Từ vụ nam sinh bị đánh hội đồng ở Hà Nội: Tiến sĩ Tội phạm học hướng dẫn kỹ năng ứng phó với bạo lực

Minh Ngọc, Theo Phụ nữ số 17:42 30/08/2023

Nạn nhân của những trận đòn hội đồng có thể là bất kỳ ai, nhưng dù có là ai, thì điểm chung giữa họ là tình trạng hoảng loạn ngay tức khắc khi bạo lực xảy đến, vì thế mà hậu quả để lại thường rất nặng nề.

Ngày 29/8, trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh một nam học sinh bị nhiều người đánh hội đồng, sự việc sau đó được xác nhận xảy ra tại huyện Đông Anh, Hà Nội. Nạn nhân bị hành hung đang học cấp 2, còn nhóm đánh người gồm 4-5 đối tượng, trong đó có một nữ giáo viên mầm non. Bước đầu, nguyên nhân được xác định xuất phát từ mâu thuẫn giữa 2 học sinh, nữ giáo viên mầm non là mẹ của 1 trong 2 học sinh này đã cùng những người khác đánh hội đồng em còn lại.

Trước sự việc này, trao đổi với chúng tôi, Thượng tá, Võ sư, Tiến sĩ tội phạm học Đào Trung Hiếu nhận định, nạn nhân của những trận đòn hội đồng có thể là bất kỳ ai, trong môi trường học đường cũng không ít lần ghi nhận những tình huống tương tự. Theo Tiến sĩ Hiếu, người có hành vi vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định, còn về mặt chủ động phòng ngừa bạo lực, học sinh cần được trang bị kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ mình.

Từ vụ nam sinh bị đánh hội đồng ở Hà Nội: Tiến sĩ Tội phạm học hướng dẫn kỹ năng ứng phó với bạo lực - Ảnh 1.

Hình ảnh cắt từ clip ghi lại cảnh học sinh bị đánh hội đồng đang xôn xao dư luận

Dưới góc nhìn chuyên môn, Tiến sĩ Hiếu nhận định, tình trạng chung của các nạn nhân bị đánh hội đồng thường là hoảng loạn ngay tức khắc khi bạo lực xảy đến. Sau đó cũng chính vì sự hoảng loạn này, nạn nhân dường như bị "bó chân, bó tay" dẫn tới việc chỉ còn cách đứng yên chịu trận, hứng trọn "cơn mưa đòn" ác ý của kẻ hành hung. Biết trước mình phải làm gì trong những hoàn cảnh ngặt nghèo ấy là điều mà mỗi người cần chuẩn bị.

Cần làm gì khi bị bạo lực hội đồng?

Theo TS Đào Trung Hiếu, về đặc điểm của những cuộc "tập kích" có đông đối tượng tham gia trên đường giao thông, Tiến sĩ nhận định yếu tố khá phổ biến đó là loại án này thường là có dự mưu từ trước bởi kẻ tấn công. Các đối tượng theo dõi "con mồi", chuẩn bị sẵn lực lượng, chọn địa điểm và thời điểm tấn công sao cho nạn nhân bị bất ngờ nhất và không có sự trợ giúp từ bên ngoài.

"Nạn nhân bị 'đòn hội đồng' tối tăm mặt mũi, mất khả năng kháng cự nên thường bị đánh đập rất dã man. Ác tính trong tâm lý kẻ tấn công cũng có tính 'lây lan' và không có điểm dừng, nên hậu quả của những vụ án kiểu này thường rất nặng nề. Nhiều người bị đánh đập dã man, dẫn đến đa chấn thương, nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe. Điều đáng ngại là kỹ năng ứng xử để thoát hiểm của người dân còn rất kém, đa phần không biết phải làm gì ngay khi bạo lực phát sinh với mình", Tiến sĩ Tội phạm học chia sẻ.

