Sau những ngày bơi trong bánh tét và thịt kho, đây là những món ăn được nhiều người Sài Gòn săn lùng

Euphoria97, Theo Trí Thức Trẻ 09:05 08/02/2019

Mùng 4 là dịp nhiều hàng ăn mở cửa sau khoảng thời gian nghỉ Tết, cũng là thời điểm lí tưởng để "giải cứu" khẩu vị bị ngấy bởi bánh chưng, bánh tét, thịt kho... đấy.

Hãy cùng điểm qua một số món ăn được người Sài Gòn hỏi nhau trong mấy ngày nay nhé:

Mì Tàu

Nguồn ảnh: Lê Vân, Huỳnh Tuấn Khải.

Người Sài Gòn thật sự rất thích các loại mì của người Hoa, và những xe mì Tàu này có thể được tìm thấy ở hầu hết các quận trong thành phố. Mì người Hoa là sợi mì trứng, thường là mì tươi, sợi dai dai và không có vị béo. Các loại thịt cũng thường là thịt nạc xá xíu hoặc luộc, không có mỡ, rất thích hợp để đổi khẩu vị sau Tết.

Một số địa chỉ mì ở Sài Gòn cho bạn tham khảo:

Địa chỉ 1: 66/5 Lê Đại Hành, Q11.

Địa chỉ 2: 52 Calmette, Nguyễn Thái Bình, Q1.

Địa chỉ 3: 11 Lê Thạch, phường 12, Q4.

Hủ Tiếu

Sài Gòn là nơi nổi tiếng với các loại hủ tiếu, nhưng nếu phải nhắc đến loại hủ tiếu giải ngấy hiệu quả nhất thì đó là hủ tiếu Nam Vang. Hủ tiếu Nam Vang đúng chuẩn có nước lèo vị thanh và trong, có hơi chua nhẹ, khi ăn vắt thêm miếng chanh kích thích vị giác. Sợi hủ tiếu mềm, dai và có hương vị nhẹ, không ngầy ngậy như các loại nếp. Các phần thịt cũng chỉ có tôm, trứng cút và ít thịt băm, thịt nạc, ăn cùng rau giá trụng sơ. Và trong thực tế thì chưa cần chờ đến mùng 4, trong Tết khoảng mùng 1, 2 vẫn có người đi ăn hủ tiếu rồi vì đây là món ăn rất được lòng người Sài Gòn.

Một số địa chỉ hủ tiếu mở xuyên Tết hoặc mở cửa mùng 4 cho bạn:

Địa chỉ 1: 25 Cô Bắc, Q1.

Địa chỉ 2: 178/13 Cô Giang, Q1.

Bún riêu, canh bún

Có một sự thật là các món hơi có vị chua, thanh nhẹ một chút thì giúp giải ngấy tốt hơn, và bún riêu với canh bún là "ứng cử viên" sáng giá cho vai trò này. Bún riêu thường đi đôi với canh bún, một cái có sợi bún nhỏ, cái còn lại là sợi lớn hơn. Nhiều người thích ăn bún cho có cảm giác ít tinh bột hơn nhưng nếu ai thích sợi bún dai dai để nhai được lâu một chút thì nên ăn canh bún. Bún riêu ở Sài Gòn có khá nhiều thịt thà, song cũng chỉ giới hạn trong ít huyết, ít thịt, ốc và chút riêu cua hoặc một ít chả. Nước bún với vị chua nhẹ sẽ giúp "thanh lọc" khẩu vị đã bị "đơ" bởi bánh tét, bánh chưng ngày Tết.

Một số địa chỉ bún riêu, canh bún:

Địa chỉ 1: 55 Cô Giang, Q1.

Địa chỉ 2: 495/2 Tô Hiến Thành, phường 4, Q10.

Mì hến

Sau những ngày bơi trong bánh tét và thịt kho, đây là những món ăn được nhiều người Sài Gòn săn lùng - Ảnh 7.

Mì Hến là một đặc sản "sinh sau đẻ muộn" của Sài Gòn, nhưng cũng không có nghĩa là nó thua kém những món khác. Mì hến không "xôi thịt" như những món mì khác, thích hợp để ăn nhẹ. Thịt hến thanh đạm và ít béo ít ngậy hơn các loại thịt khác, ăn cùng rau răm, mì gói cay cay một chút sẽ giúp giải ngấy rất tốt. Mì hến khá hiếm trong dịp Tết nhưng vẫn có một địa chỉ mở cửa ấy là đối diện 31A Số 17, Tân Quy, Quận 7.

Bánh canh cua, ghẹ

Bánh canh cua thực ra là món ăn "thịt thà" nhiều topping, tuy nhiên bánh canh cua có vị ngọt từ thịt cua, nước dùng thanh chứ không có thịt mỡ gì. Sợi bánh canh làm từ bột gạo pha bột sắn nên dai dai, ít mùi gạo và ít ngậy. Ngoài ra thì thịt cua, ghẹ và một số topping hải sản ăn kèm sẽ thích hợp để thay thế cho các món ăn làm từ thịt heo, khiến bạn tạm thời "xa rời" dư vị thịt kho hột vịt.

Một vài địa chỉ bánh canh cua cho bạn, tuy nhiên vì đang dịp Tết nên các quán có thể sẽ mở cửa hơi trễ, tầm 14h - 15h chiều, bạn chú ý đừng đến sớm quá kẻo bị "hố" nhé.

Địa chỉ 1: 484 Vĩnh Viễn, Phường 8, Q10.

Địa chỉ 2: 484 Nguyễn Tri Phương, Phường 9, Q10.