Nhiều háo hức xen lẫn lo âu sau trải nghiệm toa tàu mẫu

Thu Hường, Theo Trí Thức Trẻ 23:58 29/10/2015

Đa số người dân và chuyên gia đều đánh giá cao thiết kế, màu sắc cũng như chất lượng nội thất của mô hình tàu đường sắt đô thị đầu tiên tại Việt Nam. Tuy nhiên, ngoài những đánh giá tích cực, nhiều người vẫn tỏ ra chưa hài lòng và cho rằng, thiết kế toa tàu mới vẫn còn nhiều thiếu sót.

Sáng nay (ngày 29/10), mô hình tàu đường sắt đô thị đầu tiên ở Việt Nam đã được trưng bày tại Trung tâm hội chợ Triển lãm Giảng võ (Hà Nội). Sự kiện này thu hút đông đảo người dân tham gia. 

Trong ngày đầu tiên trưng bày, hàng nghìn người dân và chuyên gia ở khắp nơi đổ về xem cả trong và ngoài toa tàu mẫu. Hầu hết giới chuyên môn và người dân đều đánh giá cao phong cách thiết kế, màu sắc cũng như chất lượng nội thất, vỏ tàu.

Nhiều người háo hức, khen ngợi...

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Kim Thành, Trưởng ban Quản lý dự án Đường sắt Việt Nam cho biết: "Chiếc tàu này có màu sắc trang nhã, hợp với người Việt. Màu xanh là màu tượng trưng cho hòa bình và nó rất đúng với tiêu chí của Hà Nội - một TP vì hòa bình. Thiết kế đầu tàu có đôi chút khác so với một vài nước trên thế giới nhưng lại rất đảm bảo sự phối hợp ăn ý giữa buồng lái cũng như lối thoát hiểm được đặt ngay trên phía đầu tàu".

Đồng tình với những ý kiến này, anh Tiến, nhân viên công tác tại Phòng Hợp tác và Tài trợ quốc tế ODA, Sở kế hoạch và đầu tư Hà Nội cho rằng: "Thiết kế nội thất bên trong tàu rất đẹp và khá lung linh, chất lượng các vật đều khá tốt. Khi ngồi xuống hoặc đứng lên nắm tay cầm đều có cảm giác rất thoải mái".

IMG_1207-e8cfe
Thiết kế bên trong tàu đường sắt đô thị đầu tiên tại Việt Nam.

IMG_1107-e8cfe
Hệ thống tay cầm có màu xanh sáng sủa và dịu mắt.

Phần ghế ngồi làm bằng vật liệu composite, theo chỉ dẫn ghế này chủ yếu dành cho người già, trẻ em và phụ nữ mang thai. Anh Nguyễn Quang Tú (một khách đến tham quan) cho rằng, ghế ngồi của chiếc tàu rất thoải mái, đem lại cảm giác chắc chắn, rộng rãi.

Trên toa tàu có nhiều vị trí gắn tay cầm, mỗi chiếc cách nhau khoảng 30cm. Nói về điểm này, anh Tú nhận xét đây là một khoảng cách hợp lý. "Tay cầm khá dài và buông thấp vừa đủ để người đi tàu không bị mỏi khi bám víu vào đó. Chất lượng nhựa và quai neo đều chắc chắn", anh Tú nói thêm.

Ông Chu Xuân Nhiệm (65 tuổi, Hà Đông) tâm sự: "Tàu được lắp nhiều điều hòa, thông gió giống với tàu đường sắt truyền thống nên tôi thấy khá quen thuộc. Các lối thoát hiểm, loa báo đều có vẻ tốt. Ngồi trên toa tàu tôi thấy rất yên tâm, sạch sẽ và tiện nghi".

IMG_1080-e8cfe
Người dân say sưa trao đổi với nhau về chất lượng, hình dáng toa tàu mới trưng bày.

IMG_1167-e8cfe
Anh Tiến đánh giá cao về nội thất bên trong toa tàu.

IMG_1093-e8cfe
Ông Thuyên say sưa ngắm nhìn nội thất của toa tàu mới.

Bên cạnh đó, ông Nhiệm cũng đánh giá cao việc tàu mới có thiết kế các biển hiệu yêu cầu khách nhường ghế có văn hóa, không hút thuốc, báo động cháy, lối thoát hiểm ở cạnh cửa ra vào, dễ tìm kiếm và dễ với tay chạm vào. Bên cạnh đó, theo ông, việc các biển báo này được sơn xanh nên nhìn rất dễ chịu và đồng bộ với màu của vỏ tàu.
 
Dù đã cao tuổi nhưng cụ Đỗ Khánh Thuyên (72 tuổi, sống tại Bùi Thị Xuân, Hà Nội) cũng lặn lội đi xe buýt đến tận nơi để chiêm ngưỡng tàu đường sắt đô thị. "Cửa ra vào khá rộng và thoáng, có nhiều cánh cửa bên hông nữa. Mỗi cửa chính, thoát hiểm đều được in biển chỉ dẫn nên tôi thấy khá yên tâm vì những người già như chúng tôi dễ bỡ ngỡ trước các phương tiện hiện đại".

... Vẫn còn xen lẫn lo ngại

Nói về cảm nhận khi ngồi trong toa tàu, bà Trần Thị Lê (62 tuổi, Đê La Thành, Hà Nội) tâm sự: "Nghe nói tàu này chạy nhanh lắm mà lại đi trên cao, không lo tắc đường nên tôi rất háo hức đón chờ ngày được đi tàu. Bình thường tôi phải di chuyển bằng xe buýt, lúc đường đông thường phải đi mất rất nhiều thời gian, người bị say xe, mệt mỏi nhiều lắm".

Tương tự, ông Nhiệm cũng tỏ ra phấn khởi khi tận mắt nhìn thấy mô hình tàu đường sắt đô thị: "Nhìn thấy toa tàu tôi vui quá. Nước mình sắp có tàu đường sắt cao tốc đi lại thuận tiện rồi. Mong là cảnh tắc đường, chen lấn thường ngày ở Thủ đô sẽ không còn tái diễn".

IMG_1231-e8cfe
Bà Lê cho biết bà rất mong sớm đến ngày tuyến đường sắt Hà Đông - Cát Linh đi vào hoạt động.

Anh Tú cũng mong muốn: "Tàu này đi theo lộ trình, tốc độ cao và ít có điểm dừng đón trả khách nên sẽ rất nhanh. Mỗi ngày lại có nhiều chuyến chạy liên tục nên tôi nghĩ, sau khi hệ thống đường sắt đô thị đi vào sử dụng sẽ giảm bớt rất nhiều áp lực về số lượng người, phương tiện tham gia giao thông".

Tuy nhiên, ngoài những đánh giá tích cực và niềm mong mỏi của người dân, một số ý kiến cho rằng, mẫu tàu mới vẫn bộc lộ nhiều khuyết điểm. Chẳng hạn như bên hông toa tàu thiết kế bằng thép không gỉ, tuy nhiên có quá nhiều chấm tròn tạo cảm giác bị lỗi về mặt kỹ thuật, gia công. "Phần vỏ tàu bằng thép không gỉ ở ngoài có quá nhiều chấm tròn, không được trơn nhẵn nên nhìn mất đi độ sáng bóng, lịch sự của chiếc tàu", ông Nhiệm nói.

IMG_1177-e8cfe
Anh Tú cho biết bản thân anh vẫn còn khá nhiều băn khoăn về hình dáng bên ngoài toa tàu.

Trong khi đó, anh Tiến chia sẻ rằng bản thân anh từng đi rất nhiều nước trên thế giới và nếu so sánh thì mô hình tàu mới của Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Ví dụ như đầu tàu được thiết kế hơi thô và kém hiện đại, màu sắc lạ quá và chưa phù hợp lắm với Việt Nam. Hình dáng bên ngoài tàu nhìn chưa thực sự đẹp mắt và không hiện đại bằng quang cảnh bên trong tàu.

"Tôi không thích màu sắc của toa tàu cũng như màu của ghế nhựa, tay cầm. Theo tôi thì vỏ tàu nên có màu trầm ấm, ghế nhựa bớt đi màu trắng mà có thể thay bằng nâu đen gì đó. Tay cầm nên màu vàng sẽ đẹp hơn", chị Ngô Thị Hương (Trần Huy Liệu, Hà Nội) chia sẻ.

IMG_1196-e8cfe
Màu sắc và thiết kế của vỏ tàu khiến nhiều người tỏ ra chưa thực sự hài lòng.

IMG_1162-e8cfe
Theo một số khách tham quan, hệ thống tay cầm còn bố trí khá thưa

Một số ý kiến khác lại cho rằng, toa tàu nên thiết kế ghế ngồi dọc thay vì ngồi ngang. Hệ thống tay cầm nên được bố trí dày hơn và ngay cả thanh sắt giữa tàu cũng nên có lác đác một vài tay cầm để người đi tàu nếu gặp lúc chới với có thể níu tay vịn.

"Ở nước ngoài họ có một số ghế ngồi ưu tiên dành cho phụ nữ có thai, người già, người khuyết tật và thường bố trí ở cuối toa tàu. Tôi chưa thấy tàu mới này có điều đó. Hơn nữa, ghế ngồi ở một số nước thường có trải thảm, tôi nghĩ bên mình cũng nên có thêm thảm trải vào mùa đông, hệ thống rèm che cửa chống nắng vào mùa hè. Điều hòa và thông gió nên bố trí lệch sang hai bên thay vì để ở giữa như tàu hỏa truyền thống", anh Nguyễn Văn Mạnh (Tây Hồ, Hà Nội) nói.
 

Việc trưng bày tàu đường sắt trên cao sẽ diễn ra đến ngày 30/11. Sau khi tiếp nhận ý kiến của người dân và chuyên gia, Ban quản lý dự án sẽ tổng hợp và đưa ra mẫu tàu cuối cùng. 

Đoàn tàu có tốc độ tối đa 80 km/h, tốc độ khai thác trung bình ≥ 35 km/h. Mỗi toa tàu có 36 chỗ ngồi tiêu chuẩn, năng lực xếp chở 230 người (tối đa 327 người); Riêng toa giữa có 42 ghế tiêu chuẩn, năng lực xếp chở 250 người (tối đa 354 người); cả đoàn tàu có năng lực xếp chở 960 người (tối đa 1.326 người). Đoàn tàu sẽ được khai thác trong giai đoạn đầu với tần suất 5-6 phút/chuyến; tương lai 2-3 phút/chuyến, đảm bảo năng lực vận chuyển tối đa khoảng 28.500 hành khách/giờ/hướng.

Theo tiến độ của Bộ Giao thông, 30/5/2016 dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ hoàn thành phần thô và 30/6/2016 sẽ hoàn tất xây lắp để khai thác thử.

Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông sẽ tiến hành mua sắm 13 đoàn tàu (52 toa xe) do Công ty TNHH trang thiết bị tàu điện ngầm Bắc Kinh, Trung Quốc chế tạo và sản xuất.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày