Xem "Chí Phèo ngoại truyện", nghĩ về "Làng Vũ Đại ngày ấy"

Minh Quân - Phúc Du, Theo Trí Thức Trẻ 11:14 16/09/2017

Nếu bạn đã xem phim điện ảnh "Chí Phèo ngoại truyện" lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học Chí Phèo của nhà văn Nam Cao thì hãy xem luôn "Làng Vũ Đại ngày ấy" từng là tác phẩm một thời vang bóng.

Bộ phim Chí phèo ngoại truyện của đạo diễn Danny Đỗ mới đây đã ra mắt khán giả với một cái nhìn mới cho câu chuyện kinh điển Chí Phèo của nhà văn Nam Cao.

Với sự cho phép của gia đình cố nhà văn, đạo diễn và ekip làm phim Chí Phèo ngoại truyện đã thêm thắt, biến tác phẩm kinh điển của văn học Việt thành một bộ phim hài hiện đại với các chiêu trò chọc cười khán giả trên nền tảng một vụ án điều tra.

Với cốt truyện xung quanh nhân vật chính là một gã côn đồ tên Chí hâm mộ tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao và mối quan hệ với thám tử nghiệp dư Na ở Sài Gòn năm 2017, có thể xem Chí Phèo ngoại truyện của Danny Đỗ như một bộ phim lấy cảm hứng từ tác phẩm gốc hơn là một phần "ngoại truyện".

Xem Chí Phèo ngoại truyện, nghĩ về Làng Vũ Đại ngày ấy - Ảnh 1.

Thu Trang và Tiến Luật trong "Chí Phèo ngoại truyện"

Khi xem Chí Phèo ngoại truyện, chắc chắn sẽ có một bộ phận khán giả không khỏi nhớ về Làng vũ đại ngày ấy, một tác phẩm ra đời vào những năm 80 của thế kỷ trước. Cũng là những pha trộn, biến tấu trên cơ sở chất liệu của nguyên tác nhưng tác phẩm của đạo diễn - NSND Phạm Văn Khoa lại khác hẳn với bộ phim năm 2017. Làng Vũ Đại ngày ấy chứa đựng những ý tưởng đột phá về kịch bản và dựng phim vào thời bấy giờ.

Xem Chí Phèo ngoại truyện, nghĩ về Làng Vũ Đại ngày ấy - Ảnh 2.

Áp phích phim Làng Vũ Đại ngày ấy

Bộ phim là sự pha trộn của ba danh tác nổi tiếng trước đó của nhà văn Nam Cao là Sống mòn, Chí PhèoLão Hạc. Nếu nói vui như giới trẻ bây giờ hay nói thì đây là bản cross-over đầu tiên của vũ trụ phim chuyển thể từ truyện ngắn Nam Cao.

Dù các nhân vật trong 3 truyện ngắn của nhà văn Nam Cao đến từ 3 bối cảnh khác nhau về địa lý nhưng đều có một điểm chung là đại diện cho toàn thể tình trạng nông thôn miền Bắc Việt Nam dưới chế độ thực dân nửa phong kiến. NSND Phạm Văn Khoa đã mạnh tay gộp cả bối cảnh của 3 câu chuyện khác nhau của ngòi bút Nam Cao vào cùng một bộ phim để tạo nên bức tranh khắc hoạ đầy đủ, chân thật nhất về cuộc sống nông thôn cũng như nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội thời bấy giờ.

Xem Chí Phèo ngoại truyện, nghĩ về Làng Vũ Đại ngày ấy - Ảnh 3.

Đạo diễn Phạm Văn Khoa (giữa)

Đạo diễn để cho nhân vật kể chuyện trong Lão Hạc – ông giáo Thứ đóng vai trò như nhân chứng lịch sử của ngôi làng đã sinh ra hết thảy những bi kịch của xóm làng, gia đình diễn ra hàng ngày. Giống như mũi dao mổ được đưa vào tận sâu từng lớp của nỗi đau trần thế, vạch rõ ra từng bi kịch cá nhân.

Như nhân vật Lão Hạc (nhà văn Kim Lân thủ vai), một ông già bị vắt kiệt sức lực bởi cuộc sống cô độc và nỗi nhớ con trong tuyệt vọng, chỉ có con chó Vàng làm bạn. Hay như cô Thị Nở xấu ma chê quỷ hờn do diễn viên Đức Lưu thủ vai cùng mối lương duyên với nhân vật Chí Phèo của diễn viên Bùi Cường – kẻ côn đồ với khát vọng lương thiện bị men rượu nhấn chìm.

Một gian đồ Bá Kiến với lòng tham vô đáy, miệng nam mô bụng bồ dao găm, ăn hiếp dân lành không ngượng tay. Biết bao những gì xấu xa nhất, kinh khủng nhất của xã hội phong kiến thối nát ở miền Bắc Việt Nam trước Cách mạng tháng 8 từng được Nam Cao khắc hoạ thành công trong trang viết của mình đều được Làng Vũ Đại ngày ấy thể hiện thành công không kém bằng ngôn ngữ điện ảnh.

Bên cạnh đó, bộ phim cũng được thừa nhận là bước đột phá về cảnh nóng trong phim Việt thời đó vì không thô, không phản cảm mà đầy tinh tế và khơi gợi cảm xúc. Trong bối cảnh kiểm duyệt khắt khe thời bấy giờ, cảnh Chí Phèo vồ lấy ngực Thị Nở như thế không dễ gì được chấp nhận nhưng đến cuối cùng, chính Tổng bí thư Trường Chinh đã đích thân thị giám bộ phim và yêu cầu giữ lại cảnh quay tại vườn chuối, vì "nếu cắt đi thì không còn sức biểu cảm và tính nghệ thuật cho bộ phim".

Xem Chí Phèo ngoại truyện, nghĩ về Làng Vũ Đại ngày ấy - Ảnh 4.

Quay về với Chí Phèo ngoại truyện, ngay từ những thước phim đầu, bộ phim đã đưa vào hình ảnh những đoạn trích từ bộ phim cũ năm 1982 với thông điệp bên cạnh rằng đây là một bộ phim hoàn toàn khác, không đi theo thông điệp của bản cũ và đi theo hướng hài hước, giải trí hơn.

Thật vậy, hướng đi của Chí Phèo ngoại truyện hoàn toàn khác biệt. Điểm giống nhau duy nhất chính là các nhân vật được xây dựng dựa trên những gì cốt lõi của các nhân vật nguyên tác: một gã Chí bị cuộc đời ép buộc đóng vai kẻ xấu, một cô Na vừa xấu vừa vụng về nhưng vẫn có những nét duyên riêng, hay một Thiên Bá với quyền lực dữ dội trong tay khiến nhiều người khiếp sợ.

Xem Chí Phèo ngoại truyện, nghĩ về Làng Vũ Đại ngày ấy - Ảnh 5.

Nói một cách công bằng thì Chí Phèo ngoại truyện thành công trong việc tạo ra những nhân vật thú vị, gợi được liên tưởng đến những nhân vật kinh điển của văn học. Có thể cách xây dựng câu chuyện theo hướng trinh thám pha hài hước sẽ khiến những fan của nguyên tác Chí Phèo cảm thấy xa lạ. Nhưng ở phương diện một bộ phim điện ảnh thì nó làm khá tốt phần giao thoa những cái cốt lõi và phá cách.

Nếu xem Chí Phèo ngoại truyện xong và chưa từng xem qua Làng Vũ Đại ngày ấy thì đây là một cơ hội tốt để trải nghiệm nó. Ngược lại, nếu là một người quan tâm anh chàng "Ai cho tao lương thiện" thì cũng nên xem thử Chí Phèo ngoại truyện để thấy những nhân vật được biến tấu thế nào.