Phóng to 10 lần bức họa 1.200 tuổi, chuyên gia giật mình phát hiện bí mật giấu kín của cô nương trong tranh!

Tammy, Theo Pháp luật bạn đọc 19:42 29/09/2021

Các chuyên gia đã không khỏi giật mình khi nhìn rõ món trang sức mà một cô nương trong tranh đang đeo.

Người Trung Quốc có câu "Hoàn phì Yến sầu" ý chỉ tiêu chuẩn vẻ đẹp của mỗi thời kỳ lịch sử đều rất khác nhau. Nếu mỹ nhân Triệu Phi Yến của triều Hán có thân mình mảnh mai thì Dương Ngọc Hoàn (Dương Quý phi) của thời Đường lại có vẻ đẹp nở nang, cơ thể tròn trịa và khỏe khoắn.

Đầy đặn vốn là tiêu chuẩn cái đẹp nổi bật trong triều đại nhà Đường (618 - 907), điều này đã được thể hiện rõ ràng trong các bức họa đương thời, đặc biệt là tranh của họa sĩ cung đình Châu Phưởng.

Phóng to 10 lần bức họa 1.200 tuổi, chuyên gia giật mình phát hiện bí mật giấu kín của cô nương trong tranh! - Ảnh 1.

Cuộn tranh lụa "Trâm hoa sĩ nữ đồ" (Ảnh: Baijiahao)

Dưới thời Đường, họa sĩ Châu Phưởng rất được lòng vua quan trong triều vì tài năng hội họa, ông giỏi vẽ tranh Phật giáo và chân dung những phi tần trong cung với dung mạo đoan trang, tròn trịa. Tác phẩm tiêu biểu của của ông chính là cuộn tranh lụa tinh xảo "Trâm hoa sĩ nữ đồ" hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc.

"Trâm hoa sĩ nữ đồ" là cuộn tranh dài 180 cm và rộng 46 cm, mô tả cuộc sống thoải mái, hạnh phúc của một triều đại cực thịnh về Phật giáo. Trong tranh là 5 người phụ nữ quý tộc và 1 cô hầu gái đang nhàn hạ thưởng hoa trong vườn trong thời điểm chuyển giao giữa mùa xuân và mùa hè.

Năm cô nương trong tranh được tái hiện bằng bút lông tỉ mỉ trong từng đường nét, họ bầu bạn cùng những loại động vật như chó, chim sếu, chú bướm đậu trên tay hay những cành mộc lan đang nở rộ trong vườn thượng uyển.

Phóng to 10 lần bức họa 1.200 tuổi, chuyên gia giật mình phát hiện bí mật giấu kín của cô nương trong tranh! - Ảnh 2.

Những người phụ nữ trong cung đang nhàn nhã thưởng hoa. (Ảnh: Baijiahao)

Thế nhưng trớ trêu thay, gương mặt và cử chỉ của mỗi người đều toát ra vẻ uể oải, chán nản như thể 5 người phụ nữ này đang cùng nhau san sẻ một nỗi cô đơn.

Phóng to 10 lần bức họa 1.200 tuổi, chuyên gia giật mình phát hiện bí mật giấu kín của cô nương trong tranh! - Ảnh 3.

Châu Phưởng đã thông qua bức họa truyền tải rất rõ ràng phong cách thời trang của triều Đường. Các mỹ nữ trong tranh có lối ăn mặc phóng khoáng với chiếc váy quây bên trong và khăn lụa mỏng choàng bên ngoài.

Tại đây, họa sĩ cũng khéo léo sử dụng màu hồng, màu đỏ thẫm cho những chiếc váy và dùng tông màu dịu hơn để khắc họa chiếc khăn lụa với độ trong suốt đặc trưng của nó.

Bí mật của những cô nương trong tranh

Không chỉ cho thấy vẻ đẹp và phục trang của những nữ nhân thời Đường, từng chi tiết nhỏ của "Trâm hoa sĩ nữ đồ" còn hé mở về những góc tối của cuộc sống trong cung cấm.

Theo The Epoch Times, nếu quan sát kỹ bức họa, người xem sẽ nhận ra "trâm hoa" trong tiêu đề chính là những bông hoa điểm tô cho mái tóc người phụ nữ quý tộc. Những cô gái này dường như rất ưa thích vẻ đẹp của những bông hoa cho dù là hoa cài trên tóc hay hoa cầm trên tay.

Phóng to 10 lần bức họa 1.200 tuổi, chuyên gia giật mình phát hiện bí mật giấu kín của cô nương trong tranh! - Ảnh 4.

Hình tượng hoa trong "Trâm hoa sĩ nữ đồ" mang nhiều ẩn ý thâm sâu (Ảnh: Baijiahao)

Vẻ đẹp nữ tính của phụ nữ thời Đường và bông hoa như hòa làm một, cả hai đều gợi lên bản chất phù du của tuổi trẻ. Bởi vì, hoa đẹp rồi hoa cũng tàn, một thời rực rỡ của tuổi trẻ và nhan sắc rồi cũng sẽ tàn phai theo tháng năm.

Tương truyền, vị hoàng đế phong lưu Đường Huyền Tông còn có độc chiêu chọn mỹ nhân thông qua việc thả một con bướm trong bữa tiệc mùa xuân, bởi vì trên đầu các phi tần đều được cài hoa vậy nên loài bướm đậu lên hoa của mỹ nhân nào thì người đó sẽ được lựa chọn để thị tẩm.

Phóng to 10 lần bức họa 1.200 tuổi, chuyên gia giật mình phát hiện bí mật giấu kín của cô nương trong tranh! - Ảnh 5.

Một cô nương trong tranh đeo chiếc vòng "khiêu thoát" trên tay (Ảnh: Baijiahao)

Thân phận nhỏ bé, cô đơn là vậy nhưng những người phụ nữ này vẫn không quên nuôi nấng những mong ước về tình yêu. Khi phóng to tranh lên 10 lần, các chuyên gia đã không khỏi giật mình khi nhận thấy trên cổ tay một nữ nhân đang đeo một chiếc vòng tay kỳ lạ.

Món trang sức kim loại giống với hình lò xo này có tên gọi là "khiêu thoát", thường được cuộn 3-10 vòng ở cổ tay hoặc cánh tay.

Chiếc vòng tay này gắn bó mật thiết với tình yêu trong thời phong kiến, là hiện thân của một lời thề hẹn sắt son cho người yêu. Thế nên trong bài thơ "Định tình thi" cuối thời Hán mới có mấy câu:

"Lấy gì thề sắt son? Đôi khuyên lấp lánh ngọc.

Lấy gì nguyện trung thành? Túi thơm ướp hương hoa.

Lấy gì làm thiết tha? Khiêu thoát trên tay ngà."

Yêu và khát khao tình yêu là vậy nhưng những người phụ nữ này sẽ không thể tự quyết định hạnh phúc của bản thân mình. Chi tiết món trang sức nhỏ của "Trâm hoa sĩ nữ đồ" đã đủ thể hiện mong ước thầm kín của đại đa số phụ nữ phong kiến, khiến hậu thế thêm phần xót xa cho thân phận mong manh của họ trong xã hội cũ.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày