Sợ hãi vì tin xấu cho môi trường? Đây là những việc đơn giản ai cũng có thể làm để cứu lấy hành tinh này

J.D, Theo Helino 15:35 09/10/2018

Người tiêu dùng chính là nhân tố tác động lớn nhất đến môi trường.

Khoa học phát triển đã giúp cuộc sống của con người tốt hơn, nhưng đồng thời cũng khiến chúng ta nhận ra rằng môi trường sống đang thực sự bị đe dọa.

Ô nhiễm rác thải nhựa, sinh vật biển chết hàng loạt, san hô bị tẩy trắng, thảm họa thiên nhiên gia tăng vì biến đổi khí hậu... Theo báo cáo mới nhất của IPCC (Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu), chúng ta chỉ vỏn vẹn 1 thập kỷ để ngăn ngừa các thảm họa xấu nhất xảy ra cho hành tinh này.

Khi tin xấu đến quá dồn dập, nó khiến nhiều người cảm thấy tuyệt vọng. Sự cố gắng của chúng ta sẽ chẳng là gì nếu như các ngành công nghiệp lớn không tự mình thay đổi.

Nhưng bạn biết gì không? Theo một nghiên cứu vào năm 2016 công bố trên tạp chí khoa học Industrial Ecology, chính người tiêu dùng mới là nhân tố có ảnh hưởng mạnh nhất đến môi trường. Một người thì không đáng kể, nhưng tất cả mọi người thì đó là một sự biến chuyển khổng lồ.

1. Tái sử dụng túi nilon, mà tuyệt vời nhất là không dùng nữa

Sợ hãi vì tin xấu cho môi trường? Đây là những việc đơn giản ai cũng có thể làm để cứu lấy hành tinh này - Ảnh 1.

Túi nilon và các loại túi đựng dùng 1 lần là những loại rác dễ bị vứt bừa bãi nhất hiện nay. Thống kê từ WM (Tổ chức quản lý rác thải) cho thấy nước Mỹ mỗi năm sử dụng đến 100 tỉ túi nhựa. Chia trung bình, mỗi gia đình tiêu tốn đến 1.500 túi nhựa.

Để sản xuất ra con số hàng tỷ ấy cần đến 12 triệu thùng dầu thô. Và nếu tính chi tiết hơn, lượng nhiên liệu sử dụng để sản xuất ra 14 túi nhựa đủ để một chiếc xe đi được 1,6km.

Theo thống kê, có gần 300 loài sinh vật dưới đại dương đang phải chịu ảnh hưởng trực tiếp từ ô nhiễm rác nhựa. Và mỗi năm, hơn 100.000 cá thể thiệt mạng vì các lý do liên quan đến túi nhựa.

Nêu vậy để thấy rằng chúng ta nên hạn chế sử dụng túi nhựa nói chung một cách tối đa. Hãy từ chối việc lấy túi nhựa khi đi mua sắm, mà chuyển sang các loại làm từ vật liệu thân thiện hơn, như túi vải tote. Hoặc hãy tái sử dụng chính lượng túi nylon còn tồn đọng trong nhà của bạn, chứ đừng vội vứt đi. 

2. Nói không với ống hút nhựa

Sợ hãi vì tin xấu cho môi trường? Đây là những việc đơn giản ai cũng có thể làm để cứu lấy hành tinh này - Ảnh 2.

Trong vòng 60 năm, một người sẽ sử dụng khoảng 38.000 chiếc ống hút nhựa. Nghĩa là có khoảng 500 triệu ống hút được sử dụng mỗi ngày, và đó mới là thống kê riêng tại nước Mỹ.

Nhựa có thể gây ô nhiễm đến mức nào, chắc bạn cũng đã từng nghe rất nhiều lần rồi. Trong môi trường tự nhiên, nhựa có thể cần đến hàng ngàn năm để phân hủy, và có đến hàng ngàn cách để các loại ống hút bạn sử dụng lọt ra ngoài môi trường.

Một nghiên cứu vào năm 2017 đã chỉ ra rằng đến năm 2050, rác nhựa dưới đại dương còn lớn hơn cá, xét về mặt khối lượng. Chưa tính đến chuyện các loài vật nhỏ có thể ăn nhầm, gây tắc đường thở dẫn đến tử vong. 

Ngay cả khi bạn vứt ống hút đúng chỗ, chúng vẫn có thể gây hại. Khi đốt, nhựa từ ống hút có thể thải ra nhiều hóa chất hết sức kinh khủng, điển hình như dioxin.

Đầu năm 2018, thủ tướng Anh đã quyết định ban hành lệnh cấm bán ống hút và bông ngoáy tai ra ngoài thị trường. Thiết nghĩ, đây là một động thái phù hợp trong bối cảnh mỗi năm có tới hàng triệu tấn rác nhựa xuất hiện trên các đại dương.

Ống hút tiện dụng thật, nhưng bạn cũng nên cân nhắc đến các sản phẩm thay thế xanh, sạch và có thể dùng nhiều lần hơn, như ống hút inox, ống hút kim loại, hoặc tối ưu nhất là ống hút bằng tre.

3. Ăn ít thịt hơn? Chưa đủ, cái bạn cần là mua ít đồ hơn

Sợ hãi vì tin xấu cho môi trường? Đây là những việc đơn giản ai cũng có thể làm để cứu lấy hành tinh này - Ảnh 3.

Rất nhiều nhà môi trường khuyên rằng chúng ta nên ăn ít thịt đi, vì ngành chăn nuôi cần đến quá nhiều năng lượng và rác thải ra ngoài môi trường. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ là như vậy.

Nếu ăn ít hoặc không ăn thịt, bạn sẽ phải tìm đến rau để thay thế. Nhưng trái ngang là ở chỗ số năng lượng, nước và khí thải trong quá trình trồng rau cũng chẳng kém cạnh gì so với thịt.

"Bạn không thể thay thế 1kg thịt với 1kg rau được, mà phải là 6, 7 kí lô mới đủ năng lượng." - Tamar Haspel, chuyên gia môi trường cho biết.

Trồng rau tốn nhiều tài nguyên hơn bạn tưởng.

Câu chuyện ở đây là chúng ta phải cắt giảm lượng thực phẩm mua mỗi ngày. Theo thống kê, người dân tại các nước phát triển có thói quen mua thực phẩm nhiều hơn con số họ có thể thực sự ăn. Hệ quả là có khoảng 1/3 lượng thực phẩm sản xuất ra bị bỏ phí, tạo ra gánh nặng không nhỏ cho môi trường. 

4. Đừng tắm quá nhiều

Sợ hãi vì tin xấu cho môi trường? Đây là những việc đơn giản ai cũng có thể làm để cứu lấy hành tinh này - Ảnh 4.

Một phút tắm bằng vòi hoa sen, bạn đã mất 8 - 20 lít nước tùy vào thế hệ của vòi sử dụng. Chưa kể để năng lượng tiêu tốn khi dùng nước nóng. Vậy mà, có người tắm đến 2-3 lần mỗi ngày.

Chẳng có quy định nào hướng dẫn về tần suất tắm trong ngày, nhưng khoa học đã chứng minh rằng việc tắm quá nhiều có thể gây hại cho da của bạn. Thế nên nếu cảm thấy người chưa bẩn, bạn có thể ngăn cơn cuồng tắm lại. Môi trường sẽ cảm ơn bạn lắm đấy.

5. Từ bỏ nước uống đóng chai

Sợ hãi vì tin xấu cho môi trường? Đây là những việc đơn giản ai cũng có thể làm để cứu lấy hành tinh này - Ảnh 5.

Ai cũng biết là các chai nhựa là loại rác có hại cho môi trường rồi. Nhưng mức độ hại ở đây lớn hơn bạn tưởng.

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Environmental Research Letters, 32-54 triệu thùng dầu mỏ là con số được sử dụng để tạo ra số chai nhựa trên nước Mỹ trong năm 2007. Nghịch lý hơn, lượng nước dùng để tạo ra 1 chai nhựa thậm chí còn lớn hơn số nước mà bản thân cái chai có thể đựng. 

Câu chuyện tương tự xảy ra với các loại cốc dùng 1 lần. Theo thống kê tại Úc, quốc gia này thải ra tới 1 tỉ cốc giấy mỗi năm, chưa tính đến cốc nhựa và các loại vật liệu có hại khác. 

Thay vào đó, hãy tập thói quen mang theo cốc đựng nước cho riêng mình. Đó là phong cách sống của một người hiện đại, giảm tải gánh nặng bản thân gây ra cho môi trường. 

Tham khảo: Science Alert