TPHCM có tới 147 phường, xã thiếu trường tiểu học công lập

Nhàn Lê - Nguyễn Dũng, Theo Tiền phong 18:08 14/10/2023

Theo thống kê, tại TPHCM có 147 phường, xã, thị trấn không đủ trường tiểu học công lập. UBND TPHCM đang dựa vào căn cứ này để xác định các chế độ hỗ trợ học phí cho học sinh.

Ngày 13/10, UBND TPHCM thông tin danh sách địa bàn không đủ trường tiểu học công lập tại TPHCM năm học 2023-2024.

TPHCM có tới 147 phường, xã thiếu trường tiểu học công lập - Ảnh 1.

Học sinh tiểu học TPHCM trong ngày khai giảng năm học 2023- 2024 (ảnh: Nguyễn Dũng)

Theo đó, có 147 phường, xã, thị trấn được xác định là địa bàn không đủ trường tiểu học công lập. Toàn thành phố chỉ có các quận 3, 5, Phú Nhuận và huyện Cần Giờ là đáp ứng được nhu cầu trường công với cấp tiểu học. 18 quận, huyện và TP Thủ Đức bị thiếu, ở 147 xã, phường, thị trấn. Trong đó, 11 phường không có trường tiểu học công, thuộc TP Thủ Đức, quận 4, 10, 11, Gò Vấp, Tân Phú. 136 khu vực khác thuộc diện có trường nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu học sinh.

Theo UBND TP TPHCM, việc công nhận địa bàn không đủ trường tiểu học công lập căn cứ theo Nghị định số 81 của chính phủ và Nghị quyết 05 của HĐND TP.

Có hai tiêu chí để xác định tình trạng thiếu trường. Một là, xã, phường, thị trấn không có trường tiểu học công và chính quyền không bố trí được học sinh sang các trường công ở khu vực lân cận. Hai là là trên địa bàn có trường nhưng không đáp ứng được nhu cầu của toàn bộ học sinh theo định mức 35 học sinh/lớp.

Năm học này TPHCM có hơn 1,7 triệu học sinh, trẻ mầm non, tăng hơn 35.000 so với năm trước. Sở GD&ĐT TPHCM thống kê với quy mô và tốc độ tăng dân số như hiện nay, để đạt chỉ tiêu 300 phòng học trên 10.000 dân trong độ tuổi đi học (3-18 tuổi) vào năm 2025, thành phố cần hơn 8.000 phòng học mới.

Trong hội nghị tổng kết và triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 của ngành giáo dục đào tạo TP được tổ chức cuối tháng 8, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu đánh giá trong những năm qua, nguồn quy hoạch đất dành cho giáo dục khó khăn, đất sạch ít, nhưng tốc độ tăng dân cư rất nhanh đã phá vỡ quy hoạch về dân cư và trường học.

“TPHCM đã có quyết định đầu tư xây dựng 4.500 phòng học đến 2025. Hiện thành phố đã đầu tư ngân sách xây dựng khoảng 3.000 phòng học. 1.500 phòng học còn lại sẽ kêu gọi đầu tư, xã hội hoá từ các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước”, ông Hiếu nói.