Thi đánh giá năng lực nhẹ nhàng, tuyển sinh hiệu quả

Huy Lân, Theo Người lao động 10:20 27/11/2023

Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM đến năm 2025 sẽ được điều chỉnh để phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Từ năm 2022, Trường Đại học (ĐH) Công nghiệp TP HCM đã tham gia phối hợp tổ chức thi đánh giá năng lực với ĐHQG TP HCM và sử dụng kết quả này để xét tuyển. Kết quả cho thấy số thí sinh trúng tuyển theo phương thức này tăng lên theo từng năm.

Thêm cơ hội cho thí sinh

TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo - Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, đánh giá dù là kỳ thi để lấy kết quả xét tuyển ĐH nhưng thời gian chỉ gói gọn trong 1 buổi, giúp thí sinh cảm thấy nhẹ nhàng, không áp lực. Việc áp dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu - từ đăng ký, nộp lệ phí đến xét tuyển - giúp kỳ thi được tổ chức đơn giản và hiệu quả.

Số lượng thí sinh trúng tuyển vào Trường ĐH Công nghiệp TP HCM bằng phương thức xét tuyển từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực từ 151 em của năm đầu tiên tăng lên 2.000 trong năm nay. Trước đây, Trường ĐH Công nghiệp TP HCM tổ chức cho thí sinh đăng ký xét tuyển trên hệ thống của trường nhưng từ năm 2022 sử dụng chung cổng đăng ký của ĐHQG TP HCM.

Tại hội nghị tổng kết công tác tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực giai đoạn 2018 - 2023, TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo - ĐHQG TP HCM, cho biết kỳ thi này được tổ chức lần đầu năm 2018, với mục tiêu tuyển chọn được người học có năng lực tốt, phù hợp với triết lý giáo dục toàn diện. Kỳ thi hướng đến việc đánh giá các năng lực quan trọng của thí sinh để học ĐH, như: sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề…

Sau 6 năm tổ chức, quy mô và chất lượng kỳ thi đánh giá năng lực ngày càng được khẳng định. Công tác phối hợp tổ chức không ngừng mở rộng, từ 7 trường ban đầu, đến năm 2023 đã có 47 trường ĐH, cao đẳng. Số lượng trường sử dụng kết quả kỳ thi cũng không ngừng tăng, từ 7 trường năm 2018 lên 97 trường vào năm 2023. Số lượng thí sinh đăng ký tăng mạnh, từ gần 5.000 em (của khoảng 616 trường THPT) năm đầu tiên, đến năm 2023 lên hơn 100.000 em (1.815 trường THPT)... Việc phân bố điểm thi và kết quả tích cực trong quá trình học ĐH luôn ổn định.

Theo TS Nguyễn Quốc Chính, phân tích kết quả kỳ thi cho thấy phân bố điểm của tất cả các đợt thi đều có dạng gần với phân bố chuẩn tự nhiên, gần như trùng nhau về các giá trị điểm trung bình và độ lệch chuẩn. Điều này thể hiện đề thi có độ ổn định cao.

Bên cạnh đó, việc phân bố điểm có độ rộng lớn thể hiện bài thi có khả năng phân hóa tốt, phù hợp mục tiêu tuyển sinh ĐH. Các nghiên cứu đối sánh kết quả học tập ở trường ĐH của sinh viên cho thấy các em nhập học bằng phương thức đánh giá năng lực cao hơn đáng kể so với một số phương thức khác.

Với cách tiếp cận mới và các kết quả tích cực nêu trên, kỳ thi đánh giá năng lực không chỉ tăng thêm cơ hội vào ĐH cho thí sinh mà còn góp phần định hướng tốt hơn cho học sinh các trường THPT, giúp các em học tập và rèn luyện hiệu quả những năng lực quan trọng để học lên các bậc cao hơn.

Thi đánh giá năng lực nhẹ nhàng, tuyển sinh hiệu quả - Ảnh 1.

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG TP HCM tổ chức

Cấu trúc lại đề thi

ĐHQG TP HCM cho biết năm 2024, kỳ thi đánh giá năng lực vẫn giữ ổn định như các năm trước nhưng mở rộng địa bàn tổ chức; đến năm 2025 sẽ có điều chỉnh để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới.

Theo TS Nguyễn Quốc Chính, ĐHQG TP HCM định hướng tiếp tục mở rộng quy mô kỳ thi đánh giá năng lực trong năm 2025; đồng thời cấu trúc đề thi sẽ có điều chỉnh để phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo đó, năm 2025, kỳ thi tiếp tục được thực hiện theo hướng phát triển ổn định, căn cứ trên nền tảng của giai đoạn trước. Kỳ thi sẽ tiếp tục được triển khai theo phương thức thi trắc nghiệm khách quan trên giấy, tổ chức đồng thời tại nhiều địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh tham dự...

Cấu trúc đề thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM từ năm 2025 vẫn gồm 3 phần: Sử dụng ngôn ngữ (tiếng Việt, tiếng Anh); toán học, tư duy logic và phân tích số liệu; giải quyết vấn đề (vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật - thí sinh được lựa chọn 3 trong số 6 nhóm vấn đề này trong quá trình làm bài). "Sự điều chỉnh so với bài thi hiện tại tập trung chủ yếu vào phần giải quyết vấn đề" - TS Nguyễn Quốc Chính nhận xét.

Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo - ĐHQG TP HCM cho biết để xác định cấu trúc nội dung đề thi phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, từ cuối năm 2022, nhà trường đã thực hiện nhiều hoạt động chuyên môn với sự tham gia của các chuyên gia giáo dục và nhiều bên liên quan.

Năm 2024, thêm 2 địa điểm thi

Theo kế hoạch, năm 2024, kỳ thi đánh giá năng lực tiếp tục được phát triển theo hướng ổn định, tổ chức 2 đợt thi trước kỳ thi tốt nghiệp THPT (đợt 1 dự kiến ngày 7-4, đợt 2 ngày 2-6).

Ngoài 21 địa điểm đã tổ chức trong năm 2023 - gồm: TP HCM, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ và Bạc Liêu - kỳ thi năm 2024 sẽ bổ sung 2 điểm thi tại tỉnh Bình Phước và Tây Ninh.