Từ phát ngôn "Không có hit sẽ bỏ nghề": Họ đang... chơi bạc hay làm nghệ thuật một cách mặc cả?

Lâm Nguyễn, Theo Trí Thức Trẻ 14:21 15/02/2019

Khi mang nặng tâm thế hơn thua, tranh đấu trong nghệ thuật, họ đã đánh mất điều quan trọng nhất thuộc về nghề nghiệp của mình: Rung động và cảm hứng.

Những tuyên bố ngộ nghĩnh kiểu "ra sản phẩm không thành công sẽ... bỏ nghề" không quá hiếm -lạ trong làng giải trí. Không chỉ tới từ những gương mặt mới toanh đang cần một cú hích truyền thông, đôi khi cả những gương mặt cũ của làng giải trí cũng từng nông nổi vậy...

Tất nhiên, từ bỏ hay tiếp tục con đường nghệ thuật là lựa chọn riêng của mỗi người. Không một ai có quyền ngăn cản một ca sĩ bỏ nghề, một nhạc sĩ gác bút, nhưng khi họ lên tiếng đánh cược "không thành công sẽ bỏ nghề", đó lại là một câu chuyện khác!

Làm nghệ thuật không giống như chơi bạc, xét về bản chất là như vậy. Càng không thể dùng ngôn ngữ kiểu "con bạc khát nước" để tuyên bố kiểu "được ăn cả, ngã về không". Bởi khi mạnh miệng tuyên bố ra điều đó, họ đã thiếu đi sự kiêu hãnh cần có của những người nghệ sĩ...

Từ phát ngôn Không có hit sẽ bỏ nghề: Họ đang... chơi bạc hay làm nghệ thuật một cách mặc cả? - Ảnh 1.

Ở một chừng mực nào đó, thành công trong nghệ thuật là một khái niệm khá mơ hồ. Vincent Van Gogh chẳng hạn. Ở thời điểm hiện tại, tên tuổi của ông cũng đồng nghĩa với tượng đài chói sáng nhất của ngành hội hoạ thế giới, nhưng sinh thời, ông là một người thất bại hoàn toàn.

Những siêu phẩm hội hoạ của ông chưa từng được đánh giá đúng mức và suốt cuộc đời nghệ thuật của mình, ông sống trong nghèo khổ và cùng quẫn. Nhưng trong thâm tâm, ông chưa từng nghĩ rằng mình thất bại. Tài năng thiên bẩm và cả sự kiêu hãnh của một thiên tài hội hoạ đã khiến ông chưa bao giờ dừng sáng tác, bởi ông biết rõ về giá trị những bức vẽ của mình.

Thành công của một người nghệ sĩ thực thụ không bao giờ cần phải đong đếm bằng những tiếng vỗ tay, những lời trầm trồ khen ngợi. Nếu những người nghệ sĩ lấy những điều phù phiếm đó làm thước đo thành công của mình, e rằng hội hoạ Việt Nam sẽ chẳng bao giờ có nổi một Phố Phái hư ảo, gói cả hồn cốt Hà Nội vào trong những khung tranh.

Bùi Xuân Phái - người hoạ sĩ có cả một dòng tranh đầy kiêu hãnh mang tên mình ấy - từng có thời gian phải vẽ tranh trên giấy báo, vỏ thuốc lá hoặc bất kì thứ gì có thể tô màu. Nhưng chưa bao giờ, niềm đam mê và sự kiêu hãnh của một nghệ sĩ thực thụ trong ông bị lụi tàn. Để rồi sau những biến động thời cuộc, người ta lại được chứng kiến những tác phẩm nghệ thuật đi qua thời gian, đi qua gian khó và cả những bất công...

Van Gogh hay Bùi Xuân Phái có thể là những cái tên quá vĩ đại so với những nghệ sĩ trẻ của làng giải trí hiện tại. Nhưng khi đã là nghệ sĩ, dù lớn hay nhỏ, thứ họ cần trước tiên vẫn là cốt cách và sự tự trọng nghề nghiệp, sau đó mới tới tài năng!

Thay vì chạy theo những thứ thành công phù phiếm như lượt view, lượt share, thứ mà những người nghệ sĩ trẻ kia cần chính là tự trả lời được câu hỏi: Như thế nào là thành công trong nghệ thuật?

Bởi đối với rất nhiều người, được sống với đam mê, khao khát, đó cũng đã là một thành công. Họ coi được hát, được cống hiến cho khán giả là điều quan trọng nhất,  bởi họ đang sống cuộc đời người ca sĩ...

Từ phát ngôn Không có hit sẽ bỏ nghề: Họ đang... chơi bạc hay làm nghệ thuật một cách mặc cả? - Ảnh 2.

Và còn một điều nữa quan trọng không kém trong hành trình tạo nên thành công của mọi người nghệ sĩ: Niềm tin vào bản thân. Trước khi phải nhờ cậy tới phán xét, khen chê của số đông để xác định mình thành công hay thất bại, những người nghệ sĩ đủ tự tin và lòng kiêu hãnh sẽ tự có đáp án của chính mình.

Như cách Đàm Vĩnh Hưng lặp đi lặp lại hành trình đi thi hát cả chục lần trước khi trở thành ngôi sao nhạc Việt, anh vốn không hề quan tâm tới việc người khác đánh giá ra sao. Thất bại ư, anh đã quen thuộc với nó tới mức không thể hơn được nữa.

Nhưng tại sao chưa bao giờ tay nghệ sĩ cá tính và giàu lòng tự trọng ấy hờn mát tuyên bố: Không thành công thì sẽ bỏ nghề? Bởi sâu thẳm trong trái tim và tâm hồn, anh chưa từng nghĩ mình thất bại. Chỉ là, anh chưa tìm ra người nghe thuộc về mình...

Quay trở lại với những người làm nghệ thuật ưa "dỗi hờn" kia, thật lòng mà nói cũng không quá nhiều người quan tâm tới việc họ tiếp tục hay dừng lại. Bởi khi mang nặng tâm thế hơn thua, tranh đấu trong nghệ thuật, họ đã đánh mất điều quan trọng nhất thuộc về nghề nghiệp của mình: Rung động và cảm hứng.

Khi mà mục tiêu phấn đấu của người nghệ sĩ chỉ gói gọn vào lượt view, lượt like hay độ phủ sóng, quá khó để khán giả được chứng kiến một tác phẩm nghệ thuật thực sự ra đời. Ranh giới giữa nghệ sĩ và người kiếm tiền nhờ làm nghệ thuật đôi khi chỉ mong manh như vậy.

Từ phát ngôn Không có hit sẽ bỏ nghề: Họ đang... chơi bạc hay làm nghệ thuật một cách mặc cả? - Ảnh 4.