Tự viết trình duyệt web rồi bị đánh sập, cậu học sinh Kontum 15 tuổi này nói: "Cứ để em tự đứng lên"

K.T, Theo Trí Thức Trẻ 00:09 14/07/2016

Nguyễn Anh Khoa - anh bạn 15 tuổi đến từ Kon Tum này đã cho ra đời một trình duyệt web của riêng mình sau 6 năm tự mày mò dù gia đình phản đối. Tuy bị đánh sập bằng DDos sau đó và phải tự tay gỡ trình duyệt của mình xuống, nhưng Khoa vẫn kiên quyết không bỏ cuộc.

Trong nhiều ngày qua, cộng đồng giới lập trình tại Việt Nam đang cực kỳ quan tâm về một bản trình duyệt web đa năng có tên KT Browser. Điều khiến bản trình duyệt web này liên tục được chuyền tay nhau trải nghiệm là vì sự tiện lợi trong việc nhận diện giọng nói bằng tiếng Việt cùng giao diện đơn giản, mượt mà, dễ dùng.

Thông tin khiến mọi người phải bất ngờ nhất chính là người đã viết bản trình duyệt web KT Browser này lại chỉ là một nam sinh 15 tuổi. Đó là Nguyễn Anh Khoa, hiện cậu đang sống tại Kom Tum.

Khoa bắt đầu viết nên những bước đầu tiên cho KT Browser từ những ngày mới học cấp 1 và liên tục theo đuổi với mong muốn "hiện thực hóa dự án của mình trong suốt 6 năm nay". Tuy nhiên chỉ một thời gian ngắn sau khi ra mắt, trình duyệt này đã bị DDos - một dạng tấn công khiến cho các trang web/ dịch vụ trực tuyến bị quá tải, dẫn đến việc người dùng không thể truy cập được vào các dịch vụ này.

Và bạn đoán xem, câu đầu tiên Khoa nói khi gặp phải khó khăn này là gì? - "Cứ để em tự đứng dậy!"

Đến lúc này, câu chuyện về Khoa đã không chỉ dừng lại ở việc cậu bé 15 tuổi kiên trì mày mò, tạo ra một trình duyệt web trong sự ngạc nhiên của nhiều người nữa. Nó đã trở thành câu chuyện tràn đầy cảm hứng hơn rất nhiều với tinh thần "tự đứng dậy" của cậu bé chưa một lần muốn dừng bước trên con đường hiện thực hoá giấc mơ mà ai cũng cho là viển vông.

Tự viết trình duyệt web rồi bị đánh sập, cậu học sinh Kontum 15 tuổi này nói: Cứ để em tự đứng lên - Ảnh 1.

Nguyễn Anh Khoa - cậu bạn hiện đang gây ấn tượng trong giới lập trình tại Việt Nam suốt nhiều ngày qua.

Profile

Họ và tên: Nguyễn Anh Khoa

D.O.B: 12/01/2001

Người tạo nguồn cảm hứng: Bill Gates

Học sinh: Lớp 10 chuyên Tin trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành - Kon Tum.

Chưa có bất kỳ điều gì gọi là thành công vào lúc này!

Chào Anh Khoa, bạn thấy sao khi mấy ngày gần đây thông tin về mình và đứa con tinh thần KT Browser đã ngập tràn trên các trang báo lẫn diễn đàn công nghệ Việt Nam?

Đương nhiên là mình cũng có một chút vui và cả sự hãnh diện. Tuy nhiên nói thật là bản KT Browser này của mình vẫn chưa thật sự là hoàn chỉnh. Dù nhận được sự quan tâm của mọi người về một trình duyệt web được thiết kế như dành riêng cho người Việt, với những chức năng và nhiều tích hợp khác dễ dàng để người Việt mình sử dụng. Nhưng từ khi mình tung ra đến nay, KT Browser vẫn thường xuyên nhận lại rất nhiều phản hồi góp ý, đánh giá chưa tốt, thế nên với mình chưa thể nói KT Browser là hoàn thiện và cũng chưa có bất kỳ điều gì gọi là thành công vào lúc này cả!

