Trung Quốc: Phụ huynh phàn nàn "cho con vào đại học là khởi đầu của rắc rối" khiến dư luận tranh cãi

Hiểu Đan, Theo Phụ nữ Việt Nam 07:56 20/06/2023

Ông bố cho rằng mình đã nuôi lớn một đứa con ích kỉ chỉ biết đến bản thân, không hiểu nỗi vất vả của cha mẹ.

Con vào một trường đại học tốt là mong muốn chung của tất cả các bậc phụ huynh. Để đạt được mục tiêu này, cha mẹ nào cũng cố gắng hết sức để cung cấp cho con mọi điều kiện tốt nhất: Từ cái ăn cái mặc đến tài nguyên học tập, môi trường học hành thuận lợi.

Tưởng rằng khi con trở thành sinh viên, mọi thứ sẽ dễ thở, ít áp lực hơn. Thế nhưng nhiệm vụ của cha mẹ vẫn chưa dừng lại. Chẳng hạn, một phụ huynh ở Trung Quốc mới đây đã đăng bài viết phàn nàn với chủ đề: "Vào đại học là bắt đầu rắc rối" làm dấy lên những cuộc tranh luận sôi nổi.

Vị phụ huynh này kể về những điều "bất an" của con trai sau khi vào đại học. Trước khi con nhập học, anh đã thỏa thuận với con mức sinh hoạt phí 2.000 tệ mỗi tháng (khoảng 6,5 triệu đồng). Ông bố cho rằng, đây là mức tiêu chuẩn của tầng lớp trung lưu, quá đủ để đảm bảo cuộc sống hàng ngày ở trường.

Nhưng 2.000 nhân dân tệ không đủ để con trai anh tiêu dùng nửa tháng. Cứ sắp đến ngày 15 hàng tháng, cậu bắt đầu tủi thân khóc lóc, bày tỏ sự đáng thương cầu xin cha mẹ giúp đỡ thêm một ít.

Trung Quốc: Phụ huynh phàn nàn cho con vào đại học là khởi đầu của rắc rối khiến dư luận tranh cãi - Ảnh 1.

Để giải quyết vấn đề chi tiêu quá mức của con trai, cha mẹ cậu đã đổi sinh hoạt phí tháng thành sinh hoạt phí tuần, tổng số tiền vẫn không thay đổi. Mỗi tuần cho 500 tệ để giúp con biết cách lập kế hoạch. Nhưng phương pháp này hoàn toàn không có tác dụng, cậu con trai vẫn sẽ tìm đủ mọi lý do để xin thêm, cuối cùng, số tiền luôn là 4.000 nhân dân tệ (13 triệu đồng) một tháng.

Đối mặt với vấn đề này, cha mẹ cậu rất thất vọng. Ông bố cho rằng mình đã nuôi lớn một đứa con ích kỉ chỉ biết bản thân, không hiểu nỗi vất vả của cha mẹ. Câu chuyện của ông ngay lập tức thu hút nhiều sự tranh luận từ cư dân mạng.

Một số ý kiến cho rằng, sinh viên đại học tuy đã trưởng thành, có năng lực độc lập nhất định nhưng vẫn chưa thực sự rời ghế nhà trường, thiếu khả năng tài chính. Vì vậy cha mẹ có trách nhiệm chu cấp là điều dễ hiểu. Mức 2.000 nhân dân tệ không quá cao, ở thành phố lớn vẫn có thể thiếu hụt.

Tuy nhiên, phần đông nhận định, nam sinh viên trong câu chuyện "được voi đòi tiên". Khi rời nhà ra "đời", bạn buộc phải học cách tự cân nhắc tính toán từng đồng trong chi tiêu, "tự lập theo mức chu cấp của gia đình", nếu không đủ thì đi làm thêm để đỡ đần bố mẹ, có thêm mức thu nhập và kinh nghiệm sống chứ không phải than vắn thở dài.

Học ở các thành phố lớn thì số tiền tiêu mỗi tháng "đội" lên đáng kể nhưng nếu có kế hoạch chi tiêu hợp lý, mọi vấn đề đều được giải quyết. Một số cư dân mạng còn đề nghị cha mẹ của nam sinh viên nên kiểm tra xem tiền của con mình tiêu vào đâu, có thể là đã có bạn gái hoặc đam mê một thứ gì đó.

Quả thật rất khó để đưa ra một con số chính xác về chuyện tiền nong của sinh viên xa nhà. Chi tiêu như thế nào còn phụ thuộc vào mức sống và điều kiện gia đình của mỗi người. Nhưng về vấn đề mâu thuẫn tiền trợ cấp, các chuyên gia cho rằng phụ huynh nên cố gắng trao đổi với con cái để hiểu rõ gốc rễ của vấn đề.

Tất nhiên, các bạn sinh viên cũng nên thấu hiểu rằng cha mẹ kiếm tiền không dễ dàng, hãy tiết kiệm càng nhiều càng tốt. Đừng đua đòi, chạy theo xu hướng "bạn bè có gì, mình phải có đó", lúc đó bao nhiêu tiền cũng không đủ dùng. Bên cạnh đó, đa phần sinh viên cũng sẽ đi làm thêm để đỡ đần bố mẹ, không phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn chu cấp của gia đình.