Truyền thông đa phương tiện: Thêm lựa chọn cho thí sinh thích nhóm ngành PR - Truyền thông tại Đại học Văn Lang

Quang Vũ, Theo Trí Thức Trẻ 15:30 17/07/2021

Là một trong những đơn vị tiên phong đào tạo bậc đại học chính quy ngành Quan hệ Công chúng từ năm 2007, đến nay, truyền thông đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng của Trường Đại học Văn Lang, giúp đào tạo ra nhiều nhà báo tên tuổi, những người làm công tác PR chuyên nghiệp, uy tín.

Năm 2021, bên cạnh ngành Quan hệ Công chúng, trường công bố mở thêm ngành Truyền thông đa phương tiện, thêm một lựa chọn cho thí sinh. Cùng với sự chắp cánh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, những phương thức đưa tin truyền thống đã không đáp ứng đủ nhu cầu của công chúng. Xu hướng kết hợp truyền tải nội dung tin tức thông qua hình ảnh, âm thanh, đồ họa đã đưa Truyền thông đa phương tiện lên ngôi, trở thành một trong những ngành thu hút thí sinh trong thời đại số hóa. Khái niệm "Truyền thông đa phương tiện" trở nên phổ biến với giới trẻ Việt Nam. Quyết định tuyển sinh khóa đầu tiên ngành Truyền thông đa phương tiện của Trường Đại học Văn Lang hứa hẹn sẽ đem đến một ngành học chất lượng bên cạnh ngành Quan hệ công chúng đã được kiểm chứng hơn chục năm nay.

Truyền thông đa phương tiện: Thêm lựa chọn cho thí sinh thích nhóm ngành PR - Truyền thông tại Đại học Văn Lang - Ảnh 1.

Khoa Quan hệ Công chúng & Truyền thông của Đại học Văn Lang thu hút các bạn trẻ yêu thích nhóm ngành PR - Truyền thông nhiều năm qua

Truyền thông đa phương tiện được biết đến như ngành học ứng dụng công nghệ thông tin vào việc sáng tạo sản phẩm truyền thông cho nhiều lĩnh vực như: Giáo dục (đào tạo trực tuyến), thương mại (marketing, thương mại điện tử), giải trí (phim ảnh, âm nhạc)... Do vậy, sáng tạo, năng động, linh động thích nghi và nhạy cảm với tin tức là một trong những tố chất không thể thiếu đối với các bạn trẻ lựa chọn ngành học này.

Tại Đại học Văn Lang, chương trình đào tạo ngành Truyền thông đa phương tiện chú trọng trang bị khối kiến thức cốt lõi về Khoa học Xã hội và Nhân văn, kiến thức cơ sở ngành và chuyên ngành của truyền thông, kiến thức chuyên sâu về truyền thông đa phương tiện cùng với các kỹ năng thiết thực như công nghệ thông tin, thiết kế đồ họa, nhiếp ảnh, quay chụp và dựng phim.

Truyền thông đa phương tiện: Thêm lựa chọn cho thí sinh thích nhóm ngành PR - Truyền thông tại Đại học Văn Lang - Ảnh 2.

Phim trường Studio tạo điều kiện cho các bạn trẻ khối ngành PR - Truyền thông trải nghiệm nhiều vị trí của truyền thông đa phương tiện

Bên cạnh ưu thế và chất lượng đào tạo đã được khẳng định trong lĩnh vực truyền thông, sinh viên Đại học Văn Lang được trải nghiệm hệ thống cơ sở vật chất hiện đại hàng đầu với phòng lab, phòng thực tế ảo, studio. Các chương trình du học và hợp tác quốc tế mở ra nhiều cơ hội tiếp xúc, học hỏi, giúp sinh viên trở thành những người làm truyền thông chuyên nghiệp trong nền công nghiệp giải trí hiện đại.

Truyền thông đa phương tiện: Thêm lựa chọn cho thí sinh thích nhóm ngành PR - Truyền thông tại Đại học Văn Lang - Ảnh 3.

Học sinh tham quan phòng AR/ VR Lab của Đại học Văn Lang. Đây là nơi sinh viên Khoa Quan hệ Công chúng & Truyền thông thực hành môn qua ba ứng dụng phân cấp: AR, VR và MR

Là một "ngành học của thời đại", Truyền thông đa phương tiện mang lại nhiều thách thức với thế hệ Gen Z, Millennials nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội việc làm với mức lương hấp dẫn ngay cả khi chưa ra trường. TS. Võ Văn Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang cho biết: "Sinh viên theo học ngành Truyền thông đa phương tiện có thể kiến tập, thực hành nâng cao kinh nghiệm thực tiễn ở các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, công ty giải trí - truyền thông… Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể đảm nhận các vị trí: Chuyên viên truyền thông nội bộ và doanh nghiệp; Chuyên viên sáng tạo nội dung; Chuyên viên marketing trực tuyến; Chuyên viên tổ chức sự kiện; Nghiên cứu, giảng dạy về Truyền thông đa phương tiện tại các cơ sở đào tạo…".

Để trở thành sinh viên khóa đầu ngành Truyền thông đa phương tiện (mã ngành: 7320104) tại Đại học Văn Lang, sinh viên đăng ký xét tuyển bằng điểm học bạ THPT hoặc điểm thi Đánh giá năng lực - ĐHQG TP.HCM năm 2021.

Tổ hợp xét tuyển:

● A00: Toán - Lý - Hóa

● A01: Toán - Lý - Anh

● C00: Văn - Sử - Địa

● D01: Toán - Văn - Anh

Thời gian đào tạo: 4 năm

Văn bằng: Cử nhân Truyền thông đa phương tiện