Hiện ưu điểm lớn nhất của trình duyệt web này là chứa nhiều tính năng vừa hữu ích mà còn "độc", như nhận diện được bằng giọng tiếng Việt, có chế độ chuyển sang ban đêm,... và tự động chặn quảng cáo là một trong những chức năng được rất nhiều người yêu thích và đánh giá cao. Đổi lại nhược điểm của nó cũng còn không ít, chưa có cửa hàng tiện ích riêng so với các trình duyệt lớn hiện nay và đó là lý do vì sao mình nói rằng chưa có gì mà thành công, hoàn hảo và mình đang có ý định cải thiện rồi nâng cấp lên phiên bản 6.0 vào thời gian tới.

Tự viết trình duyệt web rồi bị đánh sập, cậu học sinh Kontum 15 tuổi này nói: Cứ để em tự đứng lên - Ảnh 3.

Giao diện trình duyệt trên máy tính của Khoa tự viết ra.

Nhờ chơi game mà học được vi tính, 5 tuổi bắt đầu tập nghiên cứu môn lập trình

Dù biết là thế, nhưng so với một người có độ tuổi lẫn kinh nghiệm ít như Khoa mà có thể cho ra đời một bản trình duyệt web như vậy hẳn là điều không dễ dàng?

Chắc phải nói là khó khăn trăm bề. Do gia đình của Khoa có truyền thống làm giáo viên mà còn lại là môn Toán, thế nên từ lúc còn nhỏ, gia đình đã cứ luôn hướng mình vào môn học này dù bản thân không hề mong muốn. Đến mức có lần bố mẹ còn cấm mình đụng đến máy tính, vì họ không hề tin tưởng được rằng mình sẽ làm được một điều gì đó trên cái thế giới vi tính và công nghệ này. Có lẽ với bố mẹ chuyện có một ngày mình viết được một bản trình duyệt web là điều viển vông cũng không chừng.

Vậy làm sao Khoa có thể theo đuổi ước mơ bị cho là viển vông ấy đến tận bây giờ?

Tất cả là do mình tự học, tự làm, tự cố gắng chứ không mong rằng sẽ trông đợi vào ai. Nhưng để làm được điều đó thì một phần cũng nhờ việc mình có cơ hội tiếp xúc rất sớm với thế giới máy tính.

Còn nhớ hồi lúc Khoa mới học mẫu giáo, ba có mua một bộ máy vi tính mới cho cả nhà. Lúc đó chú Khoa có tải bộ game Đế chế về chơi thì mình cũng tò mò chơi thử, từ đó mà những thao tác cơ bản, cách sử dụng máy tính cơ bản mình hoàn toàn có thể tự làm được nhuần nhuyễn. Nhưng trên game đó chỉ toàn là tiếng Anh thôi. Vậy là bắt buộc mình phải tự học thêm tiếng Anh, nhờ vậy mà mình biết đọc chữ và học thuộc chữ từ rất sớm.

Mãi khi mình lên 5, một hôm vô tình lục được quyển sách dạy lập trình Pascal của bố, giở ra đọc được những thứ "ngôn ngữ" thật là cao siêu mà không hiểu vì sao nó cứ cuốn, cứ níu lấy mình rồi từ từ mày mò, tìm hiểu nhiều hơn. Từ đó mà mình bắt đầu đam mê với môn lập trình này.

Tự viết trình duyệt web rồi bị đánh sập, cậu học sinh Kontum 15 tuổi này nói: Cứ để em tự đứng lên - Ảnh 4.

Cho đến mùa hè năm lớp 5, lúc đó mình đã thành thạo được ngôn ngữ VB.NET, C# (là dạng công cụ lập trình hỗ trợ ngôn ngữ lập trình) nên quyết định vạch sẵn quá trình hình thành KT Browser.

Nhưng có một sự thật phũ phàng rằng đến tận thời điểm đó, bố mẹ vẫn chưa ủng hộ điều mình muốn làm.

Cái giá của việc đã trót mê lập trình

Cố gắng nỗ lực như thế nhưng vẫn không nhận được sự ủng hộ của gia đình. Vậy Khoa đã làm cách nào để thay đổi suy nghĩ của bố và mẹ?

Trước tiên là phải nói đến cảm giác của mình lúc đó. Chẳng còn gì khó chịu và bực bội hơn thế khi biết bao công sức của mình bỏ ra đều bị xem nhẹ. Nhưng nghĩ một hồi rồi lại thấy còn biết làm gì nữa bây giờ? Ai bảo hồi đó đọc "nhầm" quyển Pascal, ai bảo lanh chanh tự mình đi nghiên cứu để rồi bây giờ không dứt với cái môn lập trình.

Thế là mình thấy chỉ còn một cách đó là âm thầm phát triển tiếp KT Browser mà chẳng nghĩ sẽ thuyết phục được ai nữa. Quan trọng là phải làm cho tới cùng với điều mà mình thích.

Để rồi 3 năm sau, khi mình lên lớp 8 đã nghiên cứu xong bản KT Browser đầu tiên và cho phát hành trong giới lập trình Việt Nam, đồng thời đoạt được giải Khuyến khích Cuộc thi Sáng tạo KH-KT cấp Quốc gia với dự án trình duyệt web thì ơn trời, gia đình mới tin tưởng và để mình tự do nghiên cứu, học hỏi.

Và sau nhiều năm đấu tranh, cuối cùng bài học mình nhận ra là "Muốn thuyết phục được ai thì trước tiên phải cho người ta thấy bản thân mình làm được cái gì đã!".

Tự viết trình duyệt web rồi bị đánh sập, cậu học sinh Kontum 15 tuổi này nói: Cứ để em tự đứng lên - Ảnh 5.

Đối với một cậu bé mới học lớp 5 đã phải tự mình nghiên cứu mọi thứ, chắc chắn cũng khó như việc thuyết phục gia đình đúng không?

Mặc dù mọi kiến thức mình hoàn toàn có thể tự tìm được trên mạng. Cái này chỉ cần dành thời gian ngồi tìm kiếm một chút sẽ ra rất nhiều. Nhưng vấn đề là các tài liệu gốc và chính xác nhất đều được viết bằng tiếng Anh, khiến việc học của mình lại có thêm một bước cản. Tuy nhiên nhờ hồi nhỏ mê chơi game một chút nên tự học được một mảng vốn từ khá khá, cộng thêm quyết tâm nên cứ vừa học lập trình mà tiếng Anh cũng từ đó mà cải thiện nhiều hơn.

Biết là sở thích tốt, nhưng liệu nó có ảnh hưởng gì đến việc học trên lớp của Khoa?

Không ảnh hưởng gì cả vì mình biết cách sắp xếp thời gian. Khi nào học xong, rảnh rỗi thì mình bắt đầu nghiên cứu đến 11 giờ tối. Còn thời điểm hè thì thoải mái hơn, mình sẽ làm đến khi cảm thấy mệt mới ngưng.

Với lại do muốn phát triển đứa con tinh thần này nên mình vừa mới bắt đầu lập nhóm để làm việc cho bài bản. Nhưng bây giờ khó khăn lớn nhất là tìm chi phí duy trì máy chủ.

Còn thứ mà mình đang áp lực nhất đó chính là cộng đồng mạng cứ liên tục soi mói các gói open source (mã nguồn mở) mà mình sử dụng trong dự án. Trong khi việc sử dụng mã nguồn mở là điều rất bình thường với các lập trình viên hiện nay. Thậm chí có người còn lấy điểm thi đầu vào lớp 10 của mình ra để trù dập. Nhưng ngồi ngẫm một hồi, mình nhớ lại những lời khuyên của bố với mẹ nên mới lấy lại niềm tin và tiếp tục phát triển trình duyệt.

Tự viết trình duyệt web rồi bị đánh sập, cậu học sinh Kontum 15 tuổi này nói: Cứ để em tự đứng lên - Ảnh 6.

Quá liều lĩnh và muốn tự đứng lên từ chỗ vấp lớn của cuộc đời

Nhưng cũng mới đây, KT Browser của Khoa đã vừa bị DDoS (tấn công từ chối dịch vụ) và buộc phải tháo gỡ toàn bộ. Khoa có lý giải gì về việc này và cảm giác thế nào khi phải tự tay mình xóa nó?

Chỉ vì một bất cẩn đó là không giải thích rõ ràng trong khâu hình thành nên bản trình duyệt, khiến các nhà phát hành và nhiều người khác tưởng rằng mình vi phạm bản quyền nên tấn công và khiến mình buộc lòng phải tháo dỡ. Hồi đầu thì mình cũng rất buồn và cực kỳ thất vọng, nhưng sau đó lại thấy bình thường, lỗi là do mình thì mình phải chịu!

Tự viết trình duyệt web rồi bị đánh sập, cậu học sinh Kontum 15 tuổi này nói: Cứ để em tự đứng lên - Ảnh 7.

"Chịu"!? Khoa định là sẽ chịu như thế nào?

Rõ ràng sai lầm bắt đầu từ mình, thì đương nhiên bản thân phải là người đứng ra chịu lỗi. Và cái giá của sai lầm này là mình đã phải tự tay tháo bỏ đứa con tinh thần mà trước đó từng đặt rất nhiều kỳ vọng. Tuy nhiên Khoa muốn bản thân có thể tự mình đứng dậy, đúng như cách mình đã một tay tạo nên KT Browser.

Đây còn là bài học để Khoa nhìn thấy các lỗ hổng trong sản phẩm và nhận ra, lập trình là một thế giới có những yêu cầu rất cao và chất xám là thứ luôn được đề cao, bảo vệ trên tất cả.

Mình đang tranh thủ thời gian chỉnh sửa lại và dự kiến tháng sau sẽ cho ra một phiên bản KT Browser hoàn toàn mới với chất lượng được cải thiện tốt hơn trước. Và chắc chắn sẽ không có những sai lầm tương tự.

15 tuổi, tự mày mò làm tất cả mọi thứ, cho ra đời một sản phẩm bước đầu được hưởng ứng nhưng cũng sớm bị "đánh sập", với Khoa đây có phải là thất bại?

Suốt 15 năm qua, đây chắc chắn là thất bại lớn nhất trong cuộc đời. Đổi lại, mình cũng nhận ra được rất nhiều kinh nghiệm, phải biết giữ bình tĩnh, luôn tập trung trước mọi tình huống để có thể đưa ra quyết định đúng đắn.

Mình đã quá liều lĩnh và mình chấp nhận chuyện đó. Nhưng mà mình nói rồi, mình muốn tự đứng lên và tin rằng sẽ không bao giờ mắc phải sai lầm tương tự.

Tự viết trình duyệt web rồi bị đánh sập, cậu học sinh Kontum 15 tuổi này nói: Cứ để em tự đứng lên - Ảnh 8.

"Đừng vì những cái nhỏ mà làm mất đi một ước mơ lớn"

Khoa có dự định con đường tương lai nào cho mình và cho đứa con tinh thần của mình chưa?

Hiện mình chỉ muốn cải thiện lại những phần lỗi của KT Browser để hoàn thiện hơn. Mình cũng chưa chọn được trường ĐH nào cụ thể. Duy có một điều mà Khoa biết chắc được rằng mình sẽ theo đuổi tới cùng con đường trở thành một lập trình viên và muốn phát triển tại Việt Nam.

Từ đây, Khoa có điều gì muốn chia sẻ với những bạn cũng đã, đang và sẽ nuôi cho riêng mình một "ước mơ viển vông" giống như mình?

Tự viết trình duyệt web rồi bị đánh sập, cậu học sinh Kontum 15 tuổi này nói: Cứ để em tự đứng lên - Ảnh 9.

Bạn hay bất cứ ai cũng đều có quyền nuôi cho mình một ước mơ mà có thể nó sẽ bị người khác bảo là "viển vông". Nhưng rồi thì đã sao? Đó là ước mơ của mình thì mình có quyền giữ chặt nó. Và khi bạn muốn chứng minh một điều gì, đừng nói nhiều mà hãy thể hiện bằng hành động.

Một ước mơ lớn không phải cứ hành động lớn là sẽ được. Phải tập đi từng những bước nhỏ và đừng vì những cái nhỏ làm mất đi một ước mơ lớn của bạn.

Cám ơn Khoa vì đã dành thời gian chia sẻ câu chuyện của mình. Chúc Khoa sẽ thật thành công với con đường mình đã chọn nhé.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày