SV nói về lý do bị đuổi học: Vì các bạn bận làm thêm, định hướng nghề nghiệp sai và tìm thấy "con đường mới"

L.A, Theo Trí Thức Trẻ 00:02 23/11/2017

Nhìn chung, sinh viên đến từ các trường thuộc khối ngành Tự nhiên sẽ có nhiều trải nghiệm về chuyện cảnh cáo học vụ, buộc thôi học hơn các sinh viên khối ngành Xã hội. Bạn trẻ không coi đấy là một thảm họa, mà tập trung suy nghĩ sẽ làm gì cho tương lai sau khi không đi học nữa.

Sinh viên và những câu chuyện về đời sống - học tập luôn là đề tài khiến dư luận xã hội quan tâm. Trong bản tin thời sự lên sóng tối 21/11, người xem chạnh lòng khi nghe số liệu thống kê về những sinh viên bị nhà trường đuổi học ngày một cao. Dù có thể, chỉ mới 1 năm trước thôi, họ chính là những tân sinh viên đầy hân hoan bước vào cánh cổng trường đại học.

Cụ thể, trường Đại học Sư phạm Kĩ thuật TPHCM có đến 600 sinh viên bị cảnh cáo học vụ và buộc thôi học mỗi năm. Hầu hết các sinh viên này đều không đi học, chỉ thi 1 môn/học kỳ, thậm chí có những sinh viên học tập sa sút chỉ sau 1 năm vào trường.

Trong khi đó, trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cũng thôi học trên 800 sinh viên. Nhiều sinh viên có điểm đầu vào khá xuất sắc, có thành tích học tập ở bậc phổ thông cao, thậm chí là đạt học sinh giỏi Quốc gia... vẫn bị đuổi học.

Chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện ngắn với sinh viên các trường ĐH ở TP.HCM để hiểu thêm lý do các bạn trẻ lơ là chuyện học, họ nghĩ gì về việc bị nhà trường cảnh cáo học vụ và với họ, chuyện đó có phải là "thảm họa" hay không?

Sinh viên tự ý bỏ ngang, trường không đuổi những ai đang đi học đều

Nhìn chung, sinh viên đến từ các trường thuộc khối ngành Tự nhiên sẽ có nhiều trải nghiệm về chuyện cảnh cáo học vụ, buộc thôi học hơn các sinh viên khối ngành Xã hội. Ở các lớp ĐH, hầu hết đều có trường hợp sinh viên nghỉ học, bỏ học giữa chừng hoặc bị nhà trường buộc thôi học. Có nhiều lý do dẫn đến thực trạng này.

"Có một số bạn phát hiện mình đam mê ngành khác sau khi thi vào trường nên quyết định bỏ ngang để thi lại ngành khác. Một số người thì bỏ bê việc học vì vướng bận chuyện gia đình, thay đổi môi trường nhanh quá học theo không kịp, cũng có trường hợp vì làm thêm quá nhiều mà không có thời gian để học", Trí, sinh viên năm 4 ngành Điện, ĐH Bách Khoa TP.HCM chia sẻ.

SV nói về lý do bị đuổi học: Vì các bạn bận làm thêm, định hướng nghề nghiệp sai và tìm thấy con đường mới - Ảnh 2.

Trí, sinh viên năm 4 ngành Điện, ĐH Bách Khoa TP.HCM.

Trí cho rằng chẳng có oan ức nào với một sinh viên bị nhà trường cảnh cáo học vụ buộc thôi học vì đó là kết quả của cả một quá trình chứ không phải là chuyện bỗng dưng xảy đến với sinh viên.

"Nhà trường đánh giá một sinh viên dựa trên học lực (điểm số) và hạnh kiểm. Hạnh kiểm thì sinh viên nào cũng ngang nhau, không có ai quá tệ hết, vậy thứ quyết định là điểm số. Có quy định ít hơn bao nhiêu kỳ mà có điểm số dưới 5.0 thì sinh viên có thể bị đuổi học. Nhưng mà phần lớn là do các bạn sinh viên bỏ học thôi. Đến 1-2 kỳ các bạn không đi học nữa nhà trường mới ra quyết định chính thức chứ không phải là các bạn còn đang học mà nhà trường ra đuổi", Trí nói thêm.

Tân, sinh viên năm 3 ĐH Bách Khoa TP.HCM cho rằng không phải sinh viên nào bỏ học cũng là biểu hiện của thất bại, đôi lúc, họ tìm ra những "con đường mới" cho mình và biết đâu lại còn tốt hơn cả việc cứ cố theo học một ngành mà mình không thích ở ĐH. Tuy nhiên, cũng không tránh được tình trạng bạn trẻ nghỉ học để vùi đầu vào làm thêm, game...

SV nói về lý do bị đuổi học: Vì các bạn bận làm thêm, định hướng nghề nghiệp sai và tìm thấy con đường mới - Ảnh 3.

Tân, sinh viên năm 3 ĐH Bách Khoa TP.HCM.

"Tình trạng sinh viên bị đuổi học nhiều thì mình cũng nghe lâu rồi, cũng tương đối lo lắng về việc học chứ không quá bị dao động vì chuyện này. Mình nghĩ những con đường mới mà các sinh viên bị đuổi học chọn có thể là đi thi lại một ngành khác hoặc đi làm một số công việc mới. Bây giờ có nhiều con đường khác để đi lên. Tuy nhiên, mình chưa nghĩ tới những con đường khác đó vì việc học vẫn đang ổn", Tân chia sẻ.

Trong khi đó, bạn Sương, sinh viên năm 3 ĐH Kinh tế - Luật cho rằng sinh viên nào cũng rất nỗ lực để thi đỗ vào đại học, việc đuổi học quá thẳng tay có thể khiến người trẻ bị tổn thương.

SV nói về lý do bị đuổi học: Vì các bạn bận làm thêm, định hướng nghề nghiệp sai và tìm thấy con đường mới - Ảnh 4.

Sương, sinh viên năm 3 ĐH Kinh tế - Luật.

"Lỗi ở sinh viên cũng là một phần nhưng nhà trường cũng nên tạo cơ hội nữa chứ!", Sương phát biểu.

"Bỏ học để đi làm điều có ích hơn, cũng không có vấn đề gì!"

Hầu hết các sinh viên khối ngành Xã hội có cái nhìn khá thoáng về việc học, dù số lượng bạn trẻ bị cảnh cáo học vụ buộc thôi học ở các trường này không cao. Sĩ số sinh viên ở ngành Quan hệ quốc tế của trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn sau 2 năm vẫn không có nhiều thay đổi.

Một số trường hợp bảo lưu việc học vì tham gia các chương trình học trao đổi ở nước ngoài. Tuy nhiên, các bạn trẻ này cũng thừa nhận rằng khi nhìn ra xung quanh, đặc biệt là tìm hiểu thông tin về các bạn học ở những trường khác... chuyện bị cảnh cáo học vụ không phải là điều gì quá xa lạ.

Nhiều sinh viên trường Nhân văn cho rằng nếu không thấy hợp, bỏ học mà đi làm việc có ích hơn, thì cũng là điều chấp nhận được.

SV nói về lý do bị đuổi học: Vì các bạn bận làm thêm, định hướng nghề nghiệp sai và tìm thấy con đường mới - Ảnh 6.

Thái Anh, sinh viên ĐH KHXH&NV.

"Nếu như ra trường mà không có tấm bằng đại học thì xin việc sẽ khó khăn hơn. Lúc đó, bạn phải thực sự giỏi, thực sự tài năng thì mới có thể kiếm được công việc phù hợp với mình. Đối với những bạn đang có ước muốn lớn hơn việc học, thì chuyện bỏ học để đi làm những điều có ích hơn thì mình nghĩ là cũng không có vấn đề gì", Thái Anh, sinh viên năm 2, ĐH KHXH&NV cho biết.

Duy, sinh viên năm 3, ĐH KHXH&NV, cho biết lớp mình có một số bạn nghỉ học vì lý do làm thêm bên ngoài quá nhiều, kiếm ra tiền nên không muốn tiếp tục việc học nữa.

SV nói về lý do bị đuổi học: Vì các bạn bận làm thêm, định hướng nghề nghiệp sai và tìm thấy con đường mới - Ảnh 7.

"Một khi quyết định bỏ học để đi theo nó bạn phải có một định hướng rõ ràng hơn rằng con đường này sẽ có cơ hội cho mình thăng tiến hay không?"

Khi được hỏi "Bạn có ủng hộ việc sinh viên bỏ học giữa chừng hay không?", Duy nên quan điểm: "Hiện nay, ĐH không còn là con đường duy nhất để có một tương lai tốt hơn. Nếu như lúc trước chúng ta xem đại học như kiểu một cách dễ dàng nhất và duy nhất để có một công việc tốt sau khi tốt nghiệp thì hiện tại, ĐH học thể là con đường ngắn nhất nhưng không còn là duy nhất nữa.

Nếu như các bạn đã học được tất cả những điều mình cần ở ĐH thì việc mà mình chấm dứt năm học của mình sớm và theo đuổi những mục tiêu khác của mình thì điều đó cũng dễ hiểu.

Tuy nhiên, nếu bạn muốn chọn con đường đó thì bạn phải cân nhắc rất kỹ lưỡng vì không phải công việc nào cũng có tính chất lâu dài của nó. Một khi quyết định bỏ học để đi theo nó bạn phải có một định hướng rõ ràng hơn rằng con đường này sẽ có cơ hội cho mình thăng tiến hay không? Có đủ tiềm lực để nuôi sống bản thân mình không? Chứ không phải nghỉ học giữa chừng để bám theo một công việc không có tương lai".

Ngân, sinh viên năm 1, ĐH KHXH&NV cho biết nhiều bạn bè của mình vì thiếu định hướng nghề nghiệp mà cố thi đại một ngành để vào đại học. Họ thường là những người bỏ học sớm vì thấy mình không hợp với ngành, nghề đã chọn.

SV nói về lý do bị đuổi học: Vì các bạn bận làm thêm, định hướng nghề nghiệp sai và tìm thấy con đường mới - Ảnh 8.

Ngân, sinh viên năm Nhất, trường ĐH KHXH&NV.

Ngân cũng là một người chưa xác định rõ sở thích và thế mạnh của mình khi vào ĐH, nhưng rất may, cô bạn không rơi vào nhóm có ý định nghỉ học ngay năm đầu tiên vì bản thân nhận thấy đã ở đúng chỗ. Nhưng suy cho cùng, đó cũng chỉ là nhờ may mắn!