Xuân Trường: "Thầy Park phải dạy lại U23 Việt Nam như dạy cầu thủ U13 ở Hàn Quốc"

LINH ĐAN, Theo Đời sống & Pháp luật 10:05 07/03/2024

Tiền vệ Xuân Trường tiết lộ ngày mới sang Việt Nam, HLV Park Hang-seo đã chỉnh lại cho các học trò từng động tác nhỏ, điều mà vốn các cầu thủ Hàn Quốc, Nhật Bản đã được học từ lứa U13, U15.

NHỮNG NGÀY ĐẦU CỦA HLV PARK HANG-SEO

"Triết lý bóng đá của HLV Park Hang-seo và trợ lý Lee Young-jin thiên về phòng ngự phản công nhiều hơn. Đặc biệt ở thời điểm đầu, các thầy đã dành tối đa thời gian để xây dựng một hàng phòng ngự thật vững chắc trước, ưu tiên việc không thua trước khi nghĩ đến chiến thắng", Xuân Trường chia sẻ ở tập 7 XT6 podcast của mình.

Anh kể tiếp: "Những chi tiết rất nhỏ như tư thế đứng trong phòng ngự, vị trí đứng, cách đọc tình huống, nói chung là những chi tiết mà rất ít HLV đào sâu để giảng dạy đều đã được truyền đạt với đầy nhiệt huyết của các thầy.

Bản thân mình thấy, đây đúng là những điều thực sự còn thiếu của bóng đá Việt Nam. Đối với Hàn Quốc hoặc Nhật Bản thì đây là những chi tiết cơ bản mà cầu thủ nào cũng đã được học qua khi còn ở các lứa U13, U15. Nhưng ở Việt Nam, các cầu thủ không được học những thứ chi tiết như vậy".

Xuân Trường: Thầy Park phải dạy lại U23 Việt Nam như dạy cầu thủ U13 ở Hàn Quốc - Ảnh 1.

Xuân Trường được HLV Park Hang-seo sử dụng xếp đá chính ngay ở trận ra mắt tuyển Việt Nam.

Trong tập podcast lần này, Xuân Trường kể lại những ngày đầu làm việc cùng HLV Park Hang-seo tại U23 Việt Nam vào cuối năm 2017. Tiền vệ này tiết lộ trước khi thông tin được VFF công bố, anh đã được đồng đội tại Gangwon FC (K-League) báo tin về việc thầy Park sẽ tới Việt Nam làm việc:

"Mình vẫn nhớ sau một buổi tập, trong phòng tắm, các anh có báo tin đầy bất ngờ: "Biết tin gì chưa? Park Hang-seo sẽ làm HLV trưởng ĐTQG Việt Nam đấy". Mình thì chỉ ngơ ngác kiểu: "Park Hang-seo là ai?". Qua lời kể của các đồng đội tại Gangwon, mình được biết thầy Park là một người rất nghiêm khắc. Các anh cũng nói cá tính của thầy có thể giúp cho bóng đá Việt Nam. Khi đó mình nghe cũng chỉ biết như vậy".

Chỉ ít ngày sau khi được bổ nhiệm, HLV Park Hang-seo có trận đấu đầu tiên khi cùng tuyển Việt Nam đọ sức Afghanistan tại vòng loại Asian Cup 2019. Khi ấy, thời gian quá ngắn khiến ông chưa tạo ra nhiều sự thay đổi, vẫn áp dụng sơ đồ 4-1-4-1 quen thuộc dưới thời HLV Hữu Thắng và HLV tạm quyền Mai Đức Chung trước đó.

Phải đến khi bước vào quá trình chuẩn bị cho VCK U23 châu Á 2018, thầy Park mới thực sự tạo nên một đội bóng mang dấu ấn của riêng mình.

Xuân Trường: Thầy Park phải dạy lại U23 Việt Nam như dạy cầu thủ U13 ở Hàn Quốc - Ảnh 2.

HLV Park Hang-seo mang đến những thay đổi lớn cho bóng đá Việt Nam. (Ảnh: Linh Đan)

ĐẶT NỀN MÓNG CHO KỲ TÍCH THƯỜNG CHÂU

Xuân Trường nhớ lại: "Đá xong trận với Afghanistan, mình lại bay cùng chuyến với thầy Park và người đại diện của ông để về Hàn Quốc. Ở sân bay, thầy hỏi mình: "Theo cậu, bây giờ ở đội tuyển Việt Nam có những vấn đề gì mà tôi cần khắc phục?".

Mình đưa ra một số góc nhìn cá nhân, hầu hết là vấn đề liên quan đến khía cạnh bên ngoài chuyên môn. Mình có nói đến vấn đề truyền thông của đội, rồi là các vấn đề liên quan đến tác phong, đi đứng, sinh hoạt, giờ giấc, dinh dưỡng, chấn thương… vì những gì mình được trải nghiệm tại 2 CLB đang chơi tại K-League thì mình biết họ rất chuyên nghiệp trong mọi hành động, cử chỉ và lời nói".

Xuân Trường: Thầy Park phải dạy lại U23 Việt Nam như dạy cầu thủ U13 ở Hàn Quốc - Ảnh 3.

Kinh nghiệm chơi bóng tại Hàn Quốc giúp Xuân Trường tiếp thu nhanh những ý tưởng của thầy Park.

Cơ hội đến với thầy Park và ban huấn luyện khi U23 Việt Nam được mời sang Thái Lan dự giải giao hữu M-150 Cup ngay trước thềm VCK U23 châu Á 2018.

Tại đây, triết lý bóng đá ưu tiên sự chắc chắn của hàng thủ dần được HLV Park Hang-seo cùng cộng sự thiết lập. Ông cũng trực tiếp chỉnh lại cho các cầu thủ từng chi tiết nhỏ để củng cố hàng phòng ngự, và trong đó có những chỉ bảo mà cầu thủ U23 Việt Nam ít được nhận trước đây, trong khi đó đã là điều cơ bản trong đào tạo trẻ từ lứa U13, U15 của Hàn Quốc, Nhật Bản.

"Thầy Park là HLV làm việc cực kỳ chi tiết và kỷ luật. Tất cả những thứ trong phòng ngự, thầy sửa tất. Kể cả việc cầu thủ đứng sai chỉ 1-2 bước chân thôi, thầy cũng dừng lại chỉnh cho từng người.

Tư thế thân người quay bên trái, quay bên phải, trong tình huống như này mình sẽ đứng ở chỗ nào so với tiền đạo, các anh em cầu thủ đều tiến bộ rất nhanh qua từng buổi tập. Thầy yêu cầu chúng ta phải dự phòng tối đa những rủi ro có thể xảy ra dẫn đến tình huống nguy hiểm cho khung thành của mình".

"Một quan điểm của thầy Park mà mình thấy khá hay, đó là bước vào bất cứ trận đấu nào, nếu sở hữu một hàng phòng ngự vững chắc thì mình đã có cơ hội có tối thiểu 1 điểm rồi.

Rồi mãi về sau này, kể cả sau giải U23 châu Á thì dần dần đội tuyển mới chú trọng nhiều hơn vào mảng tấn công. Còn ở thời điểm đầu ấy, thầy hầu như chỉ tập trung tạo nên một nền móng vững chắc nơi hàng thủ", Xuân Trường kể lại.

Xuân Trường: Thầy Park phải dạy lại U23 Việt Nam như dạy cầu thủ U13 ở Hàn Quốc - Ảnh 4.

Bộ đôi Park Hang-seo và Lee Young-jin tạo nên lối đá phòng ngự chặt chẽ cho ĐTQG và U23 Việt Nam. (Ảnh: Linh Đan)

Tiền vệ sinh năm 1995 nói tiếp: "Với triết lý bóng đá này thì rõ ràng là tố chất của mình không quá phù hợp. Cường độ chơi bóng lúc này là cao hơn nhiều so với đội tuyển thời chú Hữu Thắng và ở Hoàng Anh Gia Lai.

Ông luôn yêu cầu là khi đối phương nhận bóng từ khoảng cách 5-10 mét, mình phải nhanh chóng sử dụng tốc độ để giữ cự ly đủ gần để không cho đối phương thoải mái tung ra những đường chuyền. Nếu để cầu thủ đội bạn thoải mái quá thì độ chính xác của những đường chuyền đó sẽ rất cao. Rồi cả những tình huống bóng hai cũng được chú trọng rất kỹ lưỡng.

Tuy nhiên thầy Park cũng không phải là HLV chơi phòng ngự cực đoan, chỉ biết phòng ngự hoàn toàn, cần những người chạy nhiều và cơ bắp để thi đấu. Bên cạnh đó thầy vẫn cần những người có khả năng điều tiết, làm chủ nhịp độ của trận đấu.

Hồi đầu mình gặp khó khăn, nhưng rồi dần dần từ giải M-150 Cup trở đi thì mình đã có thể thích nghi và lĩnh hội được những gì mà thầy Park yêu cầu. Lúc đó mình cũng vừa mới có 2 mùa giải chơi bóng tại Hàn Quốc nên cũng tiếp thu rất nhanh vì mình đã hiểu được văn hóa bóng đá tại Hàn, mình cũng hiểu tương đối những thuật ngữ trong bóng đá bằng tiếng Hàn. Chính vì vậy nên mình cũng có thể giúp các thầy truyền đạt đến anh em cầu thủ những yêu cầu từ ban huấn luyện".

Xuân Trường: Thầy Park phải dạy lại U23 Việt Nam như dạy cầu thủ U13 ở Hàn Quốc - Ảnh 5.

TRIẾT LÝ PARK – LEE: CŨ KỸ Ở HÀN QUỐC NHƯNG HỢP VỚI BĐVN

Với việc đã có 2 năm thi đấu tại Hàn Quốc cho Incheon United và Gangwon FC, Xuân Trường đánh giá thầy Park và thầy Lee khác nhiều so với những gì anh trải nghiệm ở Hàn Quốc.

"Nhìn một cách tổng thể thì thầy Lee và thầy Park là những người thuộc thế hệ cũ, đi trước khá xa so với các HLV thời mình thi đấu bên Hàn. Và đến thời điểm hiện tại thì bóng đá Hàn còn có những thế hệ HLV khác nữa. Cứ qua mỗi thế hệ thì lối chơi, triết lý bóng đá ở Hàn lại trở nên hiện đại hơn.

Vậy nên có thể nói triết lý của ông khá là cũ so với bóng đá Hàn ở thời điểm năm 2018. Lối chơi kiểu của thầy Park thuộc thế hệ cổ điển, khá là xưa rồi. Bây giờ ở Hàn họ không còn chơi kiểu như vậy nữa. Thay vào đó là những lối chơi hiện đại và phóng khoáng hơn", Xuân Trường chia sẻ.

Xuân Trường: Thầy Park phải dạy lại U23 Việt Nam như dạy cầu thủ U13 ở Hàn Quốc - Ảnh 6.

Triết lý Park-Lee mang đến thành công lớn cho bóng đá Việt Nam. (Ảnh: Linh Đan)

Dù vậy, tiền vệ này đánh giá đó lại là lựa chọn phù hợp với bóng đá Việt Nam: "Tuy nhiên, đó lại là lối chơi mà mình thấy phù hợp nhất với bóng đá Việt Nam của thời điểm đó. Và chắc chắn rồi, bóng đá Hàn Quốc cũng cần có quãng thời gian phải sử dụng triết lý này thì bây giờ họ mới phát triển mạnh như thế. Đó là khi mình cần đặt nền móng để làm cách mạng và thay đổi thì việc xây dựng tất cả mọi thứ từ móng như thế là cần thiết.

Khi thầy bắt đầu làm HLV tại Hàn Quốc, bóng đá nước này chưa mạnh như ở thời điểm hiện tại. Thầy cũng đi theo làm trợ lý cho ông Guus Hiddink nên học được rất nhiều về cách đá của một đội cửa dưới.

Về sau này, bóng đá Hàn Quốc có một vị thế khác trên đấu trường quốc tế nên họ có những yêu cầu lớn hơn. Sự thay đổi của các HLV ở từng thế hệ cũng từ đó mà hình thành. Thật sự, đặt vào tình cảnh của bóng đá Việt Nam khi đó thì cách thầy Park làm việc, áp dụng triết lý là cực kỳ khôn ngoan và đúng đắn".

Xuân Trường: Thầy Park phải dạy lại U23 Việt Nam như dạy cầu thủ U13 ở Hàn Quốc - Ảnh 7.

HLV Park Hang-seo luôn biết cách khơi dậy tinh thần nơi các học trò. (Ảnh: Như Đạt)

So sánh thầy Park với người tiền nhiệm từng dẫn dắt U23 Việt Nam là HLV Toshiya Miura, Xuân Trường cho biết:

"Cả HLV Miura lẫn thầy Park Hang-seo đều xây dựng một tập thể theo lối đá phòng ngự - phản công. Thầy Miura tập trung vào phòng ngự cùng việc xử lý bóng đơn giản, càng chơi đơn giản càng tốt.

Còn thầy Park dù chơi phòng ngự kỷ luật chặt chẽ. Nhưng về mặt trận tấn công thì thầy không quá khắt khe, gò bó, không đòi hỏi sự đơn giản. Với những cầu thủ kỹ thuật như Công Phượng hay Quang Hải, các bạn ấy vẫn có đất để tự do sáng tạo".

Xuân Trường: Thầy Park phải dạy lại U23 Việt Nam như dạy cầu thủ U13 ở Hàn Quốc - Ảnh 8.

Xuân Trường tiết lộ nhiều câu chuyện hậu trường thú vị trong podcast của mình. (Ảnh: TG)

XUÂN TRƯỜNG XIN BỎ GIẢI VÀ NHỮNG CHIÊU ĐẮC NHÂN TÂM CỦA THẦY PARK

Tại giải M-150 Cup, U23 Việt Nam thi đấu khá thành công, giành được tấm huy chương đồng sau khi đánh bại chủ nhà U23 Thái Lan. Tuy vậy, thầy trò HLV Park Hang-seo vẫn chưa nhận được nhiều kỳ vọng cho VCK U23 châu Á 2018. Dư âm của thất bại tại SEA Games 29 khiến Xuân Trường và đồng đội vẫn chưa thực sự lấy lại được niềm tin nơi người hâm mộ.

Với riêng Xuân Trường, anh thậm chí đã xin HLV Park Hang-seo được rút lui, không sang Trung Quốc dự giải. Anh kể lại:

"Thời điểm đó Hà Nội rất lạnh, cũng đúng là lúc bệnh viêm mũi dị ứng của mình đang ở giai đoạn cấp. Nó liên tục khiến mình bị đau đầu và không thể ngủ được trong một thời gian dài.

Trước khi lên đường đi Trung Quốc, cách đấy khoảng 1 tuần, mình có đến phòng thầy Park và nói rằng: "Em nghĩ em sẽ không thể tham gia được giải đấu này, bởi tình trạng sức khỏe của em đang có vấn đề. Em nghĩ mình cần phải nghỉ để đi "xử lý" cái mũi của mình sớm nhất có thể, vì nó đang ảnh hưởng đến giấc ngủ. Do đó sức khỏe của em cũng không được ổn, em sợ sẽ ảnh hưởng đến cả đội".

Thầy Park nghe xong đã thuyết phục mình rằng hãy giải quyết vấn đề ấy sau, bởi ban huấn luyện đã có kế hoạch rồi. Giải đấu cũng đang khá gần kề. Ở giải đấu này nếu đi được vào trong thì tốt, không thì cũng chỉ đi có 2 tuần thôi. Khi về mình sẽ xử lý vấn đề ấy sau.

Đó, mình hoàn toàn đã có thể bỏ lỡ giải đấu đáng nhớ ấy, một hành trình mang về rất nhiều vinh quang cho bóng đá Việt Nam và cho chính bản thân mình nếu không có sự thuyết phục của thầy Park. Đúng là duyên số, giống như việc mình không chọn bóng đá mà bóng đá đã chọn mình vậy".

Xuân Trường: Thầy Park phải dạy lại U23 Việt Nam như dạy cầu thủ U13 ở Hàn Quốc - Ảnh 9.

Xuân Trường từng suýt chút nữa vắng mặt ở giải đấu lịch sử của U23 Việt Nam. (Ảnh: HN)

Cùng với việc khích lệ riêng Xuân Trường, HLV Park Hang-seo cũng cố gắng tạo không khí vui vẻ cho toàn đội, khiến vách ngăn khoảng cách giữa HLV và cầu thủ trở gần như bị xóa nhòa.

"Mình còn nhớ sau một buổi tập của U23 Việt Nam tại Liên đoàn, thầy Park có tổ chức một minigame. Ở đó thầy thi sút bóng trúng xà với Công Phượng, ai thua sẽ phải khao pizza cả đội. Lúc đó ai nấy đều rất thích thú và cảm thấy lạ lẫm về điều này. Tuy nhiên với cá nhân mình, những điều ấy lại quá quen thuộc khi mình còn chơi bóng ở Hàn Quốc", Xuân Trường bật mí.

Công Phượng và HLV Park Hang-seo thi tài sút trúng xà ngang. (Video: VTV)

Anh kể tiếp: "Đối với mình thì là quen, nhưng có lẽ với hầu hết anh em ở đội tuyển khi đó thì mọi người cảm thấy lạ lẫm về những minigame của thầy. Bởi đây là lần đầu tiên mọi người được làm việc với ban huấn luyện người Hàn Quốc. Đấy cũng là những chi tiết nhỏ mà thầy muốn mang vào bóng đá Việt Nam, mang vào đội tuyển. Những hoạt động kiểu như vậy sẽ làm cho không khí của đội tốt hơn, đoàn kết hơn.

Ở cuối mỗi buổi tập bên Hàn Quốc, sau khi ban huấn luyện nhận xét xong thì các cầu thủ sẽ cùng đứng lại với nhau. Những người là đội trưởng, đội phó hoặc các anh lớn trong đội sẽ nhận xét, nhắc nhở và động viên cả đội trước khi giải tán.

Thầy Park cũng muốn áp dụng điều này vào bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên thì quãng thời gian đầu thầy phải thích nghi với văn hóa bóng đá và con người Việt Nam nhiều hơn. Thầy dành thời gian rất kỹ để nghiên cứu, tìm hiểu về các đặc tính của con người Việt Nam.

Thầy coi điều đó là cần thiết, vì phải hiểu về con người Việt Nam thì mới biết được nên lựa chọn hướng đi nào cho triết lý bóng đá của mình. Thầy liệt kê ra những đặc tính điển hình của người Việt Nam, bao gồm: đoàn kết, ý chí bất khuất, thông minh nhanh nhẹn, cần cù chịu khó. Đó là những đặc tính tiêu biểu của con người Việt cổ trong hơn 4.000 năm dựng nước và giữ nước.

Mình thấy việc tìm hiểu này của thầy khá hiệu quả, vì sau đó thầy đã khéo léo kết hợp những điểm hay của bóng đá Hàn Quốc và áp dụng sao cho phù hợp khi làm việc tại Việt Nam".

Và từ những sự chuẩn bị kỹ lưỡng đó, U23 Việt Nam đã tạo nên một kỳ tích không thể nào quên tại Thường Châu.

(Còn tiếp)