Sau 4 năm xuất hiện, nhiều người Hà Nội - Sài Gòn giờ chỉ dùng dịch vụ đặt xe công nghệ!

A.D, Theo Trí Thức Trẻ 13:30 12/12/2017

Khi các công ty khởi nghiệp như Uber hay Grab vào Việt Nam với giải pháp di chuyển thông qua ứng dụng, đối với người Việt có lẽ tất cả đều dừng lại ở mức tò mò, muốn thử cho biết. Thế nhưng, sau vài năm hoạt động chia sẻ xe lại đang trở thành một giải pháp giao thông thật sự.

Từng là một “cơn gió lạ” đến với thị trường Việt Nam và làm xôn xao các diễn đàn, mạng xã hội và kể cả gây ra nhiều tranh cãi… Tuy nhiên, phải nói một cách công bằng rằng dịch vụ chia sẻ xe đang vượt qua chính những bước đi đầu đời ở thị trường Việt Nam. Không còn là sự tò mò, sự hiếu kỳ. Giờ đây các bạn trẻ Hà Nội hay Sài Gòn đang dần biến Uber và nhiều cái tên dịch vụ tương tự khác thành phương tiện chính thức cho việc di chuyển của mình. Đấy chính là hệ quả cộng hưởng giữa giải pháp gắn liền với nhu cầu thực tiễn của người dùng và giá thành phù hợp cùng với tiện ích khi sử dụng.

Vậy điều gì đã khiến các dịch vụ chia sẻ xe như Uber được giới trẻ tại 2 đô thị lớn nhất cả nước từ trạng thái nghi ngờ, tò mò rồi dần dần trải nghiệm sau đó là sự đón nhận và tin chọn như một lựa chọn gắn liền với cuộc sống? Câu hỏi chắc chắn chỉ cá nhân mỗi người mới có thể giải đáp. Tuy nhiên, chúng ta cũng không quá khó để tìm thấy những tiện ích nổi bật mà dịch vụ chia sẻ xe này mang lại.

Là “cứu cánh” tuyệt vời cho nhiều giấc mơ muốn ngồi ôtô nhưng “có thù” với vô-lăng

Mục tiêu tậu xe, ngồi xế hộp đã từng và đâu đây luôn là giấc mơ của rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ.

Tuy nhiên, sống tại các thành phố lớn, nơi quỹ đất hạn hẹp, dịch vụ kèm theo đắt đỏ, tắc đường, kẹt xe là chuyện cơm bữa. Đặc biệt, việc cầm lái giữa tiếng còi xe inh ỏi vào các khung giờ cao điểm hay sau những giờ làm mệt mỏi còn là ác mộng kinh khủng đối với nhiều người. Nếu sở hữu một chiếc ôtô riêng, ta sẽ phải “nuôi” và “sống” cùng nó khổ cực như thế nào chắc ai cũng nhìn thấy! Vậy những người đã chán ngán phải hít khói bụi thành phố, ghét cay ghét đắng việc phải phơi mình dưới nắng nóng, ướt sũng sau những cơn mưa bất chợt thì làm sao?

Sau 4 năm xuất hiện, nhiều người Hà Nội - Sài Gòn giờ chỉ dùng dịch vụ đặt xe công nghệ! - Ảnh 2.

Sau 4 năm xuất hiện, nhiều người Hà Nội - Sài Gòn giờ chỉ dùng dịch vụ đặt xe công nghệ! - Ảnh 3.

Thực tế cho thấy, không ít người mua ô tô nhưng rồi thường xuyên để xe “trùm chăn” ở nhà, khi cần đi lại thì bật ứng dụng gọi xe “cho tiện”. Thao tác đơn giản, thanh toán nhanh chóng và đặc biệt là không phải lo việc gửi xe, đậu xe – nỗi ác mộng của tất cả những người đang sử dụng ô tô đã khiến nhiều người “ruồng rẫy” chính chiếc xe của mình.

Tất cả những điều đó làm nhiều người trẻ phải suy nghĩ: “Một chiếc ô tô riêng có thật sự còn là mục tiêu của tuổi trẻ?”.

Chia sẻ xe không tốn kém như bạn nghĩ!

Chia sẻ xe có tốn kém hay không? Câu trả lời là có, dĩ nhiên chúng ta dùng dịch vụ thì phải tốn kém. Nhưng suy cho cùng, giá trị nhận được mới có xứng đáng hay không mới chính là điều quan trọng, cốt lõi nhất.

Nhìn đơn giản một chút: Nếu sở hữu xe riêng ta sẽ tốn một khoản vốn rất lớn để mua xe, sau đó là các loại phí, rồi là xăng dầu, sửa chữa, bảo trì, cùng với đó là cầu đường bến bãi. Còn nếu dùng dịch vụ chia sẻ xe, hay được người dân gọi với những cái tên: xe ôm công nghệ, taxi công nghệ… thì ta sẽ chỉ tốn một mức phí duy nhất cho mỗi chuyến hành trình, giá tốt và niêm yết công khai, đặc biệt là có rất nhiều mã khuyến mãi là những điểm mạnh mà ai cũng thấy được khi nhắc tới loại hình dịch vụ này. Tuy nhiên, bù lại chúng ta cũng không có quyền sở hữu xe, hay đối với các vùng nông thôn, đô thị chưa phát triển thì chưa thể sử dụng được dịch vụ. Mỗi lựa chọn đều có điểm mạnh, điểm yếu, nếu tính riêng Hà Nội hay TP.HCM có vẻ như lựa chọn hình thức chia sẻ xe, hạn chế sở hữu xe cá nhân sẽ còn góp phần thêm một giải pháp cho các đô thị, tiết kiệm và tiện ích hơn cho người dân.

Tình trạng giao thông cùng với chi phí bỏ ra để mua, bảo trì, đậu đỗ cho một chiếc xe là không hề nhỏ khiến nhiều người phải cân nhắc lại việc sở hữu phương tiện cá nhân. Anh Lâm Khanh (Quận 1) cho rằng: “Tiền xăng, chi phí bảo trì sửa chữa và gửi xe trong 10 năm cũng khoảng 300-500 trăm triệu tùy vào loại xe. Có loại đòi hỏi bảo trì thường xuyên, vô cùng tốn kém. Nếu xét lợi ích về kinh tế thì tôi vẫn thấy nên chọn dùng các ứng dụng như Uber. Còn nếu mua xe vì để chủ động cho công việc thì phải sẵn sàng cho việc chi trả nhiều chi phí phát sinh”.

Minh Quân, sinh viên của trường Đại học Kinh tế TP. HCM ủng hộ các dịch vụ chia sẻ xe: “Mình thường tan học vào giờ cao điểm, việc đi về cứ như “tra tấn”. Nhưng may mắn là các dịch vụ chia sẻ xe hoạt động rất hiệu quả. Mình thường bật ứng dụng gọi xe đi về, dù vẫn chịu kẹt xe nhưng ít ra đỡ phải điều khiển, luồn lách vất vả”. Thậm chí một số người “xếp xó” phương tiện cá nhân từ khi có các ứng dụng gọi xe. Chị Yến Nhi (Quận Tân Bình) cho biết: “Kể từ khi có ứng dụng gọi xe, gần như mình để xe ở nhà 24/24. Muốn đi đâu chỉ bật ứng dụng và nhấn nút, giá cả hiển thị rõ ràng và khá hợp lý”.

Xe riêng, chia sẻ xe hay phương tiện công cộng xét cho cùng đều chỉ là cách giúp con người di chuyển thuận tiện hơn. Vì vậy, lựa chọn hình thức di chuyển nào thuận tiện nhất, hưởng dịch vụ tốt với mức chi phí hợp lý luôn là ưu tiên của mỗi người.

“Bạn đồng hành” đáng tin nhất trước mỗi bữa tiệc, sau mọi cuộc vui

Với các chị em, dịch vụ chia sẻ xe đem đến nhiều lợi ích cộng thêm đến không ngờ. Nếu phải di chuyển đến các bữa tiệc cần sự chỉn chu, lộng lẫy cùng những bộ váy lấp lánh hay kể cả cùng với đôi giày cao gót 20cm… lên Uber, là xong. Hãy thử hình dung nếu bạn diện một bộ đồ dạ hội đi tiệc trên một chiếc xe máy tầm 6 – 7 giờ tối giữa trung tâm Sài Gòn hay Hà Nội thì khi đến nơi bạn trông như thế nào? Chưa kể với những nhóm bạn đông người, gọi xe đi cùng cũng tiện lợi, cùng lúc để “chừa mặt” mấy kẻ giờ cao su ra!

Và nếu sau những cuộc vui, anh có quá chén hay chị có yếu tay lái thì cũng đã có lựa chọn hợp lý là gọi xe đi về. Được đón tận nơi, đưa về tận nhà, không phải chỉ đường, không phải lo giá… tất cả đều rõ ràng dù chúng ta có say đến mất trí.

Anh Hữu Phước (Quận 4) chia sẻ: “Mình cũng ít đi nhậu nhưng có cái tật đã gặp anh em là hay “vui quá”. Nhiều lần nhậu xong sáng hôm sau dậy còn không nhớ hôm qua chạy xe về thế nào. Từ ngày có mấy ứng dụng đặt xe trên điện thoại, mỗi lần đi nhậu mình đặt xe cả đi và về cho an toàn”.

Với bạn Phương Mai, chạy xe còn là một ám ảnh: “Mình sợ ra đường vì mình lái xe yếu, trời thì nắng, khói bụi với kẹt xe mệt mỏi lắm. Người yêu mình hay gọi mình là “cô ninja” mỗi khi thấy mình bịt kín mít chạy xe đi làm. Từ hồi có liên kết giữa ngân hàng mình mở thẻ với dịch vụ chia sẻ xe, mình toàn đặt xe đưa đón đi làm. Ngày nào cũng có ô tô riêng đưa đón, có tài xế riêng mà chi phí cũng thấp nữa”.

Sau 4 năm xuất hiện, nhiều người Hà Nội - Sài Gòn giờ chỉ dùng dịch vụ đặt xe công nghệ! - Ảnh 4.

Sau 4 năm xuất hiện, nhiều người Hà Nội - Sài Gòn giờ chỉ dùng dịch vụ đặt xe công nghệ! - Ảnh 5.

Giải pháp gỡ rối cho giao thông, đô thị

Hạ tầng Việt Nam dù được từng bước nâng cấp tuy nhiên chủ yếu vẫn là đường phố nhỏ. Trong giờ cao điểm xe máy còn có thể luồn lách thoát khỏi “ma trận” nhưng ôtô thì chỉ có thể “chôn chân”, chưa tính đến khó khăn khi dừng đậu, tìm bãi đỗ… Ùn tắc đang biến việc tham gia giao thông trở thành cơn ác mộng của mọi người dân tại các thành phố lớn. Lượng xe cá nhân đặc biệt là ôtô riêng tăng chóng mặt trong những năm qua trong khi việc quy hoạch đường xá, đô thị bế tắc khiến nạn kẹt xe thường xuyên trở thành chủ đề nóng, bức xúc của mọi người.

Chị Ngọc Minh (Quận Tân Bình) cho biết: “Nhà mình có ô tô nhưng dạo gần đây cũng toàn gọi các dịch vụ như Uber cho tiện. Đỡ lo chuyện tìm bãi đậu xe, mà nhỡ tắc quá cũng có thể… xuống xe giữa chừng”. Bạn Tú Mai, sinh viên trường Đại học Ngoại thương hài hước nói rằng: “Sau này có tiền chắc em cũng không mua ô tô riêng làm gì với tình hình giao thông như thế này ạ, như chui đầu vào rọ. Cứ bật ứng dụng rồi dùng dịch vụ chia sẻ cho lành”.

Một điểm hạn chế của giao thông công cộng tại Việt Nam là số lượng phương tiện cũng như các tuyến đậu đỗ chưa thật sự đáp ứng. Bãi đỗ xe cũng là một vấn đề hết sức nan giải mà ở Việt Nam đang réo lên hồi chuông báo động. Trong khi đó, lượng phương tiện cá nhân khổng lồ là nguyên nhân chính gây ùn tắc, khan hiếm chỗ đậu xe. Việc hạn chế sử dụng xe cá nhân, dùng các dịch vụ chia sẻ xe chính là một lựa chọn “vô tình” giảm tải áp lực cho các bãi đậu xe công cộng tại đô thị Việt.

Sau 4 năm xuất hiện, nhiều người Hà Nội - Sài Gòn giờ chỉ dùng dịch vụ đặt xe công nghệ! - Ảnh 6.

Sau 4 năm xuất hiện, nhiều người Hà Nội - Sài Gòn giờ chỉ dùng dịch vụ đặt xe công nghệ! - Ảnh 7.

Thêm một điều thú vị, theo nghiên cứu của Uber thực hiện phối hợp cùng tập đoàn BCG, nếu chia sẻ phương tiện trở thành hình thức đi lại phổ biến chỉ sau xe cá nhân thì lượng ô tô lưu thông trên đường sẽ giảm đến 27%. Kết quả này đã mở ra nhiều triển vọng giải quyết vấn nạn ùn tắc từ ý thức của mỗi cá nhân. Nếu người sở hữu ô tô cá nhân chọn bật ứng dụng gọi xe thay vì tự đi xe của mình, lượng “ô tô rỗng”, “bốn bánh chở một người” sẽ được giảm thiểu, giải phóng nhiều diện tích cho thành phố. Nghiên cứu cũng cho thấy người dùng càng sử dụng các dịch vụ ridesharing nhiều thì càng có xu hướng đi các phương tiện giao thông công cộng nhiều hơn (Hiệp hội Giao thông Công cộng Mỹ).

Kết:

Dịch vụ chia sẻ xe đang dần trở thành một lựa chọn được ưu tiên tại các thành phố lớn bởi những tiện ích mà nó đem lại. Khắc phục được một số hạn chế về chất lượng tài xế, tình trạng tự hủy chuyến trong giờ cao điểm, dịch vụ này đầy đủ khả năng trở thành hình thức tham gia giao thông phổ biến và ưu việt tại các thành phố lớn hiện tại và tương lai.

Nghiên cứu của Uber chỉ ra rằng, tại châu Á có khoảng 40% số người có dự định mua xe sẵn lòng từ bỏ ý định nếu dịch vụ chia sẻ phương tiện có thể đáp ứng nhu cầu đi lại của họ một cách kịp thời, dễ dàng với giá cả hợp lí. Trong năm vừa qua, trung bình trong 10 người sở hữu ô tô thì có tới 4 người cân nhắc từ bỏ xe. Con số này còn lớn hơn khi khảo sát cụ thể đối tượng thuộc thế hệ millennials (những người sinh ra trong giai đoạn từ đầu thập niên 1980 đến đầu thập niên 2000).