đắc dĩ phải lãnh nhiệm vụ quản thúc các cô để chờ xe giải về Đội Phòng chống Tệ nạn Xã hội.

“Offside”: Chuyện “cười ra nước mắt” của những cô gái bị… cấm xem World Cup - Ảnh 2.

Tình huống "dở khóc dở cười" này là do luật của Iran cấm phụ nữ bước vào sân vận động, vì lo sợ phẩm hạnh của họ bị ô uế khi nghe được những lời tục tằn hay chứng kiến hành vi quá khích của các cổ động viên nam (nói thẳng ra là vấn đề "nam nữ thụ thụ bất thân"). Ngoài ra cũng có một nguyên nhân ngầm ẩn nữa là: Giới bảo thủ tin rằng bóng đá là môn thể thao dành cho đàn ông, và chỉ đàn ông mới thích bóng đá. Phụ nữ ư? Chắc là chỉ thích những anh chàng đang đá bóng mà thôi! Đấy cũng là một vấn đề về phẩm hạnh, vì trong xã hội Thần quyền của Iran, phụ nữ nên chỉ bị hấp dẫn bởi một người duy nhất là chồng mình.

Bằng cách tiếp cận đề tài độc đáo và dũng cảm, kết hợp nhiều yếu tố khác về nghệ thuật điện ảnh, Offside đã giành chiến thắng thuyết phục tại LHP Berlin 2006 với Giải Gấu bạc. Phim được công chúng cũng như giới phê bình quốc tế đánh giá rất cao; tuy nhiên, đến giờ nó vẫn chưa được phát hành trên chính quê nhà, và thậm chí còn khiến "cha đẻ" của nó lĩnh án 6 năm tù cùng 20 năm cấm làm phim (Tất nhiên là Panahi vẫn "quay lậu" và năm nay còn "tuồn lậu" một phim mới đi tranh giải ở Cannes, được hẳn giải Kịch bản Xuất sắc nhất!).

“Offside”: Chuyện “cười ra nước mắt” của những cô gái bị… cấm xem World Cup - Ảnh 3.

Những chất vấn giản dị về nữ quyền

Bắt đầu từ cái tên, Offside (Việt vị) là một tựa phim khá "thâm nho", gợi nhớ đến câu bỡn cợt là phụ nữ thì không bao giờ hiểu được luật việt vị. Điều này càng hài hước hơn khi trong phim, các nhân vật nữ lại là các nhân vật đam mê và hiểu biết về bóng đá, thậm chí còn giải thích và "sửa lưng" cho các nhân vật nam. Sự đảo ngược này cho thấy mong muốn phá vỡ các định kiến về giới, và do đó, Offside trở thành một bộ phim nữ quyền (theo nghĩa tích cực).

Nếu là một bộ phim Hollywood, Offside sẽ giật gân hơn, bởi đề tài bắt đầu của nó cũng đã sẵn tiềm năng ấy. Thế nhưng phim lại chọn một cách phát triển giản dị. Sự giản dị này có lẽ là để thỏa mãn được những điều kiện hạn chế về kinh phí và luật pháp. Với hầu bao ước tính chỉ vỏn vẹn 2500 USD, Panahi đã tranh thủ đủ thứ ông có thể lấy được từ hiện thực cuộc sống: bối cảnh, sự kiện, ánh sáng… kết hợp với việc sử dụng máy quay dạng nhẹ; khiến Offside tạo cảm giác rất gần với một phim tài liệu. Đã trót thì phải trét, Panahi tiếp tục đẩy cao tính hiện thực của phim bằng cách chỉ sử dụng diễn viên nghiệp dư và lựa chọn cách kể chuyện theo thời gian tuyến tính. "Chúng tôi đã cố gắng duy trì sự thống nhất về thời gian, để mỗi giây trôi qua người xem đều cảm thấy họ đang theo dõi một sự kiện thực sự đang diễn ra." - Ông chia sẻ.

“Offside”: Chuyện “cười ra nước mắt” của những cô gái bị… cấm xem World Cup - Ảnh 4.

Offside mở đầu với cảnh một người cha đi tìm con gái đang trà trộn đâu đó trong những chuyến xe bus đến sân vận động Azadi. Máy quay di chuyển theo ông, rồi bỗng dưng bỏ rơi ông, lê sang một chiếc xe bus khác và giới thiệu chúng ta đến nhân vật chính đầu tiên của phim - Một cô gái giả trai đang cố giữ cho mình thật mờ nhạt trong không khí sôi nổi của cả xe, để tránh bị phát hiện. Chúng ta theo dõi cô từ những nỗ lực đầu tiên như thuyết phục người bán vé, rồi chấp nhận mua vé giá cao, rồi lén chạy qua hàng rào an ninh; cuối cùng bị bắt và giải đến một khu quây tạm dùng để canh giữ những người như cô; cùng chờ xe giải về Đội Phòng chống Tệ nạn Xã hội. Ở đây, chúng ta lần lượt được gặp gỡ những người còn lại, mỗi người được khắc họa với ít nhất một đặc điểm tính cách riêng biệt, ngầm nói đến sự đa dạng trong hoàn cảnh và xuất thân. Tuy nhiên, gần như các nhân vật đều không có tên, thể hiện dụng ý nêu lên những gương mặt chung của phụ nữ. Chỉ có 6 cô gái trong màn hình; nhưng chúng ta được nghe nhắc đến những người phụ nữ trùm khăn trắng ở cổng được cho vào sân vận động vì sợ báo chí quốc tế nhòm ngó. Chúng ta cũng biết rằng trong sân vận động còn rất nhiều người nữa đã trà trộn thành công vào đám đông, trong đó có con gái của người đàn ông ở đầu phim. Do đó, mục đích của đạo diễn được làm rõ: Ông muốn nói đến những người phụ nữ bình thường. Không phải những trường hợp cá biệt, mà là những người bình thường, tồn tại quanh ta trong xã hội.

“Offside”: Chuyện “cười ra nước mắt” của những cô gái bị… cấm xem World Cup - Ảnh 5.

Vì họ là những người bình thường, nên họ không đủ khả năng để đưa ra những chất vấn to lớn và phức tạp về quyền bình đẳng nam - nữ. Họ cũng không đủ tự tin để làm điều đó. Và thể thao, qua con mắt tinh tường của Panahi, đã trở thành một chiếc loa để tiếng nói của những người phụ nữ bình thường được cất lên một cách mạnh mẽ. Tại sao đàn ông được vào còn phụ nữ thì không? Tại sao phụ nữ Nhật Bản được vào còn chúng tôi thì không?... - Họ liên tục "tấn công" những người giam giữ mình bằng các câu hỏi; mở ra những đối thoại giản dị nhưng rộng lớn về nữ quyền. Nữ quyền ở đây, đã trở về với những người phụ nữ bình thường như điểm nó xuất phát, chứ không còn là đặc quyền của những người phụ nữ đẹp - giàu - giỏi như những "biến tướng" gần đây của nó.

Những suy tư đầy gợi mở và nhân văn

“Offside”: Chuyện “cười ra nước mắt” của những cô gái bị… cấm xem World Cup - Ảnh 6.

Khác với những bộ phim "nữ quyền" thường xuyên đặt đàn ông vào thế đối đầu hoặc biến họ trở thành một đối tượng tính dục (như một cách trả thù); Offside nhìn nhận đàn ông và mối quan hệ của họ đối với phụ nữ một cách nhân văn hơn rất nhiều. Ngay từ đầu, chúng ta thấy những người đàn ông trên xe bus đã phát hiện ra việc giả trai của cô gái đầu tiên, nhưng họ chọn cách lờ đi vì không muốn kế hoạch của cô đổ bể. Đó là những người ủng hộ; vậy còn những người phản đối? Panahi ý nhị miêu tả góc nhìn của họ thông qua cảnh cãi cọ và chỉ chực ẩu đả của những cổ động viên trên chiếc xe bus, mô phỏng cảnh hỗn loạn trên khán đài sân vận động. Kết hợp với lời thoại của một ông già trên xe: "Sân vận động khác (với việc xem TV ở nhà) chứ. Mình có thể hò hét, rồi hát vang, rồi hòa vào không khí trận đấu. Nhưng tuyệt nhất là mình có thể chửi bới mọi thứ và mọi người, muốn nói hươu nói vượn cũng chẳng ai quan tâm." Nhờ vào chi tiết này, khán giả có thể hiểu được lý do của những người phản đối, từ đó xem xét vấn đề từ hai phía, đầy đủ và khách quan hơn.

“Offside”: Chuyện “cười ra nước mắt” của những cô gái bị… cấm xem World Cup - Ảnh 7.

Offside cũng không rơi vào tình trạng "nạn nhân hóa" phụ nữ để đòi quyền bình đẳng. Những cô gái trong phim đều có phong thái chủ động và tràn đầy sức sống. Họ mỉa mai tình cảnh của mình, chọc cười những người lính, hò hét khi nghe bình luận bóng đá… Điều này trái ngược với dáng vẻ mệt mỏi và bị động (buộc phải làm theo chỉ thị cấp trên) của những người lính "được" giao phó nhiệm vụ canh giữ phẩm hạnh phụ nữ. Họ cũng thường xuyên bị gắn vào những chấn song ở sân vận động và bị bó hẹp cùng với các cô gái trong không gian chiếc xe áp giải các cô về đồn. Sự cầm tù về "phẩm hạnh" ở đây có lẽ là dành cho cả hai giới, chứ không phải chỉ riêng phụ nữ.

Không chỉ nêu lên vấn đề, Panahi còn mập mờ đưa ra cách giải quyết nó. Kịch bản Offside thật ra có đến 2 cái kết, tùy thuộc vào việc Iran thắng hay thua trong trận cầu hôm ấy. Kết quả là Iran thắng, cả nước như vỡ òa trong niềm vui. Kịch bản diễn tiến với việc người dân ùa lên xe áp giải, tặng các nhân vật của chúng ta những chiếc bánh nóng hổi và kéo ra đường để chung vui với ngày hội của toàn dân tộc. Lần đầu tiên, không gian trong phim trở thành không gian mở. Sự khai mở này, với nguyên nhân đến từ World Cup - một đại diện của sự hiện đại và toàn cầu hóa, phải chăng là giải pháp đề xuất của Panahi cho tình trạng bất bình đẳng giới tính ở Tổ quốc ông?

“Offside”: Chuyện “cười ra nước mắt” của những cô gái bị… cấm xem World Cup - Ảnh 8.

Panahi từng chia sẻ rằng khi ông làm phim, ông sẽ chọn lấy một đề tài khá đơn giản rồi cố gắng phát triển tất cả các vấn đề xung quanh nó; để cuối cùng nó trở thành "một vấn đề lớn hơn, trên quy mô rộng hơn". Ông cũng khuyến khích người xem phát triển những suy nghĩ của mình khi thưởng thức bộ phim. Ví dụ, câu hỏi xuyên suốt bộ phim "Tại sao phụ nữ không được vào sân vận động?" có thể gợi mở những băn khoăn về tính mập mờ và chủ quan của luật pháp; hay sự xung đột giữa những thế hệ. Cả phim dường như là thế giới của những người trẻ (mô phỏng xã hội Iran với chỉ gần 10% là người già), nhưng dù chiếm đa số, người trẻ không có bất cứ quyền hạn gì, phải chấp nhận sống trong những giá trị cũ với một thái độ phản đối ngấm ngầm hoặc công khai. Offside có lẽ sẽ là một bộ phim được yêu thích ở Iran, vì nó có khả năng tạo ra sự đồng cảm với những người trẻ nơi đây. Chỉ tiếc là, đến tận giờ nó vẫn bị "các cụ" không cấp phép phát hành, mà chắc có thể giải thích bằng chính vấn đề được nêu ra vừa rồi: Sự xung đột giữa các giá trị hiện đại và truyền thống, bắt nguồn từ khoảng cách thế hệ giữa những người trẻ và những người già.