Hiểm họa ẩn giấu sau "sự cố" sái chân đơn giản

Bác sĩ Mèo, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 25/02/2013

Và có thể để lại di chứng nặng nề suốt cuộc đời đấy!

Hiểm họa ẩn giấu sau "sự cố" sái chân đơn giản 1

Cách đây 10 năm, em bị sái cổ chân trái, có đi chụp x-quang và được chẩn đoán là hở chừng 1cm giữa 2 khớp. Khoảng 1 - 2 năm nay, em vẫn hay đau khớp. Những chỗ đau thường là đầu gối, rồi lan vào phần đùi trong và xuống bắp chân, dọc theo xương cả cánh tay tới cổ tay, cảm giác đau trong xương rất khó chịu, không thể ngủ được vì đau nhiều về đêm. Nếu để yên tuyệt đối thì có phần bớt đau nhưng chỉ cần cử động nhẹ là cơn đau trở lại như cũ... Mong bác sĩ giải đáp liệu có phải em đã mắc bệnh phong thấp hay thấp khớp không và cách chữa trị ra sao ạ? Em xin cám ơn! (without...@yahoo.com).
Hiểm họa ẩn giấu sau "sự cố" sái chân đơn giản 2

Chào em,

Theo những gì em mô tả trong thư thì bác sĩ Mèo nghĩ nhiều khả năng là em đã mắc bệnh viêm khớp dạng thấp thanh thiếu niên (hay còn gọi là viêm khớp tự phát thiếu niên - Juvenile Idiopathic Arthritis - JIA).

Đây là bệnh viêm bao hoạt dịch không sinh mủ mãn tính, kết hợp với một số biểu hiện ngoài khớp. Về bản chất, JIA giống viêm khớp dạng thấp ở người lớn nhưng khác ở kiểu phản ứng lâm sàng.

JIA rất nguy hiểm, nếu phát hiện quá muộn, gây tổn thương khớp nghiêm trọng để lại di chứng teo cơ cứng khớp, có thể dẫn tới tàn tật suốt đời.

JIA khá phổ biến, tồn tại vài tháng đến vài năm, có 3 thể lâm sàng hay gặp. Đó là:

1. Thể viêm ít khớp (Pauciarticular):

Thể này được xác định bởi tình trạng viêm khớp xảy ra ở dưới 4 khớp và diễn biến qua 6 tháng. Thường xuất hiện với tổn thương ban đầu ở các khớp lớn như: khớp gối, cổ chân, khuỷu, cổ tay. Rất ít khi tổn thương các khớp nhỏ, khớp háng và cột sống.

Bệnh thường diễn biến nhẹ và có thể được điều trị bằng những thuốc chống viêm non-steroid (NSAID), nhưng nó cũng có thể gây ra hai di chứng nghiêm trọng, đó là: viêm mống mắt và tình trạng chân bên bệnh dài hơn chân bên lành (do tổn thương viêm kích thích sụn nối tăng hoạt động) làm người bệnh đi khập khiễng.

2. Thể đa khớp: Được xác định bởi tình trạng viêm từ 4 khớp trở lên và kéo dài trên 6 tháng.

Thể này thường bắt đầu bởi hiện tượng sốt nhẹ kéo dài, mệt mỏi, ăn kém. Về triệu chứng ở khớp, đa số bắt đầu từ một khớp, sau đó phát triển sang khớp khác với tính chất đối xứng, sưng đau, phù nề, có thể tràn dịch khớp gối, bệnh hay gặp ở khớp cổ tay, cổ chân, gối, khuỷu.

JIA thể đa khớp là thể nặng nhất do cả số lượng khớp viêm nhiều lẫn tiến triển nặng nề. Về điều trị, điều quan trọng là phải kiểm soát được tình trạng viêm khớp càng nhanh càng tốt.

3. Thể hệ thống:

Đây là thể khó khăn nhất của JIA, còn được gọi là bệnh Still. Bệnh khởi phát cấp tính với biểu hiện toàn thân là sốt cao kéo dài, viêm các khớp cổ tay, cổ chân, gối, khuỷu, khớp ngón, ít thấy viêm khớp háng và không có biểu hiện ở cột sống, kèm theo các biểu hiện ngoài khớp như nổi hồng ban...

Bệnh tiến triển từng đợt, mỗi đợt vài tuần đến vài tháng, theo ba cách:

- Sau vài đợt rồi khỏi không để lại di chứng.

- Kéo dài vài năm, thưa dần rồi khỏi, có thể để lại di chứng ở khớp.

- Một số trường hợp nặng dần rồi tử vong vì các biến chứng (suy tim, suy thận do nhiễm tinh bột).

Trên lâm sàng, nếu dấu hiệu sưng khớp khó xác định thì có thể dùng siêu âm để chẩn đoán. X-quang thường không có giá trị nhiều trong giai đoạn sớm vì chưa thấy các tổn thương như hẹp khe khớp, hủy khớp hay khuyết ổ khớp. Chụp cộng hưởng từ được chỉ định đối với các trường hợp tràn dịch khớp khó xác định như khớp háng.

Vì vậy, bác sĩ Mèo khuyên em tốt nhất nên đến bệnh viện chuyên khoa khám trực tiếp để nhận được chỉ định điều trị thích hợp và kịp thời đối với tình trạng của mình.

Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!

Hiểm họa ẩn giấu sau "sự cố" sái chân đơn giản 3