"Tử Quý Mẫu Tử" là gì mà khiến cho các phi tần ngày xưa ám ảnh đến nỗi không dám sinh con trai?

Vivian, Theo Pháp luật & Bạn đọc 20:17 26/10/2021

Chế độ "tử quý mẫu tử" đã trở thành ác mộng đối với các nữ nhân trong cung thời Bắc Ngụy.

Từ xưa đến nay, mục tiêu của hầu hết mọi nữ nhân trong chốn cung cấm đều là sinh được con trai trở thành Hoàng đế và bản thân mình trở thành Thái hậu.

Tuy nhiên trong lịch sử Trung Hoa có một triều đại mà ai cũng mong mình chỉ sinh ra công chúa, vương gia chứ tuyệt đối không muốn sinh thái tử. Tương truyền thậm chí có phi tần vừa sinh ra con trai đã lén giết đi ngay vì quá sợ hãi. Rốt cuộc điều gì đã khiến họ sợ hãi tới vậy?

Tử Quý Mẫu Tử là gì mà khiến cho các phi tần ngày xưa ám ảnh đến nỗi không dám sinh con trai? - Ảnh 1.

Có thể bạn chưa biết, kể từ khi Thác Bạt Khuê lên ngôi và trở thành Hoàng đế khai quốc của Bắc Ngụy, triều đại này đã sản sinh ra hai thể chế độc nhất vô nhị:

Thứ nhất, ngôi hậu không được chỉ định nhờ sự sủng ái hay gia thế của phi tần. Ngược lại các phi tần phải tham gia một buổi lễ và cùng nhau tự tay đúc ra một bức tượng vàng để chứng minh mình đủ "phẩm cách" làm Hoàng hậu. Chỉ phi tần nào đúc thành công thì mới được chọn.

Tử Quý Mẫu Tử là gì mà khiến cho các phi tần ngày xưa ám ảnh đến nỗi không dám sinh con trai? - Ảnh 2.

Thứ hai, tử quý mẫu tử, tức con trai được lập làm thái tử - người sẵn sàng cho ngôi vị Hoàng đế cao quý trong tương lai thì người mẹ buộc phải bị giết. Người ta cho rằng, Đạo Vũ Đế Thác Bạt Khuê lập ra thể chế này dựa theo sự kiện Hán Vũ đế cho giết sủng phi Câu Dặc phu nhân Triệu thị rồi mới để con trai bà là Lưu Phất Lăng lên ngôi thái tử vì lo ngại "tử ấu mẫu tráng" - tức con còn quá nhỏ quyền lực sẽ nằm hết trong tay người mẹ và họ nhà ngoại.

Tính đến khi triều Bắc Ngụy sụp đổ, có đến 8 vị đế mẫu đã làm vật hy sinh cho chế độ tàn ác này, chỉ riêng Hồ Sung Hoa (sau là Linh thái hậu) là người duy nhất không bị sát hại mà con trai vẫn được làm Thái tử trong suốt chiều dài lịch sử Bắc Ngụy.

Tương truyền bà không hề sợ chế độ này mà còn nói với Tuyên Vũ đế Nguyên Khác rằng, nếu sinh được người kế thừa cho hoàng tộc mà bản thân phải chết thì bà cũng quyết không chối từ.

Trên thực tế, Bắc Ngụy không phải là triều đại đầu tiên cho giết chết mẹ đẻ của thái tử để tránh ngoại thích tiếm quyền (quyền lực rơi vào tay nhà ngoại), tuy nhiên Bắc Ngụy là triều đại duy nhất hợp thức hóa hành vi này, biến thành chế độ được duy trì qua nhiều đời vua, tước đi sinh mạng của nhiều người một cách oan ức.

Trước đó vào thời nhà Hán, Hán Vũ đế lập Lưu Phất Lăng làm thái tử nhưng do khi ấy thái tử còn quá nhỏ, lo sợ mẹ đẻ là Câu Dặc phu nhân sẽ nhiếp chính, nhà ngoại tác oai tác quái trong triều nên Hán Vũ đế đã cho giết Câu Dặc phu nhân. Hành vi này của ông đã gây nhiều tranh cãi bởi trước khi bị giết, Câu Dặc phu nhân vẫn là đệ nhất sủng phi trong cung và được Hán Vũ đế thương yêu hết mực.

Tử Quý Mẫu Tử là gì mà khiến cho các phi tần ngày xưa ám ảnh đến nỗi không dám sinh con trai? - Ảnh 3.

Sau này khi tộc Thác Bạt thị lập nên Bắc Ngụy, Thác Bạt Khuê đã dựa theo sự kiện trên của Hán Vũ đế để lập nên thể chế "tử quý mẫu tử". Bất kể là cung nữ, phi tần hay hoàng hậu, chỉ cần sinh ra con trai được chọn vào ngôi vị thái tử đều bắt buộc phải chết.

Do đó thời Bắc Ngụy có rất nhiều nữ nhân trong cung chỉ cầu mong mình sinh ra công chúa hoặc vương gia để có thể giữ mạng an nhàn đến già bên con cái, thay vì sinh ra thái tử để rồi chết một cách oan uổng.

(Nguồn: Sohu, 163)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày