Rối loạn thần kinh thực vật – bệnh kì lạ tấn công cả teen

PLXH, Theo 12:00 14/10/2011

Hoàn toàn có khả năng đấy các ấy ạ!

Năm nay em 18 tuổi. Ngay từ nhỏ sức khỏe của em đã không được tốt. Em không mắc bệnh gì nặng nhưng lại rất hay bị mệt mỏi, kém ăn, ngủ ít và ốm vặt. Không những thế gần đây thỉnh thoảng em còn cảm thấy có một luồng hơi nóng chạy dài từ trên bả vai xuống gót chân và mức độ của chúng càng ngày càng mạnh. Em đã đi khám và được chẩn đoán là bị rối loạn thần kinh thực vật. Tuy nhiên em vẫn rất thắc mắc không hiểu hiện tượng ấy là do đâu và có điều trị được tận gốc không? Mong bác sĩ hãy giải đáp giúp em với ạ! Em xin chân thành cảm ơn! (licu…@gmail.com)
Chào em,
 
Rối loạn thần kinh thực vật là sự mất cân bằng của 2 hệ thống thần kinh giao cảm và phó giao cảm. Hai hệ thống này về cơ bản gần như trái ngược nhau nhưng đôi khi có tác dụng tương đồng ở phạm vi hẹp.
 
Tác động của hệ thần kinh giao cảm rất đa dạng: trên hệ tim mạch (làm co mạch, tăng huyết áp mạch, kích thích tiết mồ hôi); trên hệ hô hấp (làm nhịp thở nhanh, nông). Vì vậy, khi rối loạn chức năng giao cảm sẽ gây hồi hộp, trống ngực mạnh, tăng huyết áp, vã mồ hôi, giảm co bóp và tiết dịch đối với một số cơ quan tiêu hóa như dạ dày, túi mật, ruột từ đó xuất hiện những cơn nóng trong người.
 
Tác dụng của hệ phó giao cảm thì ngược lại, khi rối loạn chức năng phó giao cảm sẽ làm chậm nhịp tim, tăng co thắt và tăng tiết dịch vị.
 
Khi có sự cân bằng giữa hai hệ thống giao cảm hoặc phó giao cảm thì nó sẽ duy trì các chức năng bình thường của cơ thể. Do đó, khi có bất kì sự rối loạn nào thì việc điều trị sẽ chủ yếu là tạo sự cân bằng trở lại giữa hai hệ thống này.
 
Điều trị rối loạn thần kinh thực vật chung và chứng cường giao cảm nói riêng bao gồm:

- Nội khoa: dùng các thuốc canxi, sinh tố nhóm B (đặc biệt Vitamin B6), acid glutamic, thuốc an thần… Bên Y học Dân tộc (Đông Y) điều trị bệnh bằng cách châm cứu kết hợp liệu pháp tắm nóng, tắm lạnh.

- Ngoại khoa: nếu rối loạn thần kinh thực vật có hiện tượng tăng tiết mồ hôi quá nhiều, đặc biệt ở lòng bàn chân, bàn tay, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, lao động thì bác sĩ chuyên khoa thần kinh có thể làm thủ thuật hủy hạch giao cảm ngực (nếu thật cần thiết).

Tuy nhiên, vì thần kinh thực vật là một hệ thống tổng thể nên việc điều chỉnh hoạt động của cả cơ thể mới là điều quan trọng nhất trong quá trình điều trị. Do đó, việc luyện tập yoga hay dưỡng sinh, ngồi thiền đều rất cần thiết đối với trường hợp của em. Ngoài ra, em cũng có thể luyện tập đi bộ ít nhất 1 tiếng đồng hồ/ngày, những bước chân vô thức sẽ tác động và điều chỉnh lại hệ thần kinh thực vật. Cứ chăm chỉ luyện tập sau 1 thời gian em sẽ cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt. Và cuối cùng điều quan trọng nhất là em phải luôn giữ được tâm lý thoải mái, yên tĩnh, không căng thẳng để giải tỏa những áp lực trong cuộc sống.

Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày