Phóng to bức họa 300 tuổi vẽ thầy mắng trò, chuyên gia giật mình: Hiểu lầm thầy giáo rồi!

Ngọc Dung, Theo Pháp luật và Bạn đọc 08:10 21/02/2022

Những phân tích của vị chuyên gia sẽ khiến người xem nhận ra sự thật không như họ nghĩ.

Bức họa “Seodang” 300 tuổi

Tranh phong tục là 1 trong những dòng tranh nổi bật của hội họa Hàn Quốc vào thời Joseon. Dòng tranh này khắc họa những nét sinh hoạt hằng ngày của tầng lớp thường dân, là tài liệu quan trọng trong việc quan sát và tìm hiểu về cuộc sống của người xưa.

“Seodang” (Thư đường) là 1 trong những bức tranh phong tục nổi tiếng nhất của danh họa Hàn Quốc Kim Hong-do (1745 - 1814). Với việc miêu tả biểu cảm nhân vật hết sức sống động, bức tranh giúp hậu thế dễ dàng hình dung 1 buổi học của thầy và trò tại trường làng thời Joseon diễn ra như thế nào.

Phóng to bức họa 300 tuổi vẽ thầy mắng trò, chuyên gia giật mình: Hiểu lầm thầy giáo rồi! - Ảnh 1.

Bức tranh phong tục nổi tiếng “Seodang” của họa sĩ Kim Hong-do (Ảnh: Edaily)


“Seodang” khắc họa 10 nhân vật, bao gồm 1 thầy giáo và 9 học trò của ông. Trong số đó, thầy giáo làng, được gọi là hunjang, và cậu học trò nhỏ ngồi trước mặt ông là 2 nhân vật chính của bức họa.

Thoạt nhìn qua, hình ảnh cậu học trò đang khóc lóc với quyển sách để mở sau lưng, bên cạnh là 1 thứ trông như chiếc roi mây khiến ai cũng cho rằng cậu vừa bị thầy đánh mắng do không thuộc bài.

Nhưng khi phóng to bức họa 300 tuổi này, nhà phê bình nghệ thuật Son Tae-ho đã phát hiện và chỉ ra những điểm chứng minh sự thật không như chúng ta nghĩ. Vậy những chi tiết đó là gì?

Sự thật đằng sau

Bằng việc đưa ra những chi tiết rất thú vị, chuyên gia Son Tae-ho khẳng định cậu học trò chưa hề bị thầy giáo la mắng hay trách phạt. Điều cần lưu ý thứ nhất là về y phục của cậu học trò. Nếu quan sát kỹ, ta có thể thấy sợi dây quấn quanh gấu quần giúp bộ y phục chỉn chu, gọi là daenim, vẫn chưa bị tháo ra.

Từ xa xưa đến nay, người Hàn Quốc khi phạt roi thường sẽ đánh vào bắp chân trần của người bị phạt. Do đó, chi tiết sợi daenim vẫn giữ nguyên trạng thái thắt lại có thể chứng minh cậu bé chưa phải kéo ống quần lên để chịu đòn.

Phóng to bức họa 300 tuổi vẽ thầy mắng trò, chuyên gia giật mình: Hiểu lầm thầy giáo rồi! - Ảnh 2.

Cận cảnh phần dây daenim ở gấu quần của cậu học trò (Ảnh: Edaily)

Thứ hai, cậu học trò vẫn đang “bối tụng”, tức ngồi xoay lưng đọc thuộc lòng bài cũ cho thầy nghe. Thuộc làu kinh sử vốn là điều bắt buộc và là phần quan trọng nhất của giáo dục Nho giáo. Nếu chưa ghi nhớ nội dung nào thì học trò phải ôn cho bằng thuộc, khi nào nằm lòng phần đó thì mới được học sang bài mới.

Chuyên gia cho rằng do “bối tụng” mãi vẫn chưa xong, sợ bị thầy trách phạt nên cậu học trò nhỏ không kìm được nước mắt mà òa khóc như vậy. Thêm vào đó, gương mặt thầy giáo rất buồn bã khi trò của mình không thuộc bài. Nếu có ý trách mắng, hẳn biểu cảm của ông sẽ ít nhiều có phần giận dữ.

Phóng to bức họa 300 tuổi vẽ thầy mắng trò, chuyên gia giật mình: Hiểu lầm thầy giáo rồi! - Ảnh 3.

Nét mặt phiền muộn của người thầy giáo (Ảnh: Edaily)

Mặc dù hiện nay mọi hình phạt về thể xác đều bị cấm trong các trường học ở Hàn Quốc, nhưng vào thời Joseon, chiếc roi mây từng được xã hội công nhận là một phần không thể thiếu của quá trình dạy và học.

Vì thế có thể kết luận rằng, dù tạm thời là chưa, nhưng thầy giáo làng trong tranh cuối cùng cũng đành phải cầm roi lên phạt cậu học trò không thuộc bài mà thôi!

https://soha.vn/phong-to-buc-hoa-300-tuoi-ve-thay-mang-tro-chuyen-gia-giat-minh-hieu-lam-thay-giao-roi-20220219211053751.htm