Facebook Việt điên đầu với nạn khoe Like "lừa tình"

Dũng NT, Theo Mask Online 00:01 15/06/2012

Rõ ràng, Facebook đang trở thành "mỏ vàng" thực sự đối với nhiều người qua việc mua bán Like.

Nếu sử dụng Facebook, hẳn bạn đã quen với fanpage và lợi ích của chúng. Để khởi tạo một fanpage không khó và tham gia còn dễ dàng hơn: chỉ việc bấm Like là xong. Tuy nhiên, xung quanh nút Like còn nhiều chuyện bất ngờ khi nạn mua bán Like ngày càng nở rộ hiện nay.
 
Giá trị của nút Like
 
Mấy năm trước, muốn kiếm được số lượng Like đáng kể, quản lý fanpage phải mất công sức kêu gọi bạn bè, tìm nội dung độc và update thường xuyên. Song không muốn tốn công mà vẫn đạt mục đích thì sao nhỉ? Lợi dụng kẽ hở trong quy định của Facebook, mẹo kiếm Like kinh điển được phát hiện: bắt người dùng bấm Like trước khi tham gia ứng dụng, nhờ đến website trao đổi Like hoặc mở chương trình theo phom người thứ X bấm Like sẽ nhận được phần thưởng.
 
Một trang trao đổi Like khá nổi tiếng hiện nay.
 
Chẳng phải ai cũng biết rằng, mỗi lần bấm Like như vậy sẽ kiếm được vài trăm đồng, thậm chí lên đến 1.000-2.000 đồng. Bạn đang nghĩ số tiền trên quá nhỏ đúng không nào? Nó là con số bình thường so với nhóm nhỏ nhưng hãy thử làm phép tính: nếu mỗi Like trị giá 200 đồng, với 2.000 Like thì bạn kiếm được 400.000 đồng rồi nhé. 
 
Ai là người mua Like? Đấy có thể là chủ nhân của những cửa hàng online hoặc cộng đồng non trẻ còn thiếu uy tín. Họ không ngần ngại bỏ tiền thuê người kiếm Like càng nhanh càng tốt. Và mỗi hợp đồng lớn như thế, người bán có thể thu lời cả chục triệu đồng.
 
Tin rao vặt về nhu cầu mua Like trên Google.
 
Phong trào mua bán Like xuất hiện trên thế giới từ lâu, nhưng khoảng 2 năm gần đây mới phủ sóng tại Việt Nam. Người dùng ban đầu cũng rất hững hờ với dịch vụ này. Đến bây giờ, hoạt động mua bán Like bỗng phát triển rầm rộ trên khắp các diễn đàn.
 
Mua bán Like thực sự mang lại lợi ích?
 
Theo anh Hiệp, 27 tuổi, admin một fanpage khá nổi tiếng trên Facebook chia sẻ: "Với môi trường cạnh tranh khốc liệt, để một fanpage mới thành lập thu hút cộng đồng tham gia rất khó khăn. Cũng giống khi bạn xin việc, muốn thành công thì bạn phải có hồ sơ thật đẹp. Và nếu không thì cơ hội sẽ giảm xuống đáng kể".
 
Mất bao lâu để được số Like trên nếu không ăn gian?
 
Với dân bán đồ online trên Facebook cũng vậy. Phần lớn cửa hàng chỉ bán qua mạng, càng nhiều người Like thì phạm vi khách hàng càng tăng. Nếu là trang cá nhân thì chẳng ai muốn kết bạn lung tung, nhưng trên fanpage bạn hoàn toàn thoải mái. Trên thực tế, thị trường mua bán Like đang giúp các fanpage đạt được mục đích, dù hầu hết chỉ mang tính chất trang trí và người bán Like kiếm thêm thu nhập.
 
Lợi bất cập hại
 
Không thể phủ nhận sự phiền toái do tình trạng Like ảo gây nên. Điều dễ nhận thấy nhất là khung Notification dày đặc thông báo của ứng dụng rác. Với phần lớn Facebook-er, điều này thực sự gây khó chịu bởi những tin nhắn trùng lặp, lời mời vô bổ...
 
Sâu xa hơn, chúng còn giảm bớt tính trung thực, khách quan khi bạn tham gia cộng đồng ảo. Thử tưởng tượng bạn tham gia fanpage có nhiều Like nhưng thực chất vắng tanh. Hoặc khi mua hàng qua một shop có lượng Like "khủng", bạn dám chắc tất cả đều thực hay chỉ là con số "lừa tình"?
 
 
Nếu người bán Like làm gia tăng ứng dụng nhảm trên Facebook thì người mua Like cũng phải đối mặt với nhiều chuyện đau đầu. Họ đầu tư khoản tiền lớn để tăng Like cho fanpage nhưng hiệu quả thì không ai đảm bảo (như việc trong hàng nghìn lượt Like chẳng có mấy người Việt Nam).
 
Việc mua bán Like đa phần vận hành âm thầm, không công khai. Điều này kéo theo một bộ phận thành viên Facebook coi chúng là một nghề. Nếu một ngày Facebook hạn chế khả năng trao đổi Like (như trang YouLikeHits không còn được Facebook hợp tác), hoặc phát hành những chương trình chặn ứng dụng spam thì sẽ trở thành thảm họa với dân bán Like.
 
Giống những trào lưu khác trên Facebook, kinh doanh Like đem đến lợi ích nhất định và hàng loạt tiêu cực kèm theo. Hãy nhớ rằng, làm "thật" luôn mang tới kết quả "thật" các bạn nhé.