Từ vụ nam sinh bị đánh hội đồng ở Hà Nội: Tiến sĩ Tội phạm học hướng dẫn kỹ năng ứng phó với bạo lực - Ảnh 2.

Thượng tá, Võ sư, Tiến sĩ Tội phạm học Đào Trung Hiếu

Về cách ứng xử trong trường hợp này, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu cho rằng, nếu đang đi trên đường mà bị một nhóm đối tượng đuổi theo chặn lại gây sự, chúng ta cần nhanh chóng xuống xe, khóa cổ, cầm theo chìa khóa rồi bỏ chạy, vừa chạy vừa hô "cướp".

"Tuyệt đối không nên hỏi han, đôi co, cãi vã. Nếu đã bị đối tượng vây kín, không nên đứng giữa vòng vây mà hãy tựa lưng vào tường, cột điện, cây cối, để tránh bị đánh lén từ phía sau. Có thể chống trả rồi quan sát thật nhanh, chủ động xông vào đánh tên yếu nhất, mở 'đường máu' để bỏ chạy. Trường hợp bị vây không chạy được, thì cần bảo vệ các vị trí hiểm trên cơ thể như mắt, đầu, bộ hạ, thái dương, gáy, bụng bằng cách liên tục di chuyển chứ không nên đứng im một chỗ. Hãy la hét kêu cứu thật to để thu hút sự trợ giúp của người khác".

Về mặt pháp lý, theo Tiến sĩ Hiếu, nạn nhân được quyền phòng vệ chính đáng, nghĩa là được phép chống trả một cách cần thiết để ngăn chặn hành vi tấn công, tự bảo vệ mình. Nếu vơ được gậy gộc, gạch đá làm vũ khí, nạn nhân được phép tự vệ, đánh lại đối tượng đang tấn công mình.

"Nếu đối tượng dính đòn, hãy bỏ chạy ngay khi có thể, vừa chạy vừa hô: 'cháy nhà' hoặc 'cướp', sẽ thu hút sự tò mò của người dân, khiến kẻ gây sự e ngại mà bỏ đi".

Thượng tá Đào Trung Hiếu phân tích, trụ sở cơ quan công an gần nhất, các tổ công tác CSGT trên đường là những nơi nạn nhân có thể chạy đến nhờ sự trợ giúp. Tình huống bỏ chạy vào nhà dân, nên chạy vào phòng có cửa an toàn, đóng lại, gọi điện báo Cảnh sát 113 và người nhà. Hãy nói với chủ nhà bị cướp và xin trốn, nhờ họ đóng cửa, giấu người, báo cảnh sát. Quá trình tiếp cận đối tượng, hãy cố gắng hình dung, quan sát đặc điểm đối tượng, biển số xe của nhóm gây sự, để trình báo công an khi đã an toàn.

Kỹ năng ứng phó với kẻ bắt nạt trong môi trường học đường

Những clip nữ sinh hành hạ, đánh đập bạn học dã man được post lên mạng khiến các bậc phụ huynh rùng mình sợ hãi khi chợt nghĩ nếu người bị nạn kia là… con mình.

"Theo tôi, nếu biết trước rằng mình sẽ bị đánh, các em cần chủ động thông báo trước sự việc với ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, hoặc đơn giản là gọi điện cho người nhà, hay báo một số bạn bè của mình biết để bảo vệ".

Tiến sĩ tội phạm học nhấn mạnh thêm: "Cũng có thể nhờ người có uy tín với nhóm đối tượng (như học sinh lớp trên…) để nói chuyện trước với họ, hoặc nếu thấy an toàn (có thầy cô giáo, người thân, nhóm bạn… bên cạnh) thì có thể chủ động gặp đối tượng để nói chuyện, nhằm ngăn chặn sự việc xảy ra. Điều cần nhớ là hãy luôn đi cùng bạn bè lúc tan học hay khi ra chơi. Đông người bao giờ cũng an toàn hơn".

Từ vụ nam sinh bị đánh hội đồng ở Hà Nội: Tiến sĩ Tội phạm học hướng dẫn kỹ năng ứng phó với bạo lực - Ảnh 3.

Rèn luyện thể chất là một cách hữu hiệu tự vệ

Đừng ngoan ngoãn làm theo yêu cầu của kẻ bắt nạt

Tiến sĩ Đào Trung Hiếu khuyên, đừng nghe và làm yêu cầu của kẻ bắt nạt, như hẹn gặp ở chỗ vắng... Trong hoàn cảnh mình yếu hơn, tốt nhất các em cần cố gắng tránh gặp kẻ bắt nạt, ở trường hay ở trên đường, nhưng đừng cho họ thấy điều đó. Nếu kẻ bắt nạt biết các em đang sợ hãi, chúng sẽ càng lấn tới. Nếu kẻ bắt nạt đi cùng đường với các em, hãy đi đường khác. Tình huống buộc phải đối mặt với kẻ bắt nạt và không có sự trợ giúp từ bên ngoài, hãy thể hiện mình là người không dễ bắt nạt, sẵn sàng đương đầu và đối tượng sẽ trả giá thích đáng nếu bắt nạt mình.

"Vì tâm lý kẻ bắt nạt thích săn những con mồi yếu hơn mình. Cố gắng đừng để kẻ bắt nạt thấy mình khóc", Tiến sĩ Đào Trung Hiếu nhấn mạnh.

Trước khi tình hình diễn biến phức tạp, hãy chủ động phòng thủ và giữ thái độ quyết liệt từ cử chỉ đến cách nói, sẽ làm đối tượng chùn bước. Tiến sĩ Đào Trung Hiếu khuyên các em học sinh, nếu kẻ bắt nạt bắt đầu ra tay, hãy nhớ "nguyên lý chạy vòng tròn" - mục địch tránh sự tiếp cận của đối tượng. Nếu bị đánh, hãy chống trả và tìm cơ hội để bỏ chạy. Lúc này, các em cũng cần hô to để báo hiệu cho người xung quanh.

Ngay khi thoát khỏi kẻ bắt nạt, cần tính đến việc các đối tượng tiếp tục phục kích để đánh, hãy gọi điện báo ngay cho người nhà, cho thầy cô giáo… để chủ động giải quyết sự việc.

Đối với bạn của nạn nhân

Khi chứng kiến bạn bị vây đánh, cần gọi người giúp, xét thấy không an toàn thì không xông vào can ngăn, vì như vậy sẽ bị cuốn vào, thậm chí bị đánh hội đồng theo. Vẫn có thể giúp được bạn, bằng cách công khai hô hoán kêu cứu hoặc bấm máy gọi Cảnh sát 113, gọi người lớn trợ giúp. Cách này phù hợp nếu ở gần nhà dân, trường học, gần chỗ có người lớn.

Nhưng khi đã can thiệp (gọi trợ giúp), chắc chắn sẽ sinh mâu thuẫn với nhóm đánh hội đồng, có nguy cơ bị trả thù về sau. Vì thế, sau đó phải báo cáo với bố mẹ và thầy cô giáo vì chỉ có họ mới có thể giải quyết được sự việc. Lúc này, bố mẹ làm việc với thầy cô, với từng người trong nhóm đánh hội đồng bạn, với bố mẹ của các đối tượng đó. Thậm chí, nhờ cả công an vào cuộc nếu cần thiết, gọi hỏi, bắt viết cam kết… Để ngăn ngừa các hành động mất kiểm soát sau đó.

"Cách khác an toàn hơn và tránh bị trả thù về sau, là lẳng lặng chạy đi gọi người lớn, hoặc chạy ra khỏi chỗ đó rồi mới gọi Công an, gọi bố mẹ hoặc người lớn, để nhóm đánh hội đồng không biết ai gọi trợ giúp, xử lý vụ việc", Tiến sĩ Đào Trung Hiếu chia sẻ.