Tiền vệ Nguyễn Thị Liễu: Chặng đường đầy nước mắt từ cô gái mồ côi đến "chìa khóa vàng" của tuyển bóng đá nữ

Thu Hường - Ảnh: Quý Nguyễn, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 01/09/2017

Trên sân cỏ, tiền vệ Nguyễn Thị Liễu là người phụ nữ mạnh mẽ nhưng ít ai biết, ngoài đời tư, nữ cầu thủ lại có bao câu chuyện đầy nước mắt.

"Chân sút vàng" của nữ cầu thủ khiến fan hâm mộ bóng đá vỡ òa cảm xúc

Trong trận chung kết thắng đậm 6-0 Malaysia, hẳn nhiều người vẫn chưa quên 2 bàn thắng ấn tượng của tiền vệ Nguyễn Thị Liễu (SN 1992) - gương mặt đã trở nên quen thuộc, người luôn được mệnh danh là "chìa khóa vàng" của đội tuyển nữ Quốc gia Việt Nam.

Tiền vệ Nguyễn Thị Liễu: Chặng đường đầy nước mắt từ cô gái mồ côi đến chìa khóa vàng của tuyển bóng đá nữ - Ảnh 1.

Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam ăn mừng chiến thắng, giành HCV Seagame29

Ngoại hình nhỏ nhắn, chỉ cao 1m53 nhưng Liễu lại có thể lực tuyệt vời. Khi cả đội tấn công phủ đầu, tiền vệ mang áo số 8 chịu trách nhiệm chính trong việc cướp bóng để duy trì nhịp độ tấn công. Khi chuyển sang thế phòng ngự, Liễu lại trở thành chiếc mỏ neo, chuyên phán đoán tình huống triển khai bóng của đối phương để cắt đường chuyền. 

Tiền vệ Nguyễn Thị Liễu: Chặng đường đầy nước mắt từ cô gái mồ côi đến chìa khóa vàng của tuyển bóng đá nữ - Ảnh 2.

Tiền vệ Nguyễn Thị Liễu.

Khả năng tranh chấp và sức chạy bền bỉ giúp Liễu luôn có mặt kịp thời, đập tan ý định tấn công của đối thủ từ tuyến trung lộ. Khi có cơ hội ghi bàn, Liễu lập tức tận dụng để sút những pha bóng xa đầy hiểm hóc, ghi dấu bằng bàn thắng "oanh tạc" cho đội nhà. Với chiến thuật của HLV Mai Đức Chung, nữ tiền vệ này đóng vai trò cực kỳ quan trọng, là cầu nối của toàn đội bóng và luôn sẵn sàng, xuất hiện ở tất cả các điểm nóng trên sân cỏ. 

Tiền vệ Nguyễn Thị Liễu: Chặng đường đầy nước mắt từ cô gái mồ côi đến chìa khóa vàng của tuyển bóng đá nữ - Ảnh 3.

Tấm HCV trong kỳ Seagames 29 vừa qua của Liễu.

Chân sút ở tuyến tiền vệ từng được HLV Mai Đức Chung nhận xét là một vận động viện chơi bóng "có đầu óc", rất mạnh dạn khi tiến công nhưng lại luôn biết lùi về sau, góp phần giữ vững thế trận an toàn cho đội bóng áo đỏ.

Cho dù không có nhiều cơ hội ghi bàn nhưng Liễu vẫn có "cơ số" pha bóng đầy ấn tượng. Điển hình là bàn thắng san bằng tỷ số 1-1 với Thái Lan tại trận tứ kết Seagames 2014 giúp cả đội sốc lại tinh thần, làm nên chiến thắng trước "đối thủ truyền kiếp". Hay như trong trận mở màn vòng loại Asian Cup cùng năm, Liễu có bàn thắng ở phút 45. Hình ảnh cô gái mặc áo đỏ, quỳ xuống sân cỏ, ngước mắt lên trời khóc nấc khiến cả đội tuyển lẫn người hâm mộ đều không kìm nổi nước mắt.

Về quê chịu tang mẹ 3 ngày, nuốt nước mắt rồi lại lên đường thi đấu Asian Cup

Trước khi gặp Liễu, tôi cứ nghĩ "tiền vệ vàng" của thể thao nữ Việt Nam phải là cô gái mạnh mẽ từ ngoại hình đến cá tính nhưng không. Nữ tuyển thủ 9X có ngoại hình nhỏ nhắn, gương mặt hiền dịu và tính cách ôn hòa, không hề giống như tưởng tượng của nhiều người về những cô gái mặc quần đùi, khoác áo số, suốt ngày đội nắng chạy trên sân cỏ.

Hình ảnh của Liễu ngoài đời khác hẳn với những gì cô thể hiện trên sân cỏ.

Sự nghiệp của Liễu là một chuỗi những hào quang, chiến thắng kế tiếp nhau nhưng ít ai biết, đời tư của cô lại tràn đầy nước mắt với bao thăng trầm từ khi vừa sinh ra.

Gia đình Liễu có 2 chị em gái hơn kém nhau tới 9 tuổi. Từ khi mang thai Liễu, bố cô đã liên tục đi làm xa. Khi Liễu còn chưa kịp nhận thức được thế giới xung quanh, ông đã đột ngột qua đời.

Sau ngày chồng mất, mẹ cô dẫn theo 2 chị em Liễu trở về bên ngoại sinh sống. Từ đó cho đến khi lớn lên, cuộc sống của Liễu thiếu vắng hoàn toàn tình thương của cha và bóng dáng gia đình nhà nội. Ở bên ngoại, 3 mẹ con cô nương tựa vào nhau để sống qua ngày. 

Tiền vệ Nguyễn Thị Liễu: Chặng đường đầy nước mắt từ cô gái mồ côi đến chìa khóa vàng của tuyển bóng đá nữ - Ảnh 6.

Hiện tại, Liễu chủ yếu sinh sống, tập luyện và thi đấu ở TP Phủ Lý, Hà Nam.

Khi trở về quê ở Lý Nhân, Hà Nam, cô thường đến nhà chị gái, anh rể phụ giúp họ việc bán hàng.

Khó khăn về kinh tế từng trở thành nỗi lo chính của 3 mẹ con. Để nuôi chị em Liễu khôn lớn, mẹ cô phải làm việc gấp 5, gấp 10 lần người bình thường. Đôi vai người phụ nữ ấy mỗi lúc một trĩu nặng nhưng vẫn không đủ sức lo cho 2 con có một cuộc sống yên ấm về vật chất như bạn bè cùng trang lứa.

"Cũng có lúc mình thấy tủi thân vì bạn bè, ai cũng có đủ cả bố lẫn mẹ nhưng rồi hai chị em lại tự động viên nhau, càng trong hoàn cảnh khó khăn, chúng mình càng phải cố gắng nhiều hơn".

Căn nhà nhỏ của mẹ Liễu qua nhiều lần được tu sửa.

Năm 2012, khi sự nghiệp của Liễu bắt đầu lên cao thì mẹ cô bất ngờ phát hiện mắc bệnh ung thư vú. Biết mẹ bị bệnh, Liễu và chị gái tích cóp từng đồng chạy chữa cho bà nhưng rồi sau 1 năm, căn bệnh quái ác cũng đã cướp đi người thân yêu nhất của họ. Đầu năm 2013, khi đang tập trung cùng ĐT nữ Việt Nam tại trung tâm đào tạo trẻ VFF, cô nhận được tin mẹ ở quê đã qua đời.

Vội vã trở về, chịu tang mẹ 3 ngày, tưởng như không đủ sức chiến đấu trên sân cỏ nhưng với sự động viên của mọi người, Liễu lại rời quê hương, theo chân đồng đội sang tận Tây Á thi đấu giải Asian Cup.

Cuối năm 2012, Liễu lập gia đình với một người đàn ông quê Thái Nguyên. Những tưởng cuộc sống hạnh phúc của cô đang bắt đầu khi tìm được "bến đỗ" bình yên... nhưng rồi sau 4 năm, cả 2 lại quyết định chia tay, đường ai nấy đi.

Tiền vệ Nguyễn Thị Liễu: Chặng đường đầy nước mắt từ cô gái mồ côi đến chìa khóa vàng của tuyển bóng đá nữ - Ảnh 9.

Liễu dẫn các cháu ra sân bóng hồi nhỏ cô vẫn hay tập luyện.

...Khoảng 10 năm trước, lúc chỉ bằng tuổi các cháu bây giờ, Liễu đã tham gia CLB bóng đá nữ của xã và sau này là của tỉnh Hà Nam.

Cuộc đời tiền vệ Nguyễn Thị Liễu là một chuỗi những trắc trở. Khó khăn về gia cảnh, thiếu thốn tình thương của cha từng trở thành nỗi ám ảnh trong suốt những năm tháng "tuổi thơ dữ dội" rồi đến khi lớn lên, chưa kịp để mẹ chứng kiến hết thành công trong sự nghiệp thì bà đã vội vã ra đi. Trong chuyện tình duyên, nữ tiền vệ cũng không được may mắn như những người phụ nữ khác.

"Có những đêm nằm suy nghĩ về mẹ, mình chỉ biết ôm gối khóc thầm nhưng sáng ra lại phải cố sốc lại tinh thần để tiếp tục chiến đấu với những khó khăn khác trong cả công việc lẫn cuộc sống".

Từng nghĩ đến chuyện từ bỏ sự nghiệp bóng đá để lập gia đình, sinh con

Từ nhỏ, Liễu đã có niềm đam mê bất tận với môn thể thao vua. Xem các chị thi đấu bóng đá qua tivi, Liễu luôn thầm ước một ngày nào đó, mình cũng có thể chạy trên sân cỏ, góp phần ghi những bàn thắng đẹp mắt cho đội tuyển nữ Quốc gia.

Năm lên 9 tuổi, cô bắt đầu tham gia CLB bóng đá của xã. Lúc đó, cả gia đình đều phản đối, gọi cô là "giặc cái" nghịch ngợm. Con đường thành công với thể thao, có lẽ là điều mà không ai nghĩ rằng, những đứa trẻ chạy chơi, đá bóng trên cánh đồng nhà quê có thể thực hiện nổi.

"Mẹ mình phản đối gắt lắm, cho mình ăn đòn không biết bao nhiêu lần nhưng cứ hôm trước, hôm sau mình lại trốn đi đá bóng. Chiều nào mình cũng nấu cơm từ 4h rồi trốn mẹ, đi đá bóng mải miết tới tối về học bài, sáng tinh mơ đã lại bật dậy, chạy ra sân cỏ mà không hề thấy mệt mỏi".

Tiền vệ Nguyễn Thị Liễu: Chặng đường đầy nước mắt từ cô gái mồ côi đến chìa khóa vàng của tuyển bóng đá nữ - Ảnh 11.

Liễu mang áo số 18 chụp ảnh cùng đội tuyển.

Tiền vệ Nguyễn Thị Liễu: Chặng đường đầy nước mắt từ cô gái mồ côi đến chìa khóa vàng của tuyển bóng đá nữ - Ảnh 12.

Bây giờ, cô đã có một vài tấm bằng khen cấp Quốc gia như thế này treo ở nhà.

Đã có lúc Liễu định từ bỏ sự nghiệp để sinh con, sống như bao nhiêu người phụ nữ khác nhưng rồi động lực vô hình nào đó lại kéo cô trở lại phía sân cỏ.

Không cần biết phía trước là bao nhiêu khó khăn đang đón đợi, Liễu chỉ biết mỗi khi được chạy theo trái bóng tròn, cô mới thấy được sống đúng với bản thân mình. Nếu một mai thức giấc, không còn đủ sức khỏe để theo đuổi niềm đam mê, có lẽ đó sẽ là ngày tồi tệ nhất với Liễu.

"Chắc lúc ấy mình chỉ biết khóc. Đối với mình, có lẽ tất cả mọi khó khăn trong cuộc đời này đều không đáng sợ bằng việc khi còn trẻ mà vì lý do nào đó, phải dừng lại sự nghiệp thi đấu".

Tính cách Liễu khá dịu dàng, hài hòa...

Trước kia khi còn nhỏ, ai cũng nói Liễu nhỏ bé, hiền lành như thế, làm sao có thể trở thành cầu thủ. Bất chấp sự phản đối ấy, Liễu luôn tin rằng, chỉ cần mình có quyết tâm, ước mơ nhất định trở thành hiện thực và cô đã dùng cả thanh xuân của mình để chứng minh điều đó. Giờ đây, trong căn nhà nhỏ của mẹ cô ở Hà Nam, Liễu treo đầy những tấm HCV, HCB... "chỉ tiếc là mẹ mình đã không còn ngồi đó để xem hết ngần ấy tấm HC ", Liễu nghẹn ngào.

Trước kia, khi nhận được giấy báo tuyển thẳng của ĐH Thể dục Thể thao Hà Nội, Liễu phải ngậm ngùi bỏ qua vì mải lo đi làm, kiếm tiền chạy chữa cho mẹ bệnh nặng. Bây giờ, điều cô mong muốn nhất là sau khi giải nghệ, có thể đi học ĐH và tiếp tục làm công tác huấn luyện cho các CLB bóng đá nữ trong nước.

"Nhiều người cứ hỏi mình đá bóng vậy có sợ tàn phai nhan sắc, sức khỏe, có sợ sau này thất nghiệp không biết làm gì không... nhưng thực sự mình không hề nghĩ tới những điều ấy. Mình chỉ biết bóng đá là niềm đam mê quá lớn. Chừng nào còn sức, mình vẫn sẽ thi đấu. Cho đến khi nào không thể chạy trên sân cỏ nữa, mình muốn truyền lại kinh nghiệm cho những thế hệ sau, tiếp tục làm nên những thành công mới", nữ tiền vệ chia sẻ.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày