Tỏi tốt cho sức khỏe nhưng nhai tỏi sống nhiều sẽ gây bỏng cổ họng như thế nào?

Đạt Lê, Theo Helino 00:15 12/03/2018

Bỏng cổ họng hoàn toàn có thể xảy ra do chất allicin trong tỏi nhưng chỉ khi nào ăn tỏi sống với số lượng quá nhiều mà thôi.

Các nhà khoa học từ trường ĐH California cho rằng các loại thực vật như tỏi, ớt… sở hữu tính chất cay, nóng là để chúng được an toàn, không bị các loài thú trong tự nhiên “dòm ngó”.

Trên thực tế, các chất trong tỏi có thể giết chết vi khuẩn, đẩy lùi sâu bọ và phá hủy tế bào hồng cầu của chó mèo.

Tỏi tốt cho sức khỏe nhưng nhai tỏi sống nhiều sẽ gây bỏng cổ họng như thế nào? - Ảnh 1.

Dù vậy, “chiến lược” của cây tỏi vẫn tỏ ra không hiệu quả với sinh vật thông minh nhất quả đất - con người. Từ lâu, người ta đã dùng tỏi trong chế biến món ăn vì mùi vị đặc trưng, lại còn tốt cho sức khỏe. Đặc biệt nó giúp món ăn ít bị ôi thiu trong môi trường nóng ẩm.

Thế nhưng ăn tỏi sống với số lượng quá nhiều lại là một câu chuyện khác.

Các nhà khoa học cho rằng, ăn tỏi sống sẽ gây ra cảm giác cay, nóng trong cổ họng giống như khi ta ăn ớt hay wasabi. Cơ chế phản ứng của cơ thể đối với các loại gia vị này là như nhau.

Cụ thể, việc nghiền tỏi (nhai hoặc giã nhỏ trước khi ăn) sẽ gây ra phản ứng hóa học hình thành allicin - một phân tử cay, hăng có chứa lưu huỳnh.

Tỏi tốt cho sức khỏe nhưng nhai tỏi sống nhiều sẽ gây bỏng cổ họng như thế nào? - Ảnh 2.

Phân tử allicin sau đó sẽ đi đến các tế bào thần kinh gọi là kênh ion, làm cho kênh này nóng bừng lên. Sau đó kênh ion sẽ chuyển các tín hiệu nhận biết tỏi đến tủy sống và đến não. Toàn bộ quá trình trên diễn ra chưa tới 1 giây.

Kết quả là các dây thần kinh nhận biết đau đớn sẽ hoạt động. Chúng ta liền cảm thấy trong miệng cay nóng, chảy nước và tấy đỏ lên. Khi ăn quá nhiều tỏi, quá trình phản ứng trên của cơ thể sẽ lặp đi lặp lại và gây bỏng cổ họng.

Tỏi tốt cho sức khỏe nhưng nhai tỏi sống nhiều sẽ gây bỏng cổ họng như thế nào? - Ảnh 3.

Ăn quá nhiều tỏi sống còn dẫn đến các tác dụng không mong muốn khác như hôi miệng, tiêu chảy, mùi cơ thể và nôn mửa.

Tỏi cũng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu, hen suyễn và dị ứng trong một số trường hợp. Đặc biệt, nếu có dạ dày nhạy cảm thì không nên tiêu thụ quá 4 tép tỏi/ngày.

Mặt khác, tỏi để lâu ngày hay dùng tỏi dùng trong nấu nướng sẽ mất đi phần lớn allicin. Vì vậy tỏi chín sẽ bớt hăng hơn và cũng an toàn cho sức khỏe.

Nói tóm lại, cùng là một nguyên liệu nhưng chính người dùng sẽ biến nó thành thuốc chữa bệnh hay thuốc độc. Vì vậy hãy luôn giữ đầu óc tỉnh táo để ăn đúng cách, dùng đúng liều, tránh gây nguy hiểm cho bản thân và cho người khác.

Nguồn: New York Times, Livestrong