Xôn xao vụ nhóm DHS vô tư văng tục trước mặt quản lý người Nhật ở chỗ làm thêm vì "tưởng không biết tiếng Việt"

Huy., Theo Phụ nữ số 23:10 16/05/2024

Ngang nhiên "nói xấu" sếp người Nhật vì nghĩ họ không hiểu tiếng Việt, nhóm du học sinh có ngay bài học nhớ đời.

Việc bất đồng về ngôn ngữ và văn hóa vốn không phải vấn đề quá xa lạ đối với các du học sinh. Tuy nhiên, thay vì tìm cách giải quyết hay cố gắng "nhập gia tùy tục", có một bộ phận thiếu ý thức lại lựa chọn dùng chính những khó khăn này làm cơ hội để thực hiện những hành vi không đàng hoàng, thậm chí sai trái gây mất thiện cảm.

Mới đây, trên một hội nhóm của cộng đồng người Việt tại Nhật xuất hiện một bài đăng phản ảnh về tình trạng một bộ phận du học sinh sang nước ngoài đi làm thêm nhưng ngang nhiên văng tục, chửi thề ngay trước mặt quản lý vì nghĩ "đối phương không biết tiếng Việt". Nguyên nhân đến từ việc sếp thường xuyên nghiêm khắc, lớn tiếng và dọa cắt lịch làm việc.

Xôn xao vụ nhóm DHS vô tư văng tục trước mặt quản lý người Nhật ở chỗ làm thêm vì tưởng không biết tiếng Việt - Ảnh 1.

Bất đồng ngôn ngữ và văn hóa là một hiện tượng không quá xa lạ với du học sinh. Ảnh minh họa

Bài học văn hóa ứng xử của du học sinh khi sang "nước bạn"

Theo như chủ nhân bài đăng chia sẻ, nhóm du học sinh này đi làm nhưng có rất nhiều tật xấu như lười, kén việc, hay ăn vụng đồ ở công ty. Đáng chú ý, trước mặt sếp thì họ luôn tỏ ra vâng lời, nhận công việc nhưng sau lưng thì ngang nhiên dùng ngôn từ tục tĩu khó nghe, thậm chí không ít lần chửi trước mặt sếp vì cho rằng sếp không hiểu tiếng nước ngoài..

Những tưởng điều không đúng đắn mình làm sẽ "sóng yên biển lặng" nhưng sau một lần phát hiện nhóm này tiếp tục ăn vụng, người sếp này đã gọi tất cả vào phòng họp để chỉ đích danh. Ông đã không ngần ngại phát lại đoạn ghi âm với những phát ngôn nặng nề từ nhóm du học sinh, đồng thời cho biết bản thân hiểu hết vì đã học cơ bản về tiếng Việt.

Xôn xao vụ nhóm DHS vô tư văng tục trước mặt quản lý người Nhật ở chỗ làm thêm vì tưởng không biết tiếng Việt - Ảnh 2.

Câu chuyện về nhóm du học sinh ngang nhiên "quăng tục" với sếp nhận được sự chú ý. Ảnh minh họa

"Họ không đuổi trực tiếp nhưng 5 bạn kia sái mặt quá nên tự nghỉ. Và bản thân mình cũng rất ngại về chuyện đó. Nên nhắc nhở các bạn mới sang hay đã lâu, đi làm thì làm cho tốt, bớt trò chộp giật nói hỗn. Nhiều bạn sang Nhật và đi làm công hay có thói quen nói xấu họ bằng tiếng nước mình thì bỏ ngay đi nhé", tài khoản này cho hay.

Câu chuyện trên nhận được sự hưởng ứng và quan tâm từ đông đảo cộng đồng mạng, đa số đều bày tỏ thái độ bức xúc cho hành động thiếu kỷ luật của nhóm du học sinh. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng cần nghe câu chuyện từ hai phía, có thể nhóm du học sinh đã sai nhưng họ cũng phải chịu nhiều áp lực khi đi học, đi làm ở một đất nước xa lạ và cũng có thể người sếp chưa chắc đã có thái độ tốt.

Mặc dù vậy, việc dùng tiếng nước mình "văng tục" trước một người nước ngoài vốn là hành vi hoàn toàn sai trái và cần phải lên án. Đồng ý sẽ có những vấn đề về cảm xúc cần giải tỏa nhưng phải lựa chọn thời điểm, không gian và đối tượng hợp lý, thay vì lợi dụng sự bất đồng ngôn ngữ để phát ngôn bừa bãi, thiếu kiểm soát.

Liệu thái độ vẫn quan trọng hơn trình độ?

Bên cạnh ý kiến xoay quanh về sự vô ý thức, nhiều tài khoản cũng thể hiện quan điểm của mình về câu nói "Thái độ quan trọng hơn trình độ". Điều này được nhận thấy rõ nhất về việc dù được học tập ở môi trường tiến bộ nhưng nhóm du học sinh trong câu chuyện vẫn cho thấy sự hạn chế về văn hóa giao tiếp, thái độ ứng xử.

"Mình luôn xem trọng thái độ nhưng cũng để tâm đến vấn đề trình độ. Tuy nhiên, kỹ năng có thể cải thiện được theo thời gian nhưng cách ứng xử thì rất khó để có thể sửa chữa. Mình hoàn toàn không đồng ý với cách ứng xử của nhóm du học sinh đó, đặc biệt khi các bạn cũng chưa thật sự làm tốt nhiệm vụ của mình", một bình luận bức xúc cho biết.

Trong suốt thời gian qua, nhiều người vẫn xem thái độ là thước đo đầu tiên của cá nhân trong công việc, chúng biểu hiện rõ ràng ở sự hợp tác, cầu tiến và tinh thần trách nhiệm. Người dù có trình độ cao và đạt được hiểu quả công việc nhưng lại có thái độ không tốt cũng dễ dàng bị đào thải và khó có thể tiến xa bởi những hạn chế về một số mối quan hệ xung quanh.

Xôn xao vụ nhóm DHS vô tư văng tục trước mặt quản lý người Nhật ở chỗ làm thêm vì tưởng không biết tiếng Việt - Ảnh 3.

Cần có sự cân bằng, dung hòa giữa thái độ và trình độ. Ảnh minh họa

Mặt khác, người có thái độ tốt lại không đồng nghĩa việc họ có thể tạo ra được giá trị cho công việc. Chính vì vậy, trình độ và thái độ cần được nhìn nhận là hai vấn đề ngang bằng, bổ trợ cho nhau trong sự phát triển của con người. Cá nhân cần có những yếu tố này và biết cách dung hoàn để không chỉ tạo ra được hiệu suất, mà còn nhận được tình yêu thương.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày