Tình thế khó khăn của các nhà phát triển BĐS Trung Quốc khiến người dân “cảm thấy như bị lừa”: 1.500 người mua nhà 8 năm vẫn chưa thấy bóng dáng căn hộ, thậm chí bị yêu cầu trả thêm tiền

Thiên Di, Theo Nhịp sống thị trường 14:55 13/05/2024

Một nhóm khoảng 1.500 người mua nhà cho biết họ vẫn chưa nhìn thấy căn hộ mà họ đã mua khoảng 8 năm trước vì những thách thức vẫn tồn tại trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc.

Tình thế khó khăn của các nhà phát triển BĐS Trung Quốc khiến người dân “cảm thấy như bị lừa”: 1.500 người mua nhà 8 năm vẫn chưa thấy bóng dáng căn hộ, thậm chí bị yêu cầu trả thêm tiền - Ảnh 1.

Tại thành phố Thiên Tân, gần Bắc Kinh, Trung Quốc, một nhóm khoảng 1.500 người vẫn chưa nhìn thấy ngôi nhà họ đã mua từ 8 năm trước.

Khu phức hợp ở Thiên Tân đã mở bán các căn hộ trước khi xây xong với lời hứa người mua sẽ nhận nhà vào năm 2019. Một số người đã trả trước đầy đủ, một số khác thì trả góp, nhưng họ đều có chung một hoàn cảnh là phải chờ đợi suốt 8 năm qua mà chưa thấy nhà đâu. Trường hợp của họ là ví dụ cho thấy những thách thức còn tồn tại trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc.

“Tôi cảm thấy như mình bị lừa suốt thời gian qua”, một người mua nhà trả lời phỏng vấn của CNBC.

Một số người mua căn hộ cho cha mẹ nghỉ hưu hoặc cho con cái ở khi đi học gần đó. Nhưng trong 8 năm chờ đợi, cha mẹ của họ đã qua đời, còn con cái họ đã lớn và tìm được trường khác.

Nhà kinh tế trưởng Dan Wang tại Hang Seng Bank (Trung Quốc) cho rằng hoàn cảnh của họ phản ánh mức độ khó khăn mà các nhà phát triển bất động sản phải đối mặt. Bà cho rằng trường hợp ở Thiên Tân không phải là duy nhất và có thể còn nhiều nơi khác cũng xảy ra tình trạng tương tự.

Trong giai đoạn thị trường bất động sản bùng nổ, các nhà phát triển Trung Quốc đã gánh khoản nợ lớn với mong muốn nhanh chóng mở rộng. Cuối cùng tốc độ phát triển nhà ở lại vượt xa nhu cầu.

Vụ việc nổi tiếng nhất phải kể đến nhà phát triển bất động sản Evergrande vỡ nợ vào cuối năm 2021. Khi đó, Evergrande là nhà phát triển nặng nợ nhất thế giới. Họ có các dự án trị giá 1,26 nghìn tỷ nhân dân tệ (174 tỷ USD) đang được xây dựng vào năm 2020.

Nomura ước tính vào cuối năm ngoái có tổng cộng khoảng 20 triệu căn nhà chưa được xây dựng và chưa được hoàn thiện ở Trung Quốc.

Người mua phải trả thêm tiền?

Vào cuối tháng trước, nhà phát triển Zhuoda Yidu đã yêu cầu người mua nhà chấp nhận một phương án giải quyết. Theo đó, các căn hộ có thể được hoàn thành vào năm 2025 hoặc 2026, nếu người mua đồng ý trả toàn bộ khoản tiền chưa thanh toán cùng các chi phí khác do chủ đầu tư xác định.

Phương án đề xuất không đưa ra giải pháp thay thế và cho biết các căn hộ được định giá theo giá trước khi thị trường sụt giảm hoặc cao gấp đôi mức định giá hiện tại. Đó là chưa kể đến 8 năm hao mòn và kế hoạch của các gia đình có thể bị gián đoạn.

Một người mua nhà năm 2016 cho biết tiền đặt cọc là của bố. Ngoài việc trả đủ tiền nhà, người này vẫn phải trả khoản thế chấp hàng tháng là 2.800 nhân dân tệ cho một căn hộ khác cùng khu phức hợp.

Một nguồn tin cho biết tình trạng này khiến người mua có cảm giác trả bao nhiêu tiền cũng sẽ không nhận được nhà. Người này cho biết khoảng 90% người mua từ chối đề xuất của nhà phát triển.

Nhà kinh tế trưởng Dan Wang cho biết lần đầu tiên bà nghe nói có người mua nhà phải trả thêm tiền để nhận bàn giao. Bà cho biết trước đại dịch Covid-19, thỉnh thoảng có trường hợp chậm giao nhà. Nhưng lúc đó địa phương và các nhà phát triển thường sẽ nhanh chóng tìm ra giải pháp, vì nó là cả một số tiền rất lớn đối với hộ gia đình bình thường.

Bà Wang lưu ý rằng tình trạng giao nhà chậm sau đại dịch đang gia tăng. Vì các nhà phát triển đang xoay xở để duy trì hoạt động, dẫn đến một vấn đề có tính hệ thống. Những rắc rối của lĩnh vực bất động sản cũng đè nặng lên tài chính của chính quyền địa phương, vì họ từng thu lời đáng kể từ việc bán đất cho các nhà phát triển.

Không những phải chờ đợi lâu, một số người mua nhà cho biết sau khi thực hiện các khoản thanh toán ban đầu, họ phát hiện ra bất động sản này có thể còn vi phạm quy định.

Tờ Thiên Tân Nhật Báo tháng 3/2017 đưa tin rằng dự án Xiyu Garden do Zhuoda Yidu Investment xây dựng ở Thiên Tân đã vi phạm các quy định giao dịch bất động sản của thành phố. Công ty thu tiền từ người mua mà không có giấy phép bán nhà ở thương mại. Sau đó, chính quyền địa phương đã áp dụng hình phạt và yêu cầu Zhuoda Yidu chấn chỉnh. Sau khi tin tức được báo giới phản ánh, người mua nhà cho biết họ đã nhận được chứng nhận mua nhà.

Đối với nhiều hộ gia đình, bất động sản chiếm phần lớn khối tài sản của họ. Đó thường là thành quả của việc ông bà và họ hàng cùng nhau góp tiền tiết kiệm. Một người mua nhà ở Thiên Tân đã phải tiết kiệm nhiều năm để dành ra 190.000 nhân dân tệ trả trước cho căn hộ hai phòng ngủ rộng 90 mét vuông trị giá 700.000 nhân dân tệ.

Người này cho biết: “Chúng tôi không có nhiều tiền như vậy. Nếu có, chúng tôi đã mua nhà ở Bắc Kinh”.

Theo CNBC

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày