Say nắng vào mùa nóng rất nguy hiểm, cần biết rõ về bệnh để xử lý và phòng ngừa tốt hơn

Bình Bình, Theo Trí Thức Trẻ 19:49 11/05/2017

Nắm rõ những thông tin sau về say nắng sẽ giúp bạn bảo vệ sức khỏe bản thân và những người xung quanh tốt hơn.

Nguyên nhân và triệu chứng của say nắng

Say nắng là hiện tượng rất thường xảy ra trong mùa nắng nóng. Khi bạn lao động hoặc đi quá lâu ngoài trời nắng, trung tâm điều hòa thân nhiệt bị chấn động làm rối loạn chức năng điều hòa thân nhiệt, thân nhiệt tăng, mồ hôi đổ nhiều khiến cơ thể mất nước nghiêm trọng nên dẫn đến say nắng.

Khi say nắng ở trạng thái nhẹ, người bệnh thường sẽ có biểu hiện như mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu. Tuy nhiên, nếu không được xử lý kịp thời có thể dẫn đến ngất, hôn mê, trụy tim, nặng hơn có thể để lại di chứng thần kinh không hồi phục được và tử vong.

Say nắng vào mùa nóng rất nguy hiểm, cần biết rõ về bệnh để xử lý và phòng ngừa tốt hơn - Ảnh 1.

Biện pháp xử lý say nắng

Khi bị say nắng cần thực hiện ngay các quy trình xử lý sau:

- Giảm thân nhiệt: di chuyển vào chỗ râm mát, cởi bỏ bớt quần áo cho thoáng. Sau đó dùng khăn nhúng nước lạnh hoặc nước đá rồi lau chườm khắp người, nhất là ở những vị trí như nách, bẹn, cổ để hạ thân nhiệt nhanh chóng.

Say nắng vào mùa nóng rất nguy hiểm, cần biết rõ về bệnh để xử lý và phòng ngừa tốt hơn - Ảnh 2.

- Uống nhiều nước, có thể pha chút đường và một chút muối để nhanh phục hồi hơn.

- Trong trường hợp người bệnh không thể uống nước được và có dấu hiệu như hôn mê, nôn mửa, sốt, khó thở... thì nên chuyển người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. Trên đường chuyển đi cũng cần phải chườm mát liên tục cho người bệnh.

Cần làm gì để phòng say nắng mùa nóng?

- Mặc trang phục rộng rãi và sáng màu để dễ thoát mồ hôi và ít bắt nắng.

- Uống nước thường xuyên. Khi cơ thể đủ nước thì khả năng bị say nắng cũng giảm đi.

Say nắng vào mùa nóng rất nguy hiểm, cần biết rõ về bệnh để xử lý và phòng ngừa tốt hơn - Ảnh 3.

- Khi làm việc hoặc đi ngoài trời nắng, bạn nên đội mũ hoặc nón rộng vành, đeo kính, mặc đồ bảo hộ để tránh nắng nóng chiếu trực tiếp vào đầu, mặt, cổ và gáy.

- Không nên làm việc quá sức mà sau khoảng 45 - 60 phút, bạn nên vào nơi râm mát nghỉ giải lao cho cơ thể phục hồi lại.

- Bổ sung thường xuyên các thực phẩm như dưa hấu, trà xanh, rau xanh, nước chanh, dưa leo, cà chua... cũng hỗ trợ chống say nắng hiệu quả.