Từ chuyện Mark Zuckerberg chưa từng làm ở đâu khác ngoài Facebook, đến luận bàn về thói quen "nhảy việc" thời nay

NPQM, Theo Trí Thức Trẻ 08:24 26/09/2018

Xuất phát từ chính câu chuyện của CEO Facebook, 2 chuyên gia trả lời phỏng vấn trang tin Business Insider đã có những chia sẻ khá khách quan về một vấn đề rất đáng chú ý của người trẻ trong thời đại ngày nay.

Nếu bạn không nhận ra thì Mark Zuckerberg, kể từ thuở cha sinh mẹ đẻ ra mình, Facebook là công ty duy nhất mà anh làm việc. Nói cách khác, ngoài Facebook ra, vị tỷ phú trẻ tuổi của làng công nghệ này chưa từng chính thức phục vụ cho một thương hiệu nào khác. Tuy nhiên, đó lại được coi là một điều không mấy tốt đẹp gì cho chính cộng đồng nhân viên làm việc dưới quyền của anh.

Một câu nói của COO Sheryl Sandberg chia sẻ trên báo chí về Mark Zuckerberg nổi lên gần đây đã khiến nhiều người để ý: "Đôi khi Mark sẽ có câu cửa miệng ‘Tôi chưa từng làm việc ở đâu khác, nhưng Sheryl có nói với tôi rằng...’ Đó là khi anh ấy thừa nhận mình không có quá nhiều trải nghiệm đa dạng như nhiều người vì ít tiếp xúc với môi trường nào khác ngoài Facebook."

Từ chuyện Mark Zuckerberg chưa từng làm ở đâu khác ngoài Facebook, đến luận bàn về thói quen nhảy việc thời nay - Ảnh 1.

CEO và COO của Facebook.

Cũng không có gì khó hiểu ở đây cả, Mark Zuckerberg một tay gây dựng đế chế Facebook của mình từ những viên gạch nền móng đầu tiên ngay từ khi còn ngồi trên ghế trường đại học. Anh đã chủ động thiết kế giao diện và các khía cạnh tính năng của Facebook cho người dùng, sáng tạo những thứ cần thiết. Vì thế, anh không mất công làm quen với nó như cách một người mới phải làm mỗi khi được nhận vào công ty, kể cả khi đó là một vị trí cấp cao.

Nghe có vẻ hay ho và thú vị cho những ai có một vị lãnh đạo đồng hành cùng từng đường đi nước bước của công ty từ những bước tiến đầu tiên, nhưng thật sự, việc đó lại không hẳn là tốt cho cả Mark Zuckerberg và nhân viên Facebook. Đó là những ý kiến khái quát ban đầu của những chuyên gia tư vấn về môi trường làm việc và tuyển dụng do trang tin Business Insider liên hệ. 

Lãnh đạo cấp cao lâu năm phải có nhiều góc nhìn phong phú, tiếp xúc với nhiều nhân viên đa tài đa dạng

Jaime Klein, sáng lập nên tổ chức chuyên về nhân sự Inspire Human Resources, rất ủng hộ việc có một lãnh đạo kỳ cựu lâu năm định hướng cho công ty, vì những kinh nghiệm và kiến thức dày dạn họ có được trên thị trường, cũng như cách duy trì và phát huy văn hóa, thế mạnh truyền thống. Trong trường hợp vị lãnh đạo lâu năm này phải rời ghế ra đi, một phần hệ quả để lại sẽ là sự tụt giảm về hiệu quả công việc trong thời gian chuyển giao vị trí. 

Tuy nhiên, sau phần ưu điểm, Klein cũng ngay lập tức chỉ ra những mặt trái của việc có một vị thuyền trưởng gắn bó lâu dài. "Tỷ lệ tiếp xúc với nhiều ý tưởng mới lạ, đột phá theo thời gian sẽ bị giảm xuống. Họ sẽ có xu hướng tự tạo ra một cộng đồng nhân viên thân thuộc và tận hưởng sự gần gũi đó, nhưng có thể đánh đổi đi những khía cạnh ý tưởng đa dạng, khác biệt và mới mẻ."

Từ chuyện Mark Zuckerberg chưa từng làm ở đâu khác ngoài Facebook, đến luận bàn về thói quen nhảy việc thời nay - Ảnh 2.

Văn hóa và môi trường làm việc xoay quanh đồng nghiệp, lãnh đạo luôn phải được quan tâm.

Cùng với Klein, chiến lược gia cố vấn về môi trường làm việc Erica Keswin cũng cùng góp ý và có chung quan điểm về cách bổ sung thêm độ đa dạng giữa nhân viên-lãnh đạo với nhau. Họ cũng chỉ ra rằng dù bản thân Mark Zuckerberg có thể chưa làm tốt điều đó, nhưng ít nhất vị CEO này cũng biết cách nhìn xa trông rộng bằng việc mời Sheryl Sandberg về làm COO hiện tại cho mình - người đã từng có kinh nghiệm qua tay ở cả Google cũng như vào cơ quan chính phủ khác.

"Phải là một nhà lãnh đạo quyết đoán mới có thể tự nhận ra lỗ hổng thiếu sót của chính mình, từ đó tìm kiếm những cánh tay phải khác hỗ trợ mình bù đắp khiếm khuyết đó," Keswin chia sẻ. Họ gọi đó là một sự giao thoa hài hòa, khi mà những quản lý cấp cao có thể đem lại nhiều ý tưởng mới lạ hơn, trong khi các lãnh đạo lâu năm đứng trên cùng sẽ vận dụng kinh nghiệm để xem xét và phát huy chúng.  

Thói quen "nhảy việc" có phải điều nên làm?

Với những nhân viên ở vị trí thấp hơn và không phụ trách chức vụ lãnh đạo, Keswin cho rằng họ nên tìm ra cách để có thể kết hợp hoặc tận dụng công sức cho công việc có tính đa dạng cao cùng lúc để liên tục học hỏi và phát triển. Những dự án tình nguyện hoặc bổ trợ kỹ năng cũng rất được khuyến khích, kể cả là trong cùng công ty nhưng khác ban ngành.

Ở một diễn biến khác, thói quen "nhảy việc" cũng được Klein định hướng là một trong những điều mang lại lợi ích nhiều hơn là bất cập, nhất là cho những ai còn đang khởi đầu sự nghiệp và tập trung cho bản thân trước. Khi đó, họ có thể học được nhiều cách xoay xở hơn cho các tình thế áp lực. Đôi khi, việc được một lãnh đạo mới chỉ bảo lại có thể tạo ra nhiều cảm hứng làm việc hơn, những ý tưởng mới mẻ và trẻ trung.

"Thông thường, 'nhảy việc' là một trong những ý định dựa vào cảm tính nhiều hơn là lý trí. Chúng ta chỉ đơn giản là nhận ra mình cần thay đổi bản thân khi thời điểm đó đến mà thôi," trích lời Klein.