Một thế hệ phức tạp, đan xen giữa sự dũng cảm, táo bạo, những lối suy nghĩ tiên phong. Một thế hệ khát khao được lắng nghe, mộng mơ về những điều to lớn nhưng cũng cực kỳ thực tế. Một thế hệ kết nối với cả thế giới, nhưng cũng rất lẻ loi trong những ốc đảo của riêng mình.

Bạn có hành lý ký gửi hay chỉ mang theo hành lý xách tay?
Hành lý bạn mang theo nặng bao nhiêu kilogram?

Các câu hỏi mang tính thủ tục tại quầy check-in trước các chuyến bay đã bao giờ khiến bạn hay tôi khựng lại, nghĩ về chúng trong một vài hàm nghĩa khác?

Nếu có lần nào như vậy, hãy tận dụng nó, mở ra một vài cánh cửa nhìn nhận lại bản thân mình, về những gì chúng ta chọn mang theo, cũng như về đoàn người mà chúng ta thuộc về, đang cùng nhau bước vào hành trình phía trước - những người được gọi dưới một tên chung là thế hệ Y, millennials - những người sở hữu tuổi trẻ khi bước vào thiên niên kỷ mới.

Thế hệ Y: Những người trẻ dám nghĩ, dám làm, dám bước ra thế giới nhưng vẫn rất lẻ loi - Ảnh 1.

Sinh ra từ năm 1982 đến năm 2000, xét trong tầm tuổi 17 - 34, các millennials hiện chiếm 30% dân số của Việt Nam, xấp xỉ 28 triệu người. Đặc trưng cốt lõi của thế hệ chúng ta là chào đời và trưởng thành trong thời đại cách mạng công nghệ.

Khi chúng ta lớn lên, không cần đến nỗ lực tìm kiếm và sở hữu, Internet, mạng xã hội và smartphone đã ở đấy, ngay trong tầm tay chúng ta. Một bầu khí quyển thứ hai, đúng nghĩa.

Trong lịch sử, chưa có thời đại nào mà cách thức liên lạc, giao tiếp và thể hiện bản thân của con người lại thay đổi triệt để và nhanh chóng như vậy. Đặc biệt, việc trải nghiệm nó ở độ tuổi thiếu niên khiến những tác động của Internet càng sâu sắc hơn. Đây chính là yếu tố tác động đến mọi khía cạnh, hình thành nên tính cách cũng như nhiều phẩm chất đặc trưng của thế hệ millennials, ở cả thế giới và Việt Nam.

Thế hệ Y: Những người trẻ dám nghĩ, dám làm, dám bước ra thế giới nhưng vẫn rất lẻ loi - Ảnh 2.

Khái niệm thế giới phẳng giờ đây là một đương nhiên, người ta không còn bàn về nó ở khía cạnh biểu tượng hay ẩn dụ, bởi thế hệ millennials không chỉ thụ hưởng từ thế giới đó, mà chính là những tác nhân tham gia, thiết lập cũng như định hình cách mà thế giới đó vận hành. Tính toàn cầu của thời đại Internet khiến mọi thông tin gần như đến cùng lúc, ở mọi nơi, một cách đầy đủ và không phân biệt.

Khác biệt lớn của thế hệ chúng ta so với các thế hệ trước là tư duy mở. Nếu thế hệ X - cha mẹ của chúng ta - khá hoài nghi và cẩn trọng, thì thế hệ Y lại dễ dàng tiếp nhận mọi thứ, từ kiến thức đến văn hóa, tư tưởng. Chúng ta hướng ngoại nhiều hơn. Chúng ta tự do hơn trong suy nghĩ. Chúng ta sẽ cân nhắc nếu bị đặt vào tình thế phải đi theo khuôn mẫu có sẵn. Chúng ta khát khao được biết về thế giới ngoài kia sớm hơn. Trở thành công dân toàn cầu là một ý hướng tự nhiên, dù có thể điều này đặt ra nhiều thử thách và ít an toàn hơn là tìm cơ hội bó hẹp trong môi trường sống quen thuộc hay trong phạm vi quốc gia. 

Thế hệ Y: Những người trẻ dám nghĩ, dám làm, dám bước ra thế giới nhưng vẫn rất lẻ loi - Ảnh 3.

Công nghệ đã thay đổi cách thế hệ chúng ta tiếp nhận và nhận thức về thế giới. Chúng ta, bằng cách này hay cách khác, ý thức hay thản nhiên đi theo dòng chảy, đều trở thành một phần của thế giới mà chúng ta đang sống. Sự phát triển của mạng xã hội, cùng các tính năng ngày càng mạnh mẽ của nó, đã hình thành nên một tâm thế chủ động và tự tin. Chúng ta thích chia sẻ, thích lên tiếng và mong muốn được lắng nghe.

Khát khao thể hiện cái tôi thẳng thắn và mãnh liệt, chúng ta không ngần ngại khi thể hiện chính kiến riêng, ngay cả khi nó đi ngược ý kiến của thế hệ trước, thậm chí tách biệt suy nghĩ số đông. Những vấn đề có thể còn đang nằm trong vùng cân nhắc.

Chính vì thế, thế hệ Y được xem là những người có ý thức cộng đồng lớn, toàn cầu lẫn địa phương. Chúng ta có xu hướng cầu toàn hơn nhiều so với thế hệ X đi trước. Thay đổi thế giới để đạt đến một tương lai tốt đẹp hơn chỉ có thể từ chính chúng ta. Cái nhìn cởi mở, mạnh dạn với mối quan hệ giao lưu giữa các chủng tộc là một bước tiến của những thành viên thế hệ Y tại Việt Nam.

Thế hệ Y: Những người trẻ dám nghĩ, dám làm, dám bước ra thế giới nhưng vẫn rất lẻ loi - Ảnh 4.

Chúng ta đóng góp tiếng nói trong gần như tất cả các lĩnh vực. Trong nước, hơn ai hết, chúng ta chính là thế hệ tích cực trong các hoạt động thiện nguyện, đấu tranh cho bình đẳng giới, LGBT, bảo vệ môi trường, chăm sóc động vật… hòa cùng dòng chảy thế giới. Chúng ta không chỉ lan truyền những thông điệp trên mạng mà đưa chúng vào cuộc sống, biến thành các hoạt động cụ thể như: Mùa hè xanh, Giờ Trái Đất, Bảo vệ động vật hoang dã... Chúng ta reo mừng khi một dự luật bảo vệ quyền con người được thông qua. Chúng ta phẫn nộ khi ô nhiễm khiến môi trường bị hủy hoại. Chúng ta có cảm xúc, biết bày tỏ cảm xúc và biến cảm xúc thành hành động.

Thế hệ Y có một khát khao cháy bỏng muốn gìn giữ và làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Biên giới giữa các quốc gia đang dần mềm hóa bởi các giá trị mang tính phổ quát của con người ngày càng lan tỏa: Chúng ta nhìn nhận cụ thể mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, chúng ta đề cao sự cân bằng và lối sống lành mạnh, chúng ta luôn yêu cầu được có thêm nhiều thông tin. Trước một đối tượng hàng hóa, một sản phẩm trí tuệ mới mẻ, chúng ta đặt vào đó kỳ vọng nó không chỉ phục vụ mục đích tiêu dùng thuần túy, mà còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn khác: nguồn gốc hợp pháp, sự an toàn cho cộng đồng, các bảo đảm về môi trường. Nếu tuổi trẻ của thế hệ X từng đề cao yếu tố hiện sinh “giá trị của khoảnh khắc hiện tại”, thì thế hệ Y không chỉ sống cho hôm nay. Tương lai là một viễn ảnh có các tiêu chí cụ thể, do chúng ta quyết định. Hành động và tiếng nói tích cực của từng cá nhân đơn lẻ khi nối kết đủ sẽ tạo nên ý thức và hành vi cộng đồng.

Thế hệ Y: Những người trẻ dám nghĩ, dám làm, dám bước ra thế giới nhưng vẫn rất lẻ loi - Ảnh 5.

Một cách gọi khác khá chính xác cho millennials, theo cách của người Mỹ, là thế hệ “Me” (generation Me - thế hệ “Tôi”). Mỗi cá nhân giờ đây đều tích cực để chứng tỏ sự hiện diện của mình với xung quanh. Ý kiến, thái độ của chúng ta được thể hiện bằng các phương tiện sống động hơn ngôn từ thuần túy. Đó là hình ảnh, clip, là những trích đoạn và tác phẩm “made by me”. Bạn nấu một món ăn đẹp? Bạn vừa thiết kế một bộ trang phục khác thường? Bạn nhận ra mình có thể cover một bản hit theo cách hoàn toàn khác biệt? Bạn nhìn thấy những điều khôi hài trong các vấn đề chung quanh chỉ thấy buồn tẻ? Bạn thể hiện những khả năng đó, với nhân vật trung tâm là bạn, chứ không cần thông qua một hình ảnh khác. Khoan bàn đến chất lượng hay các ý nghĩa buộc phải đi kèm. Hãy ghi nhận chúng ở tính thông điệp và dấu ấn cá nhân. Chính vì thế, chưa bao giờ, tính chất nghệ thuật lại dự phần vào đời sống thường nhật rộng khắp như hiện nay. Mỗi cá nhân của thế hệ millennials, nếu muốn, đều có thể là một nghệ sĩ, thu hút sự chú ý, lắng nghe và theo dõi…

Việt Nam là một trong những quốc gia mà “cái tôi” của thế hệ trẻ được thể hiện mạnh mẽ nhất từ trước đến nay. Cách thức bày tỏ “cái tôi” ấy có các thay đổi lớn nếu đặt trong tương quan với thế hệ tiền bối. Gần như mỗi chúng ta đều có một tài khoản Facebook. Trong nhiều trường hợp, nhận diện nhau qua giao tiếp đời thường không quan trọng bằng kênh truyền thông cá nhân, nơi cá tính, con người bên trong cũng như con người mà chúng ta mong ước trở thành được tự do bày tỏ. Và chúng ta tìm thấy cơ hội ngay từ kênh truyền thông cá nhân của mình. Giờ đây, rất bình thường việc một người trẻ lựa chọn không làm việc ở công ty mà ở nhà xây dựng các nội dung mạng. Những doanh nghiệp cũng sẵn sàng trả rất nhiều tiền cho cá nhân nào được quan tâm. Cái tôi và các chỉ số mạng trở thành món hàng, và cũng là thước đo giá trị.

Thế hệ Y: Những người trẻ dám nghĩ, dám làm, dám bước ra thế giới nhưng vẫn rất lẻ loi - Ảnh 6.

Internet là bầu khí quyển song song nhưng đang trở nên quan trọng hơn với người trẻ. Sống trong hiệu ứng lan tỏa của mạng xã hội, với những mối liên hệ toàn cầu, những gì chúng ta xem, nghe, đọc không nằm ngoài những gì đang diễn ra trên thế giới. Chúng ta có thể truy cập gần như tất cả mọi lĩnh vực, ở mọi thời điểm, qua các thiết bị cầm tay. Thế hệ Y không chỉ sống, chúng ta thưởng thức cuộc sống, với tốc độ nhanh hơn và sự lựa chọn đa dạng hơn.

Theo sự phát triển vũ bão của công nghệ, mọi loại hình giải trí gần như có thể được tiếp cận ngay lập tức, từ phim ảnh, âm nhạc, sách, game, show truyền hình… Chúng ta rời khỏi màn hình TV để theo dõi các sự kiện yêu thích trên YouTube. Các cửa hàng băng đĩa biến mất vì chúng ta chọn nhạc streaming. Tuy nhiên, trong đại dương của kỷ nguyên kỹ thuật số, thế hệ Y chỉ thích cư ngụ ở vài hòn đảo tách biệt. Chúng ta thường có xu hướng co lại với những cộng đồng chung sở thích, ở tất cả các lĩnh vực, tự tìm kiếm đào sâu và chia sẻ thứ chúng ta quan tâm, hơn là tiếp cận với các nhóm đa dạng để thay đổi. Sự gắn bó của mỗi cá nhân với một nghệ sĩ, thể loại hay tác phẩm, bền chặt theo thời gian. Chúng ta có thể biết rất nhiều những điều “ngoài vòng tròn”, nhưng chỉ tìm được niềm vui thú thật sự khi được ở trong cộng đồng millennials đồng dạng với bản thân. Các fanpage nở rộ là minh chứng rõ nét nhất.

