“Straight-washing": Hiện tượng "Tẩy thẳng" nhân vật LGBT để đưa phim ra rạp của Hollywood và những tranh cãi dài bất tận

Đức Quang, Theo Trí Thức Trẻ 00:10 24/08/2020

Trong một thời gian rất dài, các nhà làm phim Hollywood đã lựa chọn thay đổi xu hướng tính dục của nhân vật trong nguyên tác chuyển thể. Một nước đi họ cho là "an toàn", nhưng để lại nhiều tranh cãi.

Nếu như "Tẩy trắng (White-washing)" là cụm từ để chỉ các nhân vật đa sắc tộc được chuyển thành da trắng trong bản chuyển thể điện ảnh, thì "Tẩy thẳng (Straight-washing)" lại là mặt trái đáng buồn của Hollywood để khiến phim trở nên "thân thiện với khán giả" - theo lời của các nhà làm phim trước kia.

Sự hiện diện của cộng đồng LGBT vốn chưa được rộng mở nhiều trong giới giải trí, nay lại càng bị bó buộc với những nhân vật bị tẩy thẳng trắng trợn.

Nguyên gốc một đằng, chuyển thể một nẻo

Tẩy thẳng - Straight-washing là khi nhà làm phim đưa các nhân vật thuộc cộng đồng LGBT trong bản gốc (truyện, tiểu thuyết, kịch, nhân vật đời thực...), trở thành dị tính trên phim.

Vấn đề này cần được phân biệt rõ ràng với việc sử dụng diễn viên dị tính để đóng vai LGBT. Với Straight-washing, hiện tượng này thường xảy ra khi các nhà sản xuất, đạo diễn và biên kịch muốn khiến bộ phim trở nên "thân thiện" và "an toàn" hơn với khán giả.

Năm 1961, tác phẩm lãng mạn "Breakfast at Tiffany's" ra đời, không chỉ ghi điểm bởi sự xuất hiện của tượng đài điện ảnh Audrey Hepburn - nữ diễn viên trong vai Holly Golightly, mà còn cả nhân vật Paul Varjak (thủ vai bởi George Peppard) - người kể chuyện. Trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Truman Capote, người kể chuyện là một nhân vật đồng tính nam. Tuy nhiên, những năm 60 là thời điểm LGBT bị hạn chế đề cập trong điện ảnh. Vậy nên nhà làm phim đã biến hai nhân vật trên thành một cặp tình nhân lãng mạn.

“Straight-washing: Hiện tượng Tẩy thẳng nhân vật LGBT để đưa phim ra rạp của Hollywood và những tranh cãi dài bất tận - Ảnh 1.

Hình ảnh trong phim Breakfast at Tiffany's. (Ảnh: Twitter)

Năm 1946, phim tiểu sử về nhà soạn nhạc người Mỹ Cole Porter được ra mắt với tên gọi "Night and Day". Ngoài đời thực, Cole Porter là người đồng tính, nhưng các yếu tố liên quan đến xu hướng tính dục của ông đều bị loại bỏ trên phim. Thay vào đó, phim chỉ nhấn mạnh vào chi tiết ông cưới Linda Lee Thomas - một tiểu thư giàu có đến từ Kentucky.

Dù thực tế mối quan hệ này chỉ nhằm củng cố địa vị cho cả hai người, chứ không gì khác.

“Straight-washing: Hiện tượng Tẩy thẳng nhân vật LGBT để đưa phim ra rạp của Hollywood và những tranh cãi dài bất tận - Ảnh 2.

Ảnh: IMDb

Các nhân vật đến từ ông lớn truyện tranh DC là đối tượng hay bị tẩy thẳng nhất. Với bộ truyện Hellblazer, đài NBC đã hứa sẽ giữ nguyên giới tính của nhân vật chính John Constantine. Song, Constantine vẫn bị chuyển từ một người song giới sang dị giới trong phiên bản truyền hình năm 2014.

“Straight-washing: Hiện tượng Tẩy thẳng nhân vật LGBT để đưa phim ra rạp của Hollywood và những tranh cãi dài bất tận - Ảnh 3.

