Pháp tăng gấp đôi thời gian nghỉ thai sản cho nam giới

Quỳnh Chi, Theo VTV 01:32 25/09/2020

Khi vợ sinh con, lao động nam tại Pháp sẽ được nghỉ 28 ngày, gấp đôi so với hiện nay. Đây là chính sách mới vừa được Tổng thống Pháp công bố.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói: "Khi một trẻ được sinh ra, không có lý do gì khi chỉ có mẹ là người chăm sóc em bé. Điều quan trọng là phải có sự bình đẳng hơn trong việc chia sẻ trách nhiệm". Đồng thời, ông Macron lưu ý tầm quan trọng của những khoảnh khắc "thân mật sớm" trong cuộc đời của một đứa trẻ.

Pháp tăng gấp đôi thời gian nghỉ thai sản cho nam giới - Ảnh 1.

Pháp tăng thời gian nghỉ thai sản cho nam giới lên 28 ngày (Ảnh minh họa: Reuters)

Hiện nay, các ông bố ở Pháp có thể nghỉ làm 14 ngày sau khi vợ sinh con. Chính phủ của Tổng thống Macron muốn kéo dài khoảng thời gian này lên 28 ngày với các khoản phụ cấp hàng ngày do hệ thống bảo hiểm y tế nhà nước Pháp chi trả. Bên cạnh đó, lao động nam bắt buộc phải nghỉ làm trong ít nhất một tuần khi vợ sinh con.

Pháp tăng gấp đôi thời gian nghỉ thai sản cho nam giới - Ảnh 2.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (Ảnh: AP)

Trong lần sinh con đầu tiên, các thai phụ tại Pháp được nghỉ ít nhất 16 tuần được hưởng phụ cấp hàng ngày từ nhà nước. Từ đứa con thứ 3 trở đi, họ được nghỉ 26 tuần. Trong mọi trường hợp, mọi phụ nữ sau khi sinh con phải được nghỉ làm ít nhất 8 tuần.

Một số quốc gia châu Âu đã dành nhiều quyền lợi cho các cặp vợ chồng mới sinh con hơn tại Pháp. Hình ảnh những người đàn ông đẩy xe nôi là cảnh thường thấy ở Thụy Điển, nơi các bậc cha mẹ mới sinh con được hưởng 480 ngày nghỉ phép có lương. Trong đó, mỗi ông bố có 90 ngày nghỉ thai sản.

Tổng thống Pháp bày tỏ hy vọng, quyết định tăng thời gian nghỉ phép cho người mới làm cha từ 14 ngày lên 28 ngày sẽ đưa Pháp rút ngắn khoảng cách với một số nước Bắc và Nam Âu như Tây Ban Nha, Thụy Điển, Na Uy hay Bồ Đào Nha, những quốc gia áp dụng các chế độ "rộng rãi" hơn cho người lao động. Theo Chính phủ Pháp, thời gian 14 ngày nghỉ hiện nay là quá ngắn và các công ty vi phạm điều khoản bắt buộc này có thể bị phạt tới 7.500 Euro (hơn 200 triệu đồng). Có đến 80% dân số Pháp ủng hộ chính sách mới trên của chính phủ nước này.