Tưởng chỉ tiêu chảy bình thường, cô gái trẻ nào ngờ bản thân mắc "bệnh tiên nữ", bác sĩ cảnh báo nhóm người này có nguy cơ bị bệnh cao

Nguyên Dũng TT, Theo Trí Thức Trẻ 03:43 21/05/2021

Câu chuyện của cô gái bị mắc "bệnh tiên nữ" nhưng luôn mỉm cười sống lạc quan hiện đang thu hút sự quan tâm của dư luận Trung Quốc.

Những ngày gần đây, cộng đồng mạng xã hội Trung Quốc được phen xôn xao trước câu chuyện về 1 cô gái được mệnh danh là mắc "bệnh tiên nữ".

Cô gái mắc "bệnh tiên nữ" sống nhờ truyền dinh dưỡng từ mũi xuống dạ dày

Vương Vũ Tri, 20 tuổi, là người thị trấn Nam Sung, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Cô hiện đang là sinh viên năm 2 của 1 trường Đại học ở thành phố Thành Đô.

Dân mạng gọi căn bệnh của Vương Vũ Tri là "bệnh tiên nữ" bởi cô không thể ăn uống giống như người bình thường. Cô gái chia sẻ: "Từ ngày bị bệnh, điều tưởng chừng đơn giản như ăn cơm đã trở thành ước mơ lớn nhất của tôi. Vì bây giờ chỉ có thể bơm dung dịch dinh dưỡng vào ruột và dạ dày qua đường ống."

Cô gái mắc "bệnh tiên nữ"

Vào năm 2020, Vương Vũ Tri được chẩn đoán mắc bệnh Crohn (là 1 bệnh viêm ruột xuyên thành mạn tính, thường ảnh hưởng đến hồi tràng và đại tràng nhưng có thể xảy ra ở bất kỳ phần nào của đường tiêu hoá), căn bệnh không gây tử vong, nhưng sẽ tái phát nhiều lần trong suốt cuộc đời bệnh nhân.

"Trước đây cả nhà chỉ nghĩ là đường ruột của tôi yếu, uống thuốc tiêu chảy là hết." - Cô gái trẻ nhớ lại.

Vào năm 2017, Vũ Tri thường xuyên xuất hiện các vấn đề về đường tiêu hóa. Khi đó, cô chỉ nghĩ là ăn phải đồ không hợp vệ sinh, uống thuốc vào là hết. Vũ Tri chẳng thể ngờ càng về sau bệnh càng nặng, cuối cùng cô phải nhập viện điều trị bệnh tiêu hóa từ năm 2018-2019.

Tưởng chỉ tiêu chảy bình thường, cô gái trẻ nào ngờ bản thân mắc bệnh tiên nữ, bác sĩ cảnh báo nhóm người này có nguy cơ bị bệnh cao - Ảnh 2.

Vương Vũ Tri quay clip giản dị ngay tại phòng ký túc xá trong trường

Trong đợt dịch Covid-19 ở Trung Quốc vào năm 2020, do không thể quay lại trường và phải học ở nhà, dẫn đến thời gian dài không vận động, ăn uống ngủ nghỉ thất thường, Vương Vũ Tri lại bị tiêu chảy. Lần đó đã khiến cô bị sút 10 cân trong vòng chưa đầy 1 tháng. Sau khi được chuyển lên bệnh viện thành phố để kiểm tra, cô gái chưa tròn 19 tuổi được chẩn đoán mắc bệnh Crohn.

"Khi đó tôi cảm thấy rất suy sụp, khóc lóc thảm thiết, nghĩ rằng tại sao cuộc đời lại đối xử bất công với mình như thế." - Cô gái nhớ lại giây phút bác sĩ thông báo về bệnh tình của mình.

Vương Vũ Tri cho biết, 3 lần đổ bệnh nhập viện đều xảy ra vào giai đoạn quan trọng trong cuộc đời cô. Lần đầu tiên là vào kỳ thi cuối cấp 3, cách kỳ thi tuyển sinh Đại học chưa đầy 6 tháng; lần thứ 2 là khi cô vừa mới bước vào trường Đại học và chuẩn bị bắt đầu 1 cuộc sống mới; lần thứ 3 là do bệnh tật nên phải chia tay bạn trai.

Kiên cường vượt lên số mệnh

"Mỗi lần nhập viện đều là trải nghiệm 'như địa ngục' mà tôi không muốn nhớ lại. Nhưng sau này khi đã vượt qua được khủng hoảng tinh thần, tôi coi đó là 1 sự may mắn, vì nếu như không bị bệnh này sẽ chẳng được nhiều người biết đến. Tôi đâu thể cứ sống mãi trong đau khổ và bất hạnh được."

Mặc dù các bạn trong lớp và cư dân mạng đều khen ngợi Vũ Tri là người lạc quan và mạnh mẽ, nhưng cô gái cho biết vẫn có những trải nghiệm kinh hoàng khiến cô cả đời không quên được. Đó là vào cuối tháng 3/2021, Vương Vũ Tri lần đầu đặt ống qua đường mũi, bác sĩ đã đưa một đoạn dây mềm từ lỗ mũi đi xuống thực quản của cô.

"Khi đó tôi bị tắc ruột, nối mãi không xuống, toàn bộ quá trình không gây mê nên tôi cảm nhận được mọi thứ vô cùng chân thật. Kể từ sau hôm đó, người khác dùng đũa để ăn, còn tôi thì dựa vào việc ấn vào ống bơm để nạp dinh dưỡng vào cơ thể."

Tưởng chỉ tiêu chảy bình thường, cô gái trẻ nào ngờ bản thân mắc bệnh tiên nữ, bác sĩ cảnh báo nhóm người này có nguy cơ bị bệnh cao - Ảnh 3.

Vương Vũ Tri trước khi bị bệnh (trái) và sau khi bị bệnh (phải)

Vương Vũ Tri miêu tả sau khi đặt ống, cô chỉ có thể uống bột dinh dưỡng và mỗi bữa phải mất khoảng 10' để chuẩn bị, mỗi giờ chỉ được bơm 300ml, không được quá nhanh, nếu không sẽ không tiêu hóa được. Cô gái còn chia sẻ "kinh nghiệm xương máu" trong 1 lần bất cẩn đã chỉnh tốc độ bơm dinh dưỡng của máy vào dạ dày quá nhanh, sau đấy không những bị tiêu chảy, mà còn khiến đường ống bị tắc và cô phải đến bệnh viện để thay ống nối mới.

"Khi quá đói và thèm cảm giác 'nhai', tôi sẽ xem các clip ăn uống trên mạng." - Cô gái chia sẻ nỗi khổ thực sự của việc muốn mà không ăn được.

Vương Vũ Tri cho biết, bệnh có giai đoạn khởi phát và thuyên giảm, sau khi bước vào giai đoạn thuyên giảm thì có thể trở lại cuộc sống sinh hoạt như người bình thường.

"Việc tôi chia sẻ clip trên mạng cũng là để động viên những bệnh nhân khác. Thực tế, căn bệnh này không đáng sợ như mọi người nghĩ, nếu không may xảy đến thì hãy đón nhận bằng thái độ lạc quan."

Cô gái dự định sau khi được tháo bỏ ống dẫn và có thể ăn uống như người bình thường, cô sẽ bắt đầu quay clip nấu ăn hàng ngày và đăng lên mạng rồi trở thành 1 blogger ẩm thực.

Tưởng chỉ tiêu chảy bình thường, cô gái trẻ nào ngờ bản thân mắc bệnh tiên nữ, bác sĩ cảnh báo nhóm người này có nguy cơ bị bệnh cao - Ảnh 4.

Thông thường cô mất khoảng 3 tiếng cho 1 "bữa ăn", nếu truyền quá nhanh sẽ bị tiêu chảy, nghiêm trọng hơn sẽ làm tắc ống dẫn và phải thay mới

Bác sĩ Tưởng Tiểu Mãnh của Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện thuộc Đại học Y Nam Kinh nói: "Crohn là 1 dạng phụ của bệnh viêm ruột, và nguyên nhân cụ thể hiện nay vẫn chưa được làm rõ."

Theo bác sĩ Tưởng, tỷ lệ mắc bệnh Crohn ở Trung Quốc rất hiếm, nhưng hiện nay thói quen ăn đồ ăn nhanh, uống các thực phẩm đóng chai đang thúc đẩy số người mắc bệnh gia tăng, trong đó độ tuổi cao điểm nhất hiện nay là từ 15-25 tuổi.

Ông cho biết, biểu hiện lâm sàng của bệnh Crohn là đau bụng, tiêu chảy. Nguyên nhân chính là do thức ăn đi vào dạ dày không tiêu hóa kịp, tích tụ lại trong ruột khiến người bệnh không thể nạp thêm thức ăn. Từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, trường hợp nặng sẽ dẫn đến các biến chứng khác hoặc tử vong nếu không được can thiệp y tế kịp thời.

Sau khi biết đến trường hợp của Vương Vũ Tri, bác sĩ Tưởng đã ngợi khen tính cách lạc quan của cô gái. Đồng thời, ông cũng cho biết cảm xúc của bệnh nhân có ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng bệnh, nếu cô gái có thể duy trì tinh thần lạc quan và tuân thủ điều trị đều đặn thì trong 2 tháng nữa sẽ có thể khôi phục lại cuộc sống bình thường.

Nguồn: 163