Sống với mẹ chồng đúng là khó, nhưng nếu thật lòng thì chuyện gì chả xong!

Huỳnh Đắc Thọ; Design: Bi, Theo Trí Thức Trẻ 20:00 06/05/2017

Trong một mối quan hệ tình cảm, không hơn thua nhau ở chữ "thắng" mà là ở tấm lòng.

"Mẹ chồng nàng dâu" - 4 chữ để miêu tả một mối quan hệ chẳng biết tự lúc nào đã trở thành một-cuộc-chiến. Xã hội càng hiện đại thì người ta càng muốn trốn tránh nó thay vì ràng buộc hay đầu hàng. Nhưng, hãy ngồi xuống và nghĩ thật chậm, biết đâu cuộc chiến đã hoá không tự lúc nào nếu ta thật lòng chinh phục nó.

Người ta hay nói "hôn nhân là mồ chôn hạnh phúc" và trong đó có hàng đống lý do để thoái thác một sự gắn kết cả cuộc đời. Đối với người đàn ông, họ sẽ từ chối hôn nhân khi cảm thấy lười biếng trước trách nhiệm, hoặc vẫn chưa muốn dừng bước phiêu lưu.

Còn phụ nữ, ai mà chả mong có một tấm chồng để nương tựa, thậm chí là dựa dẫm bởi cuộc đời ngoài kia còn biết bao nhiêu là gánh nặng oằn lưng. Nhưng có một điều mà phụ nữ hay ngần ngại khi quyết định trói đời mình với người họ yêu, chính là mẹ chồng, một "kiếp nạn" mà có khi phải vượt qua bằng cả cuộc đời.

Không khó để chúng ta tìm ra những câu chuyện kinh khủng về người phụ nữ có biệt danh "mẹ chồng", người mà lí ra phải được kính trọng và thương yêu như một người mẹ thay vì e dè và ngán ngẩm. Có những câu chuyện mà vừa nghe xong là "chẳng thiết tha lấy chồng nữa". Thậm chí có người còn tâm sự rằng "mẹ chồng ăn thịt cả nhà nàng dâu", chỉ là một cách nói nhưng sức nặng của hậu quả thì không hề đơn giản.

Sống với mẹ chồng đúng là khó, nhưng nếu thật lòng thì chuyện gì chả xong! - Ảnh 1.

Cũng vì lẽ này mà hầu hết con gái bây giờ chẳng muốn nhắc đến chuyện cưới xin. Đơn giản vì không ai muốn cung phụng và hầu hạ mẹ của người khác, lại còn phải cắn răng chịu đựng như thể đó là người đã sinh ra mình trong khi mẹ mình nào có vậy!? Hoặc có cưới thì phải ở riêng, chứ nhất định tuyệt giao hai chữ "làm dâu".

Dần dà, hai chữ làm-dâu trong xã hội văn minh bị ghim chặt vào cái tảng đá định kiến về sự kinh khủng của mẹ chồng. Dù thực tế có những gia đình bên chồng xem con dâu như con đẻ, chăm bón đủ đường nhưng cô dâu vẫn chỉ muốn ra ở riêng. Tưởng tượng bây giờ bước ra đường hỏi đại 10 cô gái về mẹ chồng, chắc hết 9 cô sẽ bảo "mẫu số chung của mẹ chồng là super-soi" mà trong đó có đến 8 cô chưa chồng. Tréo ngoe ở chỗ đó!

Không chỉ định kiến, điều này thậm chí còn trở thành một định lí được công nhận bởi tất cả phụ nữ trên đời. Rằng sống chung với mẹ chồng còn hơn là địa ngục. Nhưng, mẹ-chồng có thật sự là kinh khủng như thế? Hay bởi những cô dâu vẫn chưa thể thật lòng?

Tất cả mọi sự trên đời đều cần chân thành, huống chi là mối quan hệ từ người dưng thành người nhà

Hỏi bà, mẹ, cô, dì hay những người đã "vượt ải mẹ chồng" thành công, ắt hẳn ai cũng trả lời một chữ: nhịn. Không sai! Không chỉ trong quan hệ với mẹ chồng mà tất cả các mối quan hệ thân sơ trên đời này, chúng ta đều phải tâm niệm chữ "nhịn".

"Một điều nhịn là chín điều lành", ông bà ta dạy thế vì cuộc đời nó thế. "Má lớn" trong phim Hong Kong "Sóng gió gia tộc" cũng dạy các con mình rằng: "Có khẩu cũng là hoà mà không có khẩu cũng là hoà", mỗi người bớt một câu thì tự khắc gia đình sẽ có hòa khí. Quan niệm sống dùng tâm đối tâm là thứ bất biến với thời đại và xã hội, huống hồ đã sống cùng một nhà thì không chỉ nghĩ cho mình mà còn phải nghĩ cho nhau.

Biết rằng làm dâu nhà chồng thì lắm điều khó khăn. Vừa phải có thêm một mớ trách nhiệm, vừa phải tập làm quen với cuộc sống giữa những người lạ. "Xuất giá tòng phu", đừng vội nghĩ rằng quan niệm này đã cổ hủ. Mẹ chồng không đơn thuần là mẹ của chồng mà còn là người mẹ thứ hai mình sẽ đối mặt mỗi ngày, chứ không còn là "phụ huynh" để giữ kẽ như hồi còn bồ bịch.

Sống với mẹ chồng đúng là khó, nhưng nếu thật lòng thì chuyện gì chả xong! - Ảnh 2.

Ở nhà chồng thì mẹ chồng chính là người sẽ quan tâm, yêu thương, thậm chí là mắng mỏ thay cho mẹ ruột. Nên nếu thật lòng với mẹ chồng, tự khắc cuộc sống sẽ dễ dàng như ở nhà mình. Còn nếu vẫn mang cái tư tưởng mẹ-của-ai-đó trong đầu rồi nghĩ rằng người ta cố tình làm khó thì làm sao có thể thương yêu. Tự khắc điều gì cũng trở thành khó khăn, sự quan tâm cũng trở nên phiền hà, dạy bảo cũng chẳng khác nào chửi bới.

Cũng đừng nghĩ rằng mẹ chồng có thật lòng với mình hay không. Trong một mối quan hệ tình cảm, không hơn thua nhau ở chữ "thắng" mà là ở tấm lòng, nếu không thể thật lòng thì sông có chảy xuôi dòng thuyền vẫn thấy khó đi. Thật lòng không phải mẹ chồng nói một câu không đúng thì cãi lại một câu, cũng không phải suốt ngày cứ cúi đầu vâng dạ rồi tự biến mình thành "cô Tấm".

Nếu thật sự xem mẹ chồng là mẹ thì tự khắc sẽ có những đối thoại trực tiếp thay vì đi mách lại cho chồng khó xử. Đừng hơn thua xem ai mới là người quan trọng trong lòng người đàn ông, cũng đừng nghĩ ai sẽ hơn thua với mình. Cứ khéo léo thì chuyện gì cũng xong.

Nhưng nhịn đến mấy, thật lòng đến đâu cũng phải có "chiến lược"

Nói đi cũng phải nói lại. Không phải cứ mang chữ "nhịn " và chữ "thành" ra để làm kim bài rồi nghĩ rằng mình sẽ cảm hóa được mọi điều. Con dâu cũng là con người chứ không phải thần phật, bố mẹ ruột có nói sai thì mình vẫn phải phản bác cơ mà!

Đúng là nhịn rất quan trọng nhưng nhịn thế nào, đến mức độ nào càng quan trọng hơn. Không thể đụng chuyện gì cũng cúi đầu cho qua chuyện, đã là một phần của gia đình thì ai cũng có chỗ đứng chứ không thể mặc cho người ta xem mình như một vật đính kèm của con trai sau đám cưới. Càng không phải về sống chung với gia đình chồng mà vẫn nghĩ mình còn là "công chúa" như lúc ở nhà.

Ai chẳng biết phụ nữ hiện đại thì phải ra xã hội kiếm tiền, nhưng nội trợ cũng là một thứ trách nhiệm không phải muốn bỏ là bỏ. Nếu lỡ bận bịu ở công ty không kịp về nhà nấu cơm, mẹ chồng ra tay nấu hộ một bữa thì phải biết lựa lời cảm ơn mẹ thay vì tỏ ra khó chịu khi mẹ gịuc về nhà ăn cơm. Nếu nghĩ rằng "đâu ai bắt mẹ phải nấu" hay mẹ bày trò để quản lý mình thì có sống với một nghìn mẹ chồng cũng chẳng ai làm mình vừa ý.

Sống với mẹ chồng đúng là khó, nhưng nếu thật lòng thì chuyện gì chả xong! - Ảnh 3.

Nếu đừng có mang tư tưởng mẹ chồng là mẹ người ta, mình đến nhà chỉ để cướp đi con trai của bà thì chẳng phải khổ sở đến mức nằm ngủ cũng thấy mẹ chồng biến thành ma. Nếu đừng có cái suy nghĩ dè chừng, mẹ nói ra câu nào đều muốn xỏ xiên mình câu đấy thì vợ chồng đã chẳng phải hục hặc cho thêm mệt mỏi.

Nên nhớ mình đang san sẻ tình thương với người mẹ đã sinh ra và nuôi lớn, mẹ cũng cần thời gian làm quen thì mình cũng phải tập để biết yêu thương nhiều hơn một người mẹ. Thay vì gọi là mẹ chồng, một chữ mẹ chẳng nhẹ nhàng hơn sao?

Thỉnh thoảng mua tặng mẹ món quà để cảm ơn đã thay mình làm người nội trợ, nhưng nhớ phải xé giá đi chứ đừng nghĩ mua vàng về nhà là mẹ thích. Giờ đã là con cái trong nhà, mẹ xót là xót cho cả mình chứ đâu chỉ xót cho tiền của con trai, hơn nhau ở chữ "khéo" mà thôi, con dâu ạ.

Hoặc nếu có bất bình vì mẹ hay vào phòng riêng dọn dẹp đồ đạc cho mình thì tự bản thân mình hãy ngăn nắp và thoả thuận với mẹ một câu. Nếu đã sạch sẽ rồi thì chẳng ai cần phải dọn cả!

Thời xưa cưới dâu như có thêm con ở, thời nay mẹ chồng dọn dẹp hộ thì bị xem như "ô-sin mẫn cán", xong rồi còn mang quyền riêng tư ra để làm yêu sách, có công bằng với mẹ không? Còn lỡ như mẹ vẫn cố tình phớt lờ sự nhượng bộ thì lúc đó hãy phản kháng. Nhưng nhớ là phải phản kháng với tâm thế một người con, và con thì phải tôn trọng mẹ dù thế nào đi nữa.

Sống với mẹ chồng đúng là khó, nhưng nếu thật lòng thì chuyện gì chả xong! - Ảnh 4.

Hơn nhau là ở kĩ năng, huống chi là phụ nữ trong thời đại mới. Có người chỉ bằng một vài câu nói đã đổi được cái ôm của mẹ chồng. Nhưng cũng có người chỉ vì một suy nghĩ từ khi chưa chồng mà suốt đời xem mẹ chồng như tội ác rồi tự biến mình thành nạn nhân, bắt cả thế gian kết tội.

Nói tóm lại, thứ gì cũng muôn hình vạn trạng, sống chung với mẹ chồng cũng có hằng hà phương thức. Điều cốt lõi nằm ở việc mình đã đủ thật lòng hay chưa? Nếu đã thật lòng thì mọi trách nhiệm, sự chịu đựng, cố gắng đều nhẹ như không. Chẳng ai sống ở đời mà cao hơn chữ "thành", mẹ chồng hay con dâu cũng chỉ khác nhau ở dòng máu, nhưng sống với nhau mới là chuyện cả đời.

Mẹ chồng không phải là tình địch, mà là người đã sinh ra người mình thương. Mẹ không thể giành lấy chồng mình làm của riêng, nhưng hiềm khích thì chỉ cần một ánh nhìn là khó lòng buông bỏ. Biết rằng thương mẹ chồng như mẹ đẻ mấy người làm được, nhưng nếu đã thật lòng muốn thương thì không chỉ một mà có đến hai mái ấm, người lời chính là mình thôi, con dâu ạ.