Tranh cãi việc kêu gọi 100.000 chữ ký để kiến nghị Quốc hội ban hành “Luật cấm nạo phá thai”, người sáng lập lên tiếng

PV, Theo Helino 00:21 08/12/2018

"Trong đề xuất kiến nghị với Quốc hội, chiến dịch cũng nêu rõ sẽ loại trừ các đối tượng gồm những phụ nữ mang thai trong trường hợp bị xâm hại, hôn nhân cùng huyết thống, bị các vấn đề cấp bách phải bỏ thai", người đại diện sáng lập chiến dịch giải thích trước những tranh cãi của cư dân mạng.

2 chàng trai kêu gọi 100.000 chữ ký để kiến nghị ban hành "Luật cấm nạo phá thai"

Những ngày qua, đoạn video về một chiến dịch mang tên "Mẹ ơi! Đừng giết con" đang được chia sẻ trên mạng xã hội cùng những ý kiến, quan điểm trái chiều. Đây là chiến dịch phát đi lời kêu gọi 100.000 chữ ký để kiến nghị Quốc hội xem xét xây dựng và ban hành "Luật cấm nạo phá thai" tại Việt Nam, mà theo những nhà sáng lập là "nhằm cứu lấy 300.000 thai nhi vô tội mỗi năm".

Đoạn video cùng thông tin chiến dịch nhanh chóng trở thành tâm điểm với gần 400.000 lượt xem, gần 3.000 chia sẻ cùng hàng trăm bình luận trái chiều của dư luận.

Tranh cãi việc kêu gọi 100.000 chữ ký để kiến nghị Quốc hội ban hành “Luật cấm nạo phá thai”, người sáng lập lên tiếng - Ảnh 1.

Chiến dịch kêu gọi chữ ký để ban hành "Luật cấm nạo phá thai" nhận được sự quan tâm của dư luận thời gian qua.

Hai chàng trai Lê Hoàng Thạch (sinh năm 1988, TP.HCM) và Lê Huỳnh Hà (sinh năm 1990, Phú Yên) là 2 người sáng lập chiến dịch.

Trong clip, hai chàng trai đưa ra các dẫn chứng như Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 thế giới về việc nạo phá thai. Họ nhận định đây là một thảm họa nhân đạo, là tội ác đi ngược với tinh thần nhân ái, đạo đức của dân tộc.

Tranh cãi việc kêu gọi 100.000 chữ ký để kiến nghị Quốc hội ban hành “Luật cấm nạo phá thai”, người sáng lập lên tiếng - Ảnh 2.

Hoàng Thạch và Huỳnh Hà xuất hiện trong đoạn clip.

Chia sẻ với chúng tôi, Lê Hoàng Thạch và Lê Huỳnh Hà cho biết mình là những nhà hoạt động thiện nguyện nhiều năm qua ở khắp các tỉnh thành cả nước. Sau những chiếc cầu, nhà, trường học... giúp đỡ bà con nghèo, 2 chàng trai muốn góp thêm tiếng nói của mình để hướng tới mục đích lớn hơn. Đó là lý do chiến dịch này ra đời.

Để tham gia ủng hộ chiến dịch, người dùng vào trang web để lại tên, email cá nhân là đã đóng góp một chữ ký.

Tranh cãi việc kêu gọi 100.000 chữ ký để kiến nghị Quốc hội ban hành “Luật cấm nạo phá thai”, người sáng lập lên tiếng - Ảnh 3.

Giao diện của trang web kêu gọi ký tên.

Cộng đồng mạng tranh cãi: "Hãy nghĩ đến vấn đề kinh tế, sức khỏe của người mẹ lẫn thai nhi đi!"

Bên cạnh hơn 18.000 chữ ký ủng hộ đến thời điểm hiện tại, chiến dịch lại vướng phải nhiều tranh cãi của cộng đồng mạng. Ngoài sự ủng hộ, chia sẻ, không ít người cho rằng việc làm của hai chàng trai là bộc phát, khó được Quốc hội thông qua.

Ngoài ra, theo nhiều ý kiến của dân mạng, chiến dịch còn khá nhiều kẽ hở như cụ thể về những đề nghị trong "Luật phòng chống nạo phá thai". Cũng như các vấn đề liên quan như trẻ bị dị tật, thai yếu, lý do ngoài ý muốn.

Tranh cãi việc kêu gọi 100.000 chữ ký để kiến nghị Quốc hội ban hành “Luật cấm nạo phá thai”, người sáng lập lên tiếng - Ảnh 4.

Nhóm thực hiện dự án

"Ban hành luật cấm nạo phá thai? Nói đến nhân đạo dành cho thai nhi vậy tại sao không nói đến nhân đạo dành cho phụ nữ? Tại sao không suy nghĩ thử xem vì lý do gì họ lại muốn từ bỏ cốt nhục của mình? Thử nghĩ tới vấn đề kinh tế, sức khoẻ của người mang thai lẫn thai nhi đi. Lỡ đâu họ không có khả năng nuôi dưỡng con mình rồi sao? Nếu như nghèo khổ, không đủ khả năng nuôi một đứa trẻ thì thà là phá thai, như vậy mới là tốt nhất cho cả mẹ lẫn con chứ. Đây là ý kiến cá nhân của mình, mình chỉ muốn bày tỏ quan điểm, không phải là đang chỉ trích việc kêu gọi chữ ký", bạn Ngọc Ngố nêu quan điểm.

Một tài khoản khác cũng đồng tình: "Luật thì hơi khó đó. Nhỡ có trường hợp thai phụ bị bệnh hay thai dị thì sao, chả lẽ lại sinh ra rồi phá hỏng cuộc đời sau này của các em ấy. Mình thấy là luật thì không cần phải cấm phá thai mà nếu phụ nữ khỏe mạnh đang mang thai thì không đuợc phá thôi".

Người sáng lập: Trong đề xuất sẽ loại trừ những trường hợp "đặc biệt"

Theo 2 chàng trai sáng lập chiến dịch, trong đề xuất kiến nghị với Quốc hội, chiến dịch cũng nêu rõ sẽ loại trừ các đối tượng gồm các phụ nữ trong các trường hợp ngặt nghèo như bị hãm hiếp, hôn nhân cùng huyết thống, bị các vấn đề cấp bách phải bỏ thai.

Bên cạnh đó, việc bảo vệ phụ nữ khỏi bị áp lực bỏ thai từ người yêu, chồng hoặc gia đình. Nếu ai ép buộc phụ nữ bỏ thai ngoài mong muốn của phụ nữ sẽ phải chịu án phạt và các biện pháp xử lý tuỳ mức độ. Điều này đảm bảo phụ nữ sẽ được bảo vệ tuyệt đối cùng với thai nhi của họ, không ai được quyền xâm phạm.

Anh Lê Huỳnh Hà cho biết, khi luật được ban hành, anh tin mọi người sẽ phải chấp hành bằng cách tìm mọi biện pháp tránh thai ngoài ý muốn, không có thai ngoài ý muốn thì sẽ không có chuyện bỏ cốt nhục của họ ngoài ý muốn. "Còn do các lý do đặc biệt thì áp dụng trường hợp loại trừ như đã nêu ở trên", anh Hà nói.

Tranh cãi việc kêu gọi 100.000 chữ ký để kiến nghị Quốc hội ban hành “Luật cấm nạo phá thai”, người sáng lập lên tiếng - Ảnh 5.

Về việc chiến dịch có khả thi, Lê Huỳnh Hà chia sẻ: "Sau khi thu được đủ số chữ ký, ban điều hành chiến dịch sẽ làm việc với các nhà làm luật, các luật sư, đại biểu quốc hội, các bộ ngành liên quan để soạn thảo dự luật.

Sau khi dự luật được chuẩn bị kỹ lưỡng, sẽ tiến hành lấy ý kiến của cộng đồng. Sau khi lấy ý kiến cộng đồng sẽ tiến hành chỉnh sửa lần cuối trước khi trình lên Quốc hội.

Sau khi trình Quốc hội thì Quốc hội họp bàn, lấy ý kiến biểu quyết trước khi thông qua. Nếu thông qua luật sẽ có hiệu lực ngay thời điểm được ban hành".

Đại diện sáng lập chiến dịch cũng khẳng định, trong dự luật được trình lên Quốc hội, sẽ có danh sách các trường hợp loại trừ và các trường hợp không áp dụng luật, đảm bảo sẽ công bằng, sát thực tế và bảo vệ tối đa quyền lợi của các bên liên quan.

"Các thời điểm được phép phá thai sẽ lấy ý kiến Bộ Y tế trước khi làm dự luật. Mức phạt cũng sẽ tham khảo các Bộ liên quan làm sao đáp ứng đúng yêu cầu thực tế và các quy định hiện hành", người đại diện nói thêm.

Không ít ý kiến cho rằng, nếu luật phòng chống nạo phá thai được ban hành, các cơ sở làm dịch vụ phá thai sẽ "không còn đất sống". Về điều này, anh Lê Hoàng Thạch – nhà sáng lập chiến dịch cũng nêu quan điểm: "Khi dự luật được chính thức thành luật, nó sẽ có một lộ trình thực hiện, trong lộ trình thực hiện sẽ có việc đánh giá, xét lại các tiêu chuẩn của các phòng khám để cấp phép lại một số ít nơi được phép phá thai trong các trường hợp loại trừ. Còn lại, tất cả các nơi sẽ không được phép phá thai, nếu vi phạm sẽ chịu trách nhiệm với pháp luật".

Pháp luật đã có quy định: Tất cả các hành vi phá thai trên 22 tuần tuổi đều là vi phạm 

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Tài, đoàn luật sư TP.HCM, giảng viên Luật trường Đại học Phan Thiết cho biết đây là chiến dịch nhân văn. Tuy nhiên, xét về nhiều mặt của xã hội, không thể cấm hoàn toàn việc nạo phá thai được.

Trong khi đó luật sư Thân Trọng Lý, thuộc công ty luật Dimax TP.HCM cũng cho biết tình hình nạo phá thai ở Việt Nam khá phức tạp và còn nhiều hệ lụy đáng tiếc. Việc Quốc hội ban hành luật phải cần có thời gian vì cần xem xét có lợi cho quốc gia, dân số hay không.

"Có những dự luật không chỉ 1-2 kỳ là có thể thông qua mà cần thời gian xem xét, bổ sung. Song đây là việc làm cần thiết, cần được lan rộng và tuyên truyền để đánh vào sự quan tâm của dư luận".

Các luật sư cũng cho biết, ở Việt Nam hiện nay các quy định về nạo, phá thai chủ yếu liên quan đến chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình.

Theo Khoản 1 Điều 44 Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân 1989 quy định về quyền của phụ nữ được khám bệnh, chữa bệnh phụ khoa và nạo thai, phá thai: "Phụ nữ được quyền nạo thai, phá thai theo nguyện vọng, được khám bệnh, chữa bệnh phụ khoa, được theo dõi sức khoẻ trong thời kỳ thai nghén, được phục vụ y tế khi sinh con tại các cơ sở y tế."

Tranh cãi việc kêu gọi 100.000 chữ ký để kiến nghị Quốc hội ban hành “Luật cấm nạo phá thai”, người sáng lập lên tiếng - Ảnh 6.

Việc nạo phá thai vẫn được pháp luật Việt Nam đồng ý theo nguyện vọng của người phụ nữ.

Bên cạnh đó, Theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Pháp lệnh dân số năm 2003 được hướng dẫn bởi khoản 3 Điều 10 Nghị định 104/2003/NĐ-CP: "Loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính bằng các biện pháp phá thai, cung cấp, sử dụng các loại hóa chất, thuốc và các biện pháp khác" là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Như vậy, việc nạo phá thai vẫn được pháp luật Việt Nam đồng ý theo nguyện vọng của người phụ nữ, tuy nhiên, hành vi lựa chọn giới tính của con lại bị cấm.

Ngoài ra, theo mục 7 về Phá thai an toàn tại Quyết định số 4620/QĐ-BYT ngày 25/11/2009 của Bộ Y tế về việc ban hành "Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản", tất cả các hành vi phá thai trên 22 tuần đều là vi phạm pháp luật.

Theo các quy định trên, mọi hành vi phá thai trên 22 tuần tuổi, phá thai do lựa chọn giới tính thai nhi đều bị nghiêm cấm. Pháp luật chỉ cho phép phá thai từ 22 tuần tuổi trở xuống và phải đáp ứng những điều kiện sức khỏe, kỹ thuật, trang thiết bị… theo quy định chi tiết tại Quyết định 4620/QĐ-BYT của Bộ Y tế.

Hiện tại, câu chuyện về việc kêu gọi chữ ký để ban hành "Luật cấm nạo phá thai" vẫn gây những vấn đề tranh cãi, nhất là trong trường hợp pháp luật đã có những quy định về hành vi này.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày