Tang thương bao trùm bản nghèo có 3 anh em ruột tử vong trong hầm khai thác vàng

Văn Nguyễn, Theo Trí Thức Trẻ 14:45 15/04/2016

Sau khi xảy ra vụ ngạt khí hầm vàng, thi thể 3 nạn nhân ở Nghệ An được đưa về quê mai táng. Bản làng nghèo chìm trong nước mắt. Gia đình các nạn nhân đều nghèo, nỗi đau xen lẫn nỗi lo không có tiền để lo tang lễ cho người xấu số.

"Con bảo về mà sao không giữ lời hứa"

Sáng ngày 15/4, ông Moong Văn Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Thắng, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) cho biết, thi thể 3 nạn nhân xấu số người Nghệ An trong vụ sập hầm vàng tại Quảng Nam vào ngày 12/4 đã được đưa về địa phương mai táng.

Cả 3 nạn nhân là Cụt Văn Sơn (SN 1982), Cụt Văn Hiệu (SN 1989) và Cụt Văn Nam (SN 1997) đều là anh em ruột trong một gia đình. Trong đó, Cụt Văn Sơn đã lập gia đình và có 6 người con. Cụt Văn Hiệu lập gia đình và có 4 người con.

Căn nhà sàn xiêu vẹo của ông Cụt Phò Quyên, trú tại bản Xao Va , xã Bảo Thắng (huyện Kỳ Sơn) bao trùm không khí tang thương. Sau khi biết tin, 3 người con bị tử nạn trong vụ sập hầm vàng tại Quảng Nam, cả đại gia đình ông Quyên gần 30 con người nhanh chóng tập trung để lo tang lễ.

Tang thương bao trùm bản nghèo có 3 anh em ruột tử vong trong hầm khai thác vàng - Ảnh 1.

 Ông Cụt Phò Quyên đau đớn trước mất mát quá lớn.

Trên khuôn mặt khắc khổ của người cha già, những giọt nước mắt cứ lặng lẽ chảy dài trong đau đớn. Từ khi nghe tin 3 người con của mình đã không may bỏ mạng trong hầm vàng, ông như gục ngã, không thể ăn uống được gì, lúc nào cũng khóc và luôn miệng gọi tên các con.

Ông Cụt Phò Quyên và vợ là bà Cụt Mẹ Quyên sinh hạ được 8 người con (5 trai, 3 gái). Từ sau Tết Nguyên đán vừa qua, 4 trong số 5 người con trai của ông đã nghe theo lời rủ rê của một số người tuyển lao động vào tỉnh Quảng Nam tham gia đào vàng bất hợp pháp.

Sau tiếng nấc nghẹn, ông Quyên nói: "Chỉ vì nghèo mà các con phải vào Quảng Nam đào vàng. Vàng chưa thấy, tiền chưa gửi về một xu nhưng các con lại trở về trong những cỗ quan tài lạnh lẽo. Rồi đây vợ con chúng nó biết dựa vào ai".

Tang thương bao trùm bản nghèo có 3 anh em ruột tử vong trong hầm khai thác vàng - Ảnh 2.

 Căn nhà của ông bà Cụt Phò Quyên thuộc diện nghèo nhất bản.

Người cha già của 3 nạn nhân kể lại, khoảng 5 ngày trước, con trai cả là Văn Sơn điện thoại về bảo sẽ về nhà trong thời gian tới. "Nó bảo sẽ về khiến cả nhà mừng lắm, tôi còn mua sẵn bình rượu cần chờ các con về uống. Thế mà chưa thực hiện lời hứa các con đã…".

Bản Sao Va cách thị trấn Mường Xén (huyện Kỳ Sơn) hơn 80km, là bản xa nhất của xã Bảo Thắng nằm lọt thỏm giữa thung lũng giáp ranh xã Mường Lống. Đây là bản nghèo nhất, các nam thanh niên đến tuổi trưởng thành phải rời bản đào vàng, bốc vác. Chính vì thế có một nỗi lo lắng lớn khác đan xen, đó là họ biết lấy tiền đâu để thanh toán chi phí mai táng.

Hỗ trợ gia đình các nạn nhân tử vong

Theo ông Moong Văn Lợi cho biết thêm: Gia đình ông Cụt Phò Quyên cũng như nhiều hộ dân trong bản chủ yếu dựa vào phát nương làm rẫy nên đời sống rất khó khăn. Bản thân gia đình ông Quyên cũng đang thuộc diện hộ nghèo của xã.

Sau khi nhận được thông tin, lãnh đạo UBND xã Bảo Thắng đã trực tiếp đến thăm hỏi, động viên, chia buồn và hỗ trợ gia đình nạn nhân 2 triệu đồng. "Tuy nhiên, số tiền đó vẫn chưa thể trợ giúp được gia đình các nạn nhân bao nhiêu. Bản nghèo quá mà, giờ đây lại tang thương nữa", ông Lợi nói.

Biết được hoàn cảnh các nạn nhân, ngay sau khi thi thể các nạn nhân tử vong được đưa về quê nhà để mai táng, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An đã phối hợp với huyện Kỳ Sơn tổ chức thăm hỏi, động viên và hỗ trợ gia đình các nạn nhân.

Tang thương bao trùm bản nghèo có 3 anh em ruột tử vong trong hầm khai thác vàng - Ảnh 3.

 Không khí tang thương bao trùm bản Sao Va

Sáng 15/4, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An đã có công văn chỉ đạo huyện Kỳ Sơn có các hình thức thăm hỏi, động viên và hỗ trợ gia đình nạn nhân tử vong (mỗi nạn nhân 4,5 triệu đồng).

Trước đó, chiều 14/4, Ủy ban nhân dân huyện Kỳ Sơn cũng đã đến thăm hỏi và chia sẻ mất mát với gia đình nạn nhân. Ủy ban nhân dân huyện Kỳ Sơn đã hỗ trợ 5,5 triệu đồng cho các nạn nhân cùng 200kg gạo; Ủy ban nhân dân xã Bảo Thắng hỗ trợ gia đình có nạn nhân tử vong 2 triệu đồng và 100kg gạo.

Theo ông Ốc Phò Thắng, Trưởng CA xã Bảo Thắng (huyện Kỳ Sơn) cho biết, toàn bản Sao Va có hơn 70 hộ dân, với hơn 400 nhân khẩu, chủ yếu là bà con đồng bào dân tộc Khơ Mú.

"Hiện có 36 người rời bản đi đào vàng trái phép ở Quảng Nam, bốc vác thuê có tuổi đời từ 15 đến 40 tuổi, trong đó có 2 em học sinh cũng bỏ học đi làm thuê mướn trong các bãi vàng", ông Thắng nói.

Theo thống kê của chính quyền xã này, từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn đã xảy ra 6 vụ người dân đi lao động chui ở ngoại tỉnh gặp rủi ro, tai nạn lao động, trong đó có 5 người chết, 1 người bị thương nặng.

Trước đó, khoảng 17h ngày 12/4, trong lúc đang đào vàng, một nhóm 5 phu vàng trái phép tại thôn Dung, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang (Quảng Nam) bất ngờ bị sập hầm, ngạt khí dẫn đến tử vong.

Đến 23 giờ cùng ngày, lực lượng cứu hộ đưa được 5 nạn nhân ra ngoài. Trong số 4 người được xác định đã tử vong trong đó 3 người là anh em ruột, trú tại xã Bảo Thắng, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An).

Hiện, gia đình đang tổ chức làm lễ mai táng cho các nạn nhân theo phong tục địa phương.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày