Việt Nam yêu cầu sớm xét xử vụ sát hại bé Nhật Linh

DƯƠNG NGỌC - TRỌNG ĐỨC, Theo Người lao động 08:20 03/02/2018

Gia đình xin chữ ký không chỉ vì mong muốn kẻ thủ ác phải chịu hình phạt cao nhất là tử hình mà còn muốn có sức lan tỏa để lên án nạn ấu dâm và sát hại trẻ em.

Đã gần một năm kể từ ngày bé Lê Thị Nhật Linh (9 tuổi; quê huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) bị bắt cóc và sát hại khi trên đường đến trường tại TP Matsudo, tỉnh Chiba - Nhật Bản.

31.000 chữ ký

Bé Linh mất tích vào sáng 24-3-2017 khi đang đến trường một mình. Sáng 26-3-2017, thi thể bé được tìm thấy cạnh bãi cỏ bên con sông tại TP Abiko cũng thuộc tỉnh Chiba, cách nhà bé khoảng 10 km. Nguyên nhân gây tử vong cho bé Linh là bị siết cổ. Nạn nhân có dấu hiệu bị xâm hại tình dục.

Ngày 14-4-2017, nghi phạm Shibuya Yasumasa bị cảnh sát bắt giữ. Sau đó, cảnh sát tìm thấy nhiều dấu máu trên ghế trong xe của Yasumasa. Các dấu máu này có ADN trùng với nạn nhân. Yasumasa bị khởi tố các tội danh bắt cóc, dâm ô và giết người vào ngày 26-5-2017. Đến ngày 28-11-2017, truyền thông Nhật Bản đưa tin về một buổi họp tiền xét xử giữa hai bên công tố và bị cáo.

Việt Nam yêu cầu sớm xét xử vụ sát hại bé Nhật Linh - Ảnh 1.

Anh Lê Anh Hào, cha bé Nhật Linh, xin chữ ký tại một nhà ga ở TP Chiba hồi cuối tháng 1-2018 Ảnh: SANKEI

Trao đổi với Báo Người Lao Động hôm 2-2, ông nội bé Linh là ông Lê Đình Kiên (trú tại huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng) cho hay cách đây khoảng 2 tuần, vợ chồng con trai ông là anh Lê Anh Hào (SN 1983) và chị Nguyễn Thị Nguyên (SN 1986) có về Việt Nam và thu thập một số chữ ký. Sau đó, hai vợ chồng sang Nhật để đòi công bằng cho con gái. Ông Kiên thổ lộ gia đình ông ở Việt Nam luôn sẵn sàng đón nhận chữ ký của mọi người và gửi sang Nhật Bản cho bố mẹ Nhật Linh.

Chị Nguyễn Thị Nguyên cho biết gần 1 năm qua, dù cơ quan chức năng đã tìm thấy đầy đủ chứng cứ, nghi phạm Yasumasa vẫn không hề nhận tội và vụ án chưa biết khi nào được đưa ra xét xử khiến vợ chồng chị cùng người thân càng đau khổ. "Luật pháp Nhật Bản quy định giết 1 mạng người chưa chắc đã bị tử hình nếu không có các tình tiết tăng nặng như hiếp dâm, cướp của, gây ảnh hưởng mạnh tới xã hội và cảm xúc của người nhà nạn nhân. Việc gia đình xin chữ ký không chỉ mong muốn kẻ thủ ác phải chịu hình thức cao nhất là tử hình mà còn muốn có sức lan tỏa để lên án nạn ấu dâm và sát hại trẻ em" - chị Nguyên chia sẻ.

Theo chị Nguyên, vợ chồng chị đã bỏ cả việc làm hằng ngày để đi xin chữ ký của người dân. Đến nay, gia đình xin được 31.000 chữ ký và đã nộp cho cơ quan công tố nước sở tại. Trong số này, ngoài chữ ký của các người dân đang sinh sống tại Việt Nam còn có của người Nhật Bản, Việt kiều trên toàn thế giới và công dân nhiều nước khác. Hiện gia đình vẫn tiếp tục xin chữ ký của mọi người.

Kết thúc điều tra vào ngày 5-3

Trong lúc chị Nguyên lên mạng xã hội vận động mọi người cho chữ ký thì mấy tháng qua, anh Hào ngày nào cũng đứng tại các ga tàu điện ngầm và điểm đông người ở Chiba để xin chữ ký. Tờ Sankei của Nhật dẫn lời anh Hào cho biết có khoảng 1.000 chữ ký của người Nhật. "Tôi muốn người Nhật góp sức để không có vụ việc tương tự xảy ra" - bố bé Linh tâm sự.

Trong cuộc gặp Tổng Vụ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Shigeki Takizaki hôm 2-2, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường cho biết gia đình cháu Nhật Linh đang kêu gọi cộng đồng trong và ngoài nước ký vào bản kháng nghị gửi lên tòa án tỉnh Chiba, đề nghị xét xử nghi phạm với khung hình phạt cao nhất là tử hình. Ông Cường nói vụ việc thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân Việt Nam trong và ngoài nước, đồng thời yêu cầu các cơ quan thực thi pháp luật của Nhật Bản sớm kết thúc quá trình điều tra và củng cố chứng cứ để đưa nghi phạm ra xét xử công khai và dành cho kẻ gây ra tội ác dã man trên một bản án thích đáng theo đúng pháp luật Nhật Bản.

Tổng Vụ trưởng Takizaki thay mặt chính phủ và nhân dân Nhật Bản một lần nữa gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình cháu Nhật Linh. Ông Takizaki giải thích về sự độc lập của tòa án trong hệ thống hiến pháp Nhật Bản.

Theo ông, ngay sau khi nhận được yêu cầu của phía Việt Nam về việc sớm đưa nghi phạm ra xét xử do Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu với Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao Nhật Bản Kazuyuki Nakane ngày 30-1 vừa qua, Bộ Ngoại giao nước này đã làm việc ngay với Bộ Tư pháp và được biết các cơ quan thực thi pháp luật đang khẩn trương chuẩn bị để có thể sớm bắt đầu phiên tòa.

Trao đổi với Đại sứ quán Việt Nam tại Tokyo, tòa án địa phương tỉnh Chiba khẳng định vụ án đang được tiến hành theo đúng trình tự tố tụng và dự kiến kết thúc giai đoạn điều tra, củng cố hồ sơ vụ án vào ngày 5-3-2018. Sau đó, tòa sẽ quyết định thời gian xét xử. Theo pháp luật Nhật Bản, quá trình thu thập, củng cố chứng cứ để đưa nghi phạm ra xét xử mất khoảng 8 tháng nếu nghi phạm nhận tội; trường hợp nghi phạm không nhận tội thì mất khoảng 1 năm.

Nghi phạm dùng quyền im lặng

Đến nay, quá trình xét xử vụ án của bé Nhật Linh vẫn kéo dài một phần do nghi phạm Yasumasa Shibuya giữ quyền im lặng và không nhận tội. Quyền im lặng là quyền đã được hiến định của công dân Nhật Bản. Theo điều 38 Hiến pháp Nhật Bản, không ai có thể bị ép buộc đưa ra lời khai chống lại chính mình. Những lời khai thu được do nghi phạm bị ép buộc, tra tấn, đe dọa hoặc giam giữ liên tục và kéo dài đều không thể dùng làm bằng chứng hợp lệ. Không một ai có thể bị kết tội hoặc bị trừng phạt nếu bằng chứng duy nhất dùng để buộc tội là lời nhận tội của chính người đó.

photo-1

Nghi phạm Shibuya Yasumasa. Ảnh: KYODO

Lời khai của nghi phạm không phải là chứng cứ mang tính quyết định và dù nghi phạm có nhận tội hay không thì quy trình tố tụng vẫn tiếp diễn nếu phía công tố thấy đủ chứng cứ. Tuy nhiên, nếu nghi phạm từ bỏ quyền giữ im lặng và nhận tội thì quy trình tiền xét xử lẫn xét xử sẽ được rút ngắn. Khi đó, thay vì phía công tố và bào chữa dùng chứng cứ và lập luận phản bác nhau thì tòa án chỉ cần xem xét các bằng chứng của phía công tố.

XUÂN MAI - HUỆ BÌNH