Xem “Chàng Vợ Của Em” để suy ngẫm người phụ nữ ở góc bếp và công sở, ai sung sướng hơn?

Bảo Anh, Theo Trí Thức Trẻ 14:59 02/09/2018

Đã qua rồi cái thời tầm nhìn của người phụ nữ chỉ quẩn quanh từ cổng nhà đến gian bếp. Nhưng thời nào, người phụ nữ cũng vất vả cả, Chàng Vợ Của Em đã chứng minh điều đó.

Thật khó nếu như phải so sánh xem, khi ở chốn công sở với những bộ suit gò bó, những quy tắc công việc dày đặc và khi về gian bếp nhỏ - nơi người phụ nữ phải luôn chân luôn tay với nồi niêu xoong chảo, mắm muối thì nơi nào sẽ vất vả hơn. Thế nhưng có một điều chắc chắn rằng, những người phụ nữ dẫu chân yếu tay mềm ấy, chỉ cần họ muốn thì sẽ làm được mọi điều dù có khó khăn thế nào.

Không phải ngẫu nhiên mà trong Chàng Vợ Của Em, đạo diễn Charlie Nguyễn lại đặt hai cô gái với cùng một xuất phát điểm, chơi thân và vô cùng thấu hiểu đối phương ở cạnh nhau. Có lẽ Mai (Phương Anh Đào) chính là hiện thân của những cô gái còn đang ôm đầy mộng ước về một sự nghiệp rực rỡ, còn Hà (Vân Trang) lại là một người phụ nữ của gia đình điển hình. Họ tự ngưỡng mộ, tự ham muốn cuộc sống của đối phương, bởi đó là thứ họ đang cố gắng mà chẳng tài nào có được.

Mai – Người phụ nữ trong mơ của mọi phụ nữ

Xinh đẹp, giỏi giang, độc lập và mạnh mẽ, đó là tất thảy những đức tính quý giá mà mọi người phụ nữ đều ước muốn. Thật đáng ghen tị khi mọi yếu tố đó lại xuất hiện trong chỉ một con người. Khán giả có lẽ thần tượng Mai bởi cô lúc nào cũng có thể điều khiển mọi chuyện trong tầm tay, và khi công việc đi lệch quỹ đạo, cô cũng không vì thế mà ngồi sụp xuống khóc lóc.

Phụ nữ thời đại: Chốn công sở và góc bếp, nơi nào vất vả hơn? - Ảnh 1.

Người ta sẽ thấy cô lúc nào cũng tươi cười, lúc nào cũng bận bịu với cả mớ công việc. Chuyện đi đây đi đó, làm dự án lớn của những tập đoàn có tên tuổi khiến hình ảnh cô lại thêm phần sáng hẳn lên giữa không gian lúc nào cũng mang sắc đen – xám và tối trầm mặc mà Mai được đạo diễn đặt vào.

Thế nhưng mấy ai biết được khoảnh khắc sau cả ngày dài làm việc, thứ duy nhất cô ăn là một hộp sushi mua sẵn. Ai thấy được khi cô vai giữ điện thoại, miệng trả lời sếp, tay lục tung nhà tìm đồ ăn cho chú cún cưng và mắt thì như van xin để chú cún không sủa nữa. Lại càng chẳng ai thấy được nước mắt trực trào ra khi Mai đói muốn chết nhưng lại chẳng có ai đi ăn cùng mà không mang theo công việc.

Phụ nữ thời đại: Chốn công sở và góc bếp, nơi nào vất vả hơn? - Ảnh 2.

Người ta hẳn cũng thấy được sự mạnh mẽ và quyết đoán của cô trong công việc, khi cô dám bật và nói kháy cả sếp chỉ để chứng minh ý kiến sếp phản pháo là không hợp lý. Rồi cả chuyện đáng ngưỡng mộ nhất, đó là dù có tình cảm với Mạnh (Hứa Vĩ Văn) rất nhiều, nhưng Mai quyết dứt áo ra đi ngay lập tức khi biết mình chỉ là một quân bài.

Sự tự chủ trong tình cảm như vậy có mấy người có được đâu. Thế nhưng nhìn vào cuộc sống xã hội như vậy, có lẽ họ cũng chẳng ngờ, thứ cô cần lại là một người vợ - người biết cùng cô vun vén cuộc sống, chứ không phải người cùng cô tranh đua để thăng tiến trong sự nghiệp.

Phụ nữ thời đại: Chốn công sở và góc bếp, nơi nào vất vả hơn? - Ảnh 3.

Hà hay là giấc mơ sở hữu một người bên cạnh của Mai

Lại nói về chuyện Mai muốn tìm vợ. Hà – người bạn thân cùng đi du học với Mai. Rõ ràng cả hai cùng nhận được một môi trường học tập và phát triền gần như tương đương. Rồi Mai cũng tự phải khẳng định "Mày giỏi hơn tao nhiều". Thế nhưng rồi cuộc sống Hà chọn lại là việc ở nhà chăm sóc chồng con. Mai cứ nghĩ, đấy mới gọi là cuộc sống. Mai cứ cho rằng chỉ ở nhà thì nhàn lắm, nên cứ khi bản thân mệt nhoài, cô lại tìm về với Mai để than thở.

Phụ nữ thời đại: Chốn công sở và góc bếp, nơi nào vất vả hơn? - Ảnh 4.

Hình ảnh của Hà khiến cho người ta tâm đắc hơn bao giờ hết về sự khác nhau giữa "house" và "home". Với Mai, "house" là căn nhà của riêng mình, là một căn hộ chung cư cao cấp, thứ gì cũng có, chỉ thiếu mỗi hơi ấm tình thân. Còn "home", hay hiện thân chính là Hà, là nơi cô tìm về để được vỗ về sau bao rắc rối của cuộc đời.

Phụ nữ thời đại: Chốn công sở và góc bếp, nơi nào vất vả hơn? - Ảnh 5.

Có thể tạm định danh, căn hộ chung cư lạnh tanh với đủ vỏ hộp đồ ăn sẵn, những bộ quần áo vứt lăn lóc của Mai là "nhà". Còn "mái ấm" thực sự thì không phải nơi đó. Thế nhưng Mai, hay tất cả mọi người cũng nên hiểu rằng, không phải tự nhiên "nhà" trở thành "mái ấm" được.

Hà phải bỏ cả ước mơ, lúc nào cũng đầu tắt mặt tối với cả mớ công việc không tên để vun vén gia đình. Hà cũng mệt mỏi với chính cuộc sống đó. Cô đã gắt lên với Mai vì cô không đủ thảnh thơi để lúc nào cũng nghe ca thán, bản thân cuộc sống của Hà cũng đủ rắc rối rồi. Thậm chí, Hà muốn đi làm, muốn sống như người bạn của mình, thế nhưng chính cô cũng e ngại mình tụt lùi quá lâu rồi nên cứ lần lữa mãi.

Phụ nữ thời đại: Chốn công sở và góc bếp, nơi nào vất vả hơn? - Ảnh 6.

Thực ra, chẳng nơi nào nhàn hạ, cũng chẳng nơi đâu vất vả

Nếu Mai chấp nhận bỏ sức khoẻ, bỏ tình cảm để có cuộc sống giàu có, chuyên nghiệp thì Hà cũng phải bỏ hoài bão tuổi trẻ để vun vén gia đình. Nếu Mai sống cuộc sống bị bủa vây bởi những toan tính từ đồng nghiệp, thì Hà cũng chịu cảnh không ai hiểu cho sự vất vả của mình. Nếu Mai muốn tìm một người vợ vun vén gia đình, thì Hà cũng chỉ mong một người chồng về ăn cơm đúng giờ mà không cần gọi điện để giục.

Chốn công sở và nơi góc bếp, chẳng nơi nào khiến người phụ nữ dễ thở, nhưng thực ra cũng chẳng nơi nào đánh gục được họ. Ở công sở, họ sẽ làm hết mình vì trách nhiệm, vì uy tín. Thế nhưng khi về nhà, họ lại hết mình vì một thứ cao cả hơn – đó là tình yêu thương.

Chàng Vợ Của Em khởi chiếu từ ngày 24/8/2018.