Tại sao rùa suốt ngày phải vác “nhà” trên lưng?

Trịnh Tây, Theo Trí Thức Trẻ 16:08 26/06/2020

Rùa là một loài động vật đặc biệt, nó vừa có thể sinh sống trên cạn vừa có thể sinh sống dưới nước. Bạn có biết rằng mai rùa chính là bộ xương sống của nó, hay rùa có thể dùng "mông" để hít thở? Nếu không tin, hãy đọc bài viết sau nhé.

Mai rùa được cấu tạo giống như bộ xương lồng ngực của chúng ta vậy. Thực tế thì nó chính là lồng ngực, xương sống, đốt sống và xương cụt của rùa. Bạn cứ tưởng tượng rằng cấu tạo của rùa giống con người nhưng bộ xương lại nằm ở bên ngoài.

Dĩ nhiên là bạn không thể tách xương sống ra khỏi cơ thể người, cho nên bạn cũng không thể tách rùa ra khỏi mai của nó. Nhưng, bên dưới lớp mai rùa này, có gì?

Tại sao rùa suốt ngày phải vác “nhà” trên lưng?

Tiến sỹ Maria Wohakowski, Mỹ, nhà nghiên cứu và bảo vệ rùa biển suốt 1 thập kỷ nay, sẽ giải thích điều này. Cô cho biết, xương vai và hông của rùa nằm bên dưới mai của chúng. Chúng là loài vật trên cạn duy nhất trên Trái Đất mang đặc điểm kỳ lạ này. Và chúng cũng là một trong số những loài duy nhất có thể thở bằng "mông".

Tại sao rùa suốt ngày phải vác “nhà” trên lưng? - Ảnh 2.

Mai rùa vốn được tiến hóa để giúp rùa đào bới hiệu quả hơn.

Bên dưới mai rùa là cả một hệ hô hấp đặc biệt. Bạn có thể thấy phổi của chúng nằm ở phía trên. Trong khi hầu hết động vật thở bằng cách co bóp lồng ngực như một chiếc máy bơm thì rùa không thể làm điều này vì mai của chúng chính là lồng ngực. Chúng sử dụng các cơ bắp phía trong mai để bơm không khí ra vào cơ thể.

Đó là trong phần lớn thời gian, đôi lúc chúng hít vào bằng miệng và thở ra bằng "cửa sau". "Cửa sau" này còn có tác dụng để rùa tiểu tiện, đại tiện và đẻ trứng. Cấu tạo của nó có thể giống như mang cá, hút nước vào và hấp thụ oxy. Các nhà khoa học cho rằng rùa làm vậy mỗi khi chúng lặn dưới nước lâu, chẳng hạn như khi ngủ đông.

Tại sao rùa suốt ngày phải vác “nhà” trên lưng? - Ảnh 3.

Nếu bạn nhìn kỹ vào chiếc mai rùa, bạn có thể thấy những đặc điểm giúp loài rùa ngủ đông dưới nước. Cấu tạo của lớp vỏ ngoài có thể giúp hấp thụ cũng như thải ra các chất hóa học. Nó giúp cho rùa có thể hô hấp trong môi trường không có oxy.

Nó hoạt động như thế này: Nhiều cá thể rùa ngủ đông trong các ao đóng băng thiếu dưỡng khí. Để có thể sống sót, chúng phải chuyển sang trạng thái "kỵ khí". Nghĩa là, chúng không dùng oxy để làm năng lượng mà sử dụng glucose. Đây gọi là hô hấp kỵ khí. Quá trình này tạo ra acid lactic chết người. Tuy nhiên, mai rùa hấp thụ đống acid này và trung hòa nó.

Hóa ra, việc có một chiếc mai cũng khá hữu ích đúng không nào. Các nhà khoa học cho rằng rùa có mai là do trước đây khoảng 200 triệu năm, chúng thường đào bới và sống dưới lòng đất. Và dĩ nhiên chiếc mai cứng cũng là một lớp lá chắn tuyệt vời trước những đối thủ "hổ báo" ngoài xã hội.

Nguồn: Science Insider

Tại sao rùa suốt ngày phải vác “nhà” trên lưng? - Ảnh 4.