Vấn nạn ma túy đang tàn phá các làng quê Thái Lan: Cứ mỗi 5 thanh niên lại có 1 người nghiện

Hàn Dương Spiderum, Theo Thời Đại 07:00 19/06/2017

Nghiện ma túy đang là một vấn nạn nhiều gia đình phải đối mặt ở các làng quê phía Nam Thái Lan. Mặc dù chính quyền đã có nhiều nỗ lực để đẩy lùi vấn nạn này, nhưng kết quả không mấy khả quan.

Phóng viên của BBC tại Thái Lan Nanchanok Wongsamuth đã đưa ra các báo cáo về thực trạng của các làng quê bị tàn phá bởi nghiện ma túy. Theo chính quyền Thái Lan, ba tỉnh Pattani, Yala và Narathiwat có tỷ lệ nghiện ma túy cao nhất. Ước tính cứ 5 thanh niên lại có 1 người nghiện và kratom là loại ma túy phổ biến nhất.

Trong một căn lều bằng gỗ nhỏ giữa vườn cao su ở tỉnh Narathiwat, Fadel, 28 tuổi và bạn bè của anh thường dùng một loại thuốc được gọi là kratom. Loại thuốc này còn có tên gọi khác là "4X100" ở Thái Lan. Kratom chứa bốn thành phần chính: lá của một cây trồng địa phương được gọi là kratom, xi rô ho, Coca-Cola và nước đá. Nó được bán với giá khoảng 100 Baht Thái Lan (khoảng 70.000 đồng) cho mỗi liều.

Fadel chia sẻ với BBC tại túp lều, nơi mà các lon Coca-Cola vẫn đang nằm lăn lóc trên sàn nhà. "Trước đây chúng tôi có thể tự chế. Nhưng bây giờ chúng tôi đã phải mua mới đủ để thỏa mãn cơn nghiện.”

Vấn nạn ma túy đang tàn phá các làng quê Thái Lan: Cứ mỗi 5 thanh niên lại có 1 người nghiện - Ảnh 1.

Căn chòi thô sơ nơi Fadel và bạn bè chơi ma túy kratom.

Fadel đã nghiện loại ma túy này trong 11 năm. Ngoài ra, gã còn dùng các loại ma túy dạng đá và các chất kích thích có thành phần methamphetamine và caffeine bán khoảng 70.000 đồng/viên.

Hiện tại gã cứ hai ngày là lại sử dụng thuốc lắc (ya ba pills) và dùng kratom ba lần mỗi tuần khi cảm thấy mệt mỏi với công việc cạo mủ cao su. Đôi khi anh ta lại ăn cắp các hạt trầu khô của dân làng để bán, phục vụ cho việc hút chích.

Vấn nạn ma túy đang tàn phá các làng quê Thái Lan: Cứ mỗi 5 thanh niên lại có 1 người nghiện - Ảnh 2.

Fadel dùng những thứ này để nấu ma túy nhưng bây giờ anh phải mua thêm để thỏa mãn cơn nghiện.

Fadel là một trong khoảng 80.000 đến 100.000 người sử dụng ma túy ở các tỉnh phía Nam của Thái Lan, chiếm khoảng 5% dân số và chủ yếu là người Hồi giáo. Hầu hết những người nghiện này đều ở độ tuổi rất trẻ từ 14 đến 30.

Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy hơn 80% số người sống ở các tỉnh này cảm thấy rằng ma túy là vấn đề bức xúc cần giải quyết nhất của họ. Dân chúng rất mong muốn chính phủ giải quyết vấn nạn này càng nhanh càng tốt.

Dân làng bức xúc chia sẻ với BBC Thái Lan rằng tình trạng ăn cắp ở đây đang hoành hành phổ biến. Những con nghiện ma túy đang tìm mọi cách để kiếm tiền.

80% ly hôn do ma túy

Làn sóng nghiện ngập tác động sâu sắc đến các cộng đồng và quan hệ hàng xóm láng giềng ở làng quê Nam Thái Lan. “Nghiện ma túy” trở thành lý do phổ biến khiến nhiều gia đình tan vỡ. 

Ahama Hayeedermee, thư ký của Hội đồng Hồi giáo Pattani, nói: "Ngày nay, một khi có một người đàn ông đến nhà cầu hôn, câu hỏi đầu tiên mà ông bố sẽ hỏi con gái là bạn trai của con có dùng bất cứ loại ma túy nào không?”

Năm ngoái, hội đồng nhân dân đã nhận được 525 hồ sơ xin ly hôn, trong đó 80% là do ma túy. Chính quyền đã cố gắng hòa giải, nhưng hầu hết các khiếu nại đều kết thúc bằng ly dị, vì gần như tất cả các ông chồng đều không tham dự phiên hòa giải.

Vấn nạn ma túy đang tàn phá các làng quê Thái Lan: Cứ mỗi 5 thanh niên lại có 1 người nghiện - Ảnh 3.

Một phụ nữ hồi giáo tại phòng khiếu nại của địa phương.

"Con đường mới"

Quân đội Thái Lan đang tìm cách mới để giải quyết triệt để vấn nạn này, trong đó có thể kể đến các biện pháp nâng cao nhận thức của người dân thông qua hệ thống giáo dục.

Tại trung tâm đào tạo về phòng chống ma tuý của ISOC ở huyện Yarang của Pattani, có khoảng 145 người đang tham gia bao gồm dân làng, trưởng thôn, những người đã từng sử dụng ma túy và hộ kinh doanh đang sinh hoạt cùng cam kết tuyên thệ đấu tranh chống lại vấn nạn này.

"Hãy làm bất cứ điều gì bạn có thể để giúp thế hệ con em chúng ta không bị dính vào ma túy", giám đốc của trung tâm, Col Suwan, phát biểu trước đám đông. Nhóm đang tham gia dự án Yalannanbaru, có nghĩa là "Con đường mới" trong tiếng Mã Lai.

Vấn nạn ma túy đang tàn phá các làng quê Thái Lan: Cứ mỗi 5 thanh niên lại có 1 người nghiện - Ảnh 4.

Các tình nguyện viên của dự án Yalannanbaru.

Dự án Yalannanbaru bắt đầu từ năm 2007 để giáo dục những người trẻ trong diện có nguy cơ nghiện ma túy. Vào năm 2015, các tình nguyện viên của họ bắt đầu được tự do tiếp cận với các hộ dân trong làng mà không cần phải xin phép chính quyền như trước.

Hiện tại dự án có 2.512 tình nguyện viên tại 352 làng. Trong năm tới dự kiến ​​dự án sẽ đạt 20.750 tình nguyện viên tại 2.075 làng.

Vấn nạn ma túy đang tàn phá các làng quê Thái Lan: Cứ mỗi 5 thanh niên lại có 1 người nghiện - Ảnh 5.

Những người tham gia ở Yalannanbaru tìm hiểu về tác hại của ma túy và các tệ nạn khác như hút thuốc lá.

"Chúng tôi không nói chuyện về nó"

Một số làng đã tự đứng lên và đưa ra những biện pháp để giải quyết vấn nạn ma túy.

Sử dụng ma túy được coi là tội lỗi lớn trong Hồi giáo. Một số nơi đã tự đặt ra các luật lệ cho làng được gọi là luật "hukum pakat". Chẳng hạn như luật các nhà lãnh đạo tôn giáo không cho những con nghiện ma túy tham gia hoạt động.

Tại làng Ban Uyib, kim loại phế liệu, dây điện, nồi hơi và thậm chí các hạt trầu, dừa, chuối, cao su phế liệu đã bị đánh cắp hàng ngày.

Điều này đã dẫn đến việc, dân làng xây dựng nên các quy tắc mà cả người mua và người bán thuốc sẽ bị phạt tiền, bị bắt lên báo cáo với cảnh sát. Các quy tắc có hiệu lực từ tháng ba đã được in trên một bảng tin và đặt tại nhà thờ Hồi giáo.

Vấn nạn ma túy đang tàn phá các làng quê Thái Lan: Cứ mỗi 5 thanh niên lại có 1 người nghiện - Ảnh 6.

Một bản điều luật do làng đặt ra.

Rosalee Hajiteh, trưởng làng Ban Uyib, tuyên bố rằng các hành vi trộm cắp đã dừng lại. Nhưng nhiều nơi khác trên cả nước vẫn đang phải vật lộn với ma túy.

"Tôi đã từng nói với trưởng làng rằng người dân ở đây đều bức xúc với những con nghiện. Nhưng không có một động thái nào từ chính quyền cả", Ismail, người dân làng Marue Botok chia sẻ.

(Tên của người dân trong câu chuyện này đã được thay đổi để bảo vệ danh tính của họ)