John Constantine trong Hellblazer - Ảnh: LitReactor

Tương tự là Mystique - nhân vật nữ có khả năng biến hình siêu đẳng trong bộ sậu X-Men cũng là một người song giới trong truyện. Tuy nhiên trên màn ảnh, chưa bao giờ Mystique thể hiện chi tiết này ra cả.

“Straight-washing: Hiện tượng Tẩy thẳng nhân vật LGBT để đưa phim ra rạp của Hollywood và những tranh cãi dài bất tận - Ảnh 4.

Trong vũ trụ Marvel, mối tình đồng tính của hai chiến binh nữ Ayo và Okoye trong bản gốc "The World of Wakanda" đã không còn trong bản phim điện ảnh "Black Panther". Dù được mong đợi ít nhất sẽ có cảnh quay đề cập đến xu hướng tính dục của Okoye, điều đó đã không xảy ra. Nhà sản xuất đã tung ra một cảnh quay đã cắt, cho thấy kịch bản vốn dĩ còn để Okoye có một mối quan hệ nam - nữ với W'Kabi.

“Straight-washing: Hiện tượng Tẩy thẳng nhân vật LGBT để đưa phim ra rạp của Hollywood và những tranh cãi dài bất tận - Ảnh 5.

Ayo và Okoye trong truyện tranh của Marvel

Cảnh quay bị cắt trong Black Panther.

Chiến dịch quảng bá "tẩy thẳng" thảm hoạ

Marketing luôn là một bước đệm quan trọng để hình thành những ấn tượng tốt đẹp nhất của một bộ phim với khán giả. Chính ở bước này, nhiều bộ phim đã khắc họa tuyến nhân vật LGBT tuyệt vời, nhưng lại quảng bá vô cùng sai lệch về nội dung. Phần lớn các trường hợp này diễn ra với những phim ở thập niên 2010 - một thời điểm cởi mở hơn nhưng cạnh tranh khốc liệt hơn trên phòng vé, liên hoan phim, các giải thưởng và truyền thông.

"Call Me By Your Name" (2017) kể về mối tình chóng vánh giữa mùa hè nước Ý của Elio (Timothée Chalamet đóng) và Oliver (thủ vai bởi Armie Hammer). Thay vì khoảnh khắc lãng mạn của cặp đôi nam - nam trung tâm, Sony Pictures đã lựa chọn quảng bá hình ảnh Elio trò chuyện với cô gái Garrel, như bao bộ phim tuổi teen nam - nữ thường thấy khác. Sony bị ném đá vì "treo đầu dê bán thịt chó" và "nỗ lực nghèo nàn và ngớ ngẩn để chạy đua cho giải Oscar".

“Straight-washing: Hiện tượng Tẩy thẳng nhân vật LGBT để đưa phim ra rạp của Hollywood và những tranh cãi dài bất tận - Ảnh 7.

Một cảnh tình tứ trong "Call me by your name" (2017).

“Straight-washing: Hiện tượng Tẩy thẳng nhân vật LGBT để đưa phim ra rạp của Hollywood và những tranh cãi dài bất tận - Ảnh 8.

Và đoạn tweet gây sóng gió của Sony Pictures UK.

Năm 2010, poster của phim "A Single Man" tại Mỹ gây tranh cãi vì tạo ra hiểu lầm về mối quan hệ giữa các nhân vật. Nội dung phim là về giáo sư đồng tính người Anh - George Falconer (Colin Firth đóng) trải qua những đau thương, mất mát sau khi người tình của mình ra đi mãi mãi, và Charley (Julianne Moore đóng) chỉ là một cô bạn thân muốn giúp đỡ George. Tuy nhiên, poster lại lấy cảnh hai người nằm bên nhau trò chuyện như biểu tượng chính, khiến phim được quảng bá y hệt một câu chuyện tình yêu nam nữ. Ngay cả trong teaser, những nỗi đau tinh thần của nhân vật nam chính cũng rất mơ hồ.

“Straight-washing: Hiện tượng Tẩy thẳng nhân vật LGBT để đưa phim ra rạp của Hollywood và những tranh cãi dài bất tận - Ảnh 9.

"Pride" - bộ phim đến từ Anh Quốc nói về các nhà hoạt động đồng tính người London đứng lên quyên góp giúp đỡ các gia đình bị ảnh hưởng bởi cuộc đình công của thợ mỏ Anh năm 1984. Tuy nhiên, khi phim cập bến xứ cờ hoa dưới dạng DVD, phần giới thiệu không còn nhắc gì đến Liên đoàn Người đồng tính Hỗ trợ Thợ mỏ Anh Quốc, ngay cả tấm băng rôn cổ động cũng bị xóa đi.

Bản gốc (trái) và bìa đĩa DVD tại Mỹ không có dấu hiệu gì của một nhóm những nhà hoạt động đồng tính (phải)

Tại sao lại sai đến vậy?

Nếu xem xét kỹ về những bối cảnh trong các bộ phim từ thế kỉ trước, có thể thấy tại sao "tẩy thẳng" lại phổ biến đến vậy. Mãi đến năm 1990, Tổ chức Y tế Thế giới WHO mới loại đồng tình luyến ái ra khỏi danh sách bệnh tâm lý. Trước đó, sự xuất hiện của cộng đồng LGBT thường gắn liền với HIV/AIDS, sự lệch lạc về văn hóa cũng như cấu trúc xã hội.

Điện ảnh là một trong những công cụ tuyên truyền xã hội hiệu quả nhất, vậy nên nó không thể cổ vũ những điều đi ngược lại với số đông. Đó là lý do những Paul Varjak hay Cole Porter trên phim không được sống đúng với chính họ ngoài đời.

Tuy nhiên, vấn đề doanh thu là một yếu tố quan trọng khiến cho sự công nhận của Hollywood với cộng đồng LGBT trên phim còn hạn chế. Các chi tiết không dị tính phải được loại bỏ nếu nhà làm phim mong được qua cửa trót lọt tại các thị trường lớn nhưng mạnh tay trong khâu kiểm duyệt như: Trung Đông, Trung Quốc, Nga, một số nước châu Á khác.

Ngay tại Mỹ, các nhà phân phối vẫn khá bảo thủ trong việc lựa chọn phim và truyền thông, trong khi rạp chiếu phim sẽ cân nhắc các suất chiếu đẹp cho những bộ phim "an toàn", ít gây tranh cãi, hợp lòng nhiều đối tượng khán giả. Ngay cả với ông lớn Marvel, mãi đến năm 2019 mới có siêu anh hùng LGBT đầu tiên trên phim - Valkyrie.

“Straight-washing: Hiện tượng Tẩy thẳng nhân vật LGBT để đưa phim ra rạp của Hollywood và những tranh cãi dài bất tận - Ảnh 11.

Valkyrie - Siêu anh hùng LGBT đầu tiên trong vũ trụ Marvel.

Khi rạp chiếu phim không còn là nơi điện ảnh được thăng hoa nhất, các nền tảng streaming phim ảnh trực tuyến đã vào cuộc, điển hình là Netflix. Họ đã đón đầu thế hệ Z cởi mở về giới tính qua những tác phẩm tôn vinh sự đa dạng với sự xuất hiện của các nhân vật LGBT+ : Sex Education, The Haunting of Hill House, Chilling Adventures, Orange is the New Black. Và gần đây nhất là series phim về một chàng trai đồng tính tật nguyền - Special.

Đã 51 năm kể từ đêm không ngủ tại Stonewall và LGBT được cất bước tự tin đòi quyền bình đẳng lần đầu tiên. So với văn học, điện ảnh vẫn đi quá chậm trong quá trình trao cho cộng đồng này sự bình đẳng trên màn ảnh nhỏ. Lúc này, Hollywood cần những phiên bản chuyển thể chỉn chu, tâm huyết và "không tẩy thẳng" hơn bao giờ hết .

Tham khảo: Pink News, The Guardian, GCN