100.000 người Nhật bốc hơi đầy bí ẩn mỗi năm, họ đi đâu?

Skye, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 01/02/2017

Sau một thương vụ làm ăn thua lỗ, Kazufumi Kuni, một tay môi giới ở Nhật Bản đã quyết định "bốc hơi" không dấu vết, suốt từ năm 1970. Chỉ khi câu chuyện của người đàn ông này được kể lại, người ta mới vỡ ra toàn bộ sự việc.

Vì một khoản đầu tư thua lỗ 3,3 triệu USD, sếp của Kazufumi Kuni, một tay môi giới Nhật Bản đã đổ lỗi cho anh vì khoản nợ đầm đìa này. Những khách hàng bắt đầu truy lùng anh.

Một buổi sáng năm 1970, Kuni biến mất.

Lúc đầu, anh sống nhờ trên gác mái trong nhà bạn đại học. Nhưng sau đó, anh dần bốc hơi hoàn toàn, tìm được một lối đi trong thế giới của những người như mình. Kuni trở thành một phần của nét văn hóa dị biệt tại Nhật Bản, nơi có khoảng 100,000 người mất tích mỗi năm không dấu vết.

"Tôi không nghĩ về một cuộc sống mới, tôi chỉ muốn chạy trốn, vậy thôi", Kuni chia sẻ với Lena Mauger, một nhà báo điều tra về những người biến mất.

"Chạy trốn không vinh quang gì. Không tiền hay địa vị xã hội. Điều quan trọng nhất là vẫn sống sót".

100.000 người Nhật bốc hơi đầy bí ẩn mỗi năm, họ đi đâu? - Ảnh 1.

Shou Hatori, một người đàn ông cũng đã mất tích trong 9 năm ròng.

Để có thể tồn tại, Kuni phải đánh đổi sự nghiệp của mình và bắt đầu những công việc như công nhân xây dựng, rửa bát. Anh làm những công việc đó hoàn toàn chui lủi. Gia đình anh đã tìm anh trong nhiều năm nhưng cũng đã thất bại. Những tay chủ nợ cũng chấp nhận bỏ qua, ôm hận nhìn đống nợ biến mất cùng người đàn ông kia.

Chỉ đến khi 38 tuổi, sau nhiều năm trốn chạy, Kuni mới thuê một căn nhà bằng tên giả và bắt đầu lại sự nghiệp với một công ty xử lý chất thải. Tuy nhiên, ngoài công việc mình đang làm, anh còn có một công việc tay trái khác: giúp những người như anh "bốc hơi".

Chạy trốn là cách duy nhất để cứu danh dự

Kazufumi Kuni không phải người duy nhất như vậy.

Theo báo cáo, từ khoảng giữa những năm 1990, có khoảng 100,000 người biến mất mỗi năm tại Nhật Bản.

Không như các quốc gia hiện đại khác, Nhật Bản là quốc gia có xã hội kín kẽ bậc nhất thế giới, phủ bóng bởi giới yakuza. Nhờ vậy, nhiều người có thể biến mất và sống ẩn mình trong các khu ổ chuột như Sanya tại Tokyo hay Kama tại Osaka. 

100.000 người Nhật bốc hơi đầy bí ẩn mỗi năm, họ đi đâu? - Ảnh 2.

Có khoảng 100,000 người Nhật Bản bốc hơi mỗi năm.

Nhà báo Lena Mauger cho biết: "Biến mất, bỏ lại mọi thứ đằng sau từ ngày này qua ngày khác là một thế giới gì đó rất kỳ thú. Khi tôi nghe được việc 100,000 người Nhật Bản bốc hơi mỗi năm, tôi cảm thấy rất hứng khởi: biến mất tại một quốc gia hiện đại, với đầy các công nghệ tìm kiếm hiện đại, mạng xã hội...

Tôi thích ý tưởng tại Nhật Bản, thực tế còn hơn cả thế giới giả tưởng".

"Việc mất tích diễn ra tại tất cả các quốc gia. Tuy nhiên tại Nhật Bản, nó là một hiện tượng xã hội", Lena cho biết. 

"Văn hóa Nhật Bản nhấn mạnh vào tính đồng bộ, tầm quan trọng của tập thể hơn cá nhân. Và với những người không thể hòa nhập với xã hội, biến mất là cách duy nhất cho họ tìm đến tự do".

"Biến mất là cách để cứu danh dự. Có rất nhiều lý do để họ chạy trốn: ly hôn, mất việc, trượt các kỳ thi, nợ nần...Đối mặt với thất bại, nhiều người Nhật chọn cách tự tử. Những người còn lại trở thành cái bóng lầm lũi trong xã hội.

Mất tích chỉ là một dạng thức tự tử xã hội".

Đã có nhiều thời điểm trong lịch sử, việc "bốc hơi" đạt đến đỉnh điểm với rất hàng nghìn người mất tích như sau Thế chiến thứ II và hậu quả của khủng hoảng kinh tế năm 1989 và 2008.

100.000 người Nhật bốc hơi đầy bí ẩn mỗi năm, họ đi đâu? - Ảnh 3.

Một vách đá ven biển, nơi thường xuyên xảy ra tự tử tại Nhật Bản.

Một người đàn ông với tên giả Norihiro giờ đã 50 tuổi cho biết, ông đã trốn tránh xã hội đúng 10 năm. Sau khi bị phát hiện ngoại tình, mất việc, người đàn ông này quyết định chạy trốn. Vì quá xấu hổ, ông không dám nói với gia đình mình. Thay vào đó, Norihiro giả vờ đi du lịch. Ông cứ ngồi trong xe ô tô của mình, ngày này qua ngày khác tới cả tuần liền. Cuối cùng, ông đã bắt chuyến tàu tới Sanya, không một dòng thư hay lời nhắn để lại.

Giờ đây, Norihiro đang sống dưới tên giả. Ông cho biết: "Tôi không muốn gia đình tôi nhìn thấy mình trong bộ dạng này. Nhìn tôi mà xem".

"Trông tôi chẳng có gì cả. Tôi không có bất cứ thứ gì. Nếu ngày mai tôi chết, tôi không muốn bất cứ ai nhận ra tôi".

Nhà báo Lena cũng cho biết việc sống chui lủi tại Nhật Bản dễ dàng hơn các quốc gia khác vì việc giao tiếp của người dân với nhau rất hạn chế. Những người mất tích vẫn có thể tìm được việc làm, hoặc đầu quân cho yakuza, tổ chức mafia hàng đầu Nhật bản và thế giới.

100.000 người Nhật bốc hơi đầy bí ẩn mỗi năm, họ đi đâu? - Ảnh 4.

Câu chuyện về những người mất tích tại Nhật Bản của nữ nhà báo người Pháp Lena Mauger.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày