SM Entertainment: gã khổng lồ thất thế hay là một cuộc “ngủ đông” để chuẩn bị đánh thức Kpop thế hệ thứ 4?

SJ, Theo Trí Thức Trẻ 00:08 21/09/2018

Người khổng lồ SM dần để thua chính mình hay đang âm thầm nắm cả tương lai thế hệ 4 của Kpop trong tay vẫn luôn là một thắc mắc lớn với những người yêu Kpop.

Nhắc đến Kpop, chắc chắn những người quan tâm sẽ biết đến bộ ba công ty giải trí được tôn vinh là "Big 3": SM, YG và JYP. Trải qua rất nhiều biến động, bộ ba công ty này vẫn nắm vị trí thống trị Kpop với sức mạnh tài chính vững vàng lẫn những nhóm nhạc lần lượt trở thành huyền thoại. SM entertainment, ngôi nhà chung của DBSK, Super Junior, Girls’ Generation, SHINee, EXO… là cái tên thường xuyên nắm giữ ngôi vương nếu Big 3 tranh cao thấp.

Tuy nhiên trong những năm trở lại đây, SM lại án binh bất động với dàn gà cưng và những sản phẩm âm nhạc không thực sự gây được ấn tượng, trong khi các đối thủ và cả những công ty nhỏ đều có bứt phá cả về thành tích âm nhạc lẫn doanh thu. Liệu người khổng lồ SM có đang thực sự thất thế trong khi Kpop đã vươn ra giới hạn toàn cầu?

SM trong quá khứ: Người khổng lồ của một nền Kpop hoàng kim

SM trong quá khứ luôn là tâm điểm của tất cả mọi sự chú ý. Có một câu nói rằng tất cả những gì SM làm đều là xu hướng, và quả thật SM là công ty giải trí không những đón đầu mà còn đặt ra xu hướng kéo cả ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc đi theo. Từ những năm đầu thế kỉ 21, khi Kpop chững lại vì sự tan rã của H.O.T và SechSkies, SM cho ra mắt BoA và DBSK. Sau DBSK là Super Junior, SNSD, SHINee, F(x)… lần lượt các nhóm nhạc đáp ứng đủ phần nghe và phần nhìn cho một bộ phận lớn khán giả hâm mộ Kpop.

DBSK có sức mạnh áp đảo cả Kpop trong thời điểm 2003 – 2009 với fandom được tổ chức kỉ lục Guinness công nhận lên đến 800 ngàn thành viên. Bên cạnh đó, nhóm còn là cái tên đặt nền móng cho các nhóm nhạc đàn em tại thị trường Nhật Bản. Nếu Nhật Bản là "sân nhà" của DBSK thì Super Junior lại bao thầu thị trường Trung Quốc. Super Junior cũng là nhóm nhạc tiên phong trong việc đưa các thành viên ngoại quốc vào nhóm để tận dụng người hâm mộ bản địa.

SM Entertainment: gã khổng lồ thất thế hay là một cuộc “ngủ đông” để chuẩn bị đánh thức Kpop thế hệ thứ 4? - Ảnh 1.

DBSK với 5 thành viên và Super Junior – hai nhóm nhạc có fandom lớn mạnh bậc nhất Kpop thế hệ 2.

Về phía nhóm nữ, SNSD từ những "thiếu nữ thời đại" đã dần dần nắm giữ vị trí nữ hoàng của Kpop. SNSD đặt ra một quy chuẩn cho mọi nhóm nhạc nữ noi theo, kể từ đội hình, tài năng của từng thành viên cho đến dòng nhạc và cả cảm hứng trang phục. Đập tan định kiến chỉ có nhóm nhạc nam mới có fanbase vững chắc, lực lượng fan trung thành của SNSD chắc chắn không thua kém bất cứ nhóm nhạc nam nào.

SM Entertainment: gã khổng lồ thất thế hay là một cuộc “ngủ đông” để chuẩn bị đánh thức Kpop thế hệ thứ 4? - Ảnh 2.

SNSD – tường thành khó xô đổ của các nhóm nhạc nữ trong lịch sử Kpop.

Là nhóm nhạc đứng ở giai đoạn chuyển giao giữa thế hệ 2 và thế hệ 3, EXO là cái tên nổi bật tiếp theo của nhà SM. Trong nhiều năm liền, những giải thưởng Daesang trao cho album ca nhạc chắc chắn không bao giờ thoát khỏi tay EXO. Chật vật trong khoảng thời gian đầu ra mắt, lao đao vì ba thành viên rời nhóm nhưng EXO vẫn trở thành nhóm nhạc nam đi đầu cho những cuộc chạy đua doanh thu triệu bản.

SM Entertainment: gã khổng lồ thất thế hay là một cuộc “ngủ đông” để chuẩn bị đánh thức Kpop thế hệ thứ 4? - Ảnh 3.

EXO – cái tên khiến cho những con số triệu bản album không còn quá xa xôi.

Sở hữu dàn nghệ sĩ tên tuổi với loạt tour diễn chật kín khán giả, không có gì khó hiểu khi SM luôn là cái tên đứng đầu về mặt doanh thu. Vào giai đoạn 2011 - 2013, khi dàn nghệ sĩ có được phong độ tốt nhất và sự ra mắt của EXO hứa hẹn sẽ làm nên lịch sử, giá cổ phiếu của SM đạt mốc cao nhất kể từ khi lên sàn chứng khoán. Thương hiệu "Super Show" của Super Junior chỉ trong hai năm 2011- 2012 đã cán mốc 900 ngàn người tham dự, SNSD tẩu tán hết gần 100 ngàn vé thuộc "Girls’ Generation Tour" đi qua 5 quốc gia châu Á trước khi hạ cánh xuống thị trường Nhật Bản với tour diễn "Girs & Peace" trong năm 2013 có quy mô lớn hơn rất nhiều. Bộ đôi chủ lực DBSK góp vào 93,5 triệu USD doanh thu khi lôi kéo được 600 ngàn khán giả Nhật Bản đến với "Tone: Live Tour" năm 2012, chưa kể đến SMtown concert – concert tập trung toàn bộ các nhóm nhạc trực thuộc SM với số lượng vé được bán ra là hơn 400 ngàn vé.

SM Entertainment: gã khổng lồ thất thế hay là một cuộc “ngủ đông” để chuẩn bị đánh thức Kpop thế hệ thứ 4? - Ảnh 4.

Chỉ riêng SMtown concert cũng đã ngang hàng với Dream Concert, là concert tập hợp các nhóm nhạc nổi tiếng hàng đầu Kpop.

Nếu như doanh thu lớn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư tài chính thì thứ làm nên tên tuổi của SM trong lòng công chúng nằm ở các bài hit quốc dân. Trong thời đại hoàng kim của SM, tất cả mọi nhóm nhạc Kpop luôn phải dè chừng mỗi khi các nhóm nhạc đến từ SM chuẩn bị quảng bá album mới. SNSD dù không có doanh thu về concert khủng như các nhóm nhạc nam nhưng lại là cái tên được phổ biến nhất trong lòng công chúng, từ "Gee", "Genie" cho đến "Oh"… đều là những bản hit được xếp vào hàng quốc dân. Không thể không nhắc đến "Sorry Sorry" của Super Junior, "Mirotic" của DBSK hay là "Ring Ding Dong" của SHINee, bài hát bị cấm trong tất cả các kì thi vì mức độ gây nghiện của nó. EXO cũng có "Growl" nổi tiếng khắp Hàn Quốc, "Growl" là một cú lội ngược dòng ngoạn mục cứu tên tuổi của EXO thoát khỏi cái mác "thất bại đầu tiên của SM".

Luôn tạo ra xu hướng, doanh thu tốt, âm nhạc nổi tiếng khắp châu Á, lần lượt thế hệ 1, thế hệ 2 và những năm đầu thế hệ 3 đã biến SM thành một "đế chế" huyền thoại được cả Kpop tôn sùng.

SM ở đâu giữa một nền Kpop phẳng?

Nếu idol thế hệ 2 của Kpop nói chung và của SM nói riêng luôn đánh đâu thắng đó trong mỗi lần comeback thì công thức đó đã không còn quá chính xác khi nhắc đến thế hệ 3. Trong những năm vừa qua, các nhóm nhạc SM dù doanh thu tốt và lượng fan vẫn rất đông đảo nhưng gần như không còn góp mặt trên danh sách các bản hit đình đám của Kpop.

DBSK, Super Junior vẫn phát hành ca khúc mới, nhưng các bài hát này chỉ tồn tại trong giới hạn fandom. SNSD tung sản phẩm âm nhạc rất ấn tượng với nhóm nhỏ Oh!GG, tuy nhiên dễ dàng nhận thấy sức hút của SNSD đã giảm kể từ album "Holiday Night" mừng 10 năm ra mắt. EXO án binh bất động sau "Power", việc luôn bị đem ra so sánh hơn thua với các thành tích của BTS chắc chắn sẽ là áp lực cho cả SM lẫn fandom. F(x) trở thành cái tên đáng thương nhất khi hoàn toàn bị bỏ quên, ngay cả khi cô nàng Amber thể hiện sự bức xúc một cách công khai không buồn che giấu. Các dự án Station kết hợp với nhiều nghệ sĩ khác dù có chất lượng âm nhạc rất tốt nhưng cũng không gây ra hiệu ứng đáng kể nào.

SM Entertainment: gã khổng lồ thất thế hay là một cuộc “ngủ đông” để chuẩn bị đánh thức Kpop thế hệ thứ 4? - Ảnh 5.

"Dream" của Baekhyun (EXO) và tình đầu quốc dân Suzy là dự án station hiếm hoi ghi được dấu ấn với công chúng.

Còn lại hai cái tên thuộc thế hệ ba vẫn đang hoạt động năng nổ là Red Velvet và NCT cũng không có được những thành công như ý. Mức độ nhận diện công chúng lẫn khả năng tạo hit của Red Velvet được đánh giá kém hơn hai đối thủ rất mạnh cũng thuộc Big 3 là Twice và Black Pink, đi kèm theo đó là những tranh cãi về thái độ làm việc và kĩ năng chưa thật hoàn thiện nếu lấy gà nhà SM làm tiêu chuẩn. NCT loay hoay với đội hình đông đảo và cách thức hoạt động còn lạ lẫm với công chúng, cũng không có được những bản hit nổi bật dù đã cho ra một loạt unit từ 2016 đến tận bây giờ.

SM Entertainment: gã khổng lồ thất thế hay là một cuộc “ngủ đông” để chuẩn bị đánh thức Kpop thế hệ thứ 4? - Ảnh 6.

NCT với đội hình 18 thành viên và còn tăng lên khiến khán giả không kịp thích nghi.

Nhìn vào những báo cáo tài chính, dù giá trị vốn hóa thị trường của JYP đã vươn lên đứng đầu Big 3 và Big Hit (công ty của BTS) cũng là một thế lực mới nổi nhưng SM không hề tụt dốc thảm hại và cũng không "flop" như cách anti mỉa mai. Tuy nhiên, cả chính fan hâm mộ của đế chế SM cũng phải thừa nhận rằng công ty ngày càng sa đà vào việc kinh doanh những sản phẩm liên quan đến thần tượng.

SM sản xuất đủ mọi thứ - từ quạt cầm tay cho đến chổi quét album với cái giá trên trời, và người hâm mộ sẽ sẵn sàng bỏ tiền mua tất cả những thứ có đính thương hiệu của thần tượng mình lên. Nhưng bản thân là một công ty có gốc gác là âm nhạc và cầm chân fan cũng vì âm nhạc, việc SM không tập trung đầu tư cho âm nhạc khiến cho các nghệ sĩ SM dần mất đi sức nóng và chỗ đứng của mình trong mắt công chúng, dù fandom của họ vẫn lớn mạnh và chịu chi.

SM Entertainment: gã khổng lồ thất thế hay là một cuộc “ngủ đông” để chuẩn bị đánh thức Kpop thế hệ thứ 4? - Ảnh 7.

SM không cho F(x) comeback trong suốt 3 năm qua nhưng lại sản xuất loạt sản phẩm kỉ niệm 9 năm ra mắt.

Người hâm mộ các nhóm nhạc dưới trướng nhà SM cũng phải đối mặt với cơn ác mộng mang tên thành viên rời nhóm. Trong số 9 nhóm nhạc hiện tại vẫn đang hoạt động dưới trướng SM, chỉ còn Red Velvet và NCT là còn giữ nguyên quân số. Thần tượng Kpop không chỉ mang đến những sản phẩm âm nhạc mà còn xây dựng một hình tượng gia đình hay anh em thân thiết để thu hút người hâm mộ. Những lùm xùm rời nhóm của ba cựu thành viên DBSK, đội hình không còn nguyên vẹn của Super Junior và SHINee, tranh cãi khi rời SNSD của Jessica và cả sự bất mãn công khai của những cô gái F(x) đã khiến cho hình ảnh của SM nói chung và nghệ sĩ SM nói riêng mất điểm nghiêm trọng trong mắt người hâm mộ.

Bên cạnh những lý do chủ quan thuộc về đội ngũ sản xuất và chiến lược hoạt động, một lý do lớn khiến SM không còn đứng ở vị trí "người khổng lồ" trong nền âm nhạc Hàn Quốc chính là vì sự phát triển của các công ty nhỏ. Các phương tiện truyền thông công cộng phát triển, sự chú ý của công chúng được san bằng cho tất cả mọi người. EXID có cú lội ngược dòng ngoạn mục với "Up And Down" chỉ vì một chiếc fancam Youtube, hay bản hit đình đám "Way Back Home" của DJ kém tên tuổi Shaun được công ty quản lý khẳng định là nổi tiếng nhờ sự lan truyền trên Facebook. Khi thực lực của công ty không còn là yếu tố quyết định thắng thua, các công ty nhỏ bắt đầu vươn lên mạnh mẽ.

SM Entertainment: gã khổng lồ thất thế hay là một cuộc “ngủ đông” để chuẩn bị đánh thức Kpop thế hệ thứ 4? - Ảnh 8.

Dù dính vào tranh cãi gian lận trên BXH nhạc số nhưng Shaun và "Way Back Home" vẫn khiến loạt tên tuổi lớn ngậm ngùi xếp sau.

BTS từng được gọi là kì tích của công ty nhỏ khi trở thành đối thủ ngang tầm với EXO, dù SM đã dành cho EXO một mức đầu tư khủng. Thị trường Âu Mỹ và các bảng xếp hạng âm nhạc uy tín quốc tế đang được phủ sóng bởi BTS, GOT7, Monsta X…, những nhóm nhạc không thuộc SM. Ở địa hạt nhóm nữ, những cái tên như MAMAMOO, GFRIEND cũng nhận được sự chú ý ngang bằng với Red Velvet. Khi internet khiến cho Kpop trở thành một mặt phẳng chứ không còn là vùng trũng lấy những công ty lớn làm tâm điểm, cơ hội thành công nằm nhiều ở chất lượng âm nhạc và sự may mắn chứ không phải xuất thân của idol.

Liệu có phải SM đang đi trước một bước trong thời đại thứ 4 của Kpop?

Gần hai mươi năm cho hai thế hệ thần tượng với giai đoạn hoàng kim không kéo dài quá lâu, thế hệ 3 của Kpop đang chiếm lĩnh đường đua và thế hệ idol thứ 4 cũng manh nha xuất hiện. Câu hỏi đặt ra ở đây là ai sẽ dẫn đầu ngành công nghiệp âm nhạc trong khi internet và công nghệ di động đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt thế giới? Liệu SM, với những đánh giá mặt ngoài là đã hết thời và càng ngày càng bỏ bê âm nhạc để tập trung thu về lợi nhuận, có lại một lần nữa trở thành đầu tàu khai phá những hình thức hoạt động mới mẻ của Kpop?

Với dự án NCT, SM dường như đang kéo sự phát triển của Kpop sang một hướng đi hoàn toàn mới, đó là hình thức nhượng quyền thương hiệu. Các unit thuộc NCT luân phiên hoạt động dưới tên gọi NCT nhưng được định hướng nhiều dòng nhạc dành cho nhiều đối tượng người hâm mộ khác nhau. Không chỉ gói gọn trong thị trường Hàn Quốc, SM còn có tham vọng thành lập NCT 121 tại Đài Loan và NCT 105 tại Việt Nam, tiếp theo đó sẽ là ở một loạt quốc gia khác thuộc châu Á.

SM Entertainment: gã khổng lồ thất thế hay là một cuộc “ngủ đông” để chuẩn bị đánh thức Kpop thế hệ thứ 4? - Ảnh 9.

SM entertainment công bố kế hoạch cho NCT 105 tại Việt Nam nhân Smtown Workshop 6/2018.

Một điểm sáng mà mô hình nhượng quyền thương hiệu nhóm nhạc này đem lại đó là dù chính fan hâm mộ cũng khó mà bao quát hết thành viên của NCT, bản thân NCT sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều nếu có một thành viên rời nhóm hoặc đối mặt với nghĩa vụ quân sự. Nếu như DBSK phải ngưng hoạt động hai năm sau cú sốc rời nhóm của JYJ, sau đó lại mất thêm gần hai năm nữa để hai thành viên hoàn thành nghĩa vụ quân sự thì hoạt động của NCT sẽ hầu như không bị gián đoạn nếu kịch bản rời nhóm xảy ra.

Mô hình hoạt động này đem đến nhiều rủi ro vì công chúng không thể quen mặt hết tất cả thành viên, đi ngược với con đường đại chúng mà SM đã đi trong thế hệ 2 và 3 của Kpop. Hình thức nhượng quyền ở tất cả mọi lĩnh vực thường sẽ thành công khi đội hình trung tâm được phổ biến và đạt được thành công nhất định rồi mới dần tiến tới các đội hình vệ tinh, SM có một bước đi mạo hiểm khi lập một loạt unit trong lúc đội hình chính của NCT vẫn chưa đủ sức thuyết phục. Tuy nhiên nếu nhìn vào thành tích bán đĩa của NCT, có thể thấy được rằng dù không gây ấn tượng với công chúng về âm nhạc nhưng fandom của nhóm đang được tích lũy dần dần với quy mô hơn hẳn các nhóm nhạc có cùng thời gian hoạt động.

SM Entertainment: gã khổng lồ thất thế hay là một cuộc “ngủ đông” để chuẩn bị đánh thức Kpop thế hệ thứ 4? - Ảnh 10.

NCT Dream, unit trong độ tuổi thiếu niên của NCT cũng đã tẩu tán được 100 ngàn album "We Go Up" trong vỏn vẹn 3 ngày từ khi phát hành.

Từng có đánh giá rằng Hàn Quốc hiện nay là nơi mà chín mươi phần trăm dân số trẻ đều là thần tượng. Con số phóng đại đó cho thấy một sự thật rằng số lượng các nhóm nhạc thần tượng đã đạt đến mức bão hòa, thần tượng không còn là một hình ảnh xa xôi như trước. Với mô hình hoạt động đông dân của NCT hay là dự định phát triển trí tuệ nhân tạo đem thần tượng tới với từng nhà của SM, phải chăng SM đang muốn buông lỏng ngành công nghiệp âm nhạc để tập trung vào ngành công nghiệp thần tượng? Thay vì lấy âm nhạc làm trung tâm của sự phát triển, việc lấy thần tượng làm trung tâm sẽ nêu cao việc cạnh tranh cá nhân hơn là cạnh tranh tập thể và khiến cho Kpop được thay máu liên tục.

Tuy vậy, con đường này khó có thể áp dụng cho tất cả các công ty giải trí như cách mà những tiêu chuẩn do DBSK hay SNSD đặt ra đã trở thành tiêu chuẩn chung cho các nhóm nhạc đàn em. Những dự án như NCT cần một sự chuẩn bị dài hơi về cả nhân lực lẫn tài chính, điều mà số ít các công ty giải trí Hàn Quốc có thể cân bằng ở trong thời điểm này. Nếu NCT thành công như mong đợi, SM thậm chí có thể giữ lấy vị trí độc quyền của mô hình nhượng quyền thương hiệu nhóm nhạc chứ không chỉ là người tiên phong như trong những giai đoạn trước đây.

Tạm kết

Khi thành công của dự án NCT vẫn còn là một câu hỏi ngỏ, SM tạm thời vẫn đang lui về sân sau so với hai ông lớn khác của Big 3 và thậm chí là Big Hit nếu tính riêng trong địa hạt âm nhạc. Trong tương lai không xa, khi NCT đủ "chín" và người hâm mộ đã quen với một mô hình mới, chắc chắn SM sẽ lại khẳng định vị trí thượng phong vốn chưa từng mất đi.

Công chúng và người hâm mộ có thể luyến tiếc thời đại hoàng kim với những bài hát ai ai cũng thuộc được ra lò từ SM, nhưng Kpop nhất định phải có một bước chuyển mình để tiếp tục phát triển. SM vẫn luôn nắm giữ vị trí tiên phong của mình từ thế hệ 1, không có lí do gì để từ chối tin tưởng rằng thế hệ 4 của Kpop sẽ bắt đầu ở chính tại công ty giải trí lớn bậc nhất Hàn Quốc này.