Thế hệ Y: Những người trẻ dám nghĩ, dám làm, dám bước ra thế giới nhưng vẫn rất lẻ loi - Ảnh 7.

Với tinh thần khám phá của tuổi trẻ, tự do trong suy nghĩ, dễ dàng trong nắm bắt và sở hữu phương tiện, thế hệ Y không mộng mơ về thế giới mà hành động để  tận hưởng vẻ đẹp của thế giới. Dễ hiểu khi “phượt” trở thành một từ khóa quan trọng, với thế hệ Y trên toàn thế giới và Việt Nam chúng ta không nằm ngoài trào lưu. Các cuộc lên đường không chỉ để dịch chuyển và tận hưởng. Từ các chuyến đi và các trải nghiệm, chúng ta phát động những chiến dịch chia sẻ, đánh thức nhận thức cộng đồng. Giới phượt ngày càng mở rộng. Không chỉ millennials, mà thế hệ X, thậm chí cả thế hệ già hơn, cũng được truyền cảm hứng tham gia cộng đồng này.

Bộ phim tài liệu A Map for Saturday (Bản đồ cho thứ Bảy) năm 2007 chứa đựng đầy đủ nhất tinh thần “phượt thủ” đặc trưng cho thế hệ Y. Một ngày nọ, nhân viên đài HBO Brook Silva-Braga quyết định nghỉ việc, xách camera, đi vòng quanh thế giới. Anh đã ghi lại hành trình kham khổ nhưng tự do, cùng những trải nghiệm đặc sắc trên đường đi, với lời miêu tả “mỗi ngày đều giống như thứ Bảy”. Tỏa ra trong những khung hình gió bụi là niềm khát khao được sống thực sự, được khám phá, được hiểu biết về thế giới của cá nhân Brook, nhưng cũng chính là thôi thúc với mỗi bạn trẻ chúng ta hôm nay. Một câu thoại đáng nhớ trong phim: “Thời gian và tiền bạc liên hệ với nhau như sau: Để có cái này ta phải có cái kia. Nhưng một chuyến đi sẽ khiến bạn nhận ra rằng, thời gian thì quan trọng hơn tiền bạc.”

Thế hệ Y: Những người trẻ dám nghĩ, dám làm, dám bước ra thế giới nhưng vẫn rất lẻ loi - Ảnh 8.

Thế hệ Y là thế hệ dung nạp. Chúng ta có hàng trăm đến cả ngàn người bạn trên mạng xã hội, nhưng chúng ta cũng hiểu rõ các giá trị gia đình. Chúng ta có thể tranh luận về việc Tết ở nhà với gia đình hay tận dụng kỳ nghỉ lên đường du lịch để cuối cùng tìm ra giải pháp dung hòa. Vì làm việc để sống chứ không phải sống để làm việc, chúng ta thích những công việc có khung thời gian linh hoạt để có thể lên đường và theo đuổi các hoạt động trong sở thích. Chúng ta tập trung cày xới làm dài con số trong tài khoản ngân hàng nhưng vẫn là những nhân tố tích cực nhất trong các hoạt động tình nguyện. Vì bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra, chúng ta đưa ra triết lý YOLO, tận hưởng từng giây phút khi còn có thể, nhưng chúng ta cũng rút ra được những bài học từ các thế hệ đi trước để sống cân bằng và gìn giữ một thế giới hòa bình.

Nhưng, không vì các lợi thế mà chúng ta không có vấn đề của thế hệ mình.

Trong một thế giới có nhịp độ nhanh đòi hỏi một lối sống luôn vận động, chúng ta coi trọng, thậm chí yêu cầu sự kết nối, tính thuận tiện mọi lúc mọi nơi. Các tùy chọn cho phép chúng ta được kiểm soát và luôn ở trong mạng lưới/ cộng đồng của mình. Nhưng, điều khó khăn nhất nằm trong chính sự thuận tiện nhất. Thế hệ chúng ta khi lớn lên trong một thế giới quá rộng và di chuyển quá nhanh, thường dễ dàng mất đi tính ổn định cũng như sự kết nối thực thụ.

Thế hệ Y: Những người trẻ dám nghĩ, dám làm, dám bước ra thế giới nhưng vẫn rất lẻ loi - Ảnh 9.

Sự hiện diện và tồn tại đang được định nghĩa lại. Nếu bạn không có tài khoản Facebook, Instagram hay Twitter, bạn không tồn tại. Chúng ta có xu hướng tiếp xúc trên mạng nhiều hơn ở thế giới thật. Chúng ta dành nhiều thời gian cho smartphone và mạng xã hội hơn là chuyện trò trực tiếp. Các rối loạn cảm xúc chính là hệ quả. Mặt trái này được miêu tả chân thực qua bộ phim Disconnect (Mất kết nối) năm 2012. Phim nêu lên bi kịch của những “con nghiện” internet, miêu tả khoảng cách giữa con người trong xã hội hiện đại. Trong đó, những thiết bị như smartphone, máy nghe nhạc, laptop… chính là “thủ phạm” khiến chúng ta ngày càng khó giao tiếp với nhau. Đây không phải các chi tiết cường điệu, mà là thực trạng có thể thấy ở bất kì nơi đâu.   

Là thành viên của một hay nhiều mạng lưới, nhưng về cơ bản, các thành viên của thế hệ Y vẫn là những cá thể độc lập và cũng là những cá thể bất toàn. Bên cạnh các giao tiếp rộng lớn và thuận tiện, chúng ta vẫn không tránh khỏi những phút giây lạc lõng, với những ảo tưởng khó được lấp đầy. Chúng ta tập trung nhìn vào chính mình nên thường quên mất các cá nhân hiện diện chung quanh, hoặc nếu có là với mặc định và thành kiến. Thế nên, chúng ta cần nhìn nhận các cá nhân khác đúng với thực tế của họ, để hiểu, để đối xử với họ và với chính mình công bằng hơn, tốt lành hơn.

Bất kể những điều bất cập như trên, thế hệ Y vẫn được xem là “thế hệ của hi vọng”. Một thống kê của tờ New York Times nhìn nhận, đây là thế hệ được thụ hưởng giáo dục chất lượng nhất từ trước đến nay. Trong một thế giới ngày càng bất ổn bởi các nguy cơ chính trị và chiến tranh hạt nhân, tờ Business Insider nhận định: “Millennials là thế hệ sẽ cứu tất cả chúng ta.”

Thế hệ Y: Những người trẻ dám nghĩ, dám làm, dám bước ra thế giới nhưng vẫn rất lẻ loi - Ảnh 10.

Bạn có hành lý ký gửi hay chỉ mang theo hành lý xách tay?
Hành lý bạn mang theo nặng bao nhiêu kilogram?
Thế hệ Y đang trả lời các câu hỏi ấy theo cách của chính mình.

Chúng ta bước lên những chuyến bay với hành lý nhỏ gọn hơn, nhưng sức nặng của nó tương đương, thậm chí lớn hơn so với các thế hệ trước. Chúng ta đang tiếp nhận thế giới này cả ở khía cạnh di sản lẫn di chứng từ các thế hệ cha anh.

Và trong thời đại của công nghệ, khi trí tuệ nhân tạo dần chiếm ưu thế, điều đơn giản nhưng trở thành thách thức mới với từng cá nhân: Giữ được nhân tính. Chúng ta đang sống. Nhưng để thực sự sống, cần có “cảm xúc người.” Và cảm xúc người chính là nỗ lực của ta, từ các ốc đảo riêng biệt, cố gắng kết nối, truyền tải yêu thương đến một ai đó bên ngoài chính mình. 

Nam Lâm
Vũ Tuấn Anh
nhatanhngx
Theo Trí Thức Trẻ31/03/2017