Sau "Glee", cùng dự đoán phim truyền hình Âu Mỹ nào được Việt hoá tiếp theo?

Ngân Long, Theo Trí Thức Trẻ 10:00 07/09/2017

Với sức hút hiện tại của Glee thì sắp tới truyền hình Việt có thêm vài phim truyền hình nổi tiếng của Mỹ được "mua về" cũng không có gì lạ.

Điện ảnh Việt Nam gần đây được chứng kiến cơn sốt làm lại các tác phẩm nước ngoài. Trên màn ảnh rộng, Em là bà nội của anh đã thu về hơn 100 tỉ đồng doanh thu. Trên sóng truyền hình, Người phán xử (được mua kịch bản của Israel) cũng ghi được ấn tượng mạnh cũng như thu gần 4 tỷ đồng quảng cáo mỗi tập.

Hòa vào xu thế đó, Glee Việt cũng ra mắt với Angela Phương Trinh, Đỗ An, Hữu Vi v.v... và gây được cơn sốt trên diện rộng bởi có quá nhiều thứ để nói. Từ chuyện diễn viên hợp vai cho đến việc Việt hoá thế nào là chuyển tải đủ tinh thần. Rõ ràng, với sức hút hiện tại của Glee thì sắp tới có thêm vài phim truyền hình nổi tiếng của Mỹ được mua về cũng không có gì lạ. Thử dự đoán xem đó là những phim nào nhé!

1. How I met your mother (Khi bố gặp mẹ - Thể loại: hài tình huống/ lãng mạn.)

Sau Glee, cùng dự đoán phim truyền hình Âu Mỹ nào được Việt hoá? - Ảnh 1.

Không quá khó để nhận ra How I met your mother có tất cả những gì khán giả trẻ Việt Nam yêu thích: những cuộc tình lãng mạn, tình huynh đệ giữa cánh mày râu, và những tình tiết hài cực chất. Mặc dù phim xoay quanh 5 nhân vật chính là Ted, Barney, Marshall, Lily và Robin cùng những biến đổi trong tình cảm mỗi người nhưng những khía cạnh khác của phim cũng được nêu ra và giải quyết rất thỏa đáng.

Chẳng hạn như nhân vật Barney là một tay chơi sát gái, nhưng bản thân luôn mang mặc cảm khi không biết cha mình là ai để rồi giận cha mình và cuối cùng là tha thứ cho ông. Và cũng chính nhân vật Barney ấy, tưởng chừng như cả đời không thể yêu ai hết mình, đã bật khóc và ôm lấy con gái của mình, dẫu cho cô bé chỉ là kết quả của một mối tình một đêm. Hay như xung đột giữa Lily và mẹ chồng. Thay vì chịu đựng mẹ chồng và đau khổ một mình, nàng dâu Lily đã có cách phản kháng riêng cũng như cách thỏa hiệp với gia đình chồng để giữ lấy hạnh phúc cho mình.

Có thể nói, xuyên suốt 9 phần, bộ phim đã truyền tải những giá trị nhân văn tốt đẹp của xã hội Mĩ thông qua những câu chuyện đời thường. Nếu có thể vận dụng tốt kịch bản gốc, nhà biên kịch Việt Nam cũng sẽ có thể thể lồng ghép những nét đặc thù của Việt Nam vào phim , tạo ra sức hút rất riêng cho tác phẩm của mình.

Một chi tiết nhỏ khác: Đó là dù không phải phim ca nhạc, nhưng How I met your mother có những phân cảnh ca hát rất hay và đầy cảm xúc. Điều này có thể là một điểm tốt để khai thác tại thị trường Việt Nam, khi mà hầu hết diễn viên nổi tiếng đều ít nhiều có liên quan đến ca nhạc, thậm chí họ còn là những ca sĩ có tiếng.

Ca khúc "For the Longest time" được biểu diễn trong một tập phim nói về những thời khắc khác nhau trong đời của nhân vật Ted

2. The secret world of Alex Mack (Thế giới bí mật của Alex Mack - Thể loại: viễn tưởng, hài dành cho lứa tuổi thiếu niên)

Có thể nói dòng phim thiếu nhi của Việt Nam vẫn còn rất yếu và thiếu. Sau Đất phương nam, Kính vạn hoa, chúng ta đã có thêm Bà mẹ nhí, Gia đình phép thuật… Nhưng điểm chung của những phim này là sự hời hợt trong kịch bản đã khiến cho khả năng diễn xuất của các diễn viên nhí bị phí hoài.

Trong bối cảnh đó, một bộ phim về tuổi teen như Thế giới bí mật của Alex Mack có thể sẽ mở ra hướng đi mới cho thể loại phim thiếu nhi này. Từng được chiếu trên VTV3, câu chuyện phim kể về Alex Mack, một nữ sinh cấp 2 vô tình bị nhiễm hóa chất và có được những siêu năng lực như: hóa thành chất lỏng, di chuyển đồ vật bằng mắt, bắn ra laser từ mắt v.v...

Nhưng thay vì biến Alex Mack thành một nữ siêu anh hùng, các nhà làm phim đã khai thác yếu tố nổi loạn, bốc đồng của tuổi teen để tạo ra các tình huống kịch tính, thu hút khán giả nhí theo dõi từ tập này qua tập khác.

Sau Glee, cùng dự đoán phim truyền hình Âu Mỹ nào được Việt hoá? - Ảnh 3.

Với điều kiện làm phim hiện tại của điện ảnh Việt, không khó để tái hiện những siêu năng lực của Alex Mack trong phiên bản Việt hóa. Tuy nhiên, điều quan trọng vẫn là một cốt truyện đảm bảo được hai điểm: sự hài hước đáng yêu của tuổi teen và những thông điệp ẩn sau mỗi tập phim.

3. Grey’s anatomy (Tạm dịch "Ca phẫu thuật của Grey" - Thể loại : tâm lý xã hội)

Sau Glee, cùng dự đoán phim truyền hình Âu Mỹ nào được Việt hoá? - Ảnh 4.

Phim truyện Việt Nam luôn bị một điểm yếu, đó là thiếu hấp dẫn về mặt chuyên môn. Chẳng hạn như những bộ phim kinh doanh luôn bị thiếu những chiến lược kinh doanh tài tình, những màn đấu trí bất phân thắng bại. Hay cụ thể hơn, một số bộ phim về ngành y như Blouse trắng, Nữ bác sĩ vẫn chỉ tập trung quanh đời sống tình cảm của nhân vật mà thiếu đi những tình tiết li kì, hấp dẫn trong quá trình khám chữa bệnh của người thầy thuốc.

Grey’s anatomy là một bộ phim của Mỹ đã rất thành công khi khai thác được sự phức tạp trong công việc lẫn trong nội tâm của những con người làm ngành y. Lấy bối cảnh là bệnh viện giả tưởng Grey-Sloan Memorial, bộ phim kể về cuộc sống của những bác sĩ Cristina Yang (Sandra Oh), Izzie Stevens (Katherine Heigl), Alex Karev (Justin Chambers)… Dẫu được cho là những con người thông minh và tài ba nhất trong xã hội, họ vẫn luôn có những phút yếu lòng để rồi phải thốt lên :

Sau Glee, cùng dự đoán phim truyền hình Âu Mỹ nào được Việt hoá? - Ảnh 5.

(Tạm dịch: Có một người luôn hiện hữu trong tôi. Cô ta sáng dạ, đầy năng lực. Cô ta chính là tôi, chỉ là cô ta quá giỏi và tôi sợ rằng mình sẽ không thể trở thành như thế chỉ vì luôn có những thứ sẽ cản đường tôi - lời thoại của nhân vật Meredith Grey trong tập 14 phần 4).

Biết đâu Grey’s anatonym sẽ có thể trở thành một cú "hit" nếu được đem về Việt Nam. Bộ phim sẽ càng có giá trị hơn trong bối cảnh ngành y Việt Nam đang có nhiều tiêu cực và bị nhìn dưới ánh mắt nghi ngờ của xã hội. Nếu có một kịch bản được chuyển thể khéo léo, phiên bản Việt của Grey’s anatonym hoàn toàn có thể xóa tan đám mây "tiêu cực", đem lại một góc nhìn mới đầy thiện cảm hơn cho những người thầy thuốc Việt.

Trên đây là 3 bộ phim mà chúng tôi cho rằng có khả năng thành công tại thị trường Việt Nam cũng như mức độ khả quan để thực hiện. Còn bạn thì sao?