Từ chối thăng chức và những vị trí hào nhoáng, thế hệ trẻ Nhật Bản đưa ra lý do hết sức thực tế: Sợ kiệt sức trước khi giàu có!

Diệu Đan, Theo Đời sống pháp luật 06:00 19/01/2024

Gần đây tại Nhật Bản, việc thăng chức và các chức danh hào nhoáng đang dần mất đi khả năng tạo động lực cho nhân viên.

Tôi sinh ra và lớn lên ở Nhật Bản, tôi đã sống và làm việc ở Tokyo trong 18 năm qua.

Đất nước Nhật Bản từ lâu đã nổi tiếng với nền văn hóa làm việc không ngừng nghỉ. Trước đại dịch, nhiều lao động chấp nhận rằng việc phải làm thêm giờ liên tục, giao lưu sau giờ làm hay ở lại văn phòng cho đến khi sếp về nhà đều là những điều bắt buộc để có thể thăng tiến. Tuy nhiên, gần đây, việc thăng chức và các chức danh hào nhoáng đang dần mất đi khả năng tạo động lực cho nhân viên.

Trong một cuộc khảo sát năm 2023, 77% trong số 1.116 nhân viên văn phòng Nhật Bản cho biết họ không muốn trở thành nhà quản lý. Một cuộc thăm dò khác với 100 người ở độ tuổi 20 cho thấy lợi ích và chất lượng cuộc sống là những điều quan trọng nhất họ tìm kiếm trong công việc - hơn cả danh tiếng của công ty hay sự thăng tiến trong sự nghiệp.

Tôi là một trong những nhân viên như vậy. Đây là lý do tại sao tôi lại hạnh phúc hơn rất nhiều sau khi từ chối một cơ hội thăng tiến lớn.

Từ chối thăng chức và những vị trí hào nhoáng, thế hệ trẻ Nhật Bản đưa ra lý do hết sức thực tế: Sợ kiệt sức trước khi giàu có! - Ảnh 1.

Ở Nhật Bản, nhiều trách nhiệm hơn không có nghĩa là nhiều tiền hơn

Thông thường ở Nhật Bản, bạn leo lên bậc thang công ty càng chậm, bạn càng có nhiều khả năng kiếm tiền. Nhiều nhân viên được trả lương làm thêm giờ, trong khi người quản lý của họ thì không. Và họ không muốn hy sinh gia đình và thời gian rảnh rỗi để làm việc nhiều hơn với số tiền ít hơn.

7 năm trước, tôi làm việc tại một công ty chăm sóc sức khỏe ở Tokyo và sắp được thăng chức. Trong thời gian này, tôi biết được rằng vai trò hiện tại của bản thân được trả một mức lương không xứng với sức lao động bỏ ra. Nhưng ngay cả khi thăng tiến lên một chức danh mới, tôi cũng không thể sánh ngang với những người quản lý khác. Vậy nên, tôi đã từ chối nó.

Cuối cùng tôi đã lựa chọn phương án thương lượng được việc tăng lương để tiếp tục giữ vị trí công việc của mình. Quyết định này cho phép tôi duy trì sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, cho phép tôi quay lại trường học để lấy bằng MBA mà không phải nghỉ việc. Ban đầu, tôi cảm thấy xấu hổ vì đã từ chối cơ hội đó, bởi nó có nghĩa là tôi sẽ là một người không thành công. Nhưng tôi biết mình sẽ kiệt sức nếu chấp nhận lời đề nghị.

Từ chối thăng chức và những vị trí hào nhoáng, thế hệ trẻ Nhật Bản đưa ra lý do hết sức thực tế: Sợ kiệt sức trước khi giàu có! - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Sự thăng tiến không phải lúc nào cũng dựa trên hiệu suất

Không giống như nhiều công ty Mỹ, hầu hết các nơi làm việc ở Nhật Bản đều được quản lý theo hệ thống thâm niên khi nói đến lương thưởng và tăng lương. Thông thường mọi người không trở thành nhà quản lý cho đến khi họ bước vào giữa tuổi 40, dù họ làm việc chăm chỉ đến đâu.

Thành tích cũng thường được quy cho một nhóm hơn là cá nhân. Các nhà quản lý phải chịu trách nhiệm về mọi sai lầm của cấp dưới và phải thể hiện khả năng lãnh đạo vị tha, và điều này thường gây ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân của họ.

Một người bạn của tôi, cũng ở độ tuổi 40, anh ấy làm việc tại một nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đã từ chối cơ hội được thăng chức, bất chấp áp lực rất lớn từ ban lãnh đạo công ty. Anh ấy quyết định ưu tiên sức khỏe tinh thần của mình hơn là thăng tiến nghề nghiệp theo kiểu truyền thống.

Từ chối thăng chức và những vị trí hào nhoáng, thế hệ trẻ Nhật Bản đưa ra lý do hết sức thực tế: Sợ kiệt sức trước khi giàu có! - Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ

Tôi đã học cách định nghĩa lại thành công

Lòng trung thành với công ty được đánh giá cao tại các công ty ở Nhật Bản. Việc nghỉ phép không phổ biến, mọi người cảm thấy khó có thể nghỉ ngơi hay khám phá các lựa chọn khác do tham công tiếc việc dường như đã trở thành một chuẩn mực xã hội. Nhưng hiện tại, ngày càng có nhiều người rời bỏ nơi làm việc vì các vấn đề cá nhân và gia đình.

Định nghĩa của tôi về thành công hiện tại đã trở nên đa dạng hơn. Tôi làm việc cho chính mình với tư cách là một nhà văn và biên tập viên, sức khỏe của gia đình và việc bảo vệ một sức khỏe tinh thần khỏe mạnh là những điều quan trọng nhất đối với tôi.

Nói không với điều gì đó mà rất nhiều người xung quanh chúng ta coi trọng không phải là điều dễ dàng, nhưng nó có thể là bước đầu tiên dẫn đến một tương lai hạnh phúc hơn và một ý thức mới về mục đích sống của mỗi cá nhân.

Tác giả của bài viết là Yuko Tamura, một dịch giả, chủ biên tờ Japonica và là cộng tác viên song ngữ thường xuyên của The Japan Times.

Theo